Tôi Đi Học Khiêu Vũ

Trước khi bắt đầu viết, chưa có dòng chữ nào tôi đã nghĩ đến cái tựa đề của bài viết, rồi mỉm cười tự chế diễu mình; “Tôi Đi Học Khiêu Vũ,” nghe giống như Tư Ếch Đi Sài Gòn.

Thế hệ của tôi con gái không được phép khiêu vũ, ngay cả học khiêu vũ cũng không.  Hàng xóm nhà tôi có chị thích “nhảy đầm” quá nên lén đi học, bị kéo về đánh đòn.  Chung quanh tôi là những người nghèo khó không đủ ăn.  Được đi học đã là tốn kém cho cha mẹ nói gì chuyện học khiêu vũ.  Điều này cũng dễ hiểu.  Xã hội thời ấy vẫn xem chuyện làm nghệ sĩ trình diễn ca hát là  xướng ca vô loài.  Ngồi giặt đồ cho cả nhà mà hát dăm ba câu ư ử là má tôi đã nạt cho.  “Đi học nhảy để làm gì, làm vũ nữ hả?”  Không cần phải có những phim như “Người Mỹ Trầm Lặng” nói đến những cô nữ sinh làm vũ nữ để kiếm sống nhờ vào lính Mỹ thì người mình cũng đã quan niệm xấu về bộ môn nghệ thuật này. Tôi chắc là không ít ông bố bà mẹ của thế hệ tôi đã từng mắng con gái khi biết con mình lăm le đi học nhảy đầm.

Lớn lên mỗi lần đi đám cưới tôi luôn bỏ về trước không chờ đến khi màn dạ vũ bắt đầu, chỉ vì không biết khiêu vũ.  Có nấn ná ngồi lại thì rất thấy mình nhà quê quá và buồn chán vì mình không thể làm người nhập cuộc.  Mỗi lần nghe nhạc trổi  lên, tôi thầm phân biệt đây là rumba, điệu này là chachacha, và bài này đúng là tango và tôi cảm thấy rất là ngứa … chân.  Tôi nhìn người ta bay lượn trên sàn khiêu vũ và tự nhủ thầm, tôi sẽ lập một danh sách những việc tôi cần phải thực hiện trước khi chết.  Hàng đầu tiên của cái danh sách này chỉ có ba chữ thôi.  Viết hoa.  Học Khiêu Vũ.

Có một buổi sáng tôi vào công ty và mọi người bàn tán xôn xao về một người trong ban điều hành.  Anh chàng đẹp trai, khỏe mạnh, đang đi nghỉ hè với bạn gái; buổi sáng chạy thể dục trên bờ biển bỗng gục xuống chết vì vỡ tim.  Mới nửa chừng xuân thôi.  Tôi bàng hoàng xét lại mình có rất nhiều mơ ước trong đời chưa có dịp hiện thực.  “Xuân đời chưa hưởng kịp.  Mây mùa thu đã sang.”  Tôi về nhà lấy cái danh sách những việc tôi muốn thực hiện trước khi … chết của tôi ra và nghĩ đã đến lúc tôi phải làm những gì tôi thích.  Thưở nhỏ tôi chết hụt mấy lần nên tôi luôn sống vội vàng.  Tôi sợ mình chết bất thình lình không kịp làm được những gì mình thích.  Tôi tìm kiếm sách và tài liệu phim ảnh về khiêu vũ để “nghiên cứu.”  Tôi đọc sách về các bộ môn khiêu vũ.  Tôi xem phim dạy khiêu vũ.  Và tôi xem cả phim có biểu diễn khiêu vũ, đặc biệt là Tango.  Phim đầu tiên tôi xem là The Last Tango in Paris đã làm tôi rất ngạc nhiên.  Phim chỉ có một đoạn ngắn về khiêu vũ mà không phải do đôi diễn viên chính biểu diễn.  Đôi nhân tình cãi nhau và Marlon Brando lúc ấy đang say khướt, mặt mũi trông rất ngầu, rượt cô bạn gái băng qua một sàn khiêu vũ, nơi người ta đang tranh tài Tango.  Sau khi xem nhão cả mấy cái DVD tôi mượn ở thư viện, và nhớ từng động tác của Jennifer Lopez trong Shall We Dance và Penelope Cruz trong Captain Corelli’s Mandolin trong vũ khúc Tango của hai người đẹp này, tôi quyết định ghi tên đi học.

Phim Shall We Dance là phim đã “xúi giục” tôi làm việc mà suốt đời tôi luôn có cảm giác là bị cấm.  Cũng như John Clark (Richard Gere) tôi mang tâm trạng một người đã được nhiều diễm phúc trong cuộc đời và vì thế tôi không nên đòi hỏi quá đáng.  Tôi cũng cảm thấy việc làm và những bận bịu của cuộc sống hằng ngày không lấp đầy một chỗ trống trong tâm hồn. Chỗ học khiêu vũ rẻ nhất là những lớp học đêm ở các trường trung học dành cho những người đã quá tuổi học sinh và bận mưu sinh ban ngày.  Một trong những điều kiện gia nhập lớp học là phải có bạn khiêu vũ với mình.  Điều này hơi khó khăn cho tôi nhưng tôi cứ ghi tên đại và tính sau.  Nhủ thầm không chừng gặp may sẽ có người đi học một mình.

Một trong những cái khó của phụ nữ đi học khiêu vũ là không có ai đi học cùng.  Đàn ông, cả Mỹ lẫn Việt đều không thích học khiêu vũ, nhất là loại ballroom dancing.  Thống kê cho biết đàn ông Mỹ mất sớm hơn vợ.  Các bà góa vừa buồn vừa có tiền chồng để lại không biết làm gì cho giải buồn nên đi học khiêu vũ. Ở các lớp khiêu vũ bao giờ cũng bị nạn gái thừa trai thiếu. Và không ít các bà nửa chừng xuân lén chồng đi học nhảy đầm.

Lớp khiêu vũ đầu tiên do một ông thầy người Mỹ chừng 60 tuổi dạy.  Lớp học là phòng chơi bóng rổ của trường trung học địa phương.  Trong lớp có ba phụ nữ đi học một mình.  Vì thế khi ông thầy kèm một người thì hai người kia phải tập một mình nếu không ai muốn đóng vai đàn ông.  Một trong ba người là một bà cụ khá lớn tuổi, dễ cũng đến 70 hay 75.  Bà có vẻ yếu ớt không mấy nhanh nhẹn và hình như bà dễ mất thăng bằng, tôi thấy bà loạng choạng như suýt ngã mấy lần.  Người đàn bà còn lại chưa đến 60.  Chồng bà đưa bà đến phòng học và ngồi chờ chứ không chịu tham gia.  Đôi khi tôi ngắm bà cụ già nhất đang khiêu vũ một mình.  Vũ sư bảo chúng tôi tập những bước căn bản và từng đôi đi theo vòng tròn chung quanh phòng thể thao.  Bà cụ già cũng đi vòng tròn nhưng chỉ vòng quanh cái bóng của bà.  Trông bà như một người mất phương hướng, lẫn lộn với những bước chập choạng lẻ loi.  Chồng bà chết đã lâu và bà học khiêu vũ để rèn luyện thân thể giữ thăng bằng để tránh bị ngã làm tổn thương thân thể.  Tôi chắc là để đỡ buồn.  Có lẽ chồng bà cũng là một trong những ông chồng không thích khiêu vũ.  Tôi nhìn bà cụ và thấy nao nao buồn vì chừng vài năm nữa là tôi cũng sẽ giống như bà cụ ấy.  Tôi không biết những lúc tôi tập khiêu vũ một mình tôi có vẻ lẻ loi và buồn thảm thế không.  Tôi không thể soi bóng mình vì phòng thể thao không có gắn gương trên tường như các lớp dạy khiêu vũ chuyên nghiệp.  Âu đó cũng là điều may cho tôi.  Sau tám tuần học, mỗi tuần một ngày tôi thấy không có kết quả  nên tôi ghi tên học khiêu vũ với chi nhánh của Arthur Murray, một trường dạy khiêu vũ chuyên môn có tiếng trên toàn quốc là tiền học với giá cắt cổ.  Tôi không cần phải có người đi cùng, trường sẽ cung cấp người để thực tập với tôi.

Cũng như John Clark (Richard Gere) trong Shall We Dance đã bị, tôi được dụ dỗ tham gia tranh giải cho người mới biết khiêu vũ.  Kể từ khi có chương trình TV Dancing With the Stars các trường khiêu vũ luôn khuyến khích học sinh tranh tài.  Đây là một cách làm ăn dễ kiếm tiền.  Những người muốn tham dụ cuộc thi phải tốn kém rất nhiều.  Quần áo, giày dép, và thời gian.  Tôi bị những màn Tango với những bước rất tân kỳ mê hoặc.  Cái dáng của các nữ vũ viên chân duỗi dài vô tận, lưng thật thẳng, tóc búi chignon láng mướt, cổ vươn cao với những cú quay đầu bén ngót, những bước đi thật mềm mại vương giả như bước đi của những con báo hoang, tất cả đều toát lên một vẻ gợi cảm.  Tôi mê nhịp tango vang dội như tiếng trái tim đập rộn ràng trong cơn mê đắm cực độ.  Xem Lopez trong vai Paulina khiêu vũ bài tango Santa Maria giống như xem một cuộc ái ân bằng vũ điệu.  Penelope Cruz trong milonga tango với những cú (hook) móc chân điêu luyện đã mê hoặc tôi, cũng như đã mê hoặc anh chàng đại úy Corelli với cây đàn mandolin bé tẹo, dáng dấp của một thư sinh bước vào giang hồ gió tanh mưa máu chỉ với cây sáo trên lưng. Tôi không còn biết dáng dấp mình có thô kệch giống như một con bửa củi hay không.  Không sao, tôi chỉ cần mơ mộng là đã thoát xác.  Tôi tưởng tượng mình ở sàn khiêu vũ sáng chói và trăm ngàn cặp mắt dán vào mình tôi, trang phục lóng lánh, và tôi bước nhẹ nhàng uyển chuyển của một loài báo cháy rực những khát khao.  Nhưng tôi biết số phận của tôi.  Nếu tôi tham gia cuộc thi, đi sớm về tối, chuyện đi học khiêu vũ sẽ bị lộ và tôi sẽ như một con khỉ bị xua về chuồng.  Ước gì tôi không ở trong một gia đình khắc khổ đến thế để tôi không phải lén lút dối trá như làm một điều gì đầy tội lỗi.  Phụ nữ Mỹ xem đây là một trò chơi nghệ thuật, họ hân hạnh đường hoàng hưởng thụ cái thú vui này.  Còn tôi, tôi không muốn phải giải thích tại sao tôi phí phạm quá, tại sao tôi không nghĩ đến bao nhiêu người ở quê tôi vất vả không đủ ăn.  Tuy không tham gia cuộc thi, tôi vẫn học và có tham dự một buổi thực tập tango với các lớp cao hơn.

Thấy tôi đứng một mình trong một góc tối, một vị vũ sư bảo một anh chàng Spanish lớp khác đến mời tôi ra sàn.  Tôi nghe anh chàng than phiền trời ơi, tao bị mắc kẹt với một người mới học.  Tôi thì mới, còn anh ta chưa biết dẫn tôi vì thế tôi và anh ta đi vòng tròn với những bước căn bản T-A-N-G-O.  Tôi vừa quê vừa giận chỉ muốn đạp lên chân hắn ta hay thúc cùi chỏ vào cạnh sườn của hắn một cái.  Hết vòng, dù nhạc vẫn còn, tôi xin kiếu vì đau chân và ngồi trong một góc để xem.  Cùng ngồi chung bàn có một đôi vợ chồng rất già.  Ông chồng có vẻ khỏe mạnh nhanh nhẹn hơn nhưng bà vợ thì đã rất yếu.  Hình như họ được mời đến buổi khiêu vũ này vì có con cháu tham dự.  Khi ban nhạc bắt đầu trổi một bài tango khác, ông cụ dìu bà vợ ra sàn nhảy.  Tôi ngắm đôi vợ chồng và tự hỏi làm sao họ có thể tham gia một trò chơi đòi hỏi sự dẻo dai và rất nhiều sức lực này.  Tango đòi người khiêu vũ phải hạ thấp người, đầu gối lúc nào cũng hơi rùn xuống.  Hai người đứng riêng ra một góc, ông ôm bà trong vòng tay và hai người dựa vào nhau, người chỉ hơi lắc lư nhẹ nhàng.  Họ không theo đúng nhịp điệu tango mà họ theo một nhịp điệu riêng,  Một nhịp điệu mà hai người đã rất quen thuộc, đã hằng trăm lần khiêu vũ với nhau từ những ngày còn son trẻ.  Điệu nhạc chấm dứt rồi mà hai người vẫn còn đứng đó trong vòng tay nhau lắc lư nhẹ nhàng với điệu nhạc phát xuất từ trái tim của họ.  Tôi bỗng thấy cảm động, ứa nước mắt ngưỡng mộ một mối tình lâu dài.  Không biết họ đã trải qua bao nhiêu sóng gió muộn phiền, áo xưa đã bao nhiêu lần nhầu, mà đến bạc đầu trái tim của họ vẫn còn gọi tên nhau! Bao nhiêu lần họ tha thứ cho nhau?  Họ đã dùng bí quyết gì để trải qua bao nhiêu va vấp trong cuộc đời tình yêu của họ không tan vỡ?  Khi người ta có đôi, tiếng tim đập là tiếng trống tiếng nhạc.  Có biết bao nhiêu người trong chúng ta ở chung nhà, ngủ chung giường nhưng trái tim không cùng tango?

Tôi ở học mấy tháng, đủ biết những điệu khiêu vũ phổ thông.  Ngoài học khiêu vũ tôi còn học nhận xét người chung quanh.  Người ta thường đến lớp học khiêu vũ từng đôi.  Phần lớn là những người chuẩn bị làm đám cưới.  Đôi khi người ta chỉ là bạn gặp nhau ở lớp khiêu vũ.  Ngắm họ tôi có thể nhận xét cặp nào yêu nhau.  Những người yêu nhau họ thường đi động cùng nhịp điệu.  Sau mỗi bản khiêu vũ họ cảm ơn nhau, khen ngợi nhau, và thường khẽ hôn nhau.  Người ta có thể cảm mến nhau khi hợp ý nhau trong lúc khiêu vũ, như thể chân cùng nhịp thì tim cũng cùng nhịp vậy.  Trong khiêu vũ người đàn ông phải là người “lãnh đạo.”  Tôi thường hay bị vũ sư nhắc nhở là tôi phải tập để cho người đàn ông dẫn khi tôi quá nóng nảy cứ dẫn bước khi khiêu vũ.  Gặp một người khiêu vũ giỏi hơn mình, biết cách dìu, cách đỡ, cách phô trương, cách lèo lái mình dễ sinh lòng cảm mến.  Không ít lần tôi nhìn băng qua sân khiêu vũ, nghe trái tim cằn cỗi của mình hát vang vài câu hát.  “I can hear the sound of violin, long before it begins.  Make me thrill as only you know how, sway me smooth, sway me now …”

Khiêu vũ là một nghệ thuật.  Khiêu vũ cũng là thể thao.  Học khiêu vũ không phải là một tội lỗi, tuy nhiên nó có thể là môi trường để sinh sản những điều kiện không hay vì đam mê có thể vượt quá giới hạn, nếu những người đi học khiêu vũ (một mình ) không có hạnh phúc, hay hạnh phúc đã bắt đầu rạn vỡ từ trước khi nhập cuộc.

4 thoughts on “Tôi Đi Học Khiêu Vũ”

  1. Chào Bà Tám, bài viết của bạn rất sinh động và lãng mạn. Mình năm nay 24 tuổi, cũng yêu âm nhạc và khiêu vũ nhưng chưa học khiêu vũ bao giờ:)). Nhờ bạn có thể tư vấn mình nên học khiêu vũ gì để dễ giao lưu. Nếu bạn biết nơi nào dạy tốt ở Sài Gòn thì xin hãy chỉ mình luôn. Mình xin cảm ơn rất nhiều!

    Liked by 1 person

    1. Cô hiện đang ở Hoa Kỳ nên không biết chỗ nào có thể dạy tốt ở Sài Gòn. Cháu thử xem các quảng cáo thương mại trên báo và trên mạng rồi chọn theo ý thích. Cô nghĩ nếu cháu chỉ học để chơi cho biết chứ nếu không để thi tài hay trở thành vũ công thì chỗ nào cũng được miễn gần nhà và vừa túi tiền. Chúc cháu vui và mau biết khiêu vũ.

      Like

      1. Vâng cháu cảm ơn cô rất nhiều vì lời khuyên của cô và các bài viết thật hay và cổ điển của cô. Rất vui được nói chuyện với cô và chúc cô luôn sức khỏe! Mong là cô sẽ tiếp tục viết đều đặn!!

        Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s