Hàng Rào Ngăn Thỏ

Năm 1859, Thomas Austin nhập cảng 24 loại thỏ và thả vào nông trại ở tiểu bang Victoria, hiện nay Melbourne là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của tiểu bang này.  Ông tin là một châu Úc rộng như thế một ít thỏ không làm hại gì mà có thể mang thêm vẻ sinh động.  Năm 1894  thỏ lan tràn khắp Úc Châu, cắn phá mùa màng.  Sau thế chiến đệ nhất, miền Tây của Châu Úc bị dịch thỏ hoành hành, nông dân phải dựng hàng rào cá nhân và dùng mồi có thuốc độc để trừ thỏ.  Năm 1901, người ta dựng một hàng rào để ngăn chận sự lan truyền của thỏ.  Hàng rào này chạy theo hướng Bắc Nam, dài hơn 1,100 dặm, bắt đầu từ Wallal gần Eighty Mile Beach ở hướng Tây Bắc, đến bờ biển phía nam Jerdacuttup. 
 
Năm 1907, hàng rào số một được dựng xong từ Starvation Harbour đến gần Cape Kedraudren.  Hàng rào này còn có tên Barrier Fence, chưa dựng xong thì thỏ đã tràn qua.  Hàng rào số hai được dựng lên năm 1905 phía Tây của hàng rào số một, 723 dặm (một dặm tương đương 1.6 km).  Hàng rào thứ ba được dựng lên chạy theo hướng Đông Tây kết hợp với hàng rào một và hai thành hình chữ T. 

Trước khi Anh chiếm Úc Châu làm thuộc địa, đa số người sinh sống ở đây là thổ dân, được gọi chung là Aborigines, thuộc giòng họ người Torres Strait Islanders.  Lâu dần, một số ít người da trắng kết hợp với dân địa phương sinh ra một số trẻ em mang hai giòng máu.  Dân số thổ dân suy giảm trầm trọng do cuộc sống không mấy phát triển về mặt kinh tế và y tế.  Nạn dịch thỏ hoành hành do đó giới chính quyền thuộc địa tin là họ cần phải bảo vệ nhóm trẻ em có mang dòng máu người da trắng.  Họ bắt gom các trẻ em này vào trại tập trung, bắt dùng tiếng Anh, dạy nghề để làm việc phục dịch người da trắng. 

Hàng Rào Ngăn Thỏ là tên của một cuốn phim phát hành năm 2002 dựa vào quyển sách cùng tên của tác giả Doris Pilkington Garimara.  Doris thuật lại câu chuyện cuộc đời người mẹ của bà.  Câu chuyện xảy ra năm 1931, dưới sự cầm quyền của A. O. Neville người lãnh đạo chương trình bảo vệ trẻ em có nửa dòng máu trắng, Molly Craig (mẹ của Doris) cùng với người em gái tên Daisy Craig, và một người em họ tên Gracie Field, bị bắt đem về trại định cư dành cho người dân tộc.  Trại định cư này được gọi là Trại Định Cư Sông Moore. 

Molly dẫn Daisy và Gracie trốn khỏi trại tập trung.  Mặc dù Neville cho người tìm bắt về, trong nhóm người đi tìm có một người da đen rất có tài trong việc lùng bắt trẻ em trốn trại, Molly dùng trí thông minh của mình đánh lạc hướng họ và trốn thoát.  Không biết đường về nhưng Molly biết là hàng rào ngăn thỏ chạy ngang qua Jigalong làng ḿnh nên dẫn hai người em đi bộ dọc theo hàng rào để về.  Cuộc hành trình kéo dài 9 tuần, 1500 dặm đường, Molly và hai em sống sót nhờ đôi khi được sự giúp đỡ của một ít người đi rừng, đa số là ăn hay uống những gì cả ba người tìm được dọc đường gió bụi.   Neville đoán biết là cả ba sẽ lần theo hàng rào, và cho người phục sẵn, nhưng một phần vì những người này không đủ kiên nhẫn ở trong hoàn cảnh khắc nghiệt với cái nắng giết người trong sa mạc, một phần vì Molly rất khôn ngoan, và đôi khi may mắn, nên thoát.  Neville lại tung tin đồn thất thiệt là mẹ của Molly đã dọn về một làng khác có thể dùng xe lửa để đến làng ấy.  Gracie tin theo lời đồn đi về đường xe lửa nên bị bắt lại.  Molly dẫn em mình về làng, ngất xỉu dọc đường trong cái nắng sa mạc.  Nghe tiếng ó kêu trên trời, nhớ lại lời mẹ dặn là chim ó là thần nhân dẫn đường và bảo hộ mình.  Molly lần theo hướng chim về đến làng, gặp lại mẹ và bà.  Họ dẫn nhau vào trong núi sâu để trốn. 

Doris cũng bị bắt đem vào trại tập trung sống một thời gian, chưa bao giờ nghe mẹ kể lại chuyện quá khứ của bà.  Có lần trong cuộc họp mặt gia đình bà nghe dì Daisy kể lại.  Một người trong họ xác nhận là chuyện có thật và đưa cả xấp hồ sơ tài liệu chứng minh.  Doris viết lại chuyện đời của mẹ và của mình trong bộ truyện gồm ba cuốn: Caprice, a Stockman’s Daughter, Follow the Rabbit-Proof Fence, và Under the Wintamarra Tree.  

Đây là một cuốn phim rất cảm động, diễn viên không thuộc hàng danh tiếng trong làng phim ảnh Mỹ, không có cảnh khiêu dâm, không có giết người, không có bắn súng, không có chạy xe tông vào nhà hàng hay cao ốc, vậy mà vẫn làm mắt tôi dính cứng vào màn ảnh, và tôi cố ngăn không cho tiếng khóc của mình thoát ra khỏi môi.  Tôi nghĩ là tôi rất may khi tình cờ chọn cuốn phim này ở thư viện.  Tôi chưa hề nghe ai nói nhắc đến phim này, cũng chưa từng được đọc review về phim này.  Tôi nhận ra tên người đạo diễn.  Ông là người đạo diễn phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American).  Có một diễn viên tôi không biết, nhưng nét mặt ông hơi hao hao giống Christopher Plummer, sau khi xem phim tôi mới biết đó là Kenneth Branagh.  Mặt ông có vẻ lạnh nhạt, khắc khổ, dễ gây ác cảm. 

Lúc người da trắng bắt ba cô bé bỏ lên xe hơi chạy đi, hai người đàn bà, mẹ của Molly và Daisy, và mẹ của Gracie nằm lăn trên đường để khóc.  Tiếng khóc của họ không phải là tiếng khóc, nó như một tiếng tru đau đớn thống thiết của người rừng, một nỗi đau mà không ngôn từ, nước mắt nào có thể diễn tả được.  Bà của Molly ngồi ở vệ đường, cầm cục đá nện vào đầu mình và nện mãi.  Đau lòng không thể nói hết. 

Người ta bảo vệ trẻ em hai giòng máu hay đó chỉ là một cách bắt người làm nô lệ trá hình?  Neville cho người chờ sẵn trong làng chỉ cần chờ Molly về tới là bắt lại.  Cho dù anh ta có súng nhưng với lòng quyết tâm bảo vệ con mình, mẹ Molly dù chỉ có một cây gậy chuốt nhọn đã làm người lính phải bỏ chạy. 

Người ta nói rằng loài người cần được thỏa mãn chuyện cần thiết như ăn ngủ trước.  Tình yêu và những cần thiết về tinh thần là thứ yếu.  Molly và câu chuyện Hàng Rào Ngăn Thỏ đã chứng minh ngược lại.  Molly đă đặt lòng yêu mẹ, yêu làng mạc, và yêu tự do lên trên những cần thiết cá nhân.

One thought on “Hàng Rào Ngăn Thỏ”

Comments are closed.