Tango – Scent of a Woman

Suốt ngày hôm qua tôi chẳng làm gì (có ích lợi).  Đọc tiếp (lần thứ nhì, ghi chú đầy chừng mấy chục cái index card) quyển Snow, chỉ còn vài trang nữa là đọc xong.

Nghe nhạc.  Nhạc Việt Nam nghe rầu rã ruột.  Một bài của Trần Quảng Nam “Chờ người đến cơn mưa dường như không dứt, mùa mưa vẫn còn.”  Mưa ở đây cũng không dứt, dây dưa mãi chừng như sắp làm cho … thối đất.  Nghe bài To be by Your Side của Nick Cave do chính tác giả hát.  Bài này là một bài hát đệm trong phim Winged Migration. Một phim tài liệu về các loài chim làm những cuộc thiên di hằng năm, bay cả ngàn dặm, có khi cả chục ngàn dặm, vượt đại dương, và dĩ nhiên có nhiều khi chết giữa chuyến đi.  Những lần xem chim hay bướm thiên di tôi vẫn hay liên tưởng đến dân tộc tôi cũng vượt biển đi tìm cuộc sống. Bài hát quyến rũ tôi bằng tiếng khánh dạo đầu, tiếng gõ nhịp nghe như tiếng tim đập mạnh của loài chim bay kiệt sức, và lời hát như lời của người (tình) hứa sẽ về hay.  Vượt vạn dặm chỉ để ở một đêm bên cạnh người để hỗ trợ tinh thần và ngày mai sẽ lên đường dung rủi với định mạng. “For I know one thing, love comes on a wing, for to night I will be by your side, but tomorrow I will fly.”  Bởi vì tôi biết một điều, tình yêu đến trên đôi cánh, và đêm nay tôi sẽ ở bên em/anh, nhưng ngày mai tôi sẽ bay đi.

Xem phim.  Đã xem, thật ra là xem lại, Moulin Rouge (Nhà máy xay bằng gió màu đỏ).  Scent of a Woman (Mùi đàn bà).  Hiện có trong tay những phim sau đây đang chờ xem lại: Captain Corelli’s Mandolin (Cây đàn Măng đô lin của đại úy Corelli), Shall We Dance (Chúng ta khiêu vũ nhé), Tango, Chicago, The Last Tango in Paris (Bài Tango Cuối Cùng ở Paris).  Tất cả những phim này tôi đã xem.  Một điểm chung của chúng là phim nào cũng có một màn Tango rất … “hot.”  Còn một phim nữa cũng có Tango đó là một phim của về Điệp viên 007 James Bond, Never Say Never, nếu tôi nhớ không lầm, trong đó diễn viên Kim Bassinger và Sean Connery làm một màn Tango cũng khá đẹp mắt, nhưng tôi quên không mượn ở thư viện.  Tuy tất cả đều có xen vào một màn Tango nhưng không bài Tango nào giống bài Tango nào cả.

Xem Moulin Rouge trước, nhưng lại muốn nói về phim Scent of a Woman trước.  Cả hai phim đều rất hay.  Mouline Rouge là một phim tình cảm lãng mạn, rất có nhiều màn hấp dẫn, trang phục hào nhoáng của giới trình diễn trên sân khấu và các màn vũ can can rất đẹp mắt.  Tuy nhiên Scent of a Woman thu hút tôi nhiều hơn vì phim chất chứa nhiều loại tình cảm trong đó có phẫn hận, tiếc nuối, ăn năn, lỗi lầm, cao ngạo, tình người, lòng nhân hậu, phẩm cách, etc.

Scent of a Woman, dịch sát nghĩa là Mùi của một người đàn bà.  Mùi thì không nhất định phải thơm.  Một hàm ý rất trần tục, đầy nhục dục, và rất thực tế.  Tôi muốn dịch là Mê Hương nghe nhẹ nhàng hơn nhưng lại thiếu cái tính chất rất thực tế, rất … người.  Mùi đàn bà là một thứ mùi rất quyến rũ.  Đã biết là mê.  Xin lỗi bạn đọc nào tình cờ đi ngang đây vì những lời sống sượng này nhé.

Người mê mùi đàn bà trong phim là Frank Slade một Lieutenant Colonel (cấp bậc này là Trung tá phải không?) do Al Pacino thủ vai.  Frank là một quân nhân đã về hưu, nghiện rượu, tính tình cộc cằn, khó chịu, dở dở điên điên.  Ông hiện đang sống chung với gia đình của một người cháu gái.  Cô cháu cần phải đi về thăm gia đình chồng nhân dịp lễ Tạ Ơn và vì thế cần có người trông chừng ông.  Sau một tai nạn trong khóa huấn luyện quân sự mắt ông dần dần bị mù.  Bị mất thị giác nên cách ông thưởng thức cái đẹp của một người phụ nữ chỉ còn lại khứu giác.  Dĩ nhiên là còn xúc giác nhưng đâu phải lúc nào người ta cũng được phép đụng vào người đàn bà.

Charlie Simms do Chis O’Donnel, một diễn viên có gương mặt rất ngây thơ, nhân hậu, và rất đẹp trai, thủ vai; là một học sinh nghèo.  Đang học ở một trung học gần đấy, vì muốn có tiền về thăm nhà vào dịp Giáng sinh, Charlie nhận lời trông chừng ông Trung tá mù rất khó tính, rất quậy, chửi thề như phu bến tàu, ngạo mạn, nóng nảy, hung hăng.  Charlie đến làm việc trong tâm trạng rối bời do một việc mới xảy ra trước đó.  Charlie tình cờ cùng với George một bạn học tình cờ chứng kiến một nhóm học sinh tổ chức trò quấy rối để chọc giận và hạ nhục vị hiệu trưởng tên Trask.  Ba học sinh đã cho plaster (một loại bột gồm có thạch cao và cát vôi dùng để tô lên vách tường) vào bong bóng treo lên cột đèn ngay bên trên chỗ đậu xe của hiệu trưởng) trên bong bóng có hình ảnh tục tĩu chế nhạo Trask là một người ham quyền thế, cao ngạo, thượng đội hạ đạp, học sinh tuy sợ nhưng không kính trọng.  Đây là một trung học rất danh tiếng đa số là học sinh là con nhà giàu có chức phận.  Charlie được học trong trường này nhờ học bổng.  Ba học sinh này chờ cho Trask lái xe đậu vào chỗ dành riêng cho ông ta, cho bơm bong bóng phồng lên, và dùng loa phóng thanh của nhà trường đọc những câu thơ rất tếu để trêu ngươi ông hiệu trưởng.  Mác kế đám học sinh quỷ quái, Trask leo lên thành xe, dùng chìa khóa đâm thủng bong bóng và vì thế plaster đổ tung tóe lên xe, lên đầu ông hiệu trưởng.  Biết là Charlie và George có thể nhận dạng ba học sinh này, Trask dùng áp lực bắt George và Charlie phải khai.  Bố của George là người có thế lực nên có thể giúp con của ông ta thoát khỏi áp lực của Trask.  Charlie là học sinh nghèo, sống với mẹ và bố dượng, nếu không khai thì sẽ mất học bổng và bị đuổi học, nếu khai thì sẽ bị bạn học tẩy chay.

Frank Slade không báo trước, bắt Charlie phải hộ tống ông ta đi thăm gia đình người anh của ông trong dịp lễ tạ ơn.  Vì thái độ thô lỗ cộc cằn của ông cả gia đình anh ông trong đó có vài người con trai của người anh đã không nhịn lời.  Qua những lời phản pháo của Randy, cháu của Frank, Charlie được biết Frank bị mù vì tai nạn do ông biễu diễn lựu đạn trong cơn say và vì bản tính kiêu ngạo của ông.  Lời qua tiếng lại chỉ có Charlie lên tiếng bênh vực Frank vì bản tính nhân hậu và có lẽ cũng do lối giáo dục gia đình, Charlie quan niệm trong lễ tạ ơn, mọi lỗi lầm nên được tha thứ và tình gia đình phải được tôn trọng.

Những diễn biến xảy ra dần dần giúp Charlie, một thanh niên rất nhạy cảm, nhận thấy Frank không phải là người xấu.  Thái độ không hay của Frank là do bởi ông bị trầm cảm với sự tật nguyền của mình và những ray rức vì những điều đáng tiếc xảy ra do bản tính kiêu ngạo của ông.  Frank dự định hưởng thụ lần cuối cùng sau đó sẽ tự tử vì thế trong chuyến đi để thăm người anh lần chót Frank đã dùng tất cả tiền dành dụm để sống thật xa hoa.  Đặt phòng trọ trong Waldorf-Astoria, ăn nhà hàng đắt tiền, mỗi cái hamburger trị giá 24 đô la, uống rượu whiskey như hũ chìm, đặt gái ngủ hạng sang, đặt vài bộ com lê có thợ đến tận phòng để đo, di chuyển bằng limousine và máy bay vé hạng nhất, và Frank thực hiện được một mơ ước khá điên rồ ông ấp ủ đã lâu nhưng là lái xe Ferrari một loại xe thể thao đắt giá.  Thế là ông mù lái xe làm Charlie sợ tím mặt.  Nếu không có cảnh sát chận lại chắc là Charlie đã lên thiên đàng trong khi Frank “sẽ phải cúi đầu đi vào địa ngục.”  Ngay cả anh cảnh sát lưu thông cũng bị đánh lừa nên không biết anh mù lái xe và rất nể ông Trung tá có một thời oanh liệt nay đã về hưu nên tha cho không phạt.  Frank có lối nói rất thuyết phục, rất hùng biện, đầy hiểu biết và làm người ta kính trọng lẫn tin cậy.  Biết Frank sắp đặt để tự tử, ông đã mặc cả bộ quân phục để được chết trong tư thế đáng kính trọng, Charlie cản ngăn, không kể cả an nguy của tính mạng.  Lòng can đảm và sự nhân hậu của Charlie đã cảm hóa được Frank.  Ông cảm nhận được tấm lòng phi thường của chàng thanh niên hiền lành khi ông nói rằng “Tao đã phản kháng với tất cả mọi chuyện trên đời và tất cả mọi người chỉ vì làm như thế làm tao cảm thấy mình là người quan trọng, còn chú mày, chú mày phản kháng bởi vì … chú mày tin là đó là điều phải.  Chú mày thật sự có phẩm cách, Charlie.  Tao không biết là nên bắn chú mày hay nên nhận chú máy làm con nuôi.”

Biết được sự lo lắng bị đuổi học của Charlie, Frank đến tham dự buổi họp hội đồng kỷ luật mà Trask đã lập ra như một phiên tòa để hỏi cung George và Charlie trước mặt toàn thể học sinh (để hăm dọa ngăn ngừa học sinh sợ không dám tái phạm về sau) cũng như ban giáo sư.  Frank đã dùng tài hùng biện cùng với lối nói rất thật, rất đơn giản đến tục tằn, thuyết phục cả hội đồng kỷ luật.  Charlie được hối lộ để khai tên những học sinh đã hạ nhục ông hiệu trưởng, nhưng Charlie đã không bán rẻ ai để mưu cầu tương lai của chính mình.  Frank nói ông đã từng thấy những thanh niên tuổi này, có khi còn trẻ hơn tuổi này đã bị nổ tan xác, hoặc ít ra mang thương tích và thể xác trở nên tật nguyền.  Thật đáng buồn khi nhìn một thể xác tật nguyền nhưng không có gì đáng buồn hơn là nhìn thấy những tâm hồn què quặt.  Lời nói hùng hồn của ông đã chiếm được lòng hội đồng kỷ luật.  Có lẽ mọi người đều lấy làm thú vị khi nhìn thấy đám học trò làm nhục một ông hiệu trưởng ăn hối lộ, nịnh nọt, hay bắt nạt người yếu thế nhưng không ai dám phản kháng.  Nay có một ông mù dám mắng Trask chan chát và mắng rất đúng, nên mọi người đều đồng ý tha bổng Charlie.  Phim kết thúc với vẻ thư thái của Frank, dường như ông tỉnh ngộ là những chuyện sai lầm trên đời nên được tha thứ, không phải chỉ tha thứ cho người khác mà còn phải tha thứ cho chính mình.  Và trên đời vẫn còn tình người, như tình bạn vong niên giữa Frank và Charlie.

Và bây giờ tôi xin nói về màn Tango trong phim Mùi Đàn Bà.  Frank Slade, ông Trung Tá mù, chướng đời, nói tục một cây, là mặt bên kia của một ông Trung tá đã một thời ăn chơi nức tiếng, hào hoa và đào hoa.  Trở nên tật nguyền, ông ghét đời, ghét cả chính mình, nhưng ông vẫn còn rất yêu đàn bà.  Frank không ngừng mơ ước được yêu, được ôm một người đàn bà vào trong lòng, ngủ suốt đêm và thức giấc người ấy vẫn còn bên mình.  Trong phim có một đoạn rất tục nói về những bộ phận sinh dục của người đàn bà trong đó tiếng Anh không phân biệt giữa tóc và lông rất thú vị nhưng không tiện nói ra ở đây sợ phật ý bạn đọc.  Vì khiếm thị nên ông nhận xét vẻ đẹp của người phụ nữ qua mùi nước hoa họ dùng.  Trong phim rất nhiều lần Frank Slade nói vanh vách tên mùi xà phòng hay nước hoa của phụ nữ làm họ ngạc nhiên và thú vị trước sự tinh tế của ông.  Dường như ông quan niệm mỗi người phụ nữ chỉ thích hợp với một mùi hương nào đó và rất vô thức, họ sẽ chọn nước hoa phù hợp với cá tính và nhan sắc của họ.  Khi Frank và Charlie xuống nhà hàng của khách sạn để ăn, Frank ngửi thấy mùi thơm tinh khiết của một loại xà phòng.  Frank đoán, rất đúng, người dùng loại mỹ phẩm này là một cô gái rất đẹp, vẫn còn chút ngây thơ, trong trắng.  Frank bắt Charlie cùng với mình sang xin phép được ngồi chung bàn với Donna (Gabrielle Anwar), cô đang đợi vị hôn phu của mình đến hơi muộn.  Sau khi dăm câu chào hỏi nhạc trổi lên dìu dặt và ban nhạc đang chơi Tango.  Frank hỏi Donna có thích khiêu vũ không cô trả lời cô biết ít, muốn học thêm nhưng vị hôn phu không tán thành.  Frank đề nghị sẽ dạy cho Donna vài bước.  Charlie định hướng cho Frank và chỉ cần có thế Frank dìu Donna ra sàn khiêu vũ đang trống chỉ có hai người.  Bài khiêu vũ hay ở chỗ Donna vẫn giữ những bước ngượng ngập của một người chưa quen và Frank hoàn toàn thôi miên khán giả với những bước khá điêu luyện.  Cái thú vị ở đây là bài khiêu vũ chỉ bao gồm những bước căn bản mà một người có học qua đôi chút có thể biểu diễn nhưng không ai biết người đang thống trị sàn nhảy là một người khiếm thị.  Bắt đầu bằng Tango close, Frank đã ông xoay, đẩy, bẻ ngữa, hất ra xa, cuốn Donna vào vòng tay ông rất nhẹ nhàng điệu nghệ làm Donna đi từ thảng thốt đến thán phục và người xem nhất là Charlie với vẻ mặt sáng sủa hồn nhiên như thiên thần nhìn một cách vô cùng ngưỡng mộ.  Bản nhạc kết thúc và điệu Tango chấm dứt khi một chân của Donna quấn nhẹ nhàng lên chân của Frank rất gợi cảm. Khán giả vỗ tay và người tình của Donna mới bắt đầu xuất hiện.  Anh hôn phu kéo Donna đi và cô nàng vẫn còn ngoái lại nhìn một người đàn ông rất hào hoa, gặp một lần và chắc là mãi mãi khó quên bài Tango độc đáo.

Với tôi đoạn phim này tạo ấn tượng rất mạnh ở chỗ nó nói lên tâm tình của một người phụ nữ còn rất trẻ, chưa thành hôn mà đã cô đơn vì bị lãng quên bởi vì người yêu lo bận bịu với công danh sự nghiệp.  Tôi cảm nhận được sự khao khát được tango của Donna và càng khao khát hơn được tango với người tình của nàng .
Khi Donna ngó ngoái lại dường như trong ánh mắt Donna tự hỏi mình có chọn lầm người không?  Một hạnh phúc rất nhỏ rất đơn sơ là được khiêu vũ mà không bị cấm đoán hay phê phán, được bước cùng một nhịp tango như cùng nhịp sống trong đời.  Tango là một điệu khiêu vũ rất đam mê và hai thể xác rất cận kề quấn quít.   Tango thật sự mê đắm khi hai người có thể dựa vào nhau, tin cậy thân xác của nhau.  Khi chân của Donna quàng lên chân của Frank ở cuối bản khiêu vũ, người xem có thể cảm nhận được Donna đã bắt đầu quen và cởi mở hơn với Frank, như trong vô thức tâm hồn và thể xác của nàng bắt đầu mở ngõ.  Frank đã chinh phục được sự thân thiện ấm áp trong lòng nàng.

Còn tiếp.  Đây chỉ là bản nháp của đoạn đầu trong một loạt bài bao gồm chừng bốn hay năm đoạn như thế này.  Tôi chỉ viết chơi chưa biết sẽ viết gì diễn tiến ra sao và kết thúc ở đâu như thế nào.  Tôi xem đây là một trò chơi và có thể tôi sẽ chán và bỏ dở như bản tính của tôi vẫn thế.  Tôi mê Tango, muốn viết một cái gì đó về Tango mà tôi cũng chưa biết là tôi muốn viết gì.

2 thoughts on “Tango – Scent of a Woman”

  1. Chào Bà Tám – lời chào làm quen!
    Sáng nay tranh thủ lúc chưa đến giờ làm việc, qua nhà Bà Tám, đọc bài này, tỉnh cả người! OM cũng thích Tango lắm (thích thôi, còn nhảy điệu này thì không giỏi). Thích cả bộ phim này, nhưng tất nhiên là ở một góc độ khác. Cám ơn tác giả nhiều khi đã phân tích bộ phim ở góc độ chính, góc độ chủ đạo…, và phân tích rất hay!
    Xin phép Bà Tám cho OM add trang của chủ nhà vào nhà của OM nhé!

    1. Chào OM. Tôi đã âm thầm đọc OM từ lâu rồi. Cám ơn đã comment. Tôi thích tango nhưng không giỏi. Nhưng cần gì phải giỏi, miễn thích là đủ.

Leave a comment