Đi ngang một con phố thấy một hành lang tối và tĩnh lặng. Tôi thèm có những khoảnh khắc thấy lòng mình tĩnh lặng trong bóng tối như thế. Có ai biết chụp ảnh bên ngoài chính là chụp những phản ảnh trong lòng?
Sáng nay ngủ dậy muộn, nhìn ra cửa sổ thấy nắng xuyên qua lá màu ngọc thạch. Thảo nào Hàn Mặc Tử đã từng buột miệng, vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Thật ra so màu lá với màu xanh của ngọc thạch vẫn chưa nói hết cái đẹp của màu lá non trong nắng. Ước gì tôi có thể nắm bắt hình ảnh này qua cọ vẽ. Có dịp nào xin người đến nơi tôi ở để vẽ màu lá non dùm tôi nhé. Tôi mở cửa bước ra sân sau cây lá vẫn còn lướt thướt bởi cơn mưa chiều qua. Mùi hoa black locust thơm lừng trong nắng sớm. Tôi có cảm tưởng tôi đang ở trong rừng cây cao với lên trời xanh và tiếng chim chuyền cành thật vui tai làm lòng mình nhẹ nhàng. Ai đó bảo là nghe như Alice lạc vào xứ thần tiên. Khách đến chơi nhà, tôi vẫn thích khoe rẻo rừng sau nhà bởi vì người ta có thể có nhiều thứ nhưng không phải ai cũng có một chút xíu thiên nhiên ngay bên cạnh. Tôi là một người kỳ cục. Đi chơi xa bao nhiêu chỗ, cái mà tôi nhớ nhất ở Mariposa lại là mùi trái chín trong cái nắng nung người.
Tuần trước đi D.C. gặp chị và cô bạn thân của chị. Tôi chụp nhiều ảnh người và cảnh nhưng có lẽ vì cứ mãi chìu theo ý của mọi người tôi không chụp được tấm ảnh nào ăn ý. Dường như lúc nào tôi cũng thèm được người thân lãng quên tôi đôi chút để tôi có thể tự do nắm bắt những ý nghĩ qua những hình ảnh tôi trông thấy.
Cô bạn thân của chị hẳn là đã có một thời nhan sắc và cũng biết và khá tự hào mình là người có nhan sắc. Đến bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam tôi nhờ hai người làm người mẫu cho tôi chụp hình. Tôi đạo diễn hai người cúi mặt nhìn vào trong tường đá cẩm thạch đen, ngón tay dò theo tên khắc trên đá. Tôi muốn hai người quì gối gục đầu vào bức tường hơi nghiêng mặt để ánh sáng có thể rọi vào tường tạo ra bóng người để tôi chụp bóng nhưng . . . khổ một nỗi hai người không hiểu ý tôi muốn. Cả hai không biết, và lỗi của tôi là đã chẳng biết giải thích, là tôi muốn chụp nỗi buồn của một người đang tưởng niệm những người đã khuất, và vì thế hai người cứ xoay mặt ra để hình phải thấy mặt người.
Văn thi sĩ có lẽ hay tìm cảm hứng qua men rượu và có lẽ cũng thích cái cảm giác bềnh bồng lâng lâng khi mới vừa uống. Cái cảm giác ta bước đi trong men rượu chếnh choáng, đời vỡ tan một phiến môi mời cũng khá thi vị cho người đọc nhưng người viết có lẽ đầy đau khổ . Wine hay rượu vang, còn được gọi là bồ đào, từ thưở nào đã nổi tiếng với bài thơ Đường Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dễ uống, ít say. Và trích tiên Lý Bạch thưở nào đã nhào vào lòng sông để tìm trăng. Cảm ơn bài thơ Say Trăng của Phạm Thiên Thư.
Ngày xưa trên bến mấy trăm năm
Có gã yêu trăng nhảy tự trầm
Hồn vẫn còn theo dòng nước bạc
Mò hoài chưa thấy bóng trăng ngâm.
Đọc thơ Việt Nam quen rồi có lẽ khó mà cảm được cái hay của thơ Mỹ. Có lẽ cũng như đã quen với vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam thì khó mà thấy cái đẹp của một người phụ nữ Phi châu hay ở những bộ lạc trong rừng rậm Amazon.
“Mò hoài chưa thấy bóng trăng ngâm” nhất là chữ mò nghe thiếu chất thơ so với bài Khúc Thụy Du của Du Tử Lê.
Anh là chim bói cá
Em là bóng trăng ngà
Chỉ cách một mặt hồ
Mà muôn trùng chia xa
Hoàng Cầm đi tìm lá Diêu Bông hay chú chim bói cá của Du Tử Lê đi săn bóng trăng là hành động tuyệt vọng của người theo đuổi hạnh phúc. Lá Diêu Bông có thể có thật trong một cõi không thật, hay có thể là một sản phẩm tưởng tượng trong cõi thật. Bóng trăng ngà là một vật thể có thật nhưng quá xa tầm tay, và bóng trăng trên mặt hồ chỉ là ảnh. Mà đã là ảnh thì dù có thật cho mấy thì tự bản chất của nó cũng đã là rất ảo.
Tôi nói cuội nói nhăng gì thế nhỉ. Từ say rượu đến trăng và không biết phải kết thúc như thế nào.
Không ai trang điểm má đào
Cho ta say chết đêm nào đêm nay
Hàn Mặc Tử
Giờ này những người ở bên kia trời đang nghĩ gì, làm gì?
Ha! Có người bảo:
Nếu ta nhấm rượu hồng đào,
Cho dù say chết, như vào bồng lai
You must be logged in to post a comment.