Ngày 4 tháng Tư năm 2009 tôi đến Washington D. C. Mục đích chính của tôi là đi xem hoa anh đào nở. Hoa anh đào thì hầu như có khắp nơi ở Bắc Mỹ và đã dần dần lần lượt nở. Newark, thành phố lớn nhất của New Jersey, tiểu bang tôi đang ở, cũng có nhiều hoa anh đào; nhất là ở công viên Branch Brook nghe nói là có 4000 cây hoa anh đào, nhiều không kém Washington D.C. New Jersey vì ở phía bắc của Washington D. C. nên hơi lạnh hơn khoảng chừng 5 hay 7 độ F, nên hoa nở muộn hơn. Tuy nhiên lần này tôi đến D. C. không phải chỉ xem hoa anh đào nở mà còn để xem lễ hội mừng hoa anh đào (Sakura Matsuri) do người Nhật tổ chức kéo dài suốt hai tuần. Họ được phép dùng cả mấy quảng đường ở ngay trên những con đường chính rất nhộn nhịp của D. C. để trình diễn âm nhạc, nghệ thuật cắm hoa, kiếm thuật, võ thuật, và trưng bày tranh ảnh văn hóa Nhật. Người tham dự lễ hội này rất đông và đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi có trò chuyện với vài người du khách và được họ cho biết là họ đến từ Ấn Độ. Vì không có nhiều thì giờ nên tôi không thể xem tất cả những gì tôi muốn xem dù rằng tôi vẫn biết nơi đây qui tụ cả chục viện bảo tàng đồ sộ nhất và danh tiếng nhất Hoa Kỳ. Vì thế tôi giới hạn ước muốn của mình và chỉ chú trọng một vài mục tiêu. Ngoài xem hội hoa anh đào nở tôi có chủ ý muốn xem đồ gốm sứ của Việt Nam ở viện bảo tàng Freer Gallery of Art, một viện bảo tàng khá nhỏ so với các viện bảo tàng chung quanh. Điểm đặc biệt nhất của các viện bảo tàng ở Washington D. C. là hầu hết đều mở cửa miễn phí. Trong khi ở New York người vào xem các viện bảo tàng như MOMA hay MET phải trả lệ phí vào cửa khoảng hai mươi đô la.
Ngày đầu tôi đi xem hội chợ hoa anh đào. Ngày thứ nhì tôi bắt đầu ở viện bảo tàng Smithsonian National Museum of Natural History (Viện Bảo Tàng Lịch sử Thiên nhiên). Đang ngắm kiến trúc đồ sộ của viện bảo tàng tôi chợt thấy một tấm bảng giới thiệu triển lãm hoa lan. Chương trình triển lãm này có tên là “Orchids through Darwin’s Eyes” hay Quá trình tiến triển của Hoa Lan dựa trên lý thuyết của Darwin. Đứng giữa hằng vạn giống lan tôi nghĩ đến một vở cải lương rất ăn khách ở Việt Nam “Lan và Điệp” vì hễ nói đến lan thì người ta dễ liên tưởng đến bướm. Khi bước ra khỏi phòng triển lãm hoa lan tôi nhìn thấy một nhánh trong viện bảo tàng có treo lủng lẳng vài mẫu hình bướm và thú vị khám phá là ở ngay giữa phòng triễn lãm là một nhà kính chứa toàn hoa tươi và bướm. Trước đó bà chị tôi nhất quyết không chịu vào viện bảo tàng. Chị bảo là chị chỉ thích xem người hay vật còn sinh động. Viện bảo tàng chỉ là nơi trưng bày những gì đã chết hằng trăm hay hàng ngàn năm trước. Để xem cuộc triển lãm đặc biệt này khách phải trả sáu đồng và muốn ở bao lâu tùy thích. Nhà kính này có đèn thật sáng như một thứ ánh nắng nhân tạo, hơi nước được bơm vào để tạo độ ẩm nên có không khí giống mùa hè. Bên trong có rất nhiều loại hoa thơm màu rực rỡ, những loại hoa nổi tiếng là quyến rũ bướm. Người ta cũng cắt lát những loại trái cây có vị ngọt như dưa hấu, cam để bướm hút chất ngọt. Có rất nhiều bướm và nhiều loại khác nhau. Bướm bay chập chờn khắp nơi và đậu cả lên người đi xem. Vì nóng và ẩm nên không ai có thể ở lâu. Kể cả tôi là người vốn thích khí hậu mùa hè sau chừng nửa giờ đã cảm thấy ngột ngạt. Sau khi xem xong, người xem được nhắc nhở phải cẩn thận giũ áo và xách tay để phòng hờ bướm chui vào người, áo, hay túi xách tay.
Bướm là một giống côn trùng thuộc họ Lepidoptera (cánh có vảy). Khoa học gia đã ghi nhận là trên thế giới có khoảng chừng 20,000 loại bướm. Phần lớn bướm sống vùng nhiệt đới; có khoảng chừng 700 loại bướm sống ở vùng Bắc Mỹ và Bắc Mễ Tây Cơ. Người ta phân loại bướm bằng cách dựa vào cách kết cấu của đôi cánh, hay những loại cây cỏ mà bướm thường hay đẻ trứng. Chẳng hạn như milkweed butterfly vì hút nhựa của cây milkweed, swallowtails vì cánh bướm có đuôi nhọn như cánh én, brushfoot butterfly bởi vì đôi chân của chúng ngắn và giống như cái cọ. Bướm có đời sống rất ngắn ngủi từ lúc thoát xác biến thành bướm, bướm chỉ sống được hai tuần. Bướm thường bay vào lúc ban ngày nên dễ bị nhận dạng và làm hại. Bướm có công dụng gieo rắc phấn hoa giúp cây kết trái. Tuy nhiên có nhiều loài bướm trứng và sâu của nó có thể tàn phá mùa màng.
Thông thường, bướm thích mùi hương và vị ngọt của hoa và trái. Tuy nhiên loại bướm như anglewings và tortoishells thích những loại nhựa cây đã lên men, trái cây úng thối, phân súc vật và ngay cả mồ hôi của người ta vì cần chất muối.
Bướm có đời sống rất ngắn ngủi. Nếu có điều kiện thuận lợi bướm cần từ một cho đến hai tháng từ lúc còn là trứng đến lúc thành bướm. Tùy theo giống và thời tiết, ở miền Nam có thể có năm thế hệ bướm sinh ra rồi chết đi trong một năm.
Bướm có thể bay rất xa. Loại bướm Monarch bay từ Mexico đến Mỹ đường bay dài từ 2500 cho đến 3000 miles. Cuối thu Monach bay về hướng Nam và quay về hướng Bắc khi bắt đầu mùa xuân và ở cho đến cuối thu. Cũng như các loài chim thiên di và cũng giống như người di dân, mỗi cuộc thiên di bao gồm một lời hứa sẽ trở về đất tổ.