Hôm trước chẳng hiểu làm sao lại tò mò không biết các nhà văn yêu nhau họ viết thư tình như thế nào. Vì thế nên vào thư viện mượn vài quyển về thư tình của các nhà văn. Trong số sách tôi mượn có một quyển của Joyce Johnson viết về cuộc tình và những lá thư trao đổi giữa bà với Jack Kerouac. Cả hai đều là nhà văn, Kerouac nổi tiếng hơn. Ông nổi tiếng nhờ tài viết văn và cuộc sống trác táng của ông còn nổi tiếng hơn. Tôi đọc quyển sách của bà Johnson, thấy là thư tình của nhà văn không làm tôi rung động nhiều, bởi vì thư không phải viết cho mình. Thư tình hay nhất là lá thư chỉ dành riêng cho người đọc. Chỉ có thư viết cho tôi mới có thể làm tôi xao xuyến bồi hồi, đọc đi đọc lại, lúc cười lúc chảy nước mắt. Tôi không biết bà Johnson bồi hồi đến mức nào khi bốn mươi năm sau bà đọc lại những dòng chữ hai người trao đổi với nhau. Bà bảo là những lá thư ông viết lời lẽ như là thư của người anh viết cho người em hơn là thư viết cho người tình. Joyce Johnson yêu Jack Kerouac cũng giống như Danielle Dunebelle yêu Kissinger, hai bà yêu đối tượng nhiều hơn là được yêu lại. Đối tượng của hai bà đều có ít nhiều, dụng tâm hay vô tình, lợi dụng tình yêu của hai người. Đây không phải là những người đàn bà ít học, khờ khạo, trái lại họ rất thông mình tài hoa. Bà Dunebelle sophisticated không thua gì những người phụ nữ nổi tiếng trên thế giới. Các bà thuộc loại phụ nữ mỗi khi tự than thân họ dùng câu “smart women, dumb mistakes.” Không thể trách ông Kissinger vì bà Dunebelle hăng hái đưa ông ra mắt công chúng với tất cả những nét đáng yêu của một người khắc khổ, vừa cao ngạo vừa tự ti. Ông đã cỡi lên những mơ ước ngây thơ của một người đàn bà từng trải. Còn Jack Kerouac rõ ràng là chỉ muốn có một chỗ để trú ẩn và một hơi ấm của thân hình.
Tôi tìm hiểu thêm về Kerouac và nhớ lại tôi đã đọc tiểu sử của ông trước đây. Ông có 30 nguyên tắc về cách viết văn tôi để dành cho blog sau còn bây giờ tôi xin kể truyện tình của Joyce Johnson và Jack Kerouac để bạn đọc cho vui. Tuy nhiên Kerouac là một người khá đặc biệt tôi cần phải nói sơ qua với bạn về tiểu sử của ông này. Tiểu sử của ông có lẽ còn ly kỳ hơn là sách ông viết, ly kỳ như cuộc đời của các tài tử Holywood hư hỏng sống vội vàng thác loạn với drugs, rượu, đàn bà.
Jack Kerouac sinh ngày 12 tháng Ba năm 1922 và mất ngày 21 tháng Mười năm 1969. Tác phẩm On The Road của ông đưa ông lên đài danh vọng. Ông là nhà văn trong nhóm tiên phong Beat Generation. Tôi tạm dịch là thế hệ Mỏi Mệt. Nếu Bạn biết chữ nào hay hơn xin chỉ dùm tôi sẽ sửa. Chữ Beat theo cách hiểu của Joyce Johnson (trong quyển Door Wide Open) là “kiệt sức, ở tận cùng đáy của cuộc đời tìm cách vượt ra ngoài hay lên trên.” Nếu không dùng chữ Dùi Vập tôi sẽ dùng chữ Thảm Hại. Người Mỹ thường nói “you look beat” mỗi khi họ nhìn thấy người nào có vẻ mệt mỏi, thất vọng, thất bại, thua cuộc.
Được xem là người tiên phong trong thế hệ Mỏi Mệt, một iconoclast (đả phá những niềm tin, định kiến), được nhiều người hâm mộ và bắt chước trong đó có Bob Dylan và Haruki Murakami. Có người anh chết lúc chín tuổi và điều này là một ám ảnh không nguôi. Có ít nhất là hai vợ. Một đứa con với bà vợ thứ hai nhưng không tin là con của ông cho đến bảy tám năm sau sau khi có blood test ông mới chịu nhìn. Ông chết vì bị chứng sơ gan, hậu quả của rượu và drugs.
Ông đến với Joyce khi bà mới 21 tuổi nhưng đã có vài quyển sách xuất bản. Ông lớn hơn bà 14 tuổi và khi gặp nhau lần đầu tiên ông hoàn toàn cạn túi. Bà mua cà phê và hot dog cho ông, rồi ông xin về ở chung với bà ngay ngày đầu tiên. Bà nhận lời và ngay ngày đầu tiên họ hôn nhau, và bà yêu ông khổ sở vì ông. Không thể trách bà, ngoài tài viết văn ông khá điển trai. Theo bà, ông là người rất dịu dàng. Trước khi gặp Jack bà yêu một người là giáo sư lớn hơn bà mười tuổi. Bà cãi lời cha mẹ dọn ra ở riêng tin là ông giáo sư người yêu này sẽ thành hôn với bà tuy nhiên ông ta bỏ rơi bà và cặp với một cô sinh viên khác cùng học chung trường với bà (Barnard là một trường đại học dành riêng cho nữ sinh viên chuyên về nghệ thuật). Để tự nuôi sống mình trong khi theo đuổi sự nghiệp văn chương bà đi làm thư ký. Thất vọng và cô đơn bà trải qua một đêm với một cậu sinh viên trường đại học Columbia, mang thai, phá thai. Với tâm trạng chán chường mệt mỏi hoàn toàn cô đơn này bà đọc quyển The Town and the City của Kerouac và đồng cảm với ông. Bà có cảm tưởng quyển sách đó viết về cuộc đời bà, về việc từ bỏ gia đình, mặc cảm có lỗi đau khổ vì đã từ bỏ cha mẹ, nhưng cho dù có đau khổ cũng phải từ bỏ cha mẹ vì đó là điều cần thiết cho chính bản thân và tâm hồn của bà. Bà viết: “Có cái gì đó trong giọng văn của Jack, một nỗi buồn sâu thẳm và sự nhận biết đầy đau đớn là mình sẽ không sống lâu là nguyên nhân thúc đẩy anh ấy sống, làm tôi biết tôi có thể yêu anh. Anh bộc lộ trong tác phẩm rất nhiều nên anh ấy không còn xa lạ với tôi. Tuy bộc lộ nhiều anh vẫn còn cả một lục địa ngầm níu chân anh lại.”
Hai người quen nhau trong vòng một năm mười tháng. Trong khoảng thời gian này Jack xuất hiện rồi ra đi ở với bà có khi vài tuần hay một tháng cứ mỗi lần ông đi bà không chắc là hai người sẽ gặp lại nhau. Mỗi một nơi chốn mới ông tin là sẽ giúp ông tìm một giải pháp cho cuộc đời của ông, nhưng ông không thoát khỏi những căn chứng ám ảnh giam cầm ông. “Anh ấy là người chỉ sống cho những giây phút ngắn ngủi nhất thời và không dám hứa hẹn gì, và đó là điều mà anh hoàn toàn thật lòng và không làm tổn hại ảnh hưởng lâu dài đến ai. Khi anh nói Tạm biệt cho đến lần tới, anh ra đi nhưng để lại cái tự do của bạn còn nguyên vẹn, cho dù bạn có muốn được tự do hay không.”
Tình cảm của ông luôn luôn thay đổi. Những điều ông viết trong thư hôm nay sẽ không giống người xuất hiện trước ngưỡng cửa nhà bà sau đó.
Không ai hiểu sâu sắc bằng bà Virginia Woolf về việc sống trong một trạng thái hoàn toàn thay đổi. ‘Điều tôi viết ngày hôm nay, tôi sẽ không nhắc đến cho mãi đến năm sau.’ bà đã nói thế trong bài A Sketch in Time. Cùng trong bài tiểu luận này bà viết, ‘tôi nhìn thấy tôi như một con cá trong dòng suối, uốn éo đứng tại chỗ, nhưng không thể miêu tả dòng suối.’ Với Kerouac, dòng suối này trở thành dòng sông đầy tràn. Khi anh ấy viết, cảm xúc tuôn trào xuyên qua anh ấy, thay đổi từ câu này qua câu kia, làm cho chữ của anh trở nên sống động và đầy màu sắc như những nét cọ của trường phái Ấn tượng. Nhưng cái giá anh phải trả rất cao bởi vì khi tôi gặp anh, Kerouac đã trở thành cái mà W.B. Yeats đã có lần nói đến trong một bài văn về những nhà văn hiện đại trong cùng thế hệ “một người thật yếu đuối vô dụng trước toàn thể ý tưởng chất chứa trong tư tưởng của hắn ta.” Cái sức chảy đã trở nên quá nhanh để có thể kềm giữ và nuôi dưỡng cuộc sống.
Năm 1999 Joyce đọc những lá thư Jack viết cho bạn bè được xuất bản. Những điều Jack viết, trong thời gian cuộc tình của hai người, khoe khoang về những cuộc ân ái thác loạn (ba người một giường cùng lúc) đầy vẻ lạnh giá vô cảm đầy cố ý khi nói về Joyce nhất là khi Jack viết thư cho Allen Ginsberg, tác giả của Howl, người không thích đàn bà. Joyce hiểu là vào thời ấy đàn ông không muốn để lộ là họ lệ thuộc tình cảm với đàn bà tuy nhiên bà tự hỏi:
Đây là Jack hay chỉ là mặt nạ của anh ấy? Có phải chàng Jack thật đã lợi dụng tàn nhẫn với tôi? Hay anh thật sự là người sau đó đã tuyên bố trong quyển Desolation Angels, “Tôi vẫn còn yêu nàng cho đến đêm nay”? Có bao nhiêu hư cấu Jack viết trong những lá thư cho người khác, và có bao nhiêu sự thật trong những quyển “tiểu thuyết về đời thật” của anh? Với tất cả khách quan tôi đành phải chấp nhận là cái dịu dàng của Jack luôn luôn cùng hiện hữu với sự thất vọng chán chường của anh cùng với sự sợ hãi sẽ bị biến mất vào cái khoảng trống mà anh luôn nhận biết. Cái huyền thoại về Kerouac có thể đúc trong xi măng nhưng đối với tôi sự thật về quá khứ luôn luôn trồi lên sụp xuống như thể là Jack vẫn còn sống.
Sau gần hai năm, khi ông lăng nhăng và tán tỉnh người khác ngay trước mặt bà, bà chia tay ông. Sau khi Jack chết, những lá thư bà viết cho ông được hoàn trả lại cho bà. Đọc lại những lá thư này bà đối diện lại với cô gái 21 tuổi ngày xưa, hơi khác với người con gái mà bà còn nhớ. Những lá thư gợi cho bà nhớ lại ngày xưa bà đã cố gắng cứng cỏi như thế nào, cảm thấy mình bị bỏ rơi như trẻ mồ côi như thế nào, bà đã muốn, nhưng không có can đảm đòi, Jack dừng lại với bà xem bà như người yêu người hôn phối ra thế nào, bà nhăn mặt nhớ đến những lần bà viết lại cố gắng không để lộ cảm giác đau đớn của bà.
Rồi bất thình lình Jack lại gọi điện thoại tìm bà, không biết là bà đã kết hôn. Sau đó ông mời hai vợ chồng Joyce đến gặp ông trong một buổi tiệc. Bà cùng chồng về sớm khi thấy ông và các bạn say và náo loạn.
Chồng của Joyce cũng là người nghiện rượu và cố gắng cai rượu. Ông chết trong một tai nạn xe cộ. Sau khi chồng mất vài tháng, Jack gọi bà, trong cơn say. Bà cố kể ông nghe về cái chết của người chồng nhưng ông không nghe. Ông nói: “Em chẳng bao giờ thích áo lông, tất cả những em thích chỉ là một chút súp đậu.” Bà viết: “Tôi đã chẳng nói với anh ấy những gì tôi thật sự mong muốn và tôi cần ở anh những điều nhiều hơn anh tưởng, và tôi tìm thấy những điều tôi cần và tôi muốn ở người chồng mà tôi vừa mới mất.”
Jack viết về Joyce trong quyển Desolation Angels “một người rất hay, thú vị, trẻ, một cô gái đạo Do Thái, thanh lịch, giới trung lưu, buồn bã và tìm kiếm cái gì đó.” Ông bảo bà là mối tình đẹp nhất mà ông có.