BƯỚM 2

3
4

Ảnh trên Cánh bướm xanh này thuộc họ Morpho thường thấy ở Mexico (Mễ Tây Cơ), phía Bắc của Argentina (Á Căn Đình), hay phía Nam của Brazil (Ba Tây) là một trong những loại bướm nổi tiếng đẹp nhất trên thế giới.  Màu xanh óng ả của cánh bướm không phải được cấu tạo bởi sắc tố mà do bởi nhiễu xạ và sự kết hợp của những làn sóng của ánh sáng.  Ảnh dưới là Gaudy commodore (Precis octavia, Nymphalidae) minh họa loại bướm vào mùa mưa.  Lúc trời khô bướm màu nâu sậm hơn.

Monarch (Danaus plexippus) còn gọi là milkweed butterfly nổi tiếng là loại bướm thiên di.  Vào tháng Tám chúng bay về miền Nam như Mexico hay cư trú ở miền Nam nước Hoa Kỳ như Pacific Grove Santa Cruz.  Chúng quay trở lại miền Bắc nước Mỹ vào mùa Xuân.  Chúng thường xuyên trở lại nơi chúng đã cư ngụ dù đã trải qua mấy đời bướm.  Đây là một chủ đề mà các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu.  Loại bướm này rất thích milkweed và butterfly bush.

Người Trung Hoa tin rằng bướm bay từng đôi là biểu hiện của tình yêu. Chắc là mọi người đều nhớ câu chuyện tình của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.  Khi Lương Sơn Bá đã chết vì lao phổi, Chúc Anh Đài đến trước mộ người yêu than khóc.  Trời bỗng nổi cơn giông bão, sét đánh vỡ mộ của Lương Sơn Bá ra làm đôi.  Khi Chúc Anh Đài bước vào mộ thì mộ khép lại. Sau đó người ta thấy có một đôi bướm trắng từ trong mộ bay ra.  Ngoài ra truyện cổ Trung Hoa có kể rằng: Trang Chu người sống ở Tống, tác giả bộ Nam Hoa Kinh, quan niệm vạn vật vũ trụ là một khối, không có lớn nhỏ, sang hèn, phải trái, vì tất cả chỉ là tương đối.  Triết lý của ông là hãy để cho con người tuyệt đối được tự do và bình đẳng.  Ông quan niệm sở dĩ xã hội xáo trộn vì nhân loại bị bó buộc trong khuôn khổ luật lệ và không được phát triển tự nhiên theo bản chất của mỗi người.  Có lần ông nằm mơ thấy mình hóa bướm đi chu du khắp thiên hạ không màng chuyện thế nhân.  Khi tỉnh giấc thấy mình là người ông hoang mang tự hỏi không biết mình nằm mơ hóa thành bướm hay bướm hóa thành mình.

Người Nhật xem bướm là biểu tượng của linh hồn của người ta không kể là người sống, hấp hối, hay đã khuất.  Một trong những điều dị đoan của người Nhật là nếu có một cánh bướm bay vào đậu ở phòng dành cho khách và đậu sau mành trúc, người yêu quí nhất của chủ nhà sẽ đến thăm.  Đa số những điềm dị đoan từ bướm đều là điềm không hay.  Khi Taira no Masakado, một địa chủ giàu có thuộc dòng hiệp sĩ đang bí mật tổ chức lật đổ chính quyền, thủ đô của Kyoto bị bướm tràn ngập đến độ dân cư sợ hãi cho là điềm xấu đến với Nhật Bản.

Trong quyển Memoirs of a Geisha (Hồi ký của Kỹ Nữ) của Arthur Golden có một đoạn như sau:  Hai chị em của Chiyo bàn nhau bỏ trốn trà viện.  Người chị trốn thoát nhưng không thể mang Chiyo theo.   Sau hai ba ngày chờ chị nhưng không biết tin, Chiyo đi giặt giẻ lau.  Lúc ấy có một con bướm bay chập chờn và đến đậu trên tay của Chiyo rồi chết đi.  Cho là đây là điềm của trời phật báo cho Chiyo biết vận mệnh của mình, Chiyo gói bướm vào một miếng giẻ cô bé đã giặt và dấu trong một cái hốc dưới nền nhà.   Một năm sau, Chiyo bắt đầu dậy thì và trở nên xinh đẹp.  Vì xinh đẹp nên cô bị Hatsumomo, một người kỹ nữ nổi tiếng mà Chiyo đang hầu hạ để học nghề làm geisha, lo sợ là nhan sắc của Chiyo sẽ lấn át mình nên đối xử với Chiyo rất khắc nghiệt.  Rất muốn thoát khỏi cuộc sống khốn khổ này Chiyo cầu nguyện ơn trên ban cho mình một dấu hiệu để định hướng tương lai của mình và Chiyo chợt nhớ đến cánh bướm mà cô đã đem chôn.  Khi Chiyo trở lại nơi cô đã chôn xác bướm, và mở mảnh vải mà cô đã dùng để trang liệm cánh bướm này, Chiyo ngạc nhiên là cánh bướm vẫn còn nguyên vẹn hình dáng và màu sắc.  Màu bướm gợi Chiyo nhớ đến màu áo mà mẹ cô đã mặc mỗi khi tối tối đi chơi bài với hàng xóm.  Cuộc đời của Chiyo thay đổi như một dòng suối chảy xiết trong những năm vừa qua trong khi cánh bướm như một hòn đá không hề thay đổi sắc diện.  Chiyo sờ cánh bướm thì chúng vỡ vụn.  Lúc ấy cha mẹ của Chiyo đã qua đời, còn chị của Chiyo không biết lưu lạc phương nào, Chiyo quyết định xem như quá khứ của mình đã chết. Cũng ngày hôm ấy Chiyo gặp Chairman (Giám đốc) của một công ty lớn, về sau trở thành người Chiyo yêu đến hết cuộc đời.

Nhắc đến bướm trong văn học và nghệ thuật không thể nào không nói đến vở nhạc kịch Madame Butterfly của Giacomo Puccini.  Puccini viết vở nhạc kịch này năm 1904 dựa vào một truyện ngắn và một truyện dài.  Truyện ngắn Madame Butterfly của John Luther Long viết năm 1898 và David Belasco chuyển thành kịch nói.  Truyện dài Madame Chrysanthème của Piere Loti ra đời vào năm 1887.  Tuy nhiên theo một học giả người Hoa Kỳ, Arthur Groos, cho rằng vở nhạc kịch này được dựa vào một chuyện có thật xảy ra ở Nagasaki vào những năm đầu của thập niên 1890.  Vở kịch này có ảnh hưởng rộng lớn đến nhiều vở nhạc kịch viết sau này trong đó có Miss Saigon.  Vở nhạc kịch này nói về một người geisha tên là Cio Cio San có nghĩa là Madame Butterfly hay tạm dịch là tiểu thư Bướm, đã ký hợp đồng phục vụ cho một Trung Úy Hải Quân Hoa Kỳ tên là Pinkerton.  Hợp đồng được ký 999 năm nhưng mỗi tháng có thể tái hợp đồng.  Pinkerton ái mộ vẻ đẹp ngây thơ trong trắng của Cio Cio San.  Nàng như một cánh bướm bay chập chờn và đáp xuống cành hoa duyên dáng nhẹ nhàng.  Pinkerton nhất quyết phải chiếm đoạt nàng cho dù có phải làm hỏng cánh của nàng tiên bướm.  Tuy nhiên, thật lòng ông ta chỉ muốn chăn gối tạm thời với nàng Bướm cho đến khi ông ta chính thức thành hôn với một người vợ Mỹ. Pinkerton về Mỹ ba năm không biết là Cio Cio San đã có mang với ông một bé trai.  Cuộc sống của Cio Cio San bắt đầu túng hụt và có người mai mối giúp cho nàng được kết hợp với hoàng tử  Yamadori nhưng Cio Cio San cương quyết từ chối.  Nàng tin chắc là Pinkerton sẽ cưới nàng làm vợ chính thức khi biết nàng đã mang cho ông một con trai.  Cio Cio San thà chết chứ không muốn trở về với nghề geisha. Pinkerton trở lại Nagasaki có mang theo người vợ Mỹ.  Khi Cio Cio San biết Pinkerton đã cưới vợ nàng đồng ý hy sinh giao đứa con cho Pinkerton đem về Mỹ nuôi nấng.  Để bảo vệ danh dự của mình nàng tự tử bằng thanh gươm mà ngày xưa bố nàng đã dùng để tự tử khi bảo vệ danh dự của ông.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s