Tán láo về cách xây dựng nhân vật.

Tán láo về cách xây dựng nhân vật.

Dễ nói (dóc) nhất trong việc viết văn là nói về nhân vật. Chúng ta có thể tự tin là mình biết quá rồi khỏi cần ai dạy bảo gì cả. Vì ai cũng biết nên tôi nghĩ nếu có bạn ở gần ngồi nói dóc chuyện nhân vật cũng vui. Khổ một cái người trong gia đình tôi chẳng ai thích nói chuyện văn học, và khi chúng tôi gặp nhau chỉ toàn là ăn uống. Ngay cả những nhà văn khi gặp nhau uống cà phê tôi không chắc là họ sẽ nói chuyện văn học hay các nhân vật trong sách. Thiếu gì chuyện vui hơn để nói.

Bà Margaret Atwood, tác giả quyển The Blind Assassin và Tale of a Handmaid đã nói: “Cho tôi gặp một nhân vật không biết ưu tư, tôi sẽ cho bạn thấy đó là một quyển sách rất nhàm chán.” Nhân vật rất quan trọng. Không có nhân vật thì có lẽ sẽ không có truyện. Nhân vật có nhiều loại. Có nhiều nhân vật được nhiều người biết đến độ chỉ cần nhắc cái tên của những nhân vật này là chúng ta có thể mường tượng được những mẫu người trong xã hội như Quan công, Trương Phi, Triệu Tử Long, Thị Kính,Thị Mầu, Xuân Tóc Đỏ, Chí Phèo, Loan mắt nhung, thằng Vũ, con Thúy, v.v… Có nhiều nhân vật được “design” theo khuôn mẫu, như điệp viên Z28 thì phải đẹp trai và đa tình. Mafia phải là người Ý. Kungfu thì phải là người Trung quốc. Đàn bà trong nhạc Trịnh Công Sơn thì tóc dài và gầy nhom. Lúc mới lớn tôi thích nhân vật Scarlett O’Hara trong Cuốn Theo Chiều Gió và Anna trong Anna Karanina. Tuy nhiên lớn hơn một chút tôi lại thích nhân vật Melanie là người đã lấy Ashley làm chồng. Melanie có một sức mạnh nội tâm dễ thương đến độ Scarlett cũng phải thương mến tình địch của nàng. Lúc đau đẻ suýt chết trong cơn mê sảng Scarlett không đòi gặp mặt chồng chỉ đòi gặp mặt Melanie vốn là chị của người chồng cũ kết hôn mới mấy ngày đã chết. Scarlett có cá tính mạnh, không theo lề lối đạo đức của xã hội, tranh giành, mưu mẹo, tuy nhiên người đọc vẫn thấy trên căn bản cô nàng là một người lương thiện. Chính cái quyền biến của nàng là điều hấp dẫn tôi. Tác giả ngay khi đặt tên là Scarlett có lẽ cũng muốn đề cập đến khía cạnh khá tội lỗi của nàng. Ngày xưa những người đàn bà ngoại tình bị bắt đeo chữ màu đỏ trên áo (scarlet là màu đỏ tươi) Nhưng không phải chỉ có một mình tôi thích những nhân vật xấu và ác. Ngay cả nhà văn John Steinbeck trong quyển East of Eden (Phía Đông Vườn Địa Đàng) đã nói đại khái là quyển sách chỉ sống khi nào nhân vật ác còn sống. Cathy, vợ của ông Trask, đã thổi linh hồn vào truyện. Quyển Người Đọc cũng thế, nếu không có người nữ cai tù, để cho tù nhân bị chết cháy, câu chuyện sẽ không hấp dẫn như thế. Harry Potter sẽ không còn ai đọc nếu Voldemort bị tiêu diệt. Tôi thường tự hỏi tôi nếu tôi có thể nghĩ ra, liệu tôi có dám để một người đàn bà đẹp và đáng yêu như thế phạm tội ác không? Liệu tôi có dám cho nhân vật trong A million Dollar baby người con gái nhà nghèo kiên gan trì chí đi học đánh quyền vượt qua cuộc sống khó khăn, bị tấn công lén té đến gãy cổ không? Không dám viết những điều khó khăn, không dám xử tệ với nhân vật mình yêu mến thì chưa làm nhà văn được. Tại vì những nghịch cảnh là nơi nhân vật sống nhất, thật nhất, và được độc giả yêu mến nhất.

Nhân vật, nói chung, thường được chia thành hai nhóm. Nhân vật chính hay phụ. Có người chia thành flat hay round. Flat là nhân vật chỉ có hai chiều như trên giấy. Round là nhân vật biết đi đứng chạy nhảy yêu thương có tâm hồn. Có người lại chia ra hai loại nhân vật static (tĩnh) và dynamic (động) Nói như thế thì chúng ta dại gì mà không cấu tạo ra những nhân vật thật có nét, sắc sảo, sống động? Bởi vì truyện ngắn thì chỉ có giới hạn và ta không thể bỏ công để sáng tạo nhiều nhân vật kỹ càng đến thế. Chúng ta chỉ có thể “cưng” những nhân vật đặc biệt thôi. Thời xưa người ta thường xây dựng nhân vật theo lối hero, tức là nhân vật luôn luôn tốt đẹp, đàn ông thì ga lăng, đàn bà thì đẹp, hoàng tử thì có tài bắn cung, cỡi ngựa, đánh kiếm, Z 28 không bao giờ đánh nhân vật nữ. Thời bây giờ người ta thích cấu tạo ra những antihero. Oscar Wao là một thằng bé mập phì, đen thui, mê gái mà không biết tán gái. Thằng bé Ugwu trong Nửa Mặt Trời Vàng là thằng bé nhà quê bẻ thịt gà bỏ vào túi quần để dành và vì thế mà tôi bắt đầu yêu mến chú. Có lần tôi đọc một quyển truyện của một ông nhà văn già. Nhân vật chính lại là một chú bé ủy mị rụt rè và đặc biệt chú ta bị ghẻ ở đít. Chi tiết ấy lại làm tôi có cảm tình với nhân vật.

Người Tây phương thường hay cấu tạo những nhân vật nữ có cá tính mạnh, tự tin, bướng bỉnh, tự chủ, độc lập, liều lĩnh, can đảm, họ sống cho họ, tranh đấu cho những điều họ yêu thích, mơ ước. Tranh đấu để mình được là mình, vì thế đôi khi họ là một đám các mụ đàn bà lắm mồm hung dữ và ngu xuẩn nếu đứng trên quan điểm đối lập. Đó là những nhân vật trong Jane Eyre, Đỉnh Gió Hú, Kiêu hãnh và định kiến, Câu Chuyện Một Giờ, Saving Private Ryan, Million Dollar Baby, Indecent Exposure.

Trong truyện của người Trung hoa, nhân vật nữ có cá tính mạnh tôi thấy là Hoa Mộc Lan và Chung Vô Diệm. Gần đây tôi có đọc truyện Người Mẹ Điên và một truyện ngắn khác, tôi không nhớ tên, trong đó có một cô gái rất trẻ phải bỏ học đi lấy chồng lấy tiền cứu người cha bệnh. Bố chồng chết cô giúp mẹ chồng làm ruộng nuôi chồng, anh chồng, và em chồng cho ăn học. Lúc họ thành tài thì cô gái kiệt sức chết, gia đình chồng làm đám tang và quì trước bàn thờ của cô mà khóc than. Câu chuyện thật cảm động, và cô gái đáng thương thật; nhưng tôi rất ghét những câu truyện như thế. Nó ru ngủ tâm hồn của những người phụ nữ Á đông, làm họ cứ phải đóng vai hy sinh chịu đau khổ để mang hạnh phúc cho người khác. Rất có thể những người phụ nữ trong hoàn cảnh xã hội ấy không nghĩ đến việc phát triển tài năng của mình mà chỉ chịu thiệt thòi hy sinh vì xã hội đặt mình vào vị trí ấy. Các nhân vật phụ nữ của Tây phương ít khi chịu hy sinh như thế. Tôi nói lăng nhăng lạc đề đang nói về cách xây dựng nhân vật trong truyện lại bàn về những suy nghĩ cảm tính của mình về nhân vật.

Ngày xưa người ta tin rằng con người không thay đổi bản tính vì thế người ta cấu tạo nhân vật trước sau chỉ có một bản tính không thay đổi. Tuy nhiên trong văn học hiện đại có quan niệm là nhân vật hay là nhân vật “lớn” lên thay đổi theo cốt truyện như ông Scrooge từ người bần tiện biến thành người biết bố thí.

Bây giờ thì tôi dịch một đoạn trong quyển sách giáo khoa tôi đọc.

“Nhiều nhà văn đương thời sẽ không nhìn nhận là người ta có những bản thể chắc chắn cố định có thể thay đổi. Theo Sigmund Freud và các nhà tâm lý học, họ cho rằng phần lớn hành động thái độ của con người được cấu tạo bởi vô thức. Nhiều nhà văn cho rằng bản tính của con người dễ thay đổi tùy theo tuổi tác, bệnh tật, tâm thần, hay bị tẩy não hơn là người ta lường trước. Vì thế có rất nhiều nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại có vẻ thay đổi một cách bất thường bốc đồng.”

Nhân vật của Andre Gide trong quyển Cuộc Phiêu Lưu của Lafcadio, một chàng thanh niên không có gì đặc sắc, không có khuynh hướng giết người bỗng dưng đẩy người đứng gần vào xe lửa đang chạy. Virginia Woolf trong quyển Orlando đã vi phạm tất cả những giới hạn về nhân vật, vượt thời gian sống từ thời Elizabeth cho đến thời kỳ hiện đại, đang giữa truyện từ đàn ông biến thành đàn bà. Nhân vật hóa, được các nhà văn ở thế kỷ 19 thực dùng, đã hoàn toàn biến mất trong quyển Lâu Đài của Kafka. Nhân vật chính trong truyện không có nhà, không gia đình, không có cả hình dáng cố định, không có cả cái tên chỉ có một chữ viết tắt K.

Nhân vật là những thứ thuộc về quá khứ, nhà văn Pháp hiện đại, Alain Robbe-Grillet, khăng khăng nói thế. Tuy thế, nhiều nhà văn cứ tiếp tục cố gắng miêu tả nhân vật của họ.

Mặc dù độc giả thường cho là cốt truyện là điều quan trọng nhất của một tác phẩm, có rất nhiều nhà văn lại cho rằng truyện bắt đầu ở nhân vật. Họ xây dựng nhân vật với đầy đủ những chi tiết mà họ yêu thích rồi chờ xem nhân vật này có thể làm được chuyện gì. Stephen King là một thí dụ. Katherine Anne Porter bảo rằng khi bà bắt đầu viết một câu truyện thì nhân vật của bà đã biến thành một người sống động đi đứng nói cười làm tất cả mọi việc. Nhà phê bình Phyllis bottom đã nhận xét như thế này: “Nếu người viết đối xử thành thật với những nhân vật mà hắn đã sáng tạo, thì những nhân vật này sẽ cho hắn cốt truyện.”

Khi điểm sách tôi thường phân tích tâm lý nhân vật. Cách đối thoại của nhân vật thường biểu lộ những đặc tính của họ như thói quen, niềm tin, tính tình, thái độ.

4 thoughts on “Tán láo về cách xây dựng nhân vật.”

  1. Chào chị HH. Chị viết sâu sắc như một giáo sư văn chương. Tôi rất thích câu:” Không dám viết những điều khó khăn, không dám xử tệ với nhân vật mình yêu mến thì chưa làm nhà văn được”. Chị biết không, điều chị viết ra chính là cốt lõi trong phẩm chất của nhà văn. Đó chính là sự DŨNG CẢM. Sự dũng cảm của nhà văn là gì? Tôi nhớ đến đề thi vào ngành Biên kịch mà các trường điện ảnh ở Mỹ thường ra cho SV:” Hãy viết một câu chuyện, bắt đầu bằng câu: Khi còn bé, có một lần, tôi đã làm mẹ tôi xấu hổ”. Có SV có thể không có cha, nhưng ai cũng có mẹ. Và mẹ là người thân yêu nhất của mình. SV cần viết câu chuyện ”kể xấu” mẹ mình. Nó yêu cầu sự dũng cảm và trung thực trong việc xây dựng tình huống, diễn biến. Trong chuyện chỉ có hai nhân vật chính là mẹ và con. Câu chuyện lại xảy ra giữa đám đông. Tôi đã thử ra đề bài này cho SV VN, nhưng chưa ai viết tốt. Cảm ơn chị rất nhiều. Chúc chị vui.

    Liked by 1 person

    1. Có lẽ tôi viết câu đó sau khi xem phim A Million Dollar Baby của Clint Eastwood đạo diễn. Sau này tôi thấy G. R. R. Martin sử dụng kỹ thuật này một bậc cao hơn trong The Game of Thrones. Tôi cũng nghĩ người viết văn không nên có gia đình vợ con (hay chồng con) để có thể viết tự do, không sợ phiền toái, những điều mình viết có thể làm tổn thương, gây tức giận, hay làm hại người thân. Tuy tôi chưa có tác phẩm nào nổi bật hay gây sóng gió, nhưng tôi vẫn bị rắc rối khi những chuyện bịa đặt bị xem là có thật.
      Viết về cái xấu của mình, cái vunerable của mình, thật không dễ. Tôi suy nghĩ hoài về bà Duras viết quyển Người Tình, bà dám viết về quan hệ của cô gái với người đàn ông Việt Nam như là hành động của một cô điếm, về cuộc sống nghèo nàn của một người da trắng bị xã hội lạc hậu của người da vàng khinh rẻ, về cái khoảng lặng bỏ trống khiến người ta tự hỏi về sự loạn luân trong quan hệ anh em của cô gái. Đó có phải là yếu tố khiến quyển sách được khen thưởng hay không?
      Cám ơn đã cho tôi những điều để suy nghĩ và enjoy văn học.

      Like

  2. Chào chị HH. Trong nhiều sách dạy viết văn, các chuyên gia thường đặt dấu ”=” giữa cốt truyện và nhân vật. Điều đó cho thấy, Nhân vật cũng quan trọng như cốt truyện.
    Tôi nhớ, có cuốn sách đã đưa ra thống kê, những yếu tố làm nên một nhân vật, bao gồm:
    1). Có quan điểm sống; 2). Có thái độ với cuộc sống và con người xung quanh; 3). Có hành động và 4). Có sự thay đổi. Trong bài viết của chị, tôi thấy chị đã tìm ra nhân vật có sự thay đổi giữa đầu và cuối truyện. Công thức này có thể đúng với nhiều thể loại, song trừ thể loại hài và truyện (phim) hành động. Vì hai thể loại này, tính cách nhân vật đã được mặc định. Tôi cảm thấy, khi viết , các nhà văn thương say mê mà quên nhiều lý thuyết. Vì vậy cần người biên tập tỉnh táo. Nhưng các nhà văn thường là người có cá tính mạnh, không chịu nghe ai. Họ không thấy một điều, một câu chuyện hay không phải là chuyện viết một lần mà cần phải viết nhiều, rất nhiều lần. Cảm ơn chị vagf chúc chị vui.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s