Nhân đọc một truyện ngắn còn dang dở về một người đàn ông có con chó nhỏ tôi chợt nhớ một chuyện nho nhỏ có liên quan đến một con chó cũng rất nhỏ, loại chó nằm gọn trong lòng bàn tay còn gọi là chó Bắc Kinh, hay chihuahua.
Tôi làm việc chung với một người phụ nữ người gốc Nga tính tinh hơi kỳ cục. Lada rất thích nuôi mèo cứ đi quyên tiền để cứu mèo, mua thức ăn cho mèo, giải phóng mèo. Cô ta tuyên bố chỉ yêu mèo chứ không yêu người ta. Và Lada cũng không thích người nuôi chó. Lada bảo rằng người thích chó rất khác tính với người thích mèo. Hỏi tôi thích nuôi gì tôi bảo tôi không thích nuôi thú vật. Tôi nói thật.
Thưở nhỏ ở với má, một mẹ một con. Má tôi nuôi đủ thứ, heo, gà, vịt, mèo, chó. Một con mèo con té xuống mương vớt lên còn sống nó run rẩy cả một hai ngày rồi chết. Tôi bị chấn thương tình cảm một lần. Có lần má tôi đi chợ về, vì nhà có tiệm tạp hóa nên má tôi đi chợ mua rất nhiều hàng hóa. Tội nghiệp má tôi người nhỏ thó mà đội một cái thúng rất nặng, phải có người giúp bà đội lên đầu đi bộ về. Tôi còn nhỏ quá không giúp bà thả cái thúng trên đầu xuống nên má tôi loay hoay mãi mới thả cái thúng xuống mà không đổ đồ trong thúng. Vừa khi bà bỏ cái thúng trên đầu xuống, tôi thấy có con gà giò chạy xẹt ngang và kêu cái ét rồi biến mất không biết thoát đằng nào nhanh quá. Một lúc sau, sau khi thu xếp đồ đạc tôi và má tôi khám phá con gà bị cái thúng đè chết bẹp dí. Tôi đứng nhìn con gà giò nghẹn lời. Tuổi nhỏ của tôi lại thêm một lần bị chấn thương. Má tôi đi đâu cũng lo tất tưởi về nhà để cho heo cho chó ăn. Gà con chết hay vịt con chết tôi là người phải xách đem đào lỗ chôn. Dùng mảnh giấy nắm chéo của con gà hay con vịt, hơi chết lạnh thấm qua ngón tay. Cho đến lớn, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác bất an đó, thề không bao giờ nuôi súc vật, và đến bây giờ vẫn giữ lời thề.
Còn cái con chó? À, nói dông dài một chút, lúc ấy tôi đã lớn, đi làm thư ký cho công ty thuốc sát trùng. Lúc bấy giờ vào khoảng 78 hay 79. Có lẽ Việt Nam đang có đánh nhau với Trung quốc nên tôi thấy trong công ty hay bắt đi đến cơ quan học quân sự. Cũng nằm dài trên mấy ụ cát, nhắm súng AK 47, bấm cò không có đạn. Giờ học thường là chiều Chủ nhật lúc hai giờ. Trụ sở công ty nằm ở đường Phan Đình Phùng, vốn là một tòa biệt thự của những người giàu đã rời Sài Gòn đi nước ngoài. Trước sân có cây ngọc lan, hoa dài như những ngón tay màu ngà mùi thơm nức. Tôi thỉnh thoảng hái một hoa dấu vào trong kẹp tóc để giữ cho tóc có mùi thơm. Ông Giám Đốc công ty là một cán bộ ngoài Bắc vào. Ông có dáng cao, thanh mảnh, khá đẹp trai, đâu như gần sáu mươi hay đã sáu mươi không chừng, ông tên Doanh. Nghe đâu ông là sĩ quan cấp lớn trong quân đội giải phóng.
Phòng kế toán có chị Kim Anh, chị Nhị, chị Hạnh, chị Huệ và tôi. Cả năm người đều chưa có chồng. Tôi trẻ nhất, hư đốn nhất, và ngang ngược nhất. Có thành tích xấu, bị kiểm điểm tơi tả nhưng tôi không sợ, mặt cứ nhơn nhơn ra. Thật ra mà nói, cái gì cũng vậy, người ta chỉ xấu hổ đến mức độ nào đó rồi thôi. Cứ lì ra thì vẫn sống được. Chị Kim Anh là người đẹp nhất. Lúc ấy chị chắc phải hơn ba mươi lăm. Chị có thân hình rất đẹp, tròn lẳng, cân đối, quyến rũ. Chị có dáng rất sang, như thể chị là con nhà giàu có quyền thế. Tóc dài chấm ngực. Dưới mắt phải chị có một cái bớt màu xanh, nhỏ thôi, trông bất thường nhưng làm chị có duyên hơn. Tuy có một điểm tôi thấy làm giảm cái đẹp của chị là chị có mấy cái răng trước là răng giả. Chị Huệ và chị Hạnh là hai chị em ruột. Trông cũng khá xinh xắn nhưng cả hai đều lưng tôm và có vẻ khô héo. Cả hai chị đều có người yêu là sĩ quan … ngụy ít khi nghe hai người nhắc đến. Nếu có cũng chẳng ai nói với tôi. Tôi là thứ bị gạt ra vòng ngoài. Do bản tính khó ưa, tôi không bao giờ được cái hân hạnh ở trong vòng tình thân nào cả. Suốt đời tôi làm người ngoại cuộc kiễng chân ngó vào một chỗ nào đó. Lâu dần quen, tôi chẳng mơ ước làm thân với ai và cũng chẳng thấy cô đơn.
Chị Nhị thì không ưa tôi và tôi cũng không ưa chị ra mặt. Chị Nhị nhỏ con, trán trợt tóc rất ít loe hoe. Môi mỏng, mắt nhỏ, mỗi lần nói chị sửa giọng để phát âm cho rành rọt chữ s, chữ v, môi chị cong, mồm chị méo, đôi môi tô son màu cà rốt. Tôi thích nhái chị cả tướng đi lẫn cách phát âm mà tôi cho là điệu bộ kiểu cọ. Trời, sao mà lúc ấy tôi quái đản và ương chướng thế. Ông Doanh có vẻ nhắm nhía chị Kim Anh về làm vợ. Chị Kim Anh cũng có vẻ ưng thuận. Cứ theo cái cách chị nói chuyện thật nũng nịu với ông Doanh là đủ biết.
Vài ngày trước khi đến ngày Chủ Nhật học quân sự, ông Doanh mang về cho chị Kim Anh một con chó chihuahua. Trời ơi, xem bốn chị vây quanh con chó nhỏ có thể bỏ túi áo bà ba được, tíu tít, ríu rít mà tôi phát ứa gan. Ứa gan một phần vì chẳng ai cho tôi nhập cuộc. Con chó nhỏ được mặc áo, ăn bánh, nằm trong một ngăn kéo mở hé có lót khăn mềm.
Chiều chủ nhật tôi chạy xe đạp vào, mở cổng vào cơ quan đang loay hoay khép cổng thì thấy con chó nhỏ chạy ra. Biết là các chị đã đến và đang ở trong phòng kế toán. Tôi khép hở cánh cổng sắt chứ không cài then, vì lười. Con chó đứng ngó tôi rồi lắn quắn chạy vào.
Và một lúc sau các chị tá hỏa lên là con chó biến mất. Các chị hỏi tôi có thấy con chó không. Tôi nói không. Hỏi tôi có đóng cửa lúc vào không, tôi thề sống chết là tôi có cài then cửa. Mọi người đã không đếm xỉa đến tôi từ thưở nào, nên bây giờ họ có lờ tôi đi thì cũng thế. Thật ra tôi không có ác ý, tôi chỉ không để ý đến con chó nhỏ đẹp và dễ thương. Tôi cũng không ngờ nó có thể len qua khe cửa không cài then mà trốn đi. Thỉnh thoảng tôi có thấy lòng vương vấn bất an nhưng tôi cố quên đi. Và thỉnh thoảng tôi lại nhớ.
PS. Bài này viết hồi lâu lắm rồi. Bây giờ tôi 11/19/2022 đã thay đổi nhiều. Trước kia tôi không ghét thú vật, chỉ không muốn bận tâm. Bây giờ tôi quan tâm đến thú vật nhiều hơn, muốn giúp cho cuộc sống của nó đỡ vất vả hơn. Tôi có thể cho mèo hoang, và lo lắng khi trời trở lạnh muốn giúp cho chúng nó có chỗ ở ấm áp đỡ nguy hiểm hơn. Tuy vậy tôi vẫn chưa yêu mèo chó nhiều đến độ có thể bỏ nhà cửa lập trung tâm nuôi súc vật, hay đi lùng kiếm mèo hoang để cứu trợ như rất nhiều người Mỹ đã làm. Tôi khâm phục và kính nể tấm lòng của những người này. Tôi chỉ có thể làm một số việc nho nhỏ mà thôi.