Choosing a Stone – Chọn Đá

Bài thơ của Nancy Willard cho người đọc nhìn thấy những suy nghĩ thầm kín qua hành động nhặt đá của những người trong bài thơ.  Bài thơ này trùng hợp với nhận thức của tôi khi tôi nói rằng người ta thường nhìn thấy những gì người ta biết.  Biết ở đây tôi muốn nói là nhận dạng những gì người ta đang suy tư, một ám ảnh nào đó, hay một kỷ niệm có khi thân thiết, có khi đau đớn.  Cũng như chụp ảnh vậy, chụp gì thì cũng là chụp ý nghĩ trong tâm hồn mình.  Những chọn lựa này là những chọn lựa vô thức.  Vì sao giữa bao nhiêu là đá mà người chỉ chọn viên đá này mà không chọn viên đá kia.  Giữa muôn vàn chữ nghĩa tại sao người ta viết về chuyện này mà không viết về chuyện kia? Thằng bé với sự tò mò háo hức sinh lý của thiếu niên, người đàn ông tìm cảm giác quen thuộc ẩn dụ trong hòn đá họ chọn.  Tuy nhiên thú thật tôi không hiểu cái chọn lựa của người đàn bà trong những câu cuối cùng.  Hiểu nhưng không chắc, và sợ là mình hiểu sai ẩn dụ của tác giả. 

Dịch nhất là dịch thơ là một hành động dại dột nếu không nói là điên rồ. Tại vì nếu dịch có giỏi thì bài thơ sẽ mất một phần hồn và nếu dở thì không ai hiểu bài thơ muốn nói gì.  Tôi không có năng khiếu về thơ, chỉ thỉnh thoảng đọc một bài, có thấy hay thì vì nó có âm điệu, hình ảnh đẹp hay hợp với tâm trạng của mình.  Còn bảo phân tích hay diễn giải thì tôi chịu chết.

Ở đây tôi xin lược dịch bài thơ theo lối tôi hiểu.  Nếu có ai chỉ chỗ sai thì tôi học hỏi thêm và sửa chữa lại.  

Bản dịch bài thơ Chọn Đá

Khi thủy triều rút lui rôi, để lại đá
trên bờ cát rộng.
Thằng bé chỉ chọn những phiến đá màu đen bị chia hai bằng một đường nứt màu trắng nhuyễn như sợi tóc,
như một gói đồ quá riêng tư không thể mở ra trước mặt mọi người
Mẹ của nó chỉ thu nhặt những viên đá giống như thức ăn:
những quả trứng thật to và khoai tây bằng đá đen
và ổ bánh mì có lớp vỏ bên ngoài lạnh ngắt.

Người đàn ông này săn những viên đá trắng,
nhẵn như một quả cây không tì vết
làm cho ông có cảm giác như nó dành riêng cho bàn tay của ông.
Ông nhặt một viên đã lên, sờ dọc theo đường nứt rất nhỏ.
ném nó đi.  Người đàn bà này để dành những viên đá
sắp sửa bị tận diệt.  Mỏng như tai mèo,
chúng bóng như những đồng xu đã mòn nhẵn
để lấy hên, trong chuyến vượt thoát.

Nancy Willard sinh ngày 26 tháng Sáu năm 1936, ở Ann Arbor, Michigan.  Bà là nhà văn viết cho thiếu nhi và cũng là nhà thơ.  Năm 1982 bà được giải thưởng Newberry Medal, một giải thưởng của hội Thư Viện Phục Vụ thiếu nhi.  Bà sống ở Poughkeepsie, New York và giảng thuyết ở Đại học Vassar.  Bà tốt nghiệp ở Đại học Michigan, được giải thưởng Hopwood dành cho học sinh xuất sắc về ngành văn.  Sau đó tốt nghiệp tiến sĩ ở đại học Standford.


The tide pulls back, leaving its cargo of stones
on the broad counter of sand.
A boy takes only black stones halved with a white thread,
like a parcel too private to open.
His mother gathers stones that mimic food:
two quartz eggs and a granite potato
and a loaf of bread with a cold crust.

This man hunts the white stones,
smooth as unblemished fruit
made, he feels, for his hand alone.
He picks one up, fingers a hairline crack.
Throws it back.  This woman saves stones
on the verge of extinction.  Thin as a cat’s ear,
they shine like coins rubbed faceless
for luck, for safe crossing. 

Nancy Willard