Ảnh hai chú nai con lang thang trước nhà.
Khi bóng tối bao trùm, thị giác tạm thời bị giới hạn. Không còn nhìn thấy, Phạm Duy dùng khứu giác để diễn tả cái đẹp của đêm. Trong bài hát Dạ Lai Hương ông viết, “đêm thơm như một dòng sữa lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà. Hiu hiu hương từ ngàn xa bỗng quay về ngạt ngào bên hè ngoài trời khuya.” Đâu cần nhìn chỉ cần hít vào một hơi thật sâu và thở ra thật nhẹ để lắng nghe mùi hương dịu dàng của hoa Dạ Lai.
Vũ Thành An dùng vị giác để nếm mùi vị của đêm như trong bài Không tên số 7. Đêm của ông không mịt mù ma quái mà đi từ đắng qua ngọt. Đêm có tác dụng hồi phục dưỡng nuôi: “Ngày tàn im lắng. Yêu người làn tóc trắng. Tâm sự rồi đêm đắng. Như lệ giờ mất nhau. Đêm vỗ về nuôi nấng, đêm trao ngọt ngào hương phấn”
Trịnh Công Sơn thì rắc rối khó hiểu hơn. Trong đêm ông bảo “thấy ta là thác đổ. Tỉnh ra thấy ta còn nghe.” Ông mơ thấy ông là thác đổ hay ông mơ nghe tiếng thác đổ. Ý tôi muốn nói, cất thị giác qua một bên thì ông nghe hay ông thấy, hay ông thấy ông nghe?
Trong một bài hát khác, một bài thật dài, có lẽ một đêm không ngủ được ông nằm suốt “đêm nghe gió tự tình, nghe đất trở mình vì mưa, nghe gió thở dài,” Đó là những cái nghe cụ thể. Ông nghe cả những âm thanh trừu tượng như “nghe tiếng khóc cười của bào thai, nghe tiếng ngậm ngùi, lăng miếu trùng vây, xa cách cuộc đời, hoang phế cạnh đây.” Rồi ông nghe những chuyện đòi hỏi mức độ nhạy bén đặc biệt như “nghe gió than hoài, nghe lá đưa lời hàm oan, nghe thân xác mịt mùng, và nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa.”
Phải là một nhà thơ đặc biệt mới có thể nghe nhiều như thế trong đêm. Tôi vốn mang bệnh mất ngủ những đêm nằm thao thức tôi cũng lắng nghe như Đức Huy lắng nghe “giọt nước mắt nào, đổ trong bóng tối khi nằm lẩn trong bóng đêm, lắng trong bóng đêm, nghe nhịp đập con tim, những ân ái đã ngủ quên.”
Suốt tháng Sáu ngày nào cũng mưa. Đêm qua đi ngủ tôi để cửa sổ, trời dường như sắp mưa, không khí nặng ẩm, gió thổi phe phẩy qua lá rì rào. Thỉnh thoảng có tiếng chim kêu. Tôi nghe tiếng côn trùng, không phải dế, không phải ve, nhưng nghe râm ran một thứ tiếng êm tai, đặc biệt không thể nhầm lẫn với thứ tiếng nào khác. Tôi nhắm mắt bắt đầu lướt vào giấc ngủ, dường như tiếng đom đóm đang đáp nhẹ nhàng lên những cụm hoa kim ngân, như những cô tiên bé đang rải phấn bay lên những đóa hoa, để tất cả đều có thể bay bổng lên trời về xứ Neverland của Peter Pan.
Tôi chợt thức giấc, không biết ngủ đã bao lâu, sương rơi nặng hạt xuống lá thành những giọt nước chảy nhẹ nhàng, mơ hồ có tiếng nước nhỏ xuống cái máy lạnh nghe từng tiếng long tong thật khẽ. Gió lướt qua cửa sổ thổi bay mấy tấm màn cửa mỏng màu trắng nghe lất phất, như tiếng tà áo lụa bay bay. Tôi nghe bàn tay gió mân mê da trần lành lạnh. Tôi lười lĩnh trở mình ngủ tiếp.
Tôi lại thức giấc, lần này thì gió rít chung quanh nhà. Mơ hồ trong gió tôi nghe có tiếng kêu rên; cố định thần mắt vẫn nhắm, tôi cố gắng phân biệt tiếng gió rú, hay tiếng mèo hoang, hay tiếng những con coyote đang chuyển bụng đẻ con, hay tiếng khóc của ma nữ. Chung quanh nhà tôi có vài con mèo hoang có thể có con mèo nào đó đang lên cơn động tình . Hàng xóm nói có một con coyote đang có mang, bụng xệ xuống, làm ổ trên đồi; ông ta dọa mang súng BB ra bắn gia đình coyote mấy hôm nay. Có thể đây là tiếng gió lướt qua những cái lồng đựng thức ăn nuôi chim tạo thành tiếng hú man dã. Tôi kéo mền phủ kín đầu. Tiếng màn cửa bay phần phật càng làm tôi khiếp đảm hơn. Tôi ngủ thiếp đi.
Tôi thức giấc. Trời chưa sáng nhưng mưa đã tạnh, và tiếng chim vang trong rừng bao bọc căn nhà của tôi. Có loại hót nghe như baby baby where are you. Có loại hót nghe như em đây em đây. Có con hót như về đây, thôi về nghe. Chỉ lắng nghe thôi có hơn chục loại chim đang kêu nhau, tán tỉnh nhau, gấu ó nhau, dỗ dành nhau. Tôi thử hỏi tiếng rên hú đêm qua là tiếng gì mà sao sáng nay êm đềm quá.
Theo lời thách của một blogger, viết một bài chỉ dùng thính giác.
You must be logged in to post a comment.