Figured Shino

Trong tập truyện ngắn Ngàn Cánh Hạc của Yasunari Kawabata có một truyện ngắn có tên là Figured Shino.  Shino là tên của một loại gốm sứ được nung ở lò Oribe.  Mỗi lò nung gốm có chất lượng khác nhau nhiều nên người ta nhìn loại sứ ở lò nung nào để đánh giá. Bà Ota có một bình sứ bằng gốm Shino, nguyên thủy là bình dùng để chứa nước nấu trà. Chồng của bà có lẽ cũng là người khá giả từng là bạn uống trà với ông bố Kikuji.  Sau khi chồng mất bà Ota bán các bộ đồ trà cho ông bố Kikuji.  Bà giữ lại bình sứ Shino và dùng làm bình cắm hoa.  Sau đó bà trở nên tình nhân của Kikuji bố cho đến ngày ông ấy qua đời. Gặp lại Kikuji (con) trong một buổi trà đạo bà Ota và Kikuji (con) đã ngủ với nhau vì bà nhìn thấy hiện thân của người bố trong hình dáng người con. Fumiko, con gái của bà Ota, biết mẹ đã từng là tình nhân với người bố nay lại dan díu với người con nên đã ngăn trở mẹ. Cuộc dan díu ngắn ngủi này để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng bà Ota. Sau đó đột ngột bà Ota tự tử chết.  Cái chết của bà gây hoang mang thắc mắc trong lòng chàng trẻ tuổi. Kikuji gửi hoa đến phúng điếu và sau đó đến viếng thăm Fumiko. Ở nhà Fumiko, Kikuji nhìn thấy bình sứ Shino được dùng để cắm hoa nhận biết đây là một cái bình dùng để chứa nước trong trà đạo. Đoạn văn trích sau đây cho thấy sự hoang mang thắc mắc của Kikuji trong cái chết của bà Ota.

“Tôi nhận ra đây là cái bình chứa nước.”
Chàng đang nhìn cái bình nàng dùng để cắm những đóa hoa của chàng.  Đây là một cái bình chứa nước trong trà đạo.
“Vâng.  Em nghĩ làm thế rất thích hợp.”
“Đây là một bình gốm Shino rất quí.”  Tuy nhiên nếu dùng để chứa nước dâng trà thì nó hơi nhỏ.
Những đóa hồng trắng và cẩm chướng màu nhạt rất hợp mắt trong cái bình hình trụ này.
“Thỉnh thoảng Mẹ dùng bình này để cắm hoa.  Vì thế mẹ không bán cái bình đi.”

Kikuji quỳ gối thắp hương trước hộp đựng tro.  Chàng chắp tay và nhắm mắt. Chàng xin lỗi.  Nhưng tình yêu tuôn vào lời xin lỗi, vỗ về và làm dịu bớt mặc cảm phạm tội. Có phải bà Ota tự tử vì không thể trốn thoát mặc cảm tội lỗi?  Hay bởi vì bị tình yêu theo đuổi và bà không thể tự chủ trước tình yêu này?  Cái gì đã giết chết bà, tình yêu hay tội lỗi?  Suốt cả tuần Kikuji đã tra khảo dằng co với chính mình.

Bây giờ khi chàng quỳ gối nhắm mắt trước hộp tro tàn, chàng không thể nào tưởng tượng ra hình dáng của bà; nhưng chàng vẫn còn cảm thấy cái vòng tay ấm áp của bà, chàng vẫn còn say đắm với hương thơm của cái vuốt ve nồng ấm này.  Một sự kiện bất bình thường, nhưng, bởi vì đây là bà Ota, sự kiện này lại không có vẻ bất thường.  Mặc dù cái cảm giác người đàn bà mơn trớn vẫn còn trên người chàng, nó, cái cảm giác, có vẻ như là một tiếng nhạc hơn là cái đụng chạm thật sự trên da thịt.

Bị mất ngủ từ khi bà qua đời, Kikuji thường dùng rượu saké để dỗ giấc ngủ.  Tuy dễ bị đánh thức, chàng nhận ra đã nhiều lần mình nằm mơ.

Những giấc mơ này không phải là những cơn mộng dữ.  Khi thức giấc chàng thường có cảm giác ngây ngất ngọt ngào của một cơn say.

Một người đàn bà đã chết lại có khả năng làm người ta tưởng nhớ đến vòng tay của nàng trong giấc mơ, với Kikuji điều này khá đáng sợ. Chàng còn trẻ và không chuẩn bị đón nhận cảm giác như thế.

“Chuyện tôi đã làm!” Hai lần bà đã thốt lên câu nói này, một là khi bà ở qua đêm với Kikuji ở Kamakura và sau đó là khi bà đến viếng trà thất của chàng.  Câu nói này được thốt lên trong lúc rúng động cao độ cùng với vài tiếng nức nở, và bây giờ, quỳ trước tro tàn của bà tự hỏi lý do bà tự tử, chàng nghĩ chàng đã thoáng cảm nhận được trong giây phút ngắn ngủi cái có thể gọi là cảm giác tội lỗi.  Sự cảm nhận này tuy thế chỉ mang lại giọng nói của bà, nói về tội lỗi của bà.

“Tôi mừng là đã đến đây hôm nay,” Kikuji nói. “Tôi có thể cho là điều cô mới vừa nói có nghĩa là giữa người sống và người chết có thể không có sự tha thứ tuy nhiên tôi có thể tin là mẹ của cô đã tha thứ cho tôi không?”

Fumiko gật đầu.  “Nếu không thì Mẹ không thể được tha thứ.  Cũng không có nghĩa là bà có thể tự tha thứ.”

“Nhưng sự có mặt của tôi ở đây với cô ngày hôm nay có gì không ổn.”

“Tại sao? Nàng nhìn chàng. “Anh cho là mẹ chết như thế là sai lầm? Em cũng rất là cay đắng về việc này. Em nghĩ là cho dù mẹ em có bị hiểu lầm đến mức độ nào đi nữa, cái chết không phải là câu trả lời của bà.  Cái chết chỉ làm gián đoạn sự thông cảm giữa người ta với nhau.  Không ai có thể tha thứ việc này.”

Kikuji im lặng.  Chàng tự hỏi nếu như Fumiko cũng đã cố gắng đối diện lần cuối cùng với bí mật của cái chết.
Nghe người ta bảo mình cái chết làm gián đoạn sự thông cảm giữa con người với nhau thấy kỳ lạ.

Bà Ota mà Kikuji biết bây giờ có vẻ khác với bà mẹ mà Fumiko biết. Fumiko không thể nào biết cái khía cạnh đàn bà trong người mẹ của nàng. Tha thứ hay được tha thứ với Kikuji cũng giống như được đong đưa trong một làn sóng, cái mơ mộng mơ hồ của thân thể của một người đàn bà. Dường như cái mơ màng ấy hiện đang nằm ở trong những cái bát trà Raku. Fumiko không biết khía cạnh này về mẹ nàng. Nó lạ lẫm và ngấm ngầm, sự thật là đứa con không nên biết về cái thân xác mà nàng đã thoát ra từ ấy, và cũng rất ngấm ngầm cái thân hình của người mẹ đã được trao qua thân hình của người con.

Từ giây phút nàng đã chào đón chàng ở ngưỡng cửa, Kikuji đã cảm thấy cái gì đó mềm mại và dịu dàng.  Trên gương mặt tròn trịa dịu dàng của Fumiko chàng nhìn thấy mẹ nàng. Nếu bà Ota đã nhầm lẫn khi bà nhìn thấy bố của Kikuji trong Kikuji, rồi có điều gì đó cũng rất đáng sợ, một sự đeo đẳng như là một lời nguyền, trong sự thật là đối với Kikuji, Fumiko rất giống mẹ của nàng; nhưng Kikuji, không phản đối, tự để mình bị cuốn đi. Nhìn cái miệng nhỏ không được chăm sóc, môi dưới hơi trễ ra như hờn dỗi, chàng cảm thấy không có sự chống đối trong cô gái. Điều gì người ta có thể làm khiến cho cô chống cự lại? Câu hỏi này nên được đặt ra cho Kikuji.  “Mẹ của cô hiền lành quá nên không sống được ở cuộc đời này,” chàng nói.  “Tôi đã độc ác với bà và tôi ngờ là tôi đã tấn công bà bằng chính cái sự yếu đuối hư hỏng về mặt đạo đức của tôi.  Tôi là một thằng hèn.”

“Mẹ đã sai lầm.  Mẹ đã sai lầm.  Bố của anh, rồi đến anh – nhưng tôi phải nghĩ rằng bản tính thật của mẹ hoàn toàn không như thế.” Nàng nói ngập ngừng và đỏ mặt. Màu máu ấm áp hơn trước đây.

Tránh đôi mắt của Kikuji, nàng cúi đầu và nhẹ nhàng quay hướng khác.
“Nhưng từ ngày Mẹ mất đi, trông bà có vẻ như đẹp hơn.  Có phải điều này chỉ là trí tưởng tượng của em, hay thật sự Mẹ đẹp?”
“Cả hai đều đẹp như nhau, tôi đoán thế, với người chết.”
“Có lẽ Mẹ chết vì không thể chịu được cái xấu xa của người.”
“Có vẻ không phải thế.”
“Quá nhiều – nên bà không thể chịu đựng được.” Nước mắt đong đầy mắt của Fumiko.  Có lẽ nàng muốn nói về tình yêu của mẹ nàng cho Kikuji.”
“Người chết là tài sản của chúng ta. Chúng ta phải săn sóc họ,” Kikụi nói.  “Nhưng họ đều chết một cách vội vàng.”
Nàng có vẻ như hiểu ý chàng:  chàng muốn nói đến cha mẹ nàng và cha mẹ của chàng.
“Cô là một đứa con mồ côi, và tôi cũng thế.” Lời nói của chàng làm chàng nhận thấy rằng nếu như bà Ota không có cô con gái này, fumiko, có lẽ chàng sẽ có những tư tưởng khá xằng bậy về bà.

8 thoughts on “Figured Shino”

  1. Ôi, những éo le của cuộc đời.
    “Đây là một bình gốm Shino rất quí.” Tuy nhiên nếu dùng để chứa nước dâng trà thì nó hơi nhỏ. Những đóa hồng trắng và cẩm chướng màu nhạt rất hợp mắt trong cái bình hình trụ này.
    “Thỉnh thoảng Mẹ dùng bình này để cắm hoa. Vì thế mẹ không bán cái bình đi.”

    Cảm ơn Bạn, tôi được biết thêm một chút lẻ trong hồn người Nhật. Tôi sẽ nghĩ thêm, từng câu, từng câu, khi đã từng xem những tượng và tranh của người Nhật kiểu “phong nhũ phì đồn”. Sự giao hòa giữa cổ điển, truyền thống cõi Phù Tang và cái đương thời tân tiến, khó lắm thay. Đồ vật xưa soi chiếu quá khứ vạn vật hữu hình, như in vết những vành môi: Vô biên và vô hạn, nhưng vô thường và lưu niên. Đó là chuyện riêng của truyện: Những quá khứ rối bời.
    Đó, đọ những chầm chậm trong bài của Bạn …
    Nhưng tình yêu tuôn vào lời xin lỗi, vỗ về và làm dịu bớt mặc cảm phạm tội.

    Nghe người ta bảo mình cái chết làm gián đoạn sự thông cảm giữa con người với nhau nghe kỳ lạ.

    Bản tính thật của mẹ hoàn toàn không như thế.
    Chúc Bạn vui!
    Chưa được đọc Ngàn Cánh Hạc, tôi vẫn yêu Xứ Tuyết hơn.

  2. Mình thì ngày xưa đọc nhiều, nhiều lắm….nhớ từng câu, từng chữ….
    Nhưng sao giờ quên sạch sành sanh…
    Già rồi phải không Tám ?
    Nhưng mà Tám đâu có già !!!!!

    1. Quên cũng là một điểm đáng quí, phải quên những chuyện cũ hay không cần thiết để nhớ những chuyện mới hay cần thiết.

      Già chứ, mỏi mệt, lẩn thẩn, hay quên… Cái gì bạn cảm thấy trên thân thể bạn thì Tám cũng cảm thấy như vậy trên thân thể Tám.

      Vì biết mình già nên càng cố gắng hưởng thụ lộc trời cho như sức khỏe, mắt còn dùng được thì đọc và xem phim, đi bộ, viết blog, trò chuyện với Nắng… thấy chưa.

Leave a comment