Mưa liên tiếp cả tháng nay, hầu như ngày nào cũng mưa, trong khi đó một bạn ở Hà Nội đã kêu nóng từ mấy hôm trước. Hôm nay mới sáu giờ sáng mà đã nóng như ra đồng giữa ngọ. Quần áo mùa hè tôi mang ra ủi, máng nhưng không mặc được vì ướt át, mặc váy thì ngại mưa bắn ướt chân. Ôi, ai chở mùa hè của tôi đi đâu? Sáng nay ngủ thức dậy nằm nghe chim hót trong mưa và nghe tiếng giọt nước rơi trên lá. Tôi nghĩ tôi nên thách các bạn của tôi viết một bài chú trọng vào một giác quan của các bạn như nghe, ngửi, thấy, nếm, và xúc giác (tiếng Việt dùng chữ gì đây, cứu bồ dùm coi nào!) Bạn có thể dùng hai giác quan nhưng không nên dùng ba giác quan. Anh Hưu Trí, anh là nhà văn nên tôi thách anh viết bài chỉ dùng giác quan nghe mà thôi. Nghe như Trịnh Công Sơn nghe gió thở dài, nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa.
Viết xong bài điểm sách Snow của tác giả Orhan Pamuk , văn hào giải Nobel năm 2006. Có ai biết viết văn có thể làm mình có cảm giác kiệt lực không? Tôi mất cả tháng trời đọc, ghi chép, tra cứu với quyển sách đó. Bài điểm sách dài 11 trang gần 7900 chữ. Đã gửi cho tạp chí HL bài sẽ đi trong số 106. Số báo 105 có bài về Yu Hua (một tác giả mà tôi cứ nhầm là ya ua). Tôi có thể viết thêm hai bài ngắn về Snow, tập trung về cái khăn quàng của phụ nữ Hồi giáo hay chỉ nói về biểu tượng tuyết trong quyển Snow, giới hạn mỗi bài chừng ba trang hay năm trang.
Hôm qua xem lại một phim có tên là Tango. Không đủ lời đủ chữ để viết về phim này. Bởi vì phim về dance thì phải xem. Một tấm hình có giá trị hơn cả ngàn chữ. Những bước tân kỳ, cảm xúc mê đắm, vẻ đẹp của thể xác, để một bài viết có mang ít nhiều tính chất sáng tạo chứ không phải chỉ là những ghi chép lại từ những biên khảo chắc là tôi phải nghiên cứu về tango thêm vài năm.
Một bài viết của H. A. nói về tranh đương đại. Vốn không hiểu biết về mỹ thuật, tôi cũng có ý muốn nghiên cứu thêm. Muốn học hỏi thêm nhưng nghĩ cái gì mình cũng muốn học muốn chơi mà không muốn đi làm kiếm tiền nữa! Có lần đi xem tranh ở một viện bảo tàng rất lớn ở San Francisco, tôi thấy người ta trưng bày ba bức tranh giống y hệt nhau. Ba khung màu trơn, không có hình ảnh gì cả, chỉ mỗi một màu xanh dương đậm. Không nhìn kỹ thì thấy ba khung màu có độ đậm cũng na ná nhau. Nhìn kỹ thấy đúng ra là màu của chúng cũng … na ná nhau. Mắt thường của người ta không thể phân biệt độ đậm nhạt của màu tinh vi cho lắm. Tôi thấy rất nhiều người đứng ngẩn người trước ba khung màu giống hệt nhau, nhìn một cách thành kính, trong đó có cả tôi. Tôi không biết những người khác nghĩ gì, riêng tôi tôi nghĩ: “Quái, ba cái khung màu này có gì hay có gì lạ mà được treo trên tường của một viện bảo tàng to lớn trong một vùng mà bất động sản quí hơn vàng?” Ai cũng đến đứng trước bức tranh ngắm, như để tìm xem trong cái biển màu ấy có một mỹ nhân ngư đang bơi lội vậy.