Hôm qua thấy đâu đó trên mạng một người phụ nữ VN bị chồng trói quặt tay ra phía sau lưng, cột chân, bịt mồm bắt nằm giữa đường. Đứa con trai một tuổi chạy ra với mẹ bị cô cháu gái còn rất trẻ, chừng mười sáu mười bảy, ra bế vào. Cô cháu gái như để hành hạ người phụ nữ đã ngồi lên thân hình của bà khi bế đứa bé trai vào. Tôi thấy xót xa quá.
Ngày xưa, cạnh nhà tôi có hai vợ chồng cãi nhau. Má tôi lúc ấy cũng khá lớn tuổi có lẽ cũng đã hơn sáu mươi nghe tiếng ồn ào chạy qua can thiệp. Bà vợ đang lúc nóng nảy cầm cái đồng hồ để trên bàn loại đồng hồ bằng kim loại lớn hơn quả cam sành một chút ném ông chồng. Dĩ nhiên là trúng má tôi, chảy máu đầu. Tôi lườm nguýt hai vợ chồng tuổi trung niên, nói cạnh khoáy, tự nhiên khi không má xen vô chuyện nhà người ta làm gì để bị thương tích. May mà bà không chết.
Nhưng đó là chuyện mấy mươi năm về trước khi những chuyện xào xáo trong nhà láng giềng vẫn có người can thiệp còn xã hội bây giờ thì người ta đi ngang chụp hình nhưng không ai giúp dùm người đàn bà bởi vì sợ gia đình của anh chồng thưa kiện. Sợ như thế thì cũng phải thôi, không ai muốn mất thì giờ công ăn việc làm đi đối phó những chuyện chẳng liên can đến gia đình mình đôi khi lãnh vạ vào thân. Tuy nhiên công an, cảnh sát, những người có thẩm quyền cũng có thể lên tiếng với lý do làm mất trật tự an ninh công cộng. Thường những vụ bạo hành như thế sẽ dần dần tăng lên đến lúc người ta sẽ giết người vợ hay là có nhiều trường hợp đối đế người vợ sẽ giết người chồng.
Cũng không thể nói là xã hội xứ mình không tiến bộ bởi vì chuyện này cũng xảy ra rất nhiều ở Mỹ. Người ta có những tổ chức giúp đỡ những người đàn bà nằm trong hoàn cảnh bi đát này. Đôi khi cho ở tạm qua đêm hay một hai tuần chờ cho chuyện lắng xuống. Đôi khi giúp tìm công việc làm và chỗ ở khác. Người ta cũng tìm cách dấu tông tích những người phụ nữ muốn trốn hoàn cảnh này. Tuy không mấy thành công vì họ thường tìm cách quay trở về, vì yêu chồng, mình không khỏi thở dài yêu gì mà ngu thế, hay vì những ràng buộc vô hình nào khác mà người ngoài không biết. Những người bị đánh đập bạc đãi như thế lâu dần họ có một tâm lý bệnh hoạn là tại vì họ có lỗi nên bị người chồng đánh đập, và họ cam chịu như thế. Đôi khi họ nghĩ là họ cần phải chịu đựng như thế để con họ có cha. Rất là nhiều lý do tuy nhiên lý do lớn nhất có thể là lý do tài chánh, họ không có tiền bạc hay nghề nghiệp nên đành phải chịu cái khổ này.
Những đứa bé lớn lên rất có thể sẽ cho là đánh phụ nữ, đánh vợ là chuyện bình thường. Ông cha mình đã làm như thế, và tục ngữ ca dao cũng có câu thương cho roi cho vọt, hay, dạy vợ dạy thưở bơ vơ mới về, hay xuất giá tùng phu, vân vân và vân vân.
Người phụ nữ lớn lên trong một ý thức hệ như thế không biết là mình có thể tự vươn lên thoát ra khỏi hoàn cảnh này. Rằng họ không nên tùng phu để bị đánh đập hạ nhục một cách tàn nhẫn như một con vật. Rằng thương không phải cho bằng roi vọt mà bằng dạy dỗ thuyết phục. Rằng người phụ nữ cần phải tự trang bị cho mình những vốn liếng để không phải lệ thuộc ai đến mức độ rơi vào hoàn cảnh như thế. Nền văn hóa của Việt Nam ở những thế hệ trước ca ngợi và cổ vũ đức tính quên mình để phục vụ chồng con của người phụ nữ Việt Nam. Ở mức độ vừa phải, và hoàn cảnh thích hợp điều này có lợi cho gia đình và cho xã hội. Tuy nhiên người phụ nữ không thể chỉ thương người mà không thương mình. Trong trường hợp người phụ nữ bị trói bắt nằm trên đường, chị phải tự thương mình bằng cách thoát ra khỏi hoàn cảnh mà chị đang sống. Phải nhờ sự giúp đỡ của láng giềng, của xã hội, của pháp luật. Nhưng trước hết là chị phải tự chủ động. Xã hội VN sẽ không thể tiến bộ nếu những người chung quanh và đặc biệt là những người có thẩm quyền không quan tâm đến cuộc sống của người dân, nhất là những phụ nữ bị bạc đãi như thế.
Ối, tôi là một bà già lẩm cẩm. Tôi ngồi đây trong cuộc sống thoải mái chõ mồm nói bâng quơ. Tôi đã làm được việc gì thiết thực đâu.