Viết Truyện Ngắn – Quan điểm của người kể truyện

Hôm trước viết đến chỗ xung đột là điều cần thiết cần phải có khi xây dựng truyện ngắn rồi bỏ đó.  Mấy hôm rày bận thì ít, lười thì nhiều nên không tiếp tục được.  Sau vài hôm thì quên mất mình bỏ dở nơi đâu.  Trước khi tôi nói qua về point of view tôi xin ôn lại một chút về xung đột (conflict) trong truyện.  Nói chi cho xa xôi, xin lấy ngay Harry Potter là bộ truyện dài đã được dịch và in ở Việt Nam làm thí dụ vì nó mới mà phổ biến rộng rãi.  Thú thật là tôi chưa đọc hết quyển số một nhưng đã xem phim và quyển phim này theo sát chi tiết với sách.  Ngay từ đầu tác giả đã cho Harry bị tấn công trối chết và luôn luôn bị Voldemort theo đuổi lập mưu giết để trừ hậu hoạn. Tất cả những quyển sách bán chạy đều có lối viết như thế, thí dụ như Da Vinci Code, Điệp viên 007, Angel and Demon, etc. Xung đột dẫn đến action (hoạt động) và thu hút độc giả.  Nếu muốn giữ độc giả thì đừng đưa độc giả vào những phân tích tâm lý hay thời tiết hay những chuyện chính trị triết lý.  Những điều này là để dành cho những quyển sách chỉ dành cho độc giả đặc biệt hay những nhà văn viết để được giải Nobel.  Tôi nói đùa đấy nhé.  Nói thế để bạn đọc thấy rằng quan niệm viết thay đổi theo từng khuynh hướng trường phái. Những quyển sách kén độc giả thường không theo quan niệm này. Anton Chekov viết The Lady and the little dog bắt đầu bằng những chuyện không đâu.  Tôi chỉ nhận ra cái rối rắm trong cuộc đời nhân vật khi truyện kết thúc.  Maupassant xây dựng cốt truyện và bố cục rất chặt chẽ.  Chekov để truyện diễn tiến theo quá trình tự nhiên.  Tôi, vì là người đang mò mẫm hướng đi, thích viết theo quá trình thời gian, cái gì xảy ra trước kể trước.

Tác giả trong quyển sách của hắn phải như là Đấng Sáng Tạo trong vũ trụ, có mặt ở khắp nơi nhưng không ai nhìn thấy hắn – Gustave Flaubert

Khi viết truyện ngắn, nhà văn Mỹ rất quan tâm đến point of view, nói nôm na ai là người kể truyện.  Ngôi thứ nhất là tôi, đương sự.  Hay là viết ở quan điểm của một người biết hết thấu hiểu hết (omniscience), từ nội tâm cho đến ngoại cảnh, từ quá khứ cho đến tương lai, của tất cả các nhân vật liên quan đến cuốn truyện. Shakespeare dùng quan điểm omniscience này khi viết kịch Hamlet và Romeo and Juliet. Arthur Golden tác giả của quyển The Memoir of a Geisha dùng ngôi thứ nhất, lời kể của chính người geisha Sayuri.  Junot Diaz trong quyển Oscar Wao dùng một người thuật truyện (narrator) là Yunot là người yêu của Lola chị của Oscar để kể phần lớn câu truyện.  Tuy nhiên ở nhiều chương ông để cho cả Lola và Oscar tự kể những phần trong đời của gia đình này mà Yunot không thể biết được. Ryunosuke Akutagawa tác giả của truyện ngắn In A Grove dùng một kỹ thuật khác, ông để mỗi nhân vật kể cùng một câu chuyện hiếp dâm và giết người để diễn tả tâm lý từng nhân vật.  Phim Hero (Anh Hùng) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng dùng cách thuật truyện này. Cùng một câu truyện đã xảy ra, mỗi người kể một cách khác, những chi tiết khác, cách họ nhìn để lộ tư tưởng của họ.

Cách kể, chọn người kể là một điểm quan trọng.  Nếu đã chọn người kể ở ngôi thứ nhất thì những giới hạn của ngôi thứ nhất phải được áp dụng đồng nhất. Điều quan trọng là bạn kể một câu truyện thì phải chọn cách kể nào thích hợp nhất, có thể truyền đạt rõ ràng nhất ý của bạn.  Khi bạn đồng nhất trong lối kể thì bài viết trong sáng hơn, thuyết phục hơn. Tránh đừng để khi đang kể ở ngôi thứ nhất thì lại chuyển sang quan điểm của ngôi thứ ba.  Bạn có thể làm thế nhưng nên qua một chương khác hay một đoạn khác vì như thế sẽ rõ ràng hơn và bạn có vẻ chuyên nghiệp hơn. Mỗi vị trí kể có những ưu điểm nhược điểm khác nhau và nếu tôi nhớ ra thì tôi sẽ viết thêm chiều nay hoặc mai.

Xin nói thêm ở đây tất cả những bài viết ở đây chỉ là những ghi nhận vội vàng, ngay cả khi viết tôi cũng nghĩ gì viết nấy nên câu cú chưa được sắp xếp cẩn thận. Và cuối tuần tôi sẽ đọc lại sửa chữa sau. Đọc chơi cho vui thôi nhé.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s