Đang hăm hở viết bài tạp ghi về cái đẹp bên ngoài của phụ nữ bỗng nhiên mất hứng. Định nói là thấy mấy bức tranh thời thế kỷ mười sáu mười bảy các người mẫu đều mập mạp, mũm mĩm chứ không phải càng lúc càng ốm tong ốm teo như Kate Moss của những năm 1990.
Tuy là đã mất hứng nhưng tôi cứ mãi nghĩ đến chủ đề này, và trong cái miên man suy nghĩ này tôi đọc bài Thư Tình của bà Túy Hồng trong quyển Văn Miền Nam tập Ba. Bà viết về chuyện trai tài gái sắc như sau:
“Tình yêu, việc lớn em làm. Đời em chỉ có một chuyện là chuyện tình. Em không muốn ai biết, em không hề khoe với ai tao đã có người yêu… Em giữ kín như em đậy vung kín nồi cơm khi cạn nước. Em yêu anh thật tham, thật sân, thật si. Yêu bằng tất cả cái cốt đa tình… Tự trời không, tình yêu đến; tự vô vi, tình yêu đến không chuẩn bị, không đón chờ…
Anh có tài, em không có gì hết. Đã không có gì hết em lại chẳng phải giai nhân. Em thương cái tài của anh như cái đầu thương cái gối, như bàn chân thương đôi guốc, như chiếc cổ mơ một món đồ trang sức. Nước mình người học giỏi thì nhiều, nhưng người có tài thật ít; bởi đó anh là thứ quý, anh là cây tứ quý.
Em là một cô gái xấu xí, không có vốn trời… Ngày nào cũng soi gương mà không thấy gì lạ, chẳng thấy hiện tượng mới. Nhưng em vẫn bằng lòng mình, không ai bằng lòng mình hết thì mình bằng lòng mình vậy”
Bà thật khôn ngoan ở chỗ biết tự bằng lòng với mình chứ không giống như cô gái trong một bài hát của một anh nhạc sĩ Việt Nam ở Úc châu. Anh viết một bài hát rất cảm động về một cô gái rất xinh đẹp như khi cô soi gương cô tự thấy mình rất xấu. Thế, cái đẹp rất là tương đối. Cùng một nét mặt nét môi, người thấy đẹp người chê xấu.