Hoa đào phần 2

Người Nhật có một loại đào nở từ thu cho đến hết mùa Đông (ở vùng ấm hơn) gọi là winter sakura, hay hoa đào mùa đông, tên khoa học là Prunus subhirtella. Trong chương Sáu của tác phẩm Âm Thanh Của Núi, nhà văn Nhật Bản Yasunari Kawabata đã nói về loại hoa đào nở tháng Giêng mà nhân vật chính là ông cụ Shingo nhìn thấy trong khách sạn ông đang ở.  Trong trạng thái bàng hoàng, giữa mùa Đông mà ông cụ Shingo ngỡ  mình đang ở trong một thành phố lạ lúc vào xuân. Nhắc đến hoa đào thì không thể không nhắc đến bài thơ Mây Hoa, thiền sư Basho đã viết để ca tụng cái đẹp của hoa anh đào đang nở.  Ông nhìn vòm hoa đan kín trắng như mây và vẻ đẹp của hoa làm ông say ngất ngưởng đến độ ông không còn phân biệt tiếng chuông chùa phát xuất từ Ueno hay là từ Asakusa.

hana no kumo / kane wa Ueno ka | Asakusa Cloud of blossoms / Is that the bell from Ueno / Or Asakusa

Mây hoa anh đào nở / Tiếng chuông ấy vọng từ Ueno/ hay Asakusa

Vào thời kỳ Edo, tiếng chuông chùa ở Asakusa là tiếng chuông báo giờ cho dân chúng trong vùng.  Thiền sư Basho sống ở Fukagawa ven bờ sông Sumida.  Nơi đó ông có thể nhìn thấy mãi của ngôi chùa Kannon.  Cũng cách nơi ông ở không xa là ngôi chùa Kaneiji trong công viên Ueno cũng có chuông báo giờ.  Vì thế thiền sư nghe tiếng chuông ngân giữa vòm hoa đẹp đến làm người ngẩn ngơ rồi tự hỏi.  Tiếng chuông ấy đến từ đâu, Asakusa hay Ueno.  Trong cơn ngây ngất, ông nhìn mái chùa Kannon rồi viết tiếp bài thơ:

Kannon no | iraka miyaritsu | hana no kumo
Kannon’s tiled roof / is seen far away / blossom clouds
Mái ngói chùa Kannon /  được nhìn thấy từ phía xa xa / đám mây hoa anh đào

Hoa anh đào tượng trưng cho sự vô thường của cuộc đời.  Hoa nở rộ khoe sắc rồi tàn trong vòng ba ngày cho đến một tuần.  Người Nhật xem đây là triết lý của cuộc sống và sự luân hồi.  Hoa nở rồi tàn rồi sang xuân lại nở.  Hoa đào cũng được xem như những hiệp sĩ samurai nay còn mai mất.  So sánh danh tướng với hoa đào như người xưa đã ví von danh tướng với mỹ nhân.

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Wang Wei vào thế kỷ thứ 8 có bài thơ so sánh hoa đào với tuổi đời như sau:

Hoa anh đào nở khi tóc ta màu đen
Ta cười và nhảy múa với các nàng thiếu nữ xinh đẹp
Hoa anh đào nở tóc ta màu muối tiêu
Nhưng hoa trẻ trung khắp nơi
Cây anh đào vẫn còn là điều thú vị
Khi một vị thần cười biến mái tóc ta trắng phơ

Hoa anh đào thuộc chi nhánh mận mơ, họ hoa hồng.  Tuy nhiên loại hoa anh đào này không bao gồm loại mơ, đào và hạnh là loại cây ăn quả chúng ta thường nghe nhắc nhở qua ca dao:

Bây giờ hạnh mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Hạnh hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

Tuy hoa đào Việt Nam khác với hoa đào của Nhật Bản, hoa đào đi vào âm nhạc Việt Nam không ít. Bài thơ Tống Biệt của Tản Đà bắt đầu bằng câu “Lá đào rơi rắc chốn thiên thai” được phổ nhạc qua giọng hát thánh thót của ca sĩ Thái Thanh.” Thuở nhỏ, khi còn ở Việt Nam, hoa đào cũng như hoa mai chào đón vào dịp Tết âm lịch. Giã từ mùa Đông lạnh lẽo để đón mùa Xuân, khởi đầu năm mới. Cho dù không có cơ hội về Việt Nam để đi thăm Đà Lạt chúng ta vẫn không thể nào quên lời ca tụng hoa đào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên “Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi…!”, “Ngày nào…  dừng chân phiêu lãng. Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi. Màu hoa in dáng trời. Tình hoa lưu luyến người. Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi…”. Và, để được “Màu hoa in trên má. Làm khách lưu luyến mãi Đà Lạt ơi!…”

Thi hào Nguyễn Du cảm hứng từ ý thơ của Thôi Hộ ghi lại hình ảnh hoa đào với hai câu thơ “Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.”