Xem phim The Royal Tenebeaums

Tôi đang ở cái tuổi chuyện hơi xa xưa một chút phải học ở người thế hệ trước. Chuyện hiện đại phải học ở thế hệ sau mình. Tiếng Việt thì phải học lại người ở VN, đọc báo đọc truyện có nhiều chữ người Việt hiện nay dùng mà tôi không hiểu hoặc chỉ hiểu lơ mơ. Tưởng tượng, Rip Van Winkle ngủ một buổi chiều, tỉnh giấc thấy mấy trăm năm đã trôi qua, ngôn ngữ chắc hẳn trở nên xa lạ bởi vì tôi đi xa quê nhà chưa đến ba mươi năm mà ngôn ngữ đã trở nên lạ lẫm với tôi. Tiếng Anh thì phải học hoài, chưa kịp giỏi đã bắt đầu quên. Đúng là bộ óc của người già cái gì học sau thì quên trước.

Hôm nay tôi muốn kể các bạn nghe về một phim rất hay.  Nhưng không biết phải kể làm sao để bạn thấy cái hay của nó.  Có nhiều thứ chỉ cần nhìn thấy xem qua thì hiểu dễ dàng.  Chữ nghĩa của tôi có giới hạn và tôi sợ bạn không thấy nó hay vì tôi vụng về.  Vả lại, phim này hay nhưng nó khá lạ lùng, tôi e rằng có người không quen xem loại phim này sẽ không thich nó. 

Phim tôi muốn nói là phim Royal Tenebeaum do Wes Anderson làm đạo diễn.  Tôi biết phim này là nhờ hai cô bé con tôi.  Hai đứa cứ thỉnh thoảng lại mượn phim này từ thư viện về xem. Xem đi xem lại nhiều lần đến độ tôi để ý và tôi cũng đâm ra thích nó. Đây là một phim vừa bi vừa hài, nói về những con người thiếu hạnh phúc. Và như Leon Tolstoy đã nói, những gia đình bất hạnh phúc thì cái bất hạnh của mỗi nhà mỗi khác.

Royal ở đây không phải nói về vua chúa.  Đó là tên của một người đàn ông bị vợ bỏ, con từ chối không nhìn.  Ông thông minh học giỏi đã từng là luật sư nhưng bị treo bằng và bị giam tù vì tội đánh cắp tiền của con trai của ông.  Sau khi bị vợ đuổi đi ông sống xa hoa, ở trong một khách sạn, 22 năm làm ít tiêu nhiều cho đến khi ông hoàn toàn khánh tận và bị đuổi ra khỏi khách sạn.  Để tìm cách trở về ông nói dối với Etheline, vợ cũ của ông, là ông bị ung thư bao tử. Ông muốn dùng sáu tuần cuối đời để tìm hiểu các con với hy vọng được tha thứ và yêu thương.

Từ khi chia tay với chồng, Etheline một tay nuôi và dạy con trở nên những người thành công ngoại hạng.  Hai người con trai của bà là Chas, Richie và cô con gái nuôi Margot. Chas là một thiên tài kinh doanh, từ năm 14 tuổi đã tự lập công ty cung cấp loại chuột dalmatian, màu trắng có đốm đen tròn.  Anh đã kiện bố đánh cắp tiền của anh hai lần đến nỗi ông bị mất bằng luật sư.  Richie chơi quần vợt nổi tiếng đồng thời cũng là một họa sĩ tài hoa. Margot là một cô gái tài hoa này năm lớp chín đã được thưởng cho 50,000 đồng cho vở kịch đầu tay. 

Dưới bề mặt thành công rực rỡ, tâm hồn ba người trẻ tuổi này chất chứa đau khổ âm thầm.  Chas có vợ và hai con trai.  Vợ anh chết sau một tai nạn phi cơ trong khi Chas, hai con trai, và con chó Buckley sống sót.  Chas bị ảnh hưởng tâm lý trầm trọng anh sợ phải để hai con trai một mình sẽ bị tai nạn, anh sợ cháy nhà, sợ hai con đau yếu nên bắt tập thể dục liên tục, cuối cùng mang hai con trai về nhà mẹ ở. Richie yêu thầm cô em gái nuôi.  Từ nhỏ cả hai đã rất quyến luyến nhau. Có lần cả hai lén cha mẹ mang đồ vào viện bảo tàng MET và trốn lại ngủ đêm trong đó. Richie âm thầm yêu cô em gái nuôi từ lâu. Anh nhận được tin Margot kết hôn với Raleigh khi anh đang thi đấu tennis.  Hôm ấy anh thua cuộc một cách thảm hại, sau đó giải nghệ và sống trên một chiếc tàu xuyên đại dương.  Anh viết thư tâm sự với người bạn thân, Eli Cash, là anh yêu cô em gái nuôi của mình. Nghe tin bố bị ung thư bao tử Richie trở về nhà của mẹ.  Trong gia đình, Richie thân với bố nhất vì khi còn bé ông bố thường đưa Richie đi chơi. Margot ngay từ nhỏ đã bất mãn ông bố cứ luôn miệng tuyên bố với tất cả bạn bè Margot chỉ là con nuôi.  Sinh nhật năm cô mười một tuổi, Eli, Chas, và Richie đã tổ chức trình diễn vở kịch của Margot. Ông bố chê vở kịch này.  Kể từ đó ba đứa con không cho phép ông bố tham dự vào cuộc đời của mình nữa. Đã bảy năm Margot không viết được vở kịch nào.  Suốt ngày cô tự nhốt mình trong phòng tắm lén hút thuốc.  Cô hút thuốc từ năm cô mười hai tuổi. Dù chồng cô rất yêu thương cô nhưng cô lại ngoại tình với Eli Cash.  Eli là người hàng xóm đối diện với gia đình họ Tenebeaums.  Eli là bạn học với Richie và luôn luôn muốn được làm người trong gia đình của họ Tenebeaums.  Eli thuật lại với Margot lời Richie tâm sự là Richie yêu Margot.

Etheline sau nhiều năm xa chồng dù chưa chính thức ly dị một mình nuôi dạy các con và từ chối nhiều người đã theo đuổi bà.  Bà vừa nhận lời cầu hôn của Henry Sherman người phụ trách công việc kế toán cho bà.  Royal hy vọng chinh phục lại trái tim vợ, nhưng nhận thấy là Henry có đầy đủ những đức tính mà ông ta không có đó là nghề nghiệp và tài chính vững chắc, nhất là Henry rất thương yêu Etheline vì thế Royal tặng cho vợ món quà ly dị.  Henry khám phá chứng bệnh ung thư giả dối vì thế Chas lại đuổi ông bố ra khỏi nhà. Royal cố gắng làm quen và chinh phục hai cháu nội trai nhưng Chas cấm ông không được đến gần hai cháu.  Nghe tin Margot ngoại tình với Eli, Richie tự tử nhưng được cứu kịp thời.  Anh thú thật với bố tình yêu với Margot nhưng ông bố cũng chẳng biết nên khuyên thế nào bởi vì tuy Richie và Margot thật sự là người dưng khác họ nhưng vì là anh em nuôi nên xã hội không tán thành.  Richie và Margot thú nhận tình yêu hai người dành cho nhau, nằm ôm nhau một lúc và hôn nhau.  Margot rời căn lều của Richie, (anh dành phòng ngủ của mình cho ông bố Royal), nói rằng hai chúng ta chỉ có thể thầm yêu nhau và không tiến tới hay làm gì cả. Eli là một nhà văn đang bắt đầu nổi tiếng thì anh đâm ra nghiện ngập.  Giữa khi đám cưới của Etheline và Henry bắt đầu, Eli đang cơn say thuốc đã tông xe vào nhà suýt tí nữa giết chết Ari và Uzi nếu ông nội Royal không cứu kịp.  Nhờ ông cứu hai đứa bé thoát chết Chas tha thứ cho bố trước khi ông qua đời vì bệnh tim.

Phim hay ở chỗ tuy là bi kịch nhưng được trình bày một cách rất khôi hài.  Một cái cười hóm hỉnh và thâm thúy.  Bối cảnh của phim quay ở New York, vào những năm 70, phim tránh không quay những nơi có cao ốc. Những cảnh quay trên mái nhà nơi Richie nuôi một con ó tên là Mordecai cho thấy những mái ngói rất đẹp. Màu của phim nghiêng về màu hồng đậm và nâu trông nhưng những bức tranh vẽ.&n
bsp; Vách tường của ngôi nhà ở đường Archer màu hồng, cái quần của ông giúp việc Pagoda màu hồng, bộ đồ của Etheline cũng màu hồng tạo thành một vẻ đặc biệt lạ lùng. Đối thoại giữa những nhân vật rất ngắn, rất gọn, đầy nét khôi hài lạnh đến độ phi lý. Những bức tranh vẽ trong phim cũng rất độc đáo.

Gene Hackman được phần thưởng Golden Globe cho vai trò Royal Tenebeaum. Ông đã rất thành công trong việc diễn tả một người đàn ông tuổi cao nhưng không trưởng thành, ích kỷ và không hiểu biết con cái.  Cả Angelica Huston (trong vai Etheline) và Gene Hackman trước đó đã từ chối không nhận vai trò diễn xuất của họ cho đến khi Wes Anderson và Owen Wilson phải sửa phim bản thêm những chi tiết để tạo chiều sâu cho nhân vật thì họ mới nhận vai.

Tôi rất yêu cái cảnh Royal chận Etheline ở ngoài đường bảo với bà vợ cũ là mình sắp chết.  Etheline bật khóc dù trước đó bà đã tỏ lòng căm giận ông chồng hư đốn của mình.  Royal thấy Etheline khóc nên tìm cách xoa dịu bà và nói ngược lại ông không phải sắp chết.  Tức giận bà tát tai ông, cái tát rất mạnh, và rất thật.  Etheline đi ngang những tòa nhà bằng đá nâu rất cổ và rất đẹp. Cảnh bà tát ông chồng cũ được quay trước một bức tường của một tòa nhà kiểu xưa dưới bóng cây, rất New York (và New Jersey).

Ở đầu phim khi giới thiệu nhân vật, đạo diễn đã cho các nhân vật đứng trước gương tự soi mình và để lộ cá tính cũng những nét đặc biệt của nhân vật rất độc đáo.

Còn một cảnh khác cũng không kém phần hấp dẫn đó là khi Margot lên mười bốn tuổi, cô trốn nhà đi tìm gia đình ruột thịt của mình.  Khi trở lại bàn tay của cô mất một ngón.  Trong trí nhớ già cả của tôi đó là bàn tay phải và ngón tay áp út, nhưng tôi không chắc lắm, rất có thể đó là bàn tay trái và ngón tay giữa. Không ai biết lý do vì sao cô mất một ngón tay nhưng có một lúc cô kể lại lý do cho Aris và Uzi biết.  Năm mười bốn tuổi cô trốn nhà mẹ nuôi để đi tìm người thân ruột thịt.  Gia đình của cô là một gia đình nông dân. Cô mang gỗ cho người anh chẻ làm củi.  Người anh quay búa và giáng xuống khi ngón tay của cô vẫn còn nằm trên khúc gỗ.  Không có máu me hay tiếng la hét.  Chỉ có ba phim cảnh hoàn toàn im lặng. Cảnh một Margot (do Gwyneth Paltrow thủ vai) đặt khúc gỗ xuống và ánh búa giơ lên. Cảnh hai chiếu nét mặt sững sờ của Margot.  Cảnh ba là nét mặt sợ hãi của người anh.

Khác với những show hài hước trên truyền hình như Friends hay I love Raymond, tất cả mọi màn kịch đều ồn ào náo nhiệt để tạo kích động và gây cười.  Phim Royal Tenebeaums rất yên tĩnh, ngay cả nét mặt của các nhân vật cũng mang một vẻ lạnh lùng không biểu lộ cảm xúc, tuy thế tôi không thể nín cười, cười một mình rất riêng tư, yên lặng, nhưng cũng rất thấm thía.

Anderson đã mượn một phần ý tưởng của J. D. Salinger, tác giả của quyển Bắt Trẻ Đồng Xanh vừa mới qua đời, về gia đình nhà họ Glass bao gồm những thiên tài trong đó có hai anh em Franny và Zoey. Phim rất độc đáo từ cách xây dựng nhân vật, nhạc nền, quanh cảnh của phim.  Đây là phim biểu lộ tài sáng tạo của Anderson, một quan điểm nghệ thuật được xem là hậu hiện đại.