Trong gia đình tôi trứng thường khôn hơn vịt. Ách Cơ thấy tôi mượn quyển Everything is Illuminated hai lần, khi tôi đem trả quyển sách cho thư viện lần thứ nhì cô hỏi tôi, mẹ đọc nó xong rồi à. Tôi trả lời chưa, mẹ bận quá và có nhiều quyển mẹ cần đọc nên chưa có thì giờ đọc quyển này. Thật ra tôi có liếc sơ vài trang nhưng không thấy hấp dẫn đủ để đọc tiếp. Ách Cơ nói mẹ nên đọc quyển này. Hay lắm mà. Con có mượn cả quyển phim dựa vào quyển sách này. Mẹ nên xem phim trước khi đọc sách vì quyển sách có nhiều giọng kể có thể làm mẹ lẫn lộn. Trứng bảo thế, vịt vâng lời.
Mỗi cuốn sách đến với người đọc tùy theo một nhân duyên nào đó. Đọc sách tôi cần phải đọc trong trạng thái yên tĩnh. Khi tư tưởng tôi chộn rộn hay có việc gì cấp bách tôi không đọc được và nếu cứ cố gắng tôi không thấy cái hay của quyển sách. Mỗi ngày tôi đọc chừng một giờ đồng hồ, buổi sáng lúc chờ xe lửa và lúc ngồi trên xe lửa đến chỗ làm. Đây là khoảng thời gian tôi đọc dễ nhất, vì mới thức giấc đầu óc vẫn còn tỉnh táo. Cuối tuần và trong ngày bận nhiều việc quá nên tôi không đọc được. Tôi đã nhiều lần phán đoán vội vàng, về sau đọc lại những quyển sách mình bỏ qua tôi phát giác ra cái sai lầm của mình. Cuốn sách nào cũng thế, nếu đọc với tư tưởng cởi mở sẽ dễ nhận ra cái hay của tác giả. Mỗi cuốn sách cũng như mỗi con người, bao giờ cũng có những điểm tốt và những điểm không tốt mấy.
Phim Everything is Illuminated là loại indie (independent film) do Liev Schreiber làm đạo diễn. Phim không có ngân sách lớn vì thế ít có tài tử nổi tiếng và không có những màn kỹ thuật cao siêu của special effect. Con bé nhà tôi thích nghệ thuật thử nghiệm không theo truyền thống, những thứ nó thích đều có cái gì dị dị khó nuốt khó tiêu nhưng nếu kiên nhẫn một chút sẽ thấy cái hay. Những phim như Once hay Me You and Everyone We Know cũng do nó giới thiệu. Once làm tôi thèm một thế giới utopia trong đó người ta không cần tiền để sống, ai cũng có ăn đủ mặc để theo đuổi giấc mơ nghệ thuật của mình, viết nhạc, vẽ tranh, làm thơ để làm đẹp cuộc đời. A, lại nói lang bang lạc đề mất rồi.
Tôi xem phim Everything is Illuminated hai lần. Lần đầu tôi ngủ gật đôi chỗ có lẽ vì mệt và cũng có lẽ vì nhạc đệm trong phim. Nhạc rất ngọt ngào êm tai nghe như nhạc dân gian của xứ Ukraine. Lần thứ nhì tôi xem chăm chú hơn và có đoạn phim làm tôi cảm động đến phát khóc. Phim nói về một người trẻ tuổi tên là Jonathan Safran Foer, gốc Do Thái, mang tấm ảnh vàng ố của ông nội chụp với một người phụ nữ đẹp tên là Augustine, đi tìm cội rễ của gia đình ở Trachimbrod và tìm Augustine để cảm ơn bà đã cứu mạng ông nội. Jonathan thuê một hãng du lịch chuyên tổ chức đưa người Do Thái về Ukraine để tìm lại nguyên quán và người thân đã bị thất lạc sau cuộc diệt chủng người Do Thái. Người dẫn đường là một ông già giả vờ mù tên Alex cũng là tài xế. Cháu nội của ông cụ già này là một chàng trẻ tuổi cùng tên là Alex có nhiệm vụ làm thông dịch viên. Trong phim Alex trẻ là một người dùng tiếng Anh nát bét. Anh ta cố bắt chước từ cách ăn mặc cho đến thái độ cho giống người Mỹ trông rất khôi hài đôi khi lố lăng nhưng vào sâu trong phim anh chàng rất dễ mến. Jonathan do Elijah Wood thủ vai. Tôi thích diễn viên này từ khi xem anh đóng vai Frodo trong Lord of the Rings dù anh chàng không mấy đẹp trai tuy có làn da rất đẹp và đôi mắt rất to. Trong phim Everything is Illuminated Jonathan Safran Foer có vẻ rất nerdy với cặp mắt kính to xù. Anh ta thích sưu tập. Anh sưu tập cả bộ răng giả của bà nội anh đang nằm trên giường bệnh. Phim đơn giản hóa và bỏ đi vài đoạn nói về quá khứ của các nhân vật sống ở Trachimbrod nên dễ hiểu hơn, tuy nhiên quyển sách cho thấy tình bạn của Jonathan và Alex dần dần phát triển. Phim không nói hết sự khôi hài trong cách sử dụng Anh ngữ của nhân vật Alex.
Cuộc hành trình có nhiều đoạn phim khá nhàm chán. Ba người đàn ông và con chó dẫn người khiếm thị ngồi trên một chiếc xe với tiếng Anh nát bét của Alex là những chỗ tôi ngủ gật, ngay cả Jonathan cũng ngủ gật. Tuy nhiên có những shot rất đẹp như cái đoạn Alex đi trên con đường hẹp nằm giữa cánh đồng hoa quỳ vàng rực. Con đường được shot làm cho nó dài thăm thẳm và cuối con đường là những tấm vải được giặt và phơi trong nắng, từ xa, tôi với cặp mắt mơ huyền, cứ ngỡ là người ta đang múa lụa. Còn một cái đoạn phim rất ngắn khác (shot) mà tôi rất thích đó là cảnh hàng cây xanh chạy thụt lùi trên tấm gương chiếu hậu.
Trachimbrod là một địa danh đã bị xóa tên sau khi 1024 người Do Thái trong làng này đã bị Đức Quốc Xã giết chết. Trachim là tên của người lập làng còn brod là chữ dùng để chỉ con sông chảy qua Trachim. Trachimbrod chỉ còn lại con sông và cái bia mộ tưởng niệm những người đã chết. Jonathan và hai ông cháu Alex có lẽ không thể nào tìm ra Trachimbrod nếu Alex không gặp bà cụ sống một mình cách Trachimbrod chừng hai kilo mét. Bà nhận ra ông của Jonathan có tên là Safran trong tấm ảnh vàng ố. Mọi người đều nghĩ bà là Augustine nhưng bà là Lista một người con gái chồng chết khi bà mới vừa đính hôn chưa kịp ân ái. Trở thành góa phụ khi vẫn còn trinh Lista đã ân ái với Safran, ông nội của Jonathan trước khi ông lập gia đình. Safran rời làng một ngày trước khi quân Đức vào làng giết vợ và con của Safran. Ở gần cuối phim người xem nhận ra ông già Alex cũng có liên hệ với Trachimbrod và ông cũng có quen biết với bà cụ này nhưng không biết quan hệ như thế nào. Sách cho biết ông cụ Alex có một người bạn thân. Khi quân đội Đức bắt tất cả dân làng ra đứng trước synagogue và bắt người ta phải điểm chỉ người nào là người Do Thái nếu không tuân lệnh vợ con sẽ bị giết. Tất cả những người theo Do Thái Giáo bị buộc phải phun nhổ nước miếng và tiểu vào quyển kinh Torah nếu không sẽ bị bắn chết. Ông cụ Alex để cứu vợ con đã chỉ điểm người bạn thân của ông. May mắn thoát chết Alex rời Trachimbrod đến sống ở Odessa. Sau khi chia tay với Jonathan ông cắt mạch máu tự tử chết. Cái chết của ông có lẽ do mặc cảm tội lỗi vì ông tự xem là đã giết chết bạn thân và vì biết vợ con đã chết mà ông vẫn còn sống. Những người sống sót sau cuộc thảm sát tập thể thường mang một nỗi buồn to lớn. Ông cụ Alex mời Lista về Odessa sống để ông có thể săn sóc bà bởi vì hiện nay bà sống ở một nơi vắng vẻ, trong căn nhà suy sụp với rất nhiều kỷ vật của những người đã chết. Bà sống trong kỷ vật của quá khứ. Ông cụ Alex nói “Bà ấy không mơ ước được hạnh phúc. Bà chỉ có thể sống khi bà cảm thấy buồn thảm thiết. Bà ấy muốn chúng ta cảm thấy bà luôn mang cảm giác hối lỗi. Bà muốn chúng ta thương tiếc dùm bà chứ không phải thương tiếc những người đã chết. ”
Trích đoạn trong sách:
“Khi bà ấy trở về lần thứ hai bà ấy tìm thấy những gì?” Ông nội hỏi. “Thấy cái này,” bà cụ trả lời, và chỉ ngón tay ra bức tường bóng tối. “Không thấy gì cả. Cảnh tượng này đã chẳng thay đổi chút nào từ khi chị ấy trở về. Người ta lấy đi tất cả những thứ gì có thể lấy được sau khi tụi Đức bỏ đi, rồi người ta dọn qua một làng quê khác.” “Thế bà ấy có đi cùng với họ không?” Tôi hỏi. “Không, chị ấy ở lại. Chị tìm thấy một căn nhà hoang ở gần Trachimbrod, tất cả những căn nhà nếu không bị phá hủy đều bị bỏ hoang, và chị ấy tự hứa là sẽ sống ở đây mãi mãi cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng. Chị ấy thu nhặt và cất giữ tất cả những thứ mà chị đã đem dấu rồi mang vào nhà cất. Đó là sự trừng phạt dành cho chị.” Trừng phạt tội gì?” “Tội là người còn sống sót,” bà cụ nói.
Trích đoạn đối thoại trong phim
Tôi không hiểu tại sao chị tôi lại dấu cái nhẫn cưới của chị vào trong một cái lọ và tại sao chị nói với tôi “trong trường hợp.” Trường hợp gì chứ?
Trường hợp bà bị giết chết.
Vâng, rồi thì sao? Tại sao chị đem chôn nó chứ?
Tôi không biết.
Hỏi cậu bé ấy xem.
Bà ấy muốn biết tại sao Augustine đem chốn nhẫn cưới của bà khi bà ấy nghĩ là bà sẽ bị giết chết.
Để làm bằng chứng là bà đã hiện hữu?
Và để người ta nhớ đến bà.
Không. Tôi không đồng ý.
Trong trường hợp…
Trong trường hợp có một ngày nào đó có người tìm kiếm và người ta có cái để tìm thấy.
Không, chiếc nhẫn không hiện hữu vì các bạn
Các bạn hiện hữu vì cái nhẫn.
Các bạn đã đến đây vì chiếc nhẫn hiện hữu
Bà ấy nói cái nhẫn không có mặt nơi đây có chúng ta
chúng ta có mặt nơi đây vì có chiếc nhẫn
Phim này dựa vào quyển truyện cùng tên Everything is Illuminated của tác giả Jonathan Safran Foer, một trong hai mươi tác giả dưới bốn mươi tuổi nằm trong danh sách của tạp chí The New Yorker, được xem là có triển vọng rất to lớn trong văn học Mỹ. Sau cuộc thảm sát chủng tộc Do Thái hơn nửa thế kỷ đã trôi qua người ta vẫn có thể rút chất liệu văn học từ thảm kịch này như những con phượng lửa tái sinh từ đống tro tàn rụi.
You must be logged in to post a comment.