Tôi đọc quyển Tình yêu thời thổ tả

Cuối tuần tôi thường hay thức sớm dù không có việc gì bắt tôi phải thức sớm cả.  Tôi chỉ muốn có một vài giờ đầu óc mình tỉnh táo, lòng mình thanh thản để viết một cái gì đó. Đôi khi chỉ là những câu ngắn đăng trên blog, có khi sửa một bài viết câu cú còn lủng củng.

Tôi là một người có nhiều thói quen và nhiều thành kiến.  Một trong những thành kiến của tôi là tôi thường tránh những quyển sách hay những cuồn phim mà người ta quảng cáo rầm rộ.  Thí dụ như phim Titanic đến bây giờ tôi vẫn chưa xem.  Một hai năm trước, nghe người ta nhắc đến Gabriel Garcia Marquez, lúc quyển hồi ký về những cô điếm buồn của ông ấy xuất hiện sau mười năm không xuất bản.  Tôi đọc quyển ấy và phải nói tôi ghét nó đến độ ném nó đi.  Uổng tiền và mất thì giờ để đi đọc câu truyện về một ông già đã hơn chín mươi, muốn ăn mừng lễ sinh nhật của mình bằng cách ngủ với một cô gái còn trinh.  Ông già từ trước chưa bao giờ yêu ai hay được ai yêu, chưa bao giờ làm tình với ai, ông chỉ có thể làm chuyện ấy khi chuyện ấy là một cuộc mua bán xác thịt.  Vì thế ông chọn một cô bé mười bốn tuổi và bảo một bà chủ chứa điếm dàn xếp cho ông được phá trinh cô bé.  Chuyện không đơn giản như thế.  Ông già đâm ra yêu cô bé nhưng chưa làm ăn gì được.  Tôi đọc nửa chừng thấy nó nhảm quá, mất kiên nhẫn nên tôi ném nó đi.  Tự nhủ mình là nên tuân theo cái thành kiến sẵn có của mình và không nên để những lời quảng cáo trên thị trường lung lạc.

Rồi có cô trong ban biên tập của một tờ báo mạng rủ viết bài về Nabokov.  Tôi chợt nhớ cái ông Marquez này cũng có viết một truyện tương tự như Lolita của Nabokov, có lẽ nên đọc lại để có thể so sánh.  Và đó là lý do mà tôi đọc quyển Tình yêu thời dịch tả.  Người miền Nam dùng chữ dịch tả.  Người miền Bắc dùng chữ thổ tả.  Quyển này đã được dịch ra tiếng Việt còn tôi đọc bản tiếng Anh.  Quyển sách này như chế nhạo cái thành kiến của tôi, và nó cũng làm tôi thay đổi ý kiến của tôi về tác giả mà tôi đã có sau khi đọc quyển những cô điếm buồn.

Cũng xin nhắc nhở,  Gabriel García Márquez được trao tặng giải văn chương Nobel năm 1982. A, xin đừng để tôi sa đà vào chuyện tiểu sử tác giả, nếu có thể tôi sẽ nói thêm còn ở đây trên phương diện blog tôi chỉ muốn nói đến những điều tôi ghi chú trong quyển tình yêu thời thổ tả.

Florentino Ariza là một thanh niên, gia thế trung bình, con ngoại hôn của một ông thương gia.  Anh chàng không mấy đẹp trai nhưng rất mơ mộng, thích làm thơ, viết nhạc, biết chơi vĩ cầm đủ để serenade cô gái anh ta si mê.  Anh ta yêu một cô gái rất đẹp tên là Fermina Daza.  Anh lãng mạn như một thanh niên trong thơ tình của Nguyễn Bính hay  Xuân Diệu, cái kiểu đi ngang nhà nàng, mang theo hoa để tặng, âm thầm làm thơ và viết thơ tình. Nhà ấy dường như có mặt trời.  Có rừng có suối có hoa tươi.  Bao nhiêu chim lạ bao nhiêu bướm.  Không có gì đâu có một người.  Bố cô ấy cấm cản rồi ông bố mang cô gái đi xa.  Khi ông mang cô trở về quê cũ thì Fermina lọt vào mắt xanh của Juvenal Urbino, một ông bác sĩ nổi tiếng, vì ông là người đã chặn đứng cơn dịch tả đang hoành hành thành phố ấy.  Fermina thẳng thừng từ chối Florentino bảo rằng chuyện thư từ hẹn hò thời bé bỏng chỉ là chuyện mơ mộng hão huyền. Bác sĩ Juvenal Urbino đẹp trai và hào hoa đã chiếm được lòng nàng.  Cuộc hôn nhân hạnh phúc ấy kéo dài đến hơn năm mươi năm.

Florentino vẫn yêu, âm thầm yêu.  Yêu mà biết là mình sẽ chẳng bao giờ lấy được nàng.  Tình yêu làm anh ta phát cuồng, đau ốm vì tương tư.  Anh ta tìm quên bằng cách dan díu với những cuộc tình ngắn ngủi.  Những người tình tạm bợ này là các cô điếm, những cô công nhân hay thư ký, những bà góa chồng, những người đàn bà có chồng mà chồng bỏ bê hoang đàng, và những người đàn bà có chồng mà chồng rất ghen, kể cả một cô bé 14 tuổi mà gia đình cô bé đã tin cậy Florentino nên ủy thác cho ông săn sóc cô bé.  Đây là cô bé tương tự như Lolita của Nabokov.  Để tìm quên một mối tình vô vọng, anh đã dan díu với 622 người tình, có cuộc tình kéo dài trong vài năm, có cuộc tình chỉ xảy ra một lần.  Cứ mỗi lần “lọt gôn” là anh viết vào nhật ký.  Khi bác sĩ Juvenal qua đời, Florentino tiếp tục theo đuổi Fermina và cuối cùng bà trở thành người yêu của ông lúc hai người đã hơn bảy mươi.  Tình yêu của tuổi già ngọt ngào hơn cả cuộc hôn nhân với bác sĩ Juvenal mà ai cũng cho là hạnh phúc.

Cuốn truyện hấp dẫn vì nhiều điểm.  Thứ nhất là lời văn.  Tôi chỉ đọc được bản tiếng Anh của Edith Grossman không biết người dịch đã biến hóa nó như thế nào nhưng tôi rất yêu bản tiếng Anh.  Gabriel Marquez có lối viết thật tỉnh táo gần như lạnh lùng, kể cả khi chuyện kể có thể làm người đọc cười hay khóc.  Tôi có cảm giác người kể chuyện là người có máu khôi hài lạnh, ông nói những điều làm mình buồn cười vì cái điên và ngông của nhân vật.  Ông làm chúng ta thương hại vì thấy cái đau đớn của người trong cuộc, tuy nhiên giọng kể thật là thản nhiên; rằng chuyện nó thế vì là nó như thế, buồn hay vui của người nghe chẳng có ảnh hưởng đến người kể chút nào.  Ngoài ra, cho dù câu chuyện vô lý đến thế nào đi nữa, người nghe vẫn thấy nó có chút gì đủ hợp lý để người nghe tin là nó có thể xảy ra.

Trước khi bàn thêm về câu chuyện này, tôi xin kể cho các bạn nghe vài câu chuyện tình tạm bợ của Florentino.  Anh ta thề giữ chữ trinh cho Fermina hy vọng hai người sẽ gặp lại nhau.  Tuy nhiên người phá vỡ tiết hạnh  của Florentino là một bà mẹ trẻ có đứa con sơ sinh.  Cô ta đi cùng với hai người chị.  Florentino gặp nhóm người này trên một chuyến tàu khi Florentino thuyên chuyển ra khỏi thành phố anh đang sống để về nơi miền xa tìm cách lãng quên Fermina.  Phòng của anh và bà mẹ trẻ ở gần nhau và lợi dụng lúc mọi người không chú ý, người đàn bà lôi cổ anh vào phòng và … phá trinh anh.  Hê hê, nghe kỳ cục không, tin nổi không?  Khó tin nhưng tác giả làm tôi phì cười và nghĩ, ừ hừm, có lẽ, có thể, xảy ra.

Tôi nghĩ Haruki Murakami đã thuổng một ít tính chất của Gabriel Marquez trong quyển tình yêu thời thổ tả vào quyển Rừng Na uy.  Bởi vì cái anh chàng Toru Watanabe trong Rừng Na Uy,  đã ngủ với nhiều người (bốn người chứ chưa được đến 622 người) đàn bà và cái điểm giúp anh chàng chinh phục các cô cũng hao hao với tính chất của anh chàng Florentino.  Watanabe của Rừng Na uy, Florentino của Tình yêu thời thổ tả, và Giáo sư Humbert của Lolita cùng có chung một đặc tính họ chinh phục đàn bà bằng cách làm đàn bà thương xót họ, tội nghiệp họ, muốn làm cho họ vơi bớt đau khổ.  Đàn bà tự nguyện vào giường với Florentino vì anh ta biết lắng nghe tâm tình, nỗi thất vọng, mơ ước, đau đớn của họ.  Đưa một cô gái vào giường sau khi nghe cô ta kể lể khóc than về những chuyện bất như ý trong đời của cô ta là điều hầu như xảy ra một cách tất yếu.  Một cô gái đã ngủ với Watanabe vì người tình của cô tự tử.  Cô đau buồn kể lể khóc lóc rồi hành động ái ân xảy ra như một điều tất yếu để xoa dịu đau buồn, và cũng là một sự thông cảm tột cùng từ tâm hồn đến thể xác.  Anh chàng Florentino được một người góa phụ, chồng mới vừa tử nạn trong chiến tranh, tấn công anh chàng giữa tiếng nổ của súng và bom.  Cô góa phụ này chiếu cố tận tình anh chàng Florentino, một người lúc nào cũng mang một vẻ đau buồn ảm đạm.  Và giữa những lời nàng không ngớt khóc than về anh chồng quá cố là những tiếng kêu rên của sung sướng hoan lạc.  Cứ tưởng tượng ra là đã thấy vô lý, và khôi hài.  Có lẽ vì cái vô lý và khôi hài này tôi tha thứ cho cái sống sượng của tác giả nên đọc tiếp để xem ông ta sẽ đưa tôi đến đâu.  Một nhà thơ không được trao giải thơ, thất chí và buồn bã đã đưa Florentino về nhà của cô ta.  Sau khi Florentino nghe cô đọc thơ cô đền đáp tình tri kỷ bằng cách giao hoan.  Cô có thói quen xấu là đã khóc cười kêu la đến độ Florentino phải lấp mồm của cô bằng cái núm vú giả người ta cho trẻ em ngậm mỗi khi chúng khóc mà chưa đến giờ bú.  Và khi hai người giao hoan con mèo của cô ta cào cấu hai người trầy trụa khắp nơi.  Gabriel Marquez biến tình huống thành một cảnh tượng rất khôi hài nên người đọc bị hấp dẫn không phải chỉ vì cách viết đầy dục vọng.  Tuy nhiên ông không chỉ dùng sự khôi hài để thu hút độc giả.  Đôi khi ông thêm vào những chi tiết đầy bi kịch bằng một giọng văn đầy hối hận như trong chuyện một cô nhân tình bị Florentino lấy sơn vẽ lên chỗ bụng dưới với những lời bông đùa.  Khi cô thay áo ngủ anh chồng phát giác ra vết sơn, vì ghen nên anh chồng đã cắt cổ cô.  Đó là một vài ví dụ tiêu biểu về những cuộc phiêu lưu tình cảm của Florentino.  Những câu chuyện tuy có ít nhiều vô lý và tục tằn nhưng lời văn rất Gabriel rất đứng đắn, thanh nhã, khôi hài và chất chứa nhiều triết lý về đời sống, tình yêu, hôn nhân, tuổi già, đau đớn, thất bại, hy vọng, v.v… cứ như thế mà ông lôi tôi đi hết quyển sách.  Tuy nhiên thú thật khi đến ba phần tư quyển sách tôi bắt đầu chán cái kiểu wise guy lôi hết người đàn bà này đến người đàn bà khác vào giường.

Thông thường giải Nobel được trao cho những người mà văn chương của họ tranh đấu cho nhân loại, chống đối những bất công trong xã hội.  Tôi không biết quyển sách với giọng văn trào phúng duyên dáng thâm trầm về tình yêu tình dục và hôn nhân này đã góp phần như thế nào vào công cuộc đấu tranh nhân quyền cho nhân loại và giúp ông đoạt giải Nobel.  Có lẽ phải đọc thêm một quyển nào đó rõ ràng hơn về lập trường này.  Quyển sách này làm tôi suy nghĩ về cái định nghĩa về tình yêu của Gabriel Marquez.  Tình yêu như một căn bệnh một nỗi ám ảnh không rời.  Có thể nào người ta trải qua nhiều cuộc tình, nói cho thực tế một chút, không đến mức 622 cuộc tình, chỉ cần 62 cuộc tình thôi, chỉ để lãng quên một mối tình lớn không thành?  Nghe sao đầy dối trá và cũng rất khôi hài.  Giả tỉ như trong 622 người đó có 6 người yêu Florentino thành thật.  Ông ta phụ bạc làm đau đớn 6 trái tim để chạy theo một trái tim xa vời?  Và cũng may cho ông ta là các bà không khám phá và đổ ghen và xé xác ông ta.  Có một tình yêu như thế không?  Ông ta có thật sự yêu không? Không biết.  Chúng ta mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng.  Gabriel Marquez nói như thế này.  Không ai có thể dạy ai bài học về cuộc đời.  Bằng tất cả những câu chuyện phiêu lưu ái tình đầy phi lý, ông cũng nói lên một sự thật về cuộc đời là: hôn nhân dù hạnh phúc đến đâu cũng có những bất hòa đủ để giết chết tình yêu.  Ông nhận xét: Điều quan trọng trong hôn nhân không phải là niềm vui hay  hạnh phúc mà là sự vững bền.  Ông làm cho tôi có cảm tưởng tình yêu chỉ hiện diện lúc người ta rong ruổi đi kiếm tìm nó, như tìm một chiếc lá diêu bông, một mảnh trăng nằm dưới đáy hồ.  Rằng những người nếu họ có yêu nhau thì chỉ nên nắm tay nhau đi ra ngã sáu rồi biến thành mưa, hay Tư mã Tương như và Trác văn quân chỉ nên cỡi phượng và hoàng bay lên trời rồi biến thành mây ngũ sắc để họ không phải đi đến chỗ cuối đường nơi tình yêu bị giết chết bằng hôn nhân.

Hề hề, muốn viết nữa nhưng thấy lười và thèm cái bồn nước nóng.  Có thể sẽ sửa chữa bài này và viết tiếp.  Có thể chỉ ngừng ở đây với những câu lủng củng như thế này.  Chẳng mấy ai chịu khó đi đọc một cái blog vô danh.  Chúc ai tình cờ đi ngang đây một niềm vui của ngày chủ nhật với tất cả nhàm chán vô vị vì người thân yêu bận rộn đâu đó hay thong dong tự tại vì không ai quấy rầy, một ngày mới là một ngày mới, mỗi ngày là một bắt đầu.

22 thoughts on “Tôi đọc quyển Tình yêu thời thổ tả”

    1. Mình thích bài viết này của nàng, vì đã đọc cuốn Tình yêu thời thổ tả và xem cuốn phim dựng theo nó; song mình thấy tiểu thuyết của Marquez thì nên đọc Trăm năm cô đơn, cuốn này đặc trưng Mĩ Latinh, đầy chất huyền ảo và thơ, giống như xem tranh của Chagall vậy; nó hấp dẫn với nhiều cao trào, tuyến nhân vật dày, thể hiện một nhãn quan sâu rộng về bối cảnh xã hội và thủ pháp rất hoạt, rất tinh xảo. Trong dòng văn học Mỹ Latinh, sau J. Borghes và O. Paz, mình khoái đọc G. Marquez, truyện ngắn của ông này vô cùng hấp dẫn, ăn sâu vào kí ức mình. Tuyển tập Ngài đại tá chờ thư và tập 12 truyện phiêu dạt hay lắm, trong đó Dấu máu em trên tuyết đẹp như một bức tranh.

      1. Cám ơn nàng. Mình sẽ dành thì giờ cho quyển sách nàng giới thiệu. Thật ra còn nhiều tác giả mình chưa đọc đến vì chỉ cần đọc mỗi tác giả một cuốn sách thôi cũng đủ hết cả thì giờ.

  1. Em đã đọc 2 cuốn rưỡi của cụ Marquez, vì em không thích cuốn 100 Years of Solitude. Em đọc nữa chừng xong em thấy khó hiểu quá rồi em bỏ ngang.

    Khác với chị, em lại thích cuốn Memories of My Melancholic Whore ngay từ đầu lúc em còn hào hứng mê đọc sách. Em đọc cuốn này vào năm 2007 (lúc chưa có con nên rảnh rang đó chị!) và mê mẫn trở lại với cách viết của cụ. Xong khoảng 2 năm trước em đọc Love In The Time of Cholera.

    Em thấy chị viết nhận xét sâu sắt em rất thích và rất ấn tượng. Em thì viết sơ sơ scratching the surface thôi chứ em không viết nhận sét văn học.

    Chị đọc thử review của em, Memories of my Melancholy Whore ở đây (http://msnguyen.wordpress.com/2007/03/07/memories-of-my-melancholy-whores/) và Love in the Time of Cholera ở đây (http://msnguyen.wordpress.com/2012/01/05/lovereading/). Em viết bằng tiếng Anh vì vốn tiếng Việt của em không đủ từ ngữ văn chương đễ diễn tả.

    1. Cám ơn em. Em viết tiếng Anh rất hay. Chị sẽ đọc lại vì chị cần phải đưa ông Tám ra phi trường. Em có nghĩ đến chuyện dịch truyện từ tiếng Việt sang tiếng Anh không? Vì em có trình độ ngôn ngữ rất cao. Có thể em không quen viết tiếng Việt nhưng viết tiếng Anh rất nhuyễn. Chị có quen một vài nhà văn muốn sách của họ được dịch ra tiếng Anh. Họ có hỏi ý chị nhưng chị viết tiếng Anh có lẽ cũng như em nghĩ về cách viết tiếng Việt của em vậy. Nếu cần phải viết thì viết nhưng không tự tin lắm và cảm thấy không bày tỏ được ý của mình. Sáng cuối tuần mà em dậy sớm thế?

      1. Quên trả lời cái comment này của chị. “D

        Em chưa dám dịch văn tiếng Việt ra tiếng Anh vì em nghĩ em chưa đủ trình độ để thấm hiểu văn học của cả hai. Đọc chơi viết chơi thì được chứ em vẫn là dân múa riều chị ơi.

        1. Chị thì nghĩ là em có thể làm được. Tuy nhiên, dịch cũng như viết văn vậy, số tiền trả công ít khi xứng đáng với công sức bỏ ra.

    2. Em viết review đọc hấp dẫn lắm. Có lẽ khi đọc quyển Memories of my Melancholy Whore chị nên xem nó như là một thứ unattainable love của ông già, thay vì nhìn bằng cặp mắt của bà mẹ có con gái nghĩ là nhà văn này ca tụng chuyện pedophile. Cám ơn em đã cho chị đọc hai bài điểm sách này. Ít nhất là chúng ta cùng nhận thấy quyển Love in the Cholera Time rất hay.

  2. Bài này chị viết giới thiệu về G.M quá đỉnh luôn. Nhưng mà em thấy 622 cuộc lên giường của Florentino là quá nhiều hay vẫn còn là quá ít chị nhở. 😀

  3. Hà viết tếu lắm và điêu luyện nữa, mình không hay đọc chuyện tình “thổ tả” nên không biết tác giả G.G.Marquez. Tuy nhiên đọc bình luận của Hà, đọc kỷ lắm nghe, mình không nhịn cười được.

    1. Cám ơn Quế Trân đã chịu khó lôi bài cũ ra đọc. Trên blog này Hà chỉ viết chuyện bâng quơ, nhảm thôi. Đa số những bài Hà viết kỹ, chăm chỉ, công phu Hà gửi chị Huệ chủ biên của trang mạng Gió O đăng. Để Hà lựa vài bài mang về đăng trên blog này. Tại vì ít người đọc quá nên Hà lựa những chỗ nhiều anh hùng thuyền quyên qua lại để bán hàng của mình. 🙂

      1. Mình qua Úc mới bắt đầu viết văn và làm thơ đó, cũng có nhiều người đọc vì mình giử mục “Trang Bạn Gái” cho hai tờ báo. Chỉ có mấy tờ báo Việt ngữ hơn bốn mươi năm về trước, nên ai cũng ngấu nghiến đọc, hihi!
        Thảo có địa chỉ của Hà hôm nay, nhằm ngày thứ bảy bưu điện chổ mình đóng cửa, vì thế thứ hai mình mới gởi Hà tập thơ, chờ nghe cưng! 😁

    1. Được chứ. Hà vào trang của Quế Trân mấy lần, thấy có nhiều thơ nhưng tìm không ra truyện. QT nên mở một page link truyện ngắn vào page này thì người đọc dễ tìm thấy hơn.

      1. Để mình thử xem, hồi mình mở trang cứ post bừa lên không lưu ý, vả lại vì dốt về computer nên không biết làm, cứ mua sách về rồi tự học lấy đó Hà ơi, hihi.

  4. Chào chủ blog có giọng văn rất dể thương, G.G.Marquez được trao giải Nobel cho cuốn Trăm Năm Cô Đơn chứ không phải “quyển sách với giọng văn trào phúng duyên dáng thâm trầm về tình yêu tình dục và hôn nhân này”, nó hay hơn rất nhiều.

    1. À ra thế. Cám ơn bạn. Trước giờ tôi vẫn tưởng giải Nobel Văn Chương trao cho toàn bộ tác phẩm suốt cuộc đời viết văn của nhà văn ấy.

Leave a comment