Thư của Brenda Venus viết cho Henry Miller

Henry Miller (1891 – 1980) nhà văn kiêm họa sĩ Hoa Kỳ, nổi tiếng là người phá vỡ cấu trúc của văn học truyền thống, tiên phong trong việc phát triển một thể loại văn học mới bằng cách kết hợp văn học với tiểu sử, phê bình xã hội, suy ngẫm triết lý của cuộc đời, người theo chủ nghĩa siêu thực không liên kết với tổ chức nào, và chủ nghĩa tâm linh. Tác phẩm tiêu biểu của ông là Tropic of Cancer, Tropic of Capricorn, và Black Spring.  Ông cũng viết du hành ký, hồi ký, tiểu luận phân tích và phê bình văn học (Wikipedia).

Năm 1976, có một người nữ diễn viên vô danh có cái tên mà không ai có thể chứng mình được là của một người thật sự, tên là Brenda Venus viết thư cho Henry Miller, lúc ấy đã được tám mươi bốn tuổi, đang đau yếu.  Miller thời còn trẻ nổi tiếng là một người theo chủ nghĩa tự do luyến ái và tình dục và là người tiên phong trong địa hạt văn học miêu tả tình dục của đàn ông.  Venus bày tỏ nguyện vọng được gặp ông và gửi cho ông một số ảnh của nàng.  Miller, không bao giờ bỏ qua cơ hội được chia sẻ không gian và thời gian với người đẹp, trả lời rất hớn hở. Ông viết hai lá thư ngày 9 tháng 6 năm 1976, và được Venus đáp ứng với rất nhiều lá thư sau đó.  Đây là lúc bắt đầu của bốn ngàn trang thư qua lại cho đến khi Miller qua đời năm 1980.

Những lá thư của Miller to Brenda Venus cho thấy ông vẫn còn rất tươi trẻ sống động, nhất là trong lúc ấy sức khỏe của ông đang suy thoái trầm trọng.  Trong mối quan hệ này, ông đã lần lượt đóng những vai người cha, người thầy, người hướng dẫn, và căn bản là một ông già thích yêu.  Những vai trò này có lẽ vừa làm Venus thích thú vừa có vẻ vô hại với nàng, một người đang định hướng đi của mình trong một thế giới rất khắc nghiệt và khó thành công cho một ngôi sao điện ảnh nhỏ bé. Nàng nói trong một lá thư chúc mừng sinh nhật thứ tám mươi sáu của Miller, “anh đã dẫn em đi trên con đường đầy ắp tin tưởng và yêu thương, và em rất sung sướng theo anh.” Nàng đã hãnh diện đóng vai trò nàng thơ cuối cùng cho một trong những nhà văn khêu tình gợi dục nhất của Mỹ.  Riêng Miller, ông cảm thấy mình có được một tình yêu vô bờ bến và rất hàm ơn người đàn bà này.  Nếu không có nàng, ông có lẽ bị “bắt buộc nhận chìm những năm cuối cùng trong đời mình trong cơn lê mê của thuốc ngủ và cô đơn không người thăm viếng.”

Tháng Giêng 22, 1980

Henry mãi mãi của em ơi,
Anh dạy em nhiều ơi là nhiều.  Anh giúp em hiểu cuộc đời.  Anh toàn hảo gần như là một đóa hoa hồng.  Ý chí của anh, tinh thần của anh, những cái tốt của anh thật là đáng kinh ngạc.  Anh luôn làm em thảng thốt.  Anh ở cương vị đàn ông là một người đặc biệt nhất trong thế giới này.  Em có cảm tưởng tất cả những chuyện may mắn vui vẻ trong đời em có được là nhờ anh.  Anh thật sự chiếm một chỗ lớn và vững chắc trong tim em, trong óc em, trong linh hồn em. Một đóa hoa hồng không bao giờ tàn.  Một ánh sáng không bao giờ tắt.

Bây giờ, nhờ anh, em có thể để mọi chuyện diễn tiến theo cách của nó. Đây đúng là em đã leo lên một nấc thang cao hơn, phải không?

Nhờ anh, em sẽ chỉ sống với giây phút này, ngày hôm nay.  Em sẽ không lo lắng về ngày mai, em biết nó sẽ đến không mấy chốc.  Mỗi ngày là một ngày quí giá, đặc biệt là khi em được nhìn thấy anh, nắm tay anh và nhìn sâu vào mắt anh.

Tony và Val yêu anh rất nhiều.  Em nhìn Tony ngắm anh hôm qua và em có thể nhìn thấy lòng yêu thương mà Tony dành cho anh.  Em biết tình cảm của cha mẹ và con cái đôi khi không dễ bày tỏ, bởi vì luôn luôn ý kiến về thái độ của mỗi người khác nhau.  Tức cười là ở chỗ cái mà cha mẹ ghét nhất ở con cái thường là cái mà người ta ghét ở chính mình và ngược lại.  Tony sẽ về nhà mai chiều đây thôi, anh đã nói cho Tony biết là anh thương yêu cậu ấy chưa?  Đâu có gì khó khăn khi nói bố thương con, bố thương con, bố thương con.  Khi em bày tỏ lòng thương yêu với người thân em thấy sung sướng lắm.  Em không biết người khác có thấy thế không.

Từ khi ở Paris, em thấy lòng em có nhiều biến đổi mà em không thể giải thích, ngoại trừ là có thể nói rằng tất cả những năm tháng dường như kết tụ lại trong óc em. Mọi chuyện trở nên trong trẻo như pha lê.  Đặc biệt là cái quan trọng của sự hiện hữu, của mình là chính mình ở mức độ toàn vẹn nhất.

Anh mang đến cho em nụ cười, anh làm em chảy nước mắt, đấu tranh cho niềm tin của mình và không thắc mắc về những điều em không thay đổi được, chỉ chấp nhận chúng với bản chất như thế, nhất là với con người.

Em hy vọng bác sĩ sẽ tuyên bố là anh có sức khỏe khả quan. Và em mong anh sẽ ăn nhiều món súp thịt gà em nấu.  Em biết nếu anh ăn được anh sẽ thấy khỏe trong vòng vài ngày.  Em biết.

Lá thư này có lẽ dài quá đã làm anh mỏi mắt vì thế em xin ngừng.

Những bức tranh vẽ bằng màu nước của anh càng lúc càng đẹp hơn, em là người ái mộ nhất.

Tất cả tình yêu của em bây giờ và mãi mãi.

Lá thư của Henry Miller gửi Brenda Venus

Tháng 9 ngày 29, năm 1980

Và bây giờ, tôi, ông già 87 tuổi, yêu say mê điên cuồng một cô gái trẻ đã viết cho tôi những lá thư phi thường, người yêu tôi đến chết, giữ mạng sống cho tôi, và giữ tình yêu cho tôi (một tình yêu toàn vẹn lần đầu tiên), người viết cho tôi những lời thâm thúy và đầy tình cảm làm cho tôi vui sướng và ngây ngất như một gã thiếu niên.  Nhưng hơn thế nữa tôi mang ơn em, tôi may mắn lắm.  Tôi có xứng đáng nhận lãnh những lời khen tặng em chất chồng lên tôi không?  Em làm tôi tự hỏi tôi thật ra là một người như thế nào?  Tôi có thật sự biết tôi là ai và tôi là cái gì hay không?  Em bỏ tôi bơi lội trong bí ẩn, và vì thế tôi càng yêu em hơn. Tôi sẽ quì xuống và cầu nguyện cho em.  Tôi chúc phúc cho em với tất cả tư cách thần thánh bé mọn còn sót lại trong tôi.  Chúc em nhiều điều may mắn, Brenda yêu quí của tôi, và đừng bao giờ hối tiếc mối tình này trong cuộc đời em.  Cả hai chúng ta đều may mắn.  Chúng ta không thuộc về thế giới này.  Chúng ta là những vì sao và là cả vũ trụ ngoài kia.
Chúc em sống thật lâu nhé, Brenda Venus.
Xin chúa ban cho nàng niềm vui, thỏa nguyện và tình yêu vĩnh cữu!

Henry

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s