Bà Ngoại
Tôi là con muộn. Má sinh tôi khi đã luống tuổi nên lúc đó Ngoại đã qua đời. Tôi không biết, được ngoại cưng thì sướng như thế nào. Người quen, cả Mỹ lẫn Việt, đều cười nhìn nhận là Bà có thể cưng chiều cháu đến độ Bố Mẹ của cháu phải phàn nàn ghen tỵ.
Người Việt Nam mình hay nói con hư tại mẹ cháu hư tại bà. Điều này ám chỉ là bà nội hay bà ngoại, bà nào cũng nuông chìu cháu đến độ làm cháu hư hỏng. Chị tôi có con sớm nên Má sớm có cháu ngoại. Ngày còn nhỏ, có lần ghen tỵ Má cưng cháu hơn mình tôi bỏ nhà vào chùa ở mấy năm. Chị tôi bất hạnh không được bên nhà chồng thương yêu đùm bọc. Chị sinh nhiều con. Đứa nhỏ đứa lớn, đứa nào cũng được má ẳm bồng đưa võng hát ầu ơ. Thỉnh thoảng cực lòng, Má nói: “Cháu bà nội hành tội bà ngoại.” Má là người quạt than, nấu xông, xoa dầu, kho tiêu cho chị mỗi lần sinh nở. Chồng chị không ở nhà thường nên tôi hay nhìn thấy chị nghẹn ngào, mắt đỏ hoe vì tủi thân.
Tôi rời Việt Nam đã lâu, xa nhà, xa mẹ già lưng còm. Lần đầu tiên về nhà thăm Má, Má sung sướng kể chuyện được cô cháu ngoại bồng má đi tắm, lau chùi cho má lúc má bị tê liệt một thời gian vì bệnh tai biến mạch máu não. Nghe Má kể, biết là cháu thương ngoại, tôi mừng. Tôi không ngờ đó là lần cuối tôi còn gặp Má. Lắm khi tôi nghe lòng ray rứt, nghĩ mình bất hiếu không một ngày săn sóc Má lúc yếu đau.
Một trong mấy đứa cháu trai, con của chị tôi, có lần nói chuyện, “Dì Út không biết chớ Ngoại cưng cháu lắm á!” Tôi cười nhỏ, “Mày làm gì mà được cưng?” Cháu tôi cười to hơn, “Cháu đi đá banh về đói bụng bao giờ Ngoại cũng để dành thức ăn cho. Cháu hay chọc Ngoại, món nầy không ngon, Ngoại nấu bị ế con ăn dùm cho Ngoại đó.”
Đối với người ngoài chuyện không có gì đáng để kể. Trong nhà, tình bà cháu được thể hiện một cách đơn giản nhất.
Lần này thì tôi không ghen, chỉ thấy mừng cho Má.
Thêm Một Bà Ngoại Nữa
Năm 2005 về Sài Gòn tôi ở nhà bà Ngạc, bà ngoại của một người rất thân với tôi. Nhà ở Tân Định, trong một hẻm nhỏ yên tĩnh và sạch sẽ. Bà đã cao tuổi lắm, hơn chín mươi, đang bị bệnh, thể chất tuy yếu nhưng tinh thần vẫn rất minh mẫn. Dáng Bà cao, nước da trắng, tóc tuy bạc nhưng vẫn còn rất rậm. Có lẽ ngày còn xuân sắc, Bà rất đẹp.
Bố của Bà chống Pháp, cùng thời và đồng môn với cụ Hồ. Sau vì nội bộ của cụ Hồ tranh chấp quyền hành, ông bị thủ tiêu. Sau khi nước mình thống nhất rồi, thỉnh thoảng có những cán bộ rất cao cấp từ Bắc vào Sài Gòn có ghé chào Bà. Có người muốn bày tỏ lòng hiếu thuận, biếu tiền, nhưng Bà không nhận.
Về Sài Gòn, ở nhà, tôi mê những món Bà và các dì nấu cho ăn rất ngon, toàn là những món ăn đặc thù của người Bắc. Canh cua rau đay. Cà pháo. Canh cà bung. Gỏi rau muống da heo. Món đặc biệt nhất của Bà mà không ai làm ngon bằng là mắm tôm chua và mắm tôm xiết. Bà yếu, ra vào các dì nâng đỡ. Bà suốt ngày cứ hỏi chúng tôi đă ăn gì chưa. Trên bàn có chuối tiêu, bánh bèo, bánh mì, nhãn tiêu da bò…
Ba dì ở chung với Bà. Dì Cẩm, dì Oanh, và dì Lý. Cả ba dì đều không lập gia đình. Nghe kể, ngày xưa dì Cẩm khi bắt đầu tìm hiểu, có để lòng yêu một người. Vì khác tôn giáo và dì không muốn theo đạo của nhà người ta, nên dì xin rút lui. Người bạn trai của dì thương lắm, khắn khít năn nỉ một thời gian, rồi thôi. Dì Oanh người nhỏ nhắn, chắc là cũng rất xinh xắn ngày còn trẻ. Dì đã đính hôn nhưng gần ngày cưới dì từ hôn. Lý do của dì là ở với Bà, với chị em trong nhà đã quen. Dì không muốn phải theo chồng, theo tập tục nhà chồng.
Các dì phụng dưỡng Bà tỉ mỉ. Thức ăn, nước uống, thuốc men, đấm bóp, quạt hầu. Lòng hiếu thảo của các dì rất hiếm có. Hiếm thấy ở Việt Nam, càng hiếm hoi hơn ở xứ Mỹ nầy. Càng hiếm có là vì Bà không phải là mẹ ruột của các dì. Bà là vợ kế của ông Ngoại. Bà về làm dâu nhà chồng sau khi người vợ cả mất để lại một bầy con nhỏ. Người con út của ông Ngoại lúc đó chưa đầy một tuổi. Bà không có con, nhưng suốt cuộc đời Bà nuôi dưỡng thương yêu con cháu của chồng.
Các dì kể lại thành tích của Bà vừa thú vị vừa âu yếm. Rằng Bà tuy không biết đọc biết viết mà tính tiền lời tiết kiệm chính xác, vanh vách. Rằng Bà nấu thức ăn cho ông và chỉ có Bà nấu vừa miệng Ông. Một số món chỉ có Bà là người trong nhà biết nấu, cho dù Bà không nếm, cũng không ăn món đó. Rằng Bà là người sửa ống nước, thay cầu chì, bắt dây điện, leo nóc nhà chữa mái dột chứ không phải Ông.
Kể chuyện về Bà cũng là cách các dì bày tỏ lòng thương yêu.
Tôi hay nghĩ rằng Bà và các dì đã đi ngược lại thành kiến của xã hội.
Để dè bỉu đàn bà không con, người Việt Nam độc miệng nói rằng “Cây độc không trái, gái độc không con.” Hoặc là, “Có chồng mà chẳng có con, cũng bằng hoa nở đầu non một mình.” Làm như dè bỉu thế chưa đủ, người ta còn chế nhạo những người nuôi con chồng. “Tò vò mà nuôi con nhện. Đến khi nó lớn nó quện nhau đi. Tò vò ngồi khóc tỉ tê. Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đàng nào.”
Rồi còn bao nhiêu chuyện mẹ ghẻ độc ác với con chồng. Nội cái chữ ghẻ gán vào người mẹ kế cũng nói lên cái hằn học rẻ rúng. Nào chuyện Nghi Xuân Tấn Lực. Nào chuyên Tấm Cám. Xă hội Việt Nam khắc nghiệt với đàn bà. Càng khắc nghiệt hơn với những người vợ kế.
Vậy mà Bà vượt lên trên cao, qua hết những thói đời mai mỉa. Ở xứ Mỹ người ta ca tụng tấm lòng nhân từ, yêu thương con chồng của bà Maria Von Trapp, viết thành ca nhạc kịch, thành phim The Sound of Music. Bà Maria Von Trapp được đánh bóng là một nữ tu hiền lành ngọt ngào như một Mary Poppin. Mãi về sau một trong những người con bảo rằng điều này không thật. Bà Maria rất khó tính, nghiêm khắc, và lạnh lùng ít người thích đến gần. Ở Việt Nam không mấy ai để ý đến tấm lòng của bà Ngạc đã yêu con của chồng. Không nói đến, không bị chê bai dè bỉu tự nó cũng chính là một sự tán thành hay ít ra cũng chấp nhận.
Tấm lòng của Bà có được biết đến hay không, có được ngợi khen hay không là một điều không cần thiết với Bà. Miễn sao Bà có các dì và con cháu quấn quit lúc tuổi già cũng đủ.
Đem Bà và Má của tôi so với cuộc đời của người già ở Mỹ để thấy sự khác biệt về phong tục và xă hội. Ở đây con cái ít khi sống gần cha mẹ. Có người giàu tỷ phú, nhưng già và chết trong cô độc. Có tiền nhưng không mua được lòng yêu của con cháu. Má tôi mất đã lâu. Bà Ngạc vừa qua đời hôm qua trong vòng tay của các dì. Các cháu của Bà ở Mỹ cũng đã lên máy bay về đưa tang của bà.
Bà ơi, cháu biết linh hồn bà siêu thoát nhẹ nhàng. Bà yêu con cháu và được con cháu yêu đến ngày cuối cùng trong đời.