Những cánh chim di 1

Chim là một con vật đẹp.  Hầu như mọi người đều yêu hình dáng và tiếng hót của chim.  Người Mỹ lập ra những câu lạc bộ yêu chim cứ đến mùa là đi ngắm chim ở trong rừng hay các đầm lầy.  Dân Mỹ sống ở ngoại ô treo những lồng chứa thức ăn cho chim trên cây quyến rũ chim về sân nhà mình để ngắm bay lượn và nghe chim hót.  Nhà thơ Walt Whitman đã từng ca ngợi chim là loài vật không hề biết khuất phục; chưa có loài vật nào đáng kính trọng hơn và làm việc chăm chỉ hơn.   Chim chiếm một chỗ đáng kể trong văn học Việt.  Phạm Thiên Thư có nhiều câu thơ rất đẹp mang hình ảnh của chim như:

Hạc xưa về khép cánh tà
Tiếng rơi từng giọt mưa sa tần ngần

Chim đi vào văn học dân gian qua vô số ca dao:

Cái cò cái diệc cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò.

Cũng nhờ vào dáng cò còm cõi đó, nhà thơ Tú Xương đã thể hiện tấm lòng ông tri ân vợ:

Lặn lội thân cò nơi quảng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông

Dĩ nhiên không phải chỉ có người Việt thích ca ngợi nhắc nhở chim.  Người Trung hoa có một ngôi lầu được một con hạc màu vàng ghé thăm mà nhà thơ Thôi Hiệu (704 – 754) đã ca tụng bằng một bài thơ hay đến độ Lý Bạch còn phải gườm.  Bài thơ đã được nhà thơ  Vũ Hoàng Chương dịch như sau:

Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi
Trắng một mầu mây, vạn vạn đời

Hàn mặc Tử đã từng ngâm nga:
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về.

Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê

Trông nhạn về, có nghĩa là nhạn đã từng ở nơi nhà thơ ở, và đã ra đi, nơi nào nhạn đến, và tại sao nhạn đi? Trịnh công Sơn đã thể hiện hình ảnh tuyệt vời cô gái Việt Nam qua câu thơ vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc.  Trong một bài hát khác ông cũng tự hỏi Làm sao em nhớ những cánh chim di.  Có phải nhạc sĩ đã nghĩ đến những con chim di cư đi tìm cuộc sống mỗi năm bay qua và trở về trên bầu trời nơi ông ở? 

Tất cả những loài chim đã được nhắc tên qua những câu thơ nói trên: cò, vạc, hạc, và nhạn đều là những loại chim hằng năm vì sự sống đã bỏ xứ ra đi rồi quay về khi thời tiết thay đổi thích hợp cho cuộc sinh tồn của chúng.

Cò, theo tự điển Việt Anh của Đặng Chấn Liêu là stork. Loại cò stork này được người Mỹ xem là biểu tượng báo tin vui khi trong gia đình có trẻ sơ sinh, dựa vào huyền thoại cò stork mang cái bọc có đứa trẻ sơ sinh đến giao cho người mẹ.  Cò stork là một loại chim to, khi dang cánh ra từ đầu cánh bên này cho đến đầu cánh bên kia dài hơn ba mét.  Đây là loại cò mà một nhà văn ở châu Âu đã kể rằng ông biết mùa thu đến khi thấy chú cò hằng năm bay về đậu trên cây trong sân nhà ông.  Chú thường tìm cách câu những nàng cá vàng ông nuôi trong hồ.  Đôi cánh cò dang ra rợp cả một góc hồ làm con chó nhỏ của ông, thường vẫn giữ nhiệm vụ bảo vệ đàn cá, sợ hãi chùn chân, rồi thụt lui và bỏ chạy.  Hình ảnh con chó nhỏ hoảng sợ chú cò thật là đáng yêu làm tôi phải mỉm cười. Đây là loại cò hằng năm bay hơn ba ngàn dặm từ châu Âu sang châu Phi. Cò stork không phải là loại cò nhỏ bé ẻo lả ở Việt Nam thường khi đậu trên lưng trâu vài ba con cùng một lúc.  Cò Việt Nam nhỏ bé yếu đuối nên dễ bị bắt nạt vì thế mới có câu thơ:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

Và vì thế nên phải van nài:

Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo tôi.

Cò ở Việt Nam có lẽ là cò quăm tiếng Anh là Ibis; hay có thể đó là egret còn được gọi là con diệc bạch.

Tôi vẫn ngờ ngợ, hạc là con vật chỉ có trong huyền thoại được các vị tiên cưỡi đi trong đêm.  Sách vở có chữ flamingo để chỉ loài hồng hạc.  Thế còn hạc vàng trong bài thơ của Thôi Hiệu và hạc trắng trong bài thơ của Phạm  Thiên Thư là loại chim gì?  Có phải chúng chính là, hay ít ra có họ hàng với, whooping crane hoặc là red crown crane.  Người Việt mình gọi crane là sếu nghe mất vẻ thơ mộng của loài chim bay về chốn thiên thai như câu thơ của Tản Đà Cái hạc bay lên vút tận trời.  Whooping crane hằng năm thiên di từ miền Siberia về miền Đông Nam châu Á và Việt Nam nằm trên đường bay của chúng.  Cũng rất có thể hạc là những con sếu mào đỏ (red crown crane) thường sống ở đảo Hokkaido bên Nhật. 

Cò, diệc, vạc, hạc có dáng dấp hao hao giống nhau với cổ cong cong và cái cẳng cao cao.  Chim nhạn, đã được nhắc đến qua bài thơ của Hàn Mặc Tử, và trong bài hát Tan Tác của Tu Mi có câu “ngóng về phương xa chờ tin nhạn” không có cổ cao chân dài như cò, nhưng cùng là loại chim thiên di hằng năm.

Vạc theo tự điển là night heron.  Tuy nhiên night heron không có dáng thanh thoát của cánh vạc mà Trịnh Công Sơn ca tụng.  White heron và blue heron thì mang dáng dấp gầy guộc ẻo lả có vẻ thích hợp với hình ảnh của người con gái trong bài hát của Trịnh Công Sơn hơn. 

6 thoughts on “Những cánh chim di 1”

  1. Bài viết hay. Xưa trung học, thầy giáo bình bài thơ Hoàng Hạc Lâu rất hay.
    Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ
    Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu!
    Hạc vàng ai cởi đi đâu
    Mà nay Hoàng Hạc vẫn lầu còn trơ!
    (Lầu Hoàng Hạc – Tản Đà).
    Ngoài bắc hay dùng từ “thiên di” chỉ loài chim di chuyển nơi cư trú. Trong tử vi có cung Thiên di…

    Like

      1. Nó còn tùy tùy thuộc vào vị trí sao đó trong cung và Vượng địa …, Tuần, triệt. Với Bà như vậy, cung TD này chắc đẹp. Vui thôi, tự mình và ơn chút lộc trời…

        Like

    1. Tám nhớ hai câu cuối trong bài này của Tản Đà. Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

      Like

      1. Hoàng Hạc lâu
        Lầu Hoàng Hạc (Dịch thơ : Tản Đà)
        .
        Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?
        Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
        Hạc vàng đi mất từ xưa,
        Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
        Hán Dương sông tạnh cây bày,
        Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
        Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
        Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai .

        Like

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s