Có một ngày đẹp trời bạn Hoàng Anh của tôi gửi cho một cái link connect gì đó. Tôi tẩn mẩn mở link, yahoo 360 plus không hiểu tại sao bắt tôi phải làm một cái blog. Tôi tò mò cứ tiếp tục làm blog và vất vả cả mấy buổi tối mới có được cái blog này. Tôi nghĩ là bạn tôi đi chơi Tam Cốc chỗ này chỗ kia chắc là sẽ post hình lên blog cho tôi xem chờ hoài không thấy tôi chán quá nên cứ post hình và chờ và viết blog. Đến nay vẫn chưa thấy bạn viết bài nào, ảnh nào. Not fair!
Mấy hôm rày, cứ nghe có con chim bay va vào cửa phành phạch. Mở cửa ra xem thì thấy có một đôi chim robin, mỏ vàng, cánh nâu, ức màu cam. Cả hai con bay chuyền cành kêu hót um sùm. Rồi tôi phát giác là có cái tổ chim ở ngay sát mái hiên ở cửa sau, cạnh cái đèn. Tôi bắt ghế đứng lên xem nhưng vì tôi “cao” quá nên đứng lên ghế mà vẫn không nhìn thấy có gì trong tổ chim hay không.
Rồi sáng nay tôi mở cửa sổ thò đầu ra ngoài thấy trong tổ có ba cái trứng màu xanh như là trứng sáo. Đúng là trứng của con robin bay va vào cửa có lẽ hụt đáp vào tổ chim.
Buổi sáng tôi đến thư viện khuân về lắm quà. Quyển 2666 của Bolano được nhiều người “điểm sách” khen nhiều và quyển sách của vị tác giả quá cố này cũng được giải thưởng sau khi ông đã mất. Quyển này nói về mấy trăm người phụ nữ ở Mexico bị giết và bỏ dọc theo đường núi. Trên đường về tôi ghé Border để xem có quyển The Noodle Maker của Ma Jian không, nếu có thì tôi không phải mua online. Một dịch giả kiêm phê bình gia ở Việt Nam hỏi tôi có thể nói về quyển này không và tôi hứa sẽ viết. Nói thì ai nói chẳng được, cứ đọc rồi nghĩ thế nào thì nói thế ấy. Ai thích thì đọc không thích thì thôi, mình cứ đăng lên blog cho ai muốn đọc thì tùy ý. Có phải dân chuyên nghiệp đâu mà lo, đúng không? Ngoài ra tôi còn khuân về mấy cái CD, nhạc của Turkey, nhạc kịch Les Miserables, hai cái CD trình tấu bằng Saxophone.
Buổi sáng đi làm, tôi thường nghe mấy bài saxophone cũ có câu “Mai em về nhà chồng quà không có biếu em.” Tiếng saxophone bao giờ cũng làm tôi liên tưởng đến những cái bar tối mù mờ, ngập ngụa mùi khói thuốc, và những mối tình ray rứt. Bài Love Story và bài Harlem Nocturnes thổi bằng saxophone nghe nhức nhối ghê lắm. Còn nhạc Turkey? Ha, tôi đọc quyển Snow của Orhan Pamuk là văn hào giải Nobel người Turkey. Tò mò muốn tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa Turkey tôi mượn thư viện một cái DVD về du lịch ở Turkey. Và nghe nhạc Turkey nhất là nhạc cổ xưa như là dân ca, trời ơi nghe lạ và hay và đôi khi vô cùng thống thiết. Để tư tưởng mình đi hoang một chút nếu mà nghe giọng hát đó bay trên những lâu đài Hồi Giáo vào những buổi rạng đông hay những đêm trăng tỏ, trời ơi chắc là mình ở gần với thiên đàng lắm. Và nếu được tận mắt xem những nhà Hồi giáo mặc toàn trắng xoay tròn với vũ điệu dervish trong những căn nhà thờ hàng ngàn năm thì chắc chắn đó là một điều tuyệt diệu không thể nào quên.
Ngoài quyển 2666 tôi còn có hai quyển của Borges, mổi quyển dày cả inch, đọc xong chắc là tôi biến thành con mọt sách. Lúc ở Border không có quyển sách của Ma Jian buồn tình tôi mua một quyển tự điển về hoa dại và cây cỏ, thế là tha hồ mà nghiên cứu.
Chiều ăn cơm, tôi uống thêm chút xíu wine. Đã lâu không uống wine, chỉ một phần tư ly mà tôi đã hơi “sứa sứa”. Thỉnh thoảng tôi thích cái cảm giác bồng bềnh, để thấy một chiều ngồi say, một thời thật nhẹ, ngày qua. Bỗng dưng âm vang đâu đó trong góc hồn ta cất thêm men rượu chếnh choáng, đời vỡ tan một phiến môi mời . . .
Trở lại chuyện tổ chim. Ngày xưa còn đi học tôi yêu thơ Phạm Thiên Thư. Dĩ nhiên là yêu Động Hoa Vàng chứ. Có một bài được Cung Tiến phổ nhạc, tôi yêu bài thơ nhưng bài nhạc nghe không hợp mấy. Bài thơ đó là bài Vết Chim Bay.
Xưa anh đi đón em.
Nơi gác chuông chùa nọ.
Còn chim nào qua đó.
Còn để dấu chân in.
Anh một mình gọi nhỏ
Em ơi biết đâu tìm
. . .
Xưa anh đi đón em
Cho tình em chớm nở
Như chân chim muôn thưở
In mãi bậc thềm rêu
Cõi đời có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tướng
Hay một vết chim bay
You must be logged in to post a comment.