Viết Truyện Ngắn Như Thế Nào?

Khi nói đến viết văn, mỗi người một ý, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy các nhà văn quan niệm về cách viết truyện ngắn rất khác nhau.  Cũng xin thưa rõ ở đây tôi không có ý định dạy viết truyện ngắn.  Tôi là người đang tự học về cách viết truyện ngắn và đây là những ghi nhận trong quá trình tự học của tôi.  Nếu bạn đọc và thấy thú vị muốn áp dụng xin cứ tự nhiên nhưng nếu không thành công thì tôi không chịu trách nhiệm. Những ghi nhận này có thể có ích, hay có thể đọc cho vui.  Tôi nghĩ nếu bạn viết blog, thì bạn phải là người thích viết, có thể bạn thích viết văn hay làm thơ.  Nếu bạn không thích viết thì bạn đã chẳng blog làm gì bởi gì cuộc đời có quá nhiều thứ thú vị hơn là mài đít vào ghế.  Nếu chỉ muốn kết bạn cho vui thì có vô số thứ, face book chẳng hạn, hay là đi mua sắm, hát karaoke.

Ai là người có thể trở thành nhà văn? Tôi nghĩ tất cả mọi người đều có ít nhiều năng khiếu viết văn, đó là năng khiếu kể chuyện và thích nghe kể chuyện. Có nhiều người cho rằng viết văn là bản năng tự nhiên, không phải học mà được.  Tôi nghĩ những phương pháp dạy viết văn có thể ít nhất giúp người viết trình bày tư tưởng.  Tuy nhiên để hoàn thành một tác phẩm cần nhiều thứ chứ không phải chỉ hình thức hay kỹ thuật viết.

Trong những quyển sách giáo khoa về văn chương, khi nói đến truyện ngắn, đầu tiên người ta chú ý đến plot (cốt truyện) và structure (cách kết cấu/bố cục). Plot và structure là sườn và nền tảng của ngôi nhà.  Bạn muốn xây lâu đài thì sườn và nền tảng phải có tầm vóc chắc chắn của một lâu đài. Lâu đài của bạn có đẹp hay không thì tùy những vật liệu bạn sẽ dùng để xây lâu đài.  Chất liệu để xây là kiến thức, vô thức, nhận thức, tình cảm, tất cả mọi thứ bạn thu thập trong tâm hồn từ trước đến nay.  Bạn là người quyết định chất liệu nào là quan trọng và đôi khi kinh nghiệm của những người biết xây nhà có thể giúp bạn.  Đó là ích lợi của cái học viết văn.

Không phải nhà văn nào cũng xem cốt truyện và bố cục là quan trọng.  Stephen King, vua viết truyện kinh dị bảo rằng ông chỉ chú ý đến nhân vật.  Ông hình thành nhân vật trước nhất và để nhân vật lôi kéo độc giả và xây dựng tác phẩm dựa lên trên diễn tiến của các nhân vật.  Kawabata bảo rằng chỉ có lời văn mới là quan trọng. Các ông nói thế nhưng tôi không thể nào tưởng tượng được là người ta viết truyện kinh dị mà không cần có cốt truyện và truyện Ngàn Cánh Hạc và Xứ Tuyết của Kawabata không chỉ có lời văn đẹp mà là một sự kết hợp tuyệt diệu của phong tục văn hóa Nhật Bản về trà đạo, nghệ thuật cắm hoa và nghệ thuật của geisha.

Tôi đọc các ý kiến của các nhà văn chia sẻ về cách viết văn cho biết, tuy nhiên tôi nghĩ viết văn có phần nào nằm trong bản năng, cái tiềm ẩn trong mỗi con người, nếu bạn sinh ra là kiếp chim phải hót thì bạn sẽ phải hót, nếu bạn là loại cá bay thì bạn sẽ phải bay cho dù bạn sẽ bay vào lưới hay lên bờ mắc cạn.  Nếu con rít tự hỏi tôi có 100 chân tôi phải dùng chân nào trước thì chắc là nó sẽ té lăn quay.  Nhưng nếu nó tiếp tục suy nghĩ và thực tập có thể nó sẽ là con rít bò nhanh nhất. Nói như thế có nghĩa là chuyện học viết văn cũng chỉ là chuyện bâng quơ, bạn viết bằng cách nào mà bạn có thể truyền đạt dễ nhất.

Đọc quyển sách giáo khoa có bài của John Updike, nhà văn kiêm nhà phê bình danh tiếng của Mỹ, Why Write? (Tại sao viết?) Ông nói:

“Phần lớn người ta cho rằng viết là một cách tuyên truyền. Và dĩ nhiên cũng có loại tuyên truyền dở như những quyển truyện về mấy đứa con trai gặp xe máy cày của các nhà văn xã hội chủ nghĩa, hay những câu chuyện tuyên truyền cổ lỗ sĩ của các nhà truyền giáo như những đại bi kịch của tôn giáo và những chuyện thành công của các nhà tư bản như Horatio Alger hay Samuel Smiles.  Nhưng cũng có nhiều thông điệp gói ghém trong văn học như pha lê được cất dấu trong bao giấy hay dăm bào mạt cưa…”

Ông cho biết ông thường khi nhận được thư từ của các nhà sư phạm lẫn sinh viên học sinh hỏi ông về những điều ông viết kể cả những chủ đề như thần học hay tình dục như thể ông là chuyên viên của tất cả mọi chủ đề.  Ngày xưa người ta xem nhà văn như là nhân vật chính nhưng ngày nay những nhân vật chính này đã được thay thế bằng những người giảng dạy.

“Hầu hết các nhà văn đều đi dạy.  Và rất nhiều người dạy viết văn. Các đại học cuống cuồng dạy viết văn dù các sách giáo khoa và những chữ viết đơn điệu nhàm chán như là tiếng chuông báo tử; bất cứ nhà văn nào, người ta đều tin rằng có thể giảng dạy môn viết văn và nói về những sản phẩm tư tưởng tinh lọc của người dạy.  Những tác phẩm được sàng lọc và nếu được đánh giá là đủ chất lượng được xem như là những dụng cụ xứng đáng để giảng dạy.”

Updike cho rằng những nhà văn kiêm nhà sư phạm này có khi chỉ là những người bịp bợm, dám dùng cả những bài luận của sinh viên học sinh làm tài liệu cho luận án tiến sĩ của mình.  Updike nhấn mạnh là “cái thiếu vắng của một thông điệp cũng quan trọng như sự có mặt của thông điệp trong bài viết, sự im lặng cũng cần thiết như sự bày tỏ ý kiến.”

Quyển sách giáo khoa này (của Kenedy và Gioia) bảo rằng người viết nên chú ý đến những xung đột trong khi dựng cốt truyện bởi vì “một ngày không có xung đột va chạm với ai là điều vui vẻ, tuy nhiên một cốt truyện mà thiếu sự xung đột sẽ rất nhàm chán.” Nhân vật theo đuổi một điều gì mà hắn ta không thể đạt được hay chạy trốn một cách tuyệt vọng để tránh cái chết là những xung đột làm căng thẳng và được người đọc chú ý. Những câu chuyện hay thì rất giống với cuộc đời.  Tính chất của nhân vật không phải nằm trong những điều nhân vật nói mà nằm trong hành động của nhân vật.  Cốt truyện không đơn thuần chỉ là những diễn biến mà là những nguyên nhân và hậu quả liên quan với nhau.  Mặc dù cốt truyện (plot) có vẻ như một điều quá hiển nhiên, nó là một dụng cụ để diễn tả rất quan trọng. Cốt truyện cùng với hình ảnh, cách viết, biểu tượng có thể đánh thức nhiều cảm giác trong độc giả như niềm vui, nỗi buồn, sự hài hước, sợ hãi hay khích động.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s