Vương Thanh trong tác phẩm Giờ Hưu Chiến, đã mượn lời một nhân vật quân nhân tên Hữu viết thư cho người tình bé bỏng trên Trang Thanh nói về những mối tình trong chiến tranh.
“Em biết không có người chỉ ăn ở với nhau từ ngày cưới vỏn vẹn có 10 ngày phép rồi người chồng ra đi biền biệt tại một tiền đồn hẻo lánh nào, một năm hai năm chưa được phép về một lần, có người đã vội vàng mang một vành khăn trắng vì người chồng sau những giờ phút chiến đấu tuy can trường nhưng bất lực. Anh còn biết người cha ba năm chưa được nhìn mặt con kể từ khi nó chào đời, và cũng có người cha kém may mắn hơn chả bao giờ còn được nhìn giọt máu thân yêu của mình nữa…”
Tôi tin là cô người yêu bé bỏng Trang Thanh rất chán anh Hữu mỗi khi anh lên lớp giảng giải về tình yêu , nhưng tôi, một người đi tìm dấu vết tư tưởng các nhà văn thời ấy đã để lại qua tác phẩm, đã rất cảm động, vì ở trong anh và các chiến hữu chỉ có tình yêu chứ không có lòng thù hận:
“Thật ra chàng không muốn bi thảm hóa cuộc chiến này. Nhưng sự thật đã diễn ra. Từng phút, từng ngày lớp lớp thanh niên ngã xuống, không lý do, không hận thù. Cái đau xót của chúng ta là đã chết đi mà không cho một hận thù nào cả. Có thể một người anh giết một đứa em, một người cha giết một người con, một người chồng giết một người vợ. Cái chết không hình thái, không đắn đo, không từ chối, không phân biệt. Một viên đạn bắn đi, một khối chất nổ ném ra giữa những ràng buộc vây quanh. Sự chết nằm xuống.