Xem phim Under the Tuscan Sun

Đinh Hùng than rằng “Ta từng có những buổi sầu ghê gớm.”  Với tôi thì tôi từng có những buổi lười ghê gớm.  Liên tiếp hai ngày cuối tuần tôi chẳng viết được gì, đầu óc lao đao với bao nhiêu là ý nghĩ.  Khi nào tôi có hai ba ý nghĩ trong đầu mà tôi muốn viết là tôi như chai bị nghẹt cứ rót mà nước trong chai không chảy ra được.  Và tôi chỉ nằm xem phim hay nhìn lên ngọn cây ngắm trời.  Hôm nay trời rất ấm, rất đẹp.  Tôi lười đến độ không đi bộ, chỉ ngồi đó ngắm cây.  

Có một lần đã lâu, tôi tình cờ được xem một chương trình phim du lịch ở Ý trên đài TV công cộng.  Phim du lịch này có những đoạn làm tôi mê mẩn, nhất là khi đoàn người du lịch được đưa vào trong một hang động có trần rất thấp, người ngồi trên thuyền phải rạp người nằm sát xuống lòng thuyền và người đưa đường cho thuyền vào trong động bằng cách kéo một sợi dây đã được giăng sẵn.  Trong động không có đèn nhưng đủ sáng có thể nhìn thấy khung cảnh trong hang hoàn toàn nhờ phản quang (mặt trời bên ngoài động chiếu xuống nước và ánh sáng dội vào trong).  Hoàn toàn bị mê hoặc tôi chỉ muốn được leo lên phi cơ và bay sang Ý, tuy nhiên tôi không phải là triệu phú và vẫn còn phải kéo cày kiếm cơm hằng ngày do đó cách du lịch rẻ tiền nhất là đọc sách hay xem phim về du lịch.  Thư viện ở đây (New Jersey ) rất phong phú về mặt tài liệu sách vở nên tôi chạy ra thư viện mượn phim và sách truyện về Ý để xem, trong đó có quyển Under the Tuscan Sun.  Tuy nhiên tôi rất tiếc đã phải trả lại quyển sách vì đã hết kỳ hạn mà tôi chưa kịp đọc tới.  Vẫn còn thèm thuồng được đi du lịch Tuscany mà vẫn ngồi tại nhà nên tôi mượn phim Under the Tuscan Sun về xem.  Thấy phim khá hay nên xin mạn phép kể các bạn nghe.

Under the Tuscan Sun xin tạm dịch là Trong Nắng Tuscany.  Tuscany là tên một thành phố của Ý.  Hình dáng nước Ý giống chiếc ủng và Tuscany nằm ở bên trái gần cổ chiếc ủng này, thuộc về miền Tây Bắc của Ý.  Tuscany nổi tiếng có nhiều di tích lịch sử với những kiến trúc cổ thời La Mã.  Tuscany là một nơi có nhiều nắng đẹp, đồng cỏ xanh với những rặng arbor vitae (một loại thông Việt Nam gọi là trắc bá diệp) xanh quanh năm, mọc thẳng tắp, cao vút cùng với rừng ô liu bất tận.  Dầu ô liu của Tuscany nổi tiếng trên thế giới.  Trong Nắng Tuscany là một phim tình cảm dựa vào quyển tự truyện của Frances Mayer, một nhà văn San Francisco, tác giả rất nổi tiếng về du hành ký.  Frances , nhân vật trong phim, do Diane Lane thủ vai, cũng là một nhà văn, nhưng hay viết những bài điểm sách rất thẳng thắn, không ngại phê bình xấu nếu cần thiết.

Vừa mới ly dị chồng, nỗi đau vẫn còn đang nóng hổi, Frances được Patti (Sandra Oh), cô bạn thân, tặng cho một vé máy bay đi du lịch qua Ý.  Patti lo là Frances sẽ không bao giờ được phục hồi trước nỗi đau quá to lớn này. Ở Ý, Frances tình cờ nhìn thấy Bramasole, ngôi biệt thự cổ kính đang được đăng bán.  Vẻ cổ kính của ngôi biệt thự thu hút nàng mặc dù nàng không có ý muốn mua.  Tình cờ xe buýt của nàng bị chận lại vì có đàn gia súc đi trên đường và Bramasole đang ở ngay trước mặt nàng.  Tin là mình có duyên nợ với ngôi biệt thự cổ này nên Frances mua ngôi biệt thự này và ở lại Tuscany để sửa sang Bramasole.  Trong quá trình mua bán sang tên ngôi biệt thự Frances quen biết Martini và Katherine, những nhân viên của phòng địa ốc trong làng, và họ trở nên bạn của nàng.  Frances thuê một nhóm thợ người Ba Lan để giúp sửa chữa Bramasole.  Vì Bramasole hư hỏng quá nhiều việc sửa chữa kéo dài, đám thợ cũng trở nên bạn bè của Frances.  Những khó khăn trong việc sửa chữa Bramasole giúp Frances nguôi ngoai nỗi buồn.

Theo cách thể hiện trong phim thì người Ý rất lãng mạn, trữ tình, dễ yêu, và yêu rất say đắm.  Ai đã từng được xem Roman Holiday do Gregory Peck và Audrey Hepburn thủ vai chắc là cũng cảm nhận được điều này.  Có lần Frances đi mua đèn treo trên trần nhà bị một nhóm thanh niên theo đuổi, vì thích vẻ đẹp Mỹ của nàng. Túng thế Frances quàng tay một thanh niên nhận vờ anh ta là chồng, còn hôn anh để đánh lừa nhóm thanh niên kia.  Hai người quen nhau và Frances bắt đầu yêu Marcello, một người Ý rất đẹp trai ở cách chỗ nàng khoảng hai hay ba giờ lái xe cho dù nàng đã nghĩ là mình sẽ chẳng bao giờ có thể yêu lần nữa. Sau lần ly dị nàng tưởng như mình đã chết, hay ít ra linh hồn nàng đã chết.  Qua cuộc tình này khán giả sẽ gặp một màn làm tình cháy bỏng.

Patti, người đã tặng cho Frances vé phi cơ đi Ý, là người đồng tính luyến ái.  Patti đang mang thai thì, Grace, người bạn đời của Patti, vì không chịu nổi áp lực về việc sắp có trách nhiệm nuôi con nên chia tay.  Patti vì quá đau khổ nên bỏ xứ Mỹ qua Tuscany ở với Frances và sinh con ở đây.  Cuộc tình thứ nhì của Frances cũng không thành, vì hai người như hai con đò lỡ chuyến; hò hẹn nhau nhưng cứ hụt gặp nhau.  Nghe Marcello nhắn với Patti là anh nằm mơ thấy Frances mặc áo trắng, Frances ngỡ đó là một ngụ ý tiến xa hơn, như một lời cầu hôn.  Frances mặc áo trắng rất đẹp đến thăm Marcello.  Anh chàng đẹp trai này ở một thành phố ven biển với những bờ sóng trắng xóa rất lãng mạn, nơi lần đầu hai người gặp nhau.  Ở đây Frances bẽ bàng nhận ra Marcello đã có người tình mới.  Trái tim nàng lại thêm một lần tổn thương, đau đớn và tức giận Frances trở về nhà bắt gặp Pawle và cô láng giềng đang làm tình trên giường của nàng.

Pawle là một cậu bé mồ côi trong toán thợ sửa nhà cho Frances.  Pawle yêu cô bé láng giềng nhưng bị ông bố cấm đoán không cho phép hai người trẻ tuổi kết hôn với nhau.  Vì quá nghèo và không được bố mẹ chấp thuận cả hai không có một chỗ để mà yêu nhau. Một trong những lý do của sự cấm đoán này là vì anh thợ trẻ quá nghèo.  Ông bố cho rằng người ta không thể lấy nhau chỉ vì yêu nhau, bởi vì tình yêu sẽ chết trước nhất trong mỗi cuộc hôn nhân và con gái ông sẽ chẳng còn gì. Còn thêm một lý do nữa để ông bố từ chối là Pawle vốn là đứa trẻ không gia đình người thân, không phải người Ý mà là người Ba Lan.  Ở đây phim không nói nhưng có lẽ sách có đề cập đến là người Ý nhất là ở miền quê, người ta rất trọng tình gia đình.  Cha mẹ họ hàng là nơi người ta có thể nương dựa mỗi khi hôn nhân sụp đổ.

Tuy không may mắn trong tình yêu, nhưng Frances cảm động khi nhìn thấy trên đời vẫn có những mối tình chân thật như tình yêu của đôi tình nhân trẻ tuổi, Francesca đứng ra thay mặt làm thân nhân của Pawle để giúp cho đôi tình nhân trẻ tuổi được tìm thấy hạnh phúc.  Đám cưới của Pawle được tổ chức ngay trong ngôi biệt thự Bramasole mới vừa được sửa xong.

Những ngày đầu mới về Bramasole lòng Frances vẫn còn đau khổ ray rứt và ngôi biệt thự hư hỏng trầm trọng, Martini với tấm lòng nhân hậu đã giúp đỡ tinh thần Frances rất nhiều. Trong lúc tuyệt vọng Frances nói rằng nàng chỉ muốn có người để nàng có thể trổ tài nấu thức ăn cho, nàng hy vọng sẽ có đám cưới và có gia đình trong ngôi biệt thự của nàng.  Rất chân thật và rất nhân hậu, Martini nhìn Frances và nói rằng: “Thưa bà, xin bà hãy bớt buồn.  Bởi vì nếu bà cứ tiếp tục buồn như thế này tôi buộc lòng phải làm tình với bà để giúp cho bà vui.  Nhưng từ trước đến nay tôi chưa bao giờ phản bội vợ tôi cả.”  (Có lẽ người Ý với bản chất lãng mạn đa tình, họ nghĩ làm tình có thể chữa được bệnh buồn).  Martini mua tặng Frances tượng của vị thần bếp.  Ông nói tượng thần này sẽ tìm giúp Frances người để nàng nấu ăn cho.  Và ngay sau đó Frances được toại nguyện nấu ăn.  Những người được thưởng thức tài nấu ăn của Frances trước nhất là toán thợ sửa nhà của nàng.  Martini trong ngày đám cưới của Pawle đã chỉ cho Frances thấy là nàng đã toại ước.  Nàng ước có người để nàng nấu ăn cho thì đã có hàng xóm và toán thợ sửa nhà cho nàng.  Nàng ước có đám cưới thì đã có đám cưới của Pawle.  Nàng ước có gia đình thì đã có mẹ con của Patti.  Tất cả đều xảy ra trong biệt thự Bramasole.

Phim có nhiều đoạn rất cảm động.  Thí dụ như trong một lúc quá buồn Frances đã nói rằng:

“Ông có biết điều gì làm người ta ngạc nhiên nhất trong việc ly dị không?  Đó là nó đã không thật sự giết mình, như là một viên đạn bắn thẳng vào tim hay một tai nạn xe hơi.  Đáng lẽ nó phải có khả năng làm được chuyện ấy!  Khi người mình thề yêu trọn đời, nói vào mặt mình là “Tôi chẳng bao giờ yêu em,” thì đáng lẽ câu nói đó phải có sức mạnh giết mình ngay lập tức.  Để mình không phải ngày ngày thức giấc tự hỏi là tại sao mình không nhìn thấy là mình chẳng được yêu.  Như thể đầu mình là một vũng tối tăm mà không có ngọn đèn nào soi sáng cả.  Chắc là tôi biết nhưng mà tôi không dám nhìn sự thật.  Sợ hãi đã làm cho mình ngu đần đi.”

Martini trả lời:  “Chuyện này chẳng có gì là ngu ngốc cả, Bà Mayes. L’amore e cieco.”

Frances nói: “Vâng, yêu là mù quáng.  Chúng tôi cũng có một tục ngữ tương tự.”

Martinni nói:  “Xứ nào cũng có câu nói này, bởi vì nó là sự thật dù ở bất cứ nơi nào.”

Phim thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng, lãng mạn, cảnh đẹp, thức ăn hấp dẫn.  Mất hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng Frances được rất nhiều người trong làng yêu thương quí mến và cuối cùng nàng cũng tìm được người yêu mới đó là một nhà văn Mỹ có dịp đi du lịch sang Ý biết Frances đang ở Tuscany nên đến tìm.  Sách của nhà văn này đã bị Frances chê nhưng nhờ bị nàng chê mà quyển sách được nhiều người biết tiếng nên nhà văn xuất bản quyển kế tiếp. Ở đây chúng ta có thể nhìn thấy một quan niệm Đông Tây gặp nhau.  Người Tây phương quan niệm hễ cửa chính bị đóng, sẽ có những cửa sổ được mở ra.  Người Đông phương cho rằng đời người như chuyện Tái ông thất mã.  Cái mất bây giờ có thể là cái được về sau.

Ngoài Martini, Frances còn có Katherine (Lindsay Duncan) là một nữ diễn viên người Anh bắt đầu quá tuổi làm bạn.  Tính khí hơi bất thường nhưng có thân hình vệ nữ bốc cháy Katherine rất yêu đời và luôn luôn sống mãnh liệt hết mình.  Cô thường khuyên Frances “Tiếc nuối ân hận là lãng phí thời gian.  Đó là quá khứ làm cho hiện tại trở nên tàn tật.” Và “Đừng bao giờ đánh mất cái thơ ngây trẻ dại.  Đó là điều quan trọng nhất.”

Khi Frances mới dọn về cô luôn gặp một người đàn ông mang hoa đến cắm lên một bàn thờ lộ thiên.  Ông không bao giờ cười, không bao giờ chào đáp lại lời chào của Frances và nàng đã có lần ấm ức.  “Mỗi ngày tôi nhìn ông cụ mang hoa đến, và tôi tự hỏi, có phải ông ta được sinh trưởng ở đây?  Ông có đánh mất người thân yêu ở đây không?  Ông ấy không có vẻ tò mò như tôi, nhưng điều này không quan trọng.  Bây giờ thì tôi cũng là một người cô độc.”  Tuy nhiên ở cuối phim ông cụ kín đáo giơ tay chạm mũ chào đáp lại Frances làm cho nàng rất vui mừng vì sự hiện diện của nàng đã được chấp nhận như là người dân bản xứ.

Phim có nhiều đoạn khá hài hước thí dụ như đoạn bà cụ, bà nội của cô bé láng giềng, rất hay khóc.  Sau khi chồng bà chết rồi bà tìm thấy tình yêu mới qua internet.  Hai người trao đổi và trở nên đôi tình nhân e-mail vì ông ta ở một quốc gia khác, cho đến khi bà khai tuổi thật của bà thì người yêu mới không liên lạc với bà qua e-mail nữa.

Qua cuốn phim người xem sẽ thấy một thông điệp của tình yêu,tình bạn, tình láng giềng  và cái đẹp của cuộc sống.  Mất tình yêu không có nghĩa là đời mình đã tàn đã mất.  Tình yêu và hạnh phúc có thể đến muộn như câu cuối cùng Frances nói trong phim “Có những chuyện rất hay rất tốt không ai có thể ngờ sẽ xảy ra vào lúc phút cuối của một cuộc chơi.  Một điều ngạc nhiên vô cùng tuyệt diệu.”

Những đau buồn nghịch cảnh rồi sẽ qua.  Và những được mất trong cuộc đời, đời người ai cũng có, hãy cho nhau tình yêu.

4 thoughts on “Xem phim Under the Tuscan Sun”

  1. Chào chị HH. Cảm ơn chị đã viết về phim này với cả tình yêu dành cho nhà văn cùng các nhân vật trong phim. Tôi rất cảm động được tham khảo cái nhìn nữ tính của chị khi chia sẻ cùng các nhân vật trong phim. Tôi chỉ nhớ hình ảnh, khi người phụ nữ bị buộc phải rời bỏ căn nhà sau cuộc chia tay với chồng . Khi ra khỏi nhà, chị cầm lọ hoa lên, bỏ hoa lại, đổ hết nước xuống sàn nhà, cất lọ hoa vào túi. Chi tiết này báo hiệu, chị sẽ còn nhiều cuộc tình khác. Rất tinh tế.
    Đoạn cuối phim cũng hay. Khi nhân vật đến thị trấn nọ thăm chàng trai trẻ nguồi Ý, cô đi cạnh bờ biển. Sóng đánh mạnh vào bờ. Bọt trắng tung lên. Hình ảnh này báo hiệu cuộc gặp sẽ không thành. Tôi xem lại cảnh này nhiều lần mà thấy xa xót quá!
    Tôi cảm thấy các nhà văn Mỹ vô cùng nhạy cảm. Ngày trước, đọc vở kịch ”The Glass Menagerie” (Những con thú thủy tinh) của Tennessee William, tôi rất thích câu đề từ ” Tôi chưa thấy bàn tay nào dịu dàng đến vậy/ Thậm chí cả trong mưa”. Từ đó, tôi hay để ý đến những cánh tay phụ nữ khi họ cầm dù đi dưới mưa xem có đúng như nhà soạn kịch viết không. Dở hơi quá!

    Liked by 1 person

    1. Cám ơn đã chỉ thêm vài cái metaphors trong phim này. Trước khi được chỉ giáo tôi đã chẳng tự mình nhìn ra cái ẩn dụ nào cả. Tuy nhiên, cái ẩn dụ trong phim ở đoạn Frances mặc áo trắng đi tìm Marcello phải công nhận là nó có hiệu quả rất cao. Diane Lane rất đẹp trong bộ áo trắng đắt tiền nhưng rất trang nhã. Tôi chẳng biết đó là ẩn dụ nhưng khi thấy ngày hôm ấy sóng đánh vào kè đá dữ dội, tôi nhớ đã tự nhủ sóng gió như thế này thì làm sao mà hai người có thể đi dạo trên bờ biển. Chắc không đẹp đôi rồi. Tuấn nên viết một cuốn sách về ẩn dụ trong phim, tôi sẽ mua, đọc, và giới thiệu. Nếu tôi thấy trên mạng có một quyển tiếng Anh về đề tài này tôi cũng sẽ mua đọc chơi cho biết.

      Like

  2. Chào chị HH. Thực sự là tôi học được rất nhiều điều hay trong những bài viết của chị. Cảm ơn chị đã cho tôi lời khuyên. Tôi sẽ cố gắng viết. Nhưng hiện nay còn nhiều việc phải làm quá. Mà làm những việc mình không thích lắm để kiếm sống. Nhưng hằng ngày vẫn chăm sóc cái cây mà mình yêu thích. Để một ngày nào đó nó sẽ nở hoa. Chúc chị vui.

    Liked by 1 person

    1. Cám ơn Tuấn. Không phải nói chỉ để làm dáng lịch sự. Được người đọc như Tuấn thật là một vinh hạnh, lại còn được khen là học được nhiều điều hay, làm tôi cảm động. Thấy ít ra mình viết không phải chỉ những điều tào lao bá láp. Chúc vui.

      Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s