

Bận quá và mệt quá nên không viết nổi, vì không thể suy nghĩ về chủ đề nào cho cặn kẽ. Đọc Xứ Tuyết xong nhưng sợ điểm sách hoài sẽ làm người đọc mình chán đọc và chán mình. Văn chương nghĩ cho cùng là món nợ tình cảm bởi vì ngay cả trong ý muốn phục vụ mình cũng sợ người ta không cho mình phục vụ. Sợ thế là tại vì mình yêu mến người đọc mình, những người không biết mặt, không biết tên, muốn được giữ lòng yêu mến này lâu dài.
Đang đọc quyển sách nói về chiến tranh. Quyển sách tuy không khó hiểu nhưng khó đọc, khó chú tâm đọc lâu dài. Đúng là đàn bà yếu lý trí, chỉ thích đọc những gì dễ dàng thơ mộng, đụng đến chiến tranh hay chính trị đòi hỏi một sự nỗ lực của người đọc thì không chịu nổi.
Lang thang qua nhà bạn nghe nói về ca dao. Bài viết thật thơ và tình cảm. Người viết dùng những chữ rất bình thường nhưng lại đánh rất mạnh vào cảm xúc của người đọc. Viết rất khéo. Bái phục. Tôi sẽ nhớ áp dụng cách dùng chữ như thế này vào những bài viết sắp tới của tôi.
Tôi cũng rất yêu ca dao. Ngày rời Việt Nam tôi ở trong trạng thái giận mình, giận đời, nhìn thấy những thua thiệt thất bại hư hỏng của chính mình tôi tự nhủ sẽ quên hết và không bao giờ trở về không bao giờ ngó nghĩ về quá khứ. Tôi ngạc nhiên khi thấy mình quên quá khứ khá dễ dàng. Quên những giận hờn oán ghét. Quên cả những người mà mình đã tưởng là mình yêu thương. Thật ra không thể nói là quên mà chỉ có thể nói là mình không nhớ. Không nhớ, có lẽ một phần, vì bận bịu lao đầu vào cuộc sống mới với những vất vả hiện tại.
Tôi đã chẳng nhớ, hay nói cho đúng không thèm, những món ăn Việt Nam như những người Việt tôi quen. Số người thân tôi nhớ chỉ có trên vài đầu ngón tay. Tuy nhiên có những đêm trước khi chìm vào giấc ngủ những câu ca dao lại hiện về và những khi tôi nhớ má tôi những câu ca dao bao giờ cũng làm tôi chảy nước mắt. Bây giờ điều làm tôi ngạc nhiên nhất là tôi nhớ má tôi nhiều nhất. Ngay cả bây giờ những khi con tôi làm tôi lo lắng buồn phiền là tôi lại nhớ má tôi. Một trong những câu ca dao làm tôi liên tưởng đến má tôi là câu:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Hay là:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Còn nhiều lắm. Trí nhớ tôi chất đầy những câu ca dao dịu dàng, ngọt ngào, đầy nhạc điệu. Tôi vẫn thường tự nhủ muốn nhớ một điều gì người ta chỉ cần học thuộc, muốn quên một điều gì khó hơn bởi vì người ta không thể undo hay delete như dùng computer. Một trong những cách giúp người ta quên là chất vào trong ký ức của mình những điều mới để đánh đuổi những chuyện cũ. Thế nhưng ký ức như những vùng có nhiều ngăn vừa hẹp vừa sâu, lọt vào đáy ký ức nó nằm nguyên ở đó. Chất vào cái mới chưa chắc đã đuổi đi được cái cũ. Ký ức đâu có phải là chất lỏng mà nó trào ra rồi trôi đi xuống cống.
Rời quê nhà, có những điều tôi nghe tiếng nghe tên nhưng chưa bao giờ biết sự việc đó, vật đó, hình dáng ra làm sao. Thí dụ như:
Ai về giồng nứa qua truông
Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em.
Câu ca dao này có khi được nghe trại qua một hình ảnh khác. Ai về trồng dứa bên truông. Dứa thì tôi hiểu, nhưng nứa và truông là cái gì hình dáng ra làm sao tôi không biết. Chỉ biết lờ mờ truông là cái gì đó khó khăn nguy hiểm như sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam giang. Không biết nhưng hình ảnh cái bông sậy theo đuổi tôi mãi. Qua Mỹ tôi mới dùng tự điển lau sậy là cây reed rồi tôi đi tìm hình ảnh của cây reed. Biết là sự chắp nối này có thể đưa đến một hình ảnh sai lầm nhưng vẫn cố.
Rồi tình cờ lúc đi ra một cái cầu tôi phải sửa thấy một đám lau sậy mọc dọc theo hàng rào xe lửa sau một vách tường hoang. Hình ảnh lau sậy lắt lay trong gió nhẹ nhàng nhưng mang một nỗi buồn nặng trĩu trong lòng một người phụ nữ thương nhớ người ở xa nhìn lau sậy mà liên tưởng đến chàng. Một lần qua dạt bến lau thưa. Hò ơi giọng hát thiên thu.
Còn muốn viết nữa nhưng đến giờ đi làm.