Những ý nghĩ rời

Tôi thức giấc vào lúc 4 giờ sáng, nằm nghe tiếng máy sưởi chạy kêu o o liên tục.  Điều này chứng tỏ trời bên ngoài rất lạnh.  Hôm qua mưa suốt ngày có lẽ nước trên đường đã biến thành băng.  Tôi trăn trở lao đao không viết được nên xem hết phim The Bitter Moon của đạo diễn Polanski, rồi xem phim The Clearing (Robert Redford), The City of Joy (Patrick Swayze). 

The Bitter Moon nếu nói về tình dục thì chẳng kém The Lover chút nào thật ra còn có phần hơn về mức độ loạn và nhiều cách.  The Bitter Moon nói nôm na là Trăng Đắng để phản nghĩa với chữ Trăng Mật của những người mới kết hôn và đang thời kỳ … trăng mật.  So với The Lover phim này có cốt truyện rõ ràng, tình tiết éo le, tâm lý nhân vật tối tăm hơn, đau đớn, thù hận lẫn vào với yêu thương.  Tôi xem phim và tự bảo rằng nếu người ta, các nhân vật trong phim, có lúc nào đó biết dừng lại, không trả thù, không tấn công, không theo đuổi, chấp nhận những mất mát đã có trong đời thì lòng họ sẽ không đau đớn đến thế.  Điều đó có nghĩa là vẫn đau đớn một cách khác, ở mức độ ít hơn.  Tuy nhiên lấy cái gì để đo lường mức độ đau đớn trong tâm hồn ngoại trừ mình đo lòng người khác bằng cây thước của lòng mình.

Buổi tiệc tối qua tôi ngồi, chỗ đối diện với cái kệ sách của mình.  Tuy là chủ nhà tôi thường được ngồi chỗ ít ra vào để nhường chỗ cần ra vào cho những người nấu bếp.  Và trong khi mọi người bàn chuyện khi về hưu thì sẽ ở đâu tôi ngồi nhìn sách trên kệ.  Tôi còn vài ba quyển của Orhan Pamuk, vài quyển của Coetzee, có lẽ tôi nên tập trung vào việc đọc, đọc một cách có hệ thống, chừng vài năm rồi sau đó hãy bắt đầu viết, với hy vọng là tôi vẫn còn sống thêm vài năm nữa.  Tôi bị chết hụt vài lần lúc còn nhỏ nên bao giờ tôi cũng sợ mình sẽ chết, chiều nay, hay ngày mai, hay tuần sau tháng sau.  Tôi sống ham hố, chụp giựt từng cảm giác bay thoáng qua, từng cái đẹp của không gian sợ khi chết mà vẫn chưa được hưởng những cái hay cái đẹp của đời sống.

Cô gái trong phim The Lover (Người Tình) đi từ Sa Đéc lên Sài Gòn giữa đường gặp một anh chàng trẻ tuổi đẹp trai người Trung hoa, lúc ấy cô mười lăm tuổi.  Người ta chọn cô diễn viên gần mười tám tuổi để đóng vai này.  Anh chàng Michael Berg trên đường từ trường về nhà, bị ốm, gặp Hanna Schmitz rồi yêu cô nàng, Lolita của Nabokov, the melancholy whore của Marquez (cô bé này còn trẻ hơn, mới 14 thôi), tất cả các nhân vật này đều được đặt vào cái tuổi 15.  Ông thi sĩ nào đó cũng bảo rằng em là cô gái trời cho đẹp từ thưở mười lăm đã đẹp rồi.  Cô bé đi chùa Hương của Nguyễn nhược Pháp cũng mười lăm.  Tại sao các nhà văn đều như bị đóng cứng vào cái tuổi này, vì đây là tuổi cơ thể bắt đầu rạo rực?  Người ta bắt đầu nhìn về người khác phái với những rung động mới bắt đầu khám phá?  Nếu ông thầm phán Bernhard Schlink không hề muốn “deal with” những phức tạp của luật pháp thì tại sao lại để nhân vật Michael Berg có quan hệ tình dục với một người đàn bà lớn hơn cậu bé đến 21 tuổi.  Đặt một nhân vật vào vị trí của Michael Berg, dù nhân vật đó 15 hay 35 hay 55 (mỗi ngày đến gặp nàng, đọc sách, tăm nước nóng, rồi yêu nhau) thì mức độ ảnh hưởng, ấn tượng của tình cảm và cảm giác có lẽ vẫn có hậu quả lâu dài khó quên, hay không quên như nhau.

Á, đến giờ phải chuẩn bị đi làm.  Không hẹn sẽ viết tiếp.