Bài này dịch cho Da Màu nhưng DM đổi ý không đăng ngày thứ Bảy nên đăng lên đây. Chán lắm, không nên đọc.
—
Mười nam, mười nữ, họ là những nhà văn trào phúng và nhà văn hiện đại, từ Miami và Ethiopia và Peru và Chicago . Và không người nào được sinh ra trước năm 1970.
Ban Biên Tập của tạp chí New Yorker đã tuyển chọn và thành lập danh sách nhà văn “20 Dưới 40” chuyên về thể loại sáng tác và xứng đáng được chú ý. Việc tuyển chọn được tiến hành trong một thời gian khá dài và rất bí mật làm các nhà văn trẻ khá lo âu. Danh sách này được công bố trên số đặc biệt, có số trang văn học nhiều gấp đôi, sẽ xuất hiện trên các tiệm bán báo ngày thứ Hai (06/07/2010). Tất cả những nhà văn được tuyển chọn vào danh sách này được thông báo từ hai tuần trước.
Những người trong danh sách là: Chimamanda Ngozi Adichie, 32; Chris Adrian, 39; Daniel Alarcón, 33; David Bezmozgis, 37; Sarah Shun-lien Bynum, 38; Joshua Ferris, 35; Jonathan Safran Foer, 33; Nell Freudenberger, 35; Rivka Galchen, 34; Nicole Krauss, 35; Yiyun Li, 37; Dinaw Mengestu, 31; Philipp Meyer, 36; C. E. Morgan, 33; Téa Obreht, 24; Z Z Packer, 37; Karen Russell, 28; Salvatore Scibona, 35; Gary Shteyngart, 37; and Wells Tower, 37.
Cũng đã hơn chục năm kể từ khi tạp chí này bắt đầu công bố danh sách “20 Dưới 40”. Danh sách gần nhất, công bố năm 1999, bao gồm một số ngôi sao văn học, lúc ấy chưa được nhiều người biết đến, như Jhumpa Lahiri, Nathan Englander và Junot Díaz. (Một số nhà đã bắt đầu có tên tuổi như Michael Chabon, Jeffrey Eugenides, và David Foster Wallace nằm trong danh sách trước nữa.)
Danh sách mới này có điểm đặc biệt của nó. Rất nhiều nhà văn đến từ bên ngoài Hoa Kỳ hay có cha mẹ là người ngoại quốc. Tất cả mọi người đều ở tuổi ba mươi, ngoại trừ hai nữ tác giả Obreht và Russel (chưa đến 30). Số nhà văn nam được chọn bằng với số nhà văn nữ, một chi tiết mà Deborah Treisman, biên tập viên chuyên phụ trách môn văn của tạp chí, gọi là “sự tình cờ đáng khen ngợi, về khía cạnh bình đẳng giữa nam nữ trên trường văn trận bút thời bây giờ,” (Danh sách năm 1999 chỉ bao gồm có năm nhà văn nữ, tờ tạp chí The New York Observer đã nhắc đến vào tháng Năm.)
Ngoài tuổi tác, các nhà văn này không có gì tương đồng, theo David Remnick, chủ biên của The New Yorker.
“Nếu họ có quá nhiều điểm tương đồng, thì nhàm lắm,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Đây không phải là chuyện tập hợp một nhóm nhà văn có cùng quan niệm thẩm mỹ. Nhóm này là một nhóm người đầy triển vọng, triển vọng khổng lồ. Nhiều nhà văn trong nhóm này viết theo truyền thống đã được thiết lập, và nhiều nhà văn có tiếng nói với tầm ảnh hưởng rất rộng lớn. Nhiều nhà văn đã mang đến cho độc giả những điều mới lạ từ một nền văn hóa của nước khác.”
Không ai là không biết, công bố một danh sách như thế này khá rủi ro. Cho dù có chủ ý hay không, đôi khi nó cũng giống như làm việc táo bạo để được chú ý. Giới hạn tuổi của họ, cho dù 25, 35, hay 40, vẫn có vẻ bất thường.
Sau khi danh sách được công bố, tất nhiên là sẽ có những dèm xiểm cho rằng có nhiều nhà văn đã quá nổi tiếng rồi không nên chọn và có nhiều nhà văn bị bỏ quên một cách bất công.
“Người nào cho rằng họ đã biết nhà văn X hay Y, hay biết từ 1 cho đến 20, thì cũng đành chịu như thế thôi,” Ông Remnick nói, nêu tên Foer, nhà văn được chọn vào danh sách mới “là một nhà văn, thể theo nhiều người, ai cũng có thể đoán là sẽ được chọn.”
Bill Buford, vị cựu chủ biên của The New Yorker chịu trách nhiệm việc thành lập danh sách năm 1999, bảo rằng ông chẳng có gì phải ân hận về việc người nào được chọn.
“Với việc tập hợp các nhà văn này lại, và tập hợp họ với một ít quyền hành và điệu bộ tự tin, rồi nói rằng, với biết bao nhiêu thứ đã được xuất bản, bạn tuyên bố với mọi người, đây là 20 nhà văn đáng được chú ý,” ông Buford nói, “đó là cách đưa các tác giả này đến với lượng độc giả to lớn hơn.”
Cuộc tuyển chọn bắt đầu từ tháng Giêng, lúc ấy các ban biên tập của ban văn bắt đầu thu thập ý kiến. Ban biên tập dùng e-mail trưng cầu ý kiến của những nhà đại diện cho các nhà văn, các nhà xuất bản và các nhà văn khác, yêu cầu họ đề nghị tên những người có triển vọng.
Ban biên tập chọn lọc số người có triển vọng đến còn khoảng 40 nhà văn được tuyển vào vòng bán kết. Có một vài nhà văn nổi tiếng như Colson Whitehead và Dave Eggers không được chọn chỉ vì hơi quá số tuổi ấn định, Treisman nói.
“Thật là khó khăn,” Phó Chủ Biên của The New Yorker, Willing Davidson nói: “Chúng tôi cố gắng nghĩ đến những gì các nhà văn này đã cống hiến, ngoài ra, họ đang có những gì để chúng tôi có thể cho lên báo ngay bây giờ?”
Mỗi nhà văn được vào bán kết phải nộp một văn bản, truyện ngắn hay trích đoạn của truyện dài, có thể xuất bản ngay. Người nào không có sẵn tác phẩm sẽ bị loại.
“Chuyện này được thực hiện một cách bí mật lạ lùng,” Russell nói, một trong tám nhà văn trên danh sách của The New Yorker cũng đã được chọn vào “Những Nhà Văn Trẻ Tuổi Hay Nhất” năm 2007 do Granta bình chọn. “Đây là một lời khen tuyệt vời tuy nhiên cũng làm lo ngại. Bạn muốn xứng đáng với lòng tin cậy. Bạn nghĩ: ‘Cám ơn đã cho tôi tham dự cuộc chơi. Giời ạ, hy vọng tôi không phải là kẻ chỉ vì thấy bướm bay mà đãng trí rồi làm rơi quả bóng.’ ”
Ở hậu trường, cuộc tuyển chọn, đúng như dự đoán, đã gây nên những ghen tị vì tranh chấp và móc nối phe phái. “Nói chung, tất cả mọi nhà văn tôi quen có tác phẩm tôi thích đã chen lấn dành một chỗ trên danh sách này,” ông Englander nói, người đã được chọn vào danh sách năm 1999. “Nếu bạn được chọn, đó là một sự xác nhận khả năng rất đáng mừng. Nếu bạn không được chọn, thì nó cũng chẳng ảnh hưởng gì.”
Ferris, nhà văn được chọn lần này, nộp một truyện ngắn vào tháng Tư ông đã bắt đầu viết từ tháng Hai. “Tôi biết nếu tôi được vào danh sách, tôi
sẽ sung sướng lắm,” ông nói. “Đó là một nỗi lo lắng mà tôi không thể tự kềm chế, cũng giống như lo lắng về một bài điểm sách.”
Văn bản của tám nhà văn sẽ xuất hiện trên tạp chí xuất bản vào tuần tới (June 7 2010); bài của 12 nhà văn còn lại sẽ tiếp tục xuất hiện trên tạp chí này suốt mùa hè.
Ông Diaz, một trong những nhà văn xuất hiện trên danh sách 1999, nói rằng ông “rất là vinh dự,” nhưng ông không thể cả quyết đoán là nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp văn chương của ông.
“Tôi đã xuất bản một tuyển tập truyện ngắn về người Dominic.” ông Diaz nói. “Tôi có thể nói chắc với bạn là số bán chẳng tăng lên sau khi danh sách được công bố.”