Kate Chopin – Awakening (Thức Tỉnh)

Thức Tỉnh phảng phất dáng dấp truyện Anna Karenina. Một thiếu phụ đẹp, sống trong một gia đình nề nếp, chồng giàu và nghiêm khắc, con xinh xắn, có một cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc mà người ngoài nhìn vào bằng đôi mắt thèm thuồng mơ ước, lại đổ chứng đi yêu một người đàn ông khác trẻ tuổi hơn nàng. Trong khi Alexei Vronsky tận lực đeo đuổi chiếm đoạt Anna Karenina vì yêu nàng thì Robert Lebrun (trong Thức Tỉnh) chủ động lảng tránh Edna Pontellier bởi vì yêu nàng và muốn bảo vệ nàng. Anna Karenina hoàn toàn lệ thuộc chồng về mặt tài chánh trong khi Edna có tài sản riêng được ông bố lén cho. Anna ủy mị yếu đuối rơi vào vòng tay của Vronsky rồi đầu hàng số mệnh còn Edna luôn luôn ở trạng thái chủ động chọn lựa giữa hôn nhân và tình yêu. Ngay cả cái chết của nàng cũng ở trong trạng thái hưởng thụ tự do giữa biển cả.

Theo chồng và các con về Grand Isle để nghỉ hè, Edna Pontellier gặp Robert Lebrun. Chồng của Edna, Léonce Pontellier là một thương gia giàu có, thường xa nhà. Ông rộng rãi về mặt tiền bac và yêu thương vợ tuy nhiên ông đòi hỏi nàng phải vâng lời ông và phiền lòng khi cho rằng Edna không mấy quan tâm chăm sóc con. Edna ao ước tự do. Nàng vùng vẫy trong tuyệt vọng khi trách nhiệm của hôn nhân và gia đình đè nặng lên nàng khiến Leonce hoang mang nghĩ là nàng bị bệnh tâm thần.  Robert Lebrun đã giới thiệu với Edna một nữ nghệ sĩ dương cầm, Cô Reisz. Robert Lebrun đánh thức tình yêu trong tâm hồn Edna còn Reisz giúp Edna nhận ra bản chất nghệ sĩ khao khát tự do trong tâm hồn nàng. Khác với tác phẩm Anna Karenina, Thức Tỉnh không nhấn mạnh đến thảm kịch của mối tình ngang trái, mà bộc lộ cái mơ ước được tự do, được làm chủ trọn vẹn bản thân, từ thể xác đến tâm hồn của một người nghệ sĩ mà cũng là phụ nữ.

Lần đầu tiên ra biển với Robert, Edna đã có cảm tưởng như sau:

Edna bắt đầu nhận biết vị trí của mình, con người trong vũ trụ, và tương quan của cá nhân nàng với thế giới bên trong cũng như thế giới chung quanh nàng. Điều này giống như sức nặng kỳ diệu của sự hiểu biết đè lên tâm hồn của người thiếu phụ hai mươi tám tuổi – có lẽ còn hiểu biết hơn là đức Chúa Thánh Thần đối với lời cầu xin của bất kỳ phụ nữ nào.
Nhưng sự bắt đầu của rất nhiều điều, đặc biệt là của thế giới, thường hay mù mờ, rối rắm, và vô cùng hỗn loạn. Rất ít người trong chúng ta có thể bảo toàn với những sự bắt đầu như thế! Có biết bao nhiêu tâm hồn bị tiêu hủy trong sự hỗn loạn này.
Giọng nói của biển cả thật là quyến rũ; không ngừng, thì thầm, huyên náo, lao xao, mời gọi tâm hồn lang thang đi tìm một lời nguyền dưới vực sâu thẳm của tịch liêu; rồi tự biến mất trong trận đồ của nội tâm.
Giọng của biển nói với tâm hồn. Cái vuốt ve của biển thật gợi cảm, ôm kín thân thể nàng bằng vòng tay thật là mềm mại.

Edna tự phân tích tư tưởng và tình cảm của nàng dành cho Robert Lebrun:

Cái tình cảm nàng dành cho Robert không giống như tình cảm nàng dành cho chồng, chưa bao giờ nàng có cảm xúc này, và cũng chẳng ngờ là mình sẽ có. Suốt đời nàng quen với việc giữ kín tư tưởng và không bao giờ thố lộ cảm xúc. Chưa bao giờ thấy khó khăn trong việc này. Tư tưởng và cảm xúc là của riêng nàng và nàng cả quyết đó là quyền của nàng không liên can đến ai. Đã có lần Edna nói với bà Ratignolle (bạn thân) là sẽ chẳng bao giờ nàng hy sinh bản thân nàng cho bất cứ ai, ngay cả các con của nàng. Hai người cãi nhau dữ dội như thể hai người không thể nào hiểu nhau hay không nói với nhau bằng ngôn ngữ chung. Edna cố gắng giảng hòa với bạn, giải thích:

“Tôi có thể bằng lòng đánh mất những thứ không cần thiết; Tôi có thể cho tiền hay mạng sống của tôi cho các con tôi; nhưng tôi sẽ không đánh mất chính tôi. Tôi không biết giải thích cách nào; tôi chỉ mới bắt đầu hiểu cái tự đòi hỏi này, nó tự hiển hiện ra với tôi.”

Người bạn mới của Edna, nữ dương cầm thủ Reisz, là một người nhỏ bé, và cô độc. Giữa bà và Edna có một sự quí mên thông cảm nhau đặc biệt của hai tâm hồn đồng điệu. Edna đang cố gắng phát huy khả năng sáng tạo của nàng qua hội họa. Nàng đưa vài bức phác họa cho bà Reisz và bà đã nói thế này:

“Tôi không biết bà lâu và sâu sắc đủ để nhận xét. Tôi không biết rõ tài nghệ cũng như tính tình của bà. Để trở thành một nhà nghệ sĩ; người ta cần phải có nhiều tài – tài đặc biệt – không phải lúc nào cũng có thể nhờ cố gắng mà có được. thêm vào đó, để thành công, một người nghệ sĩ cần phải có tâm hồn can đảm.”
“Bà có ngụ ý gì khi nói đến tâm hồn can đảm?”
“Can đảm, ma foi! Một tâm hồn can đảm là một tâm hồn dám thực hiện mơ ước và dám phản kháng.”

Nữ dương cầm thủ này có lần đã vòng tay ôm nàng và sờ nhẹ vào xương vai của nàng như thể xem đôi cánh của nàng có khỏe hay không bà nói:

“Con chim muốn bay vút lên cao vượt qua những đồng bằng của tục lệ và thành kiến phải có một đôi cánh rất khỏe. Chẳng có gì đáng buồn hơn và thê thảm hơn nhìn thấy một con chim yếu ớt bầm dập, mệt mỏi, loạng choạng bay trở lại mặt đất rồi bị mai mỉa. Gãy cánh rồi sao?”

Bên cạnh cách viết với hình ảnh sống động, Thức Tỉnh nói lên sự xung đột nội tâm đưa đến hành động cưỡng chống của một phụ nữ muốn yêu muốn sống vượt ra ngoài luân lý mà xã hội đàn ông đã áp đặt lên họ.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s