Tác giả: Jonathan Safran Foer sinh năm 1977. Truyện ngắn của tác giả xuất hiện trên The Paris Review và The New Yorker. “Tất Cả Sẽ Minh Bạch” là truyện dài đầu tiên được nhiều giải thưởng và được viết thành phim do Liev Schreiber làm đạo diễn.
Như đã nói từ trước, tôi đọc quyển này vì con tôi bảo quyển này hay. Câu truyện đã được tóm tắt sau khi tôi xem phim và viết trong blog trước đây. Nay xin vắn tắt so sánh giữa phim và truyện.
Quyển sách dày 276 trang. Tôi thích cách thắt gỡ trong câu truyện. Động cơ thúc đẩy tôi tiếp tục lật hết trang này đến trang khác là tôi muốn biết Augustine là ai, có phải là bà cụ già tóc trắng ở một mình trong cái làng vắng vẻ không, nếu bà không phải là Augustine thì bà là ai? Trong khi cái mối thắt này chưa gỡ xong thì Foer đưa vào cái nút thắt khác, ông già Alex là ai, thái độ của ông rất khó hiểu như mang tâm trạng khắc khoải nào đó.
Foer xây dựng nhân vật xoay quanh hội chứng mặc cảm tội lỗi của người sống sót (survivor’s guilt) sau thảm kịch diệt chủng người Do Thái.
Bà cụ già tóc trắng là Lista P. và ông cụ Eli là hai nạn nhân sống với nỗi dày vò trong nội tâm. Lista sống trong một căn nhà chứa toàn kỷ vật. Trong phim chúng ta thấy những hộp giấy chất chồng lên nhau đầy cả một vách tường. Những hộp này giống như những hộp giấy đựng giày và cùng một cỡ nên trông khá ngăn nắp. Trong truyện độc giả có cảm giác căn nhà chật chội bừa bãi hơn.
Một trong những điểm hay của quyển sách là nó được kể bằng hai giọng hoàn toàn khác biệt nhau. Giọng của Jonathan là của người có trình độ ngôn ngữ rất cao, giọng của nhà văn, văn chương, trí thức, bóng bẩy. Giọng kể của Alex là giọng của một người biết tiếng Anh nhưng chưa nhuần nhuyễn. Alex dùng chữ bóng bẩy trong ngôn ngữ thường ngày và thường khi dùng sai. Thí dụ như chữ illuminated trong everything is illuminated thì đúng ra nhân vật nên dùng chữ clear, make sense, explain thì rõ ràng hơn. Giọng kể của Alex rất khôi hài và duyên dáng. Nó cho người đọc thấy cái khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ. Trong khi sáng tạo cách sử dụng ngôn ngữ của nhân vật Foer vẫn giữ cách dùng văn phạm rất đúng tuy nhiên cố ý sử dụng ngữ vựng sai trệch đi. Là một người ngoại quốc, tuy nhiên, tôi không thấy phật ý vì nghĩ là bị nhạo báng. Tôi chỉ thấy tức cười và nhớ lại nhiều khi mình dùng chữ sai (một lần tôi còn nhớ rõ là chữ dear và chữ intimate). Tôi khám phá nếu viết tiếng Anh, dù có sai nhưng nội dung hay thì người đọc vẫn hiểu được và thấy được cái hay. Dĩ nhiên là còn tùy theo sai ở mức độ nào. Đạt được mức độ cố ý sai như của Foer là một điều không dễ. Có lẽ nhà văn này có nhiều kinh nghiệm dạy ESL cho học sinh người Ukraine? Tưởng tượng người nào dịch phần của Alex viết hay nói chuyện có lẽ cũng mất công suy nghĩ để có thể diễn đạt một cách khôi hài. Trong phim có biểu lộ chút ít sự khôi hài này nhưng không đạt lắm.
Foer không phải là người đầu tiên dùng hai giọng, khi thì trí thức lúc lại ngây ngô trong một tác phẩm. Trong Flowers for Algernon nhân vật đã thay đổi trạng thái từ người khờ trở thành nhà bác học rồi trở lại bản chất người khờ. Foer hơi quá đáng trong cách sử dụng ngôn ngữ khôi hài này. Khi tôi chưa bị nhân vật của Foer lôi cuốn, thì cái tiếng Anh dở hơi ba càng của Alex làm tôi thấy thú vị. Khi tôi bắt đầu bị cuốn hút vào tác phẩm thì cái khôi hài nhiều quá làm tôi mất tập trung và bực mình.
Có một vài đoạn trong tác phẩm này tôi không thích mấy, rườm rà và làm tác phẩm mất hay. Tôi thích cách viết “conventional” (thường dùng và phổ thông); khuynh hướng cách tân của Foer làm chi phối sức tập trung của độc giả. Một trong những điểm chi phối là cách đặt tên. Cả bốn năm thế hệ đều có nhân vật mang tên Trachim, Brod, Safran. Lơ đãng một chút là độc giả như mất một mắt xích không biết Trachim này là Trachim nào, Brod này là Brod nào. Những nhân vật khi cầu nguyện là những tiếng la hét thật to vì thế được viết bằng chữ in to. Một trang rưỡi toàn là dấu chấm. Bốn trang không có dấu chấm phết. Một trang rưỡi chỉ có toàn một câu we are writing… Lối đặt tiêu đề của các chương như The Dial 1941-1804-1941 làm tôi không biết tác giả muốn nói gì, thời gian đi xuôi hay đi ngược? Nếu rút ngắn đi bỏ những chỗ thử nghiệm quyển sách sẽ cô đọng, súc tích, cảm động hơn do đó ảnh hưởng đến độc giả lâu dài hơn, mạnh mẽ hơn.
Không thể gom Tất Cả Sẽ Minh Bạch vào cùng một thể loại grotesque cùng với quyển Oscar Wao. Oscar Wao thay đổi giọng văn giữa giọng nghiêm chỉnh và giọng dùng trên hè phố, và Tất Cả Sẽ Minh Bạch thay đổi giọng văn giữa người nói sai và giọng văn đúng tiếng Anh. Ngoài ra hai tác phẩm này khác nhau cũng như cái khác nhau về hình dáng của một anh Do Thái da trắng thấp nhỏ người và một anh Dominic béo phì da đen. Tôi có thể miễn cưỡng đồng ý xếp Oscar Wao vào chung nhóm văn học với Anh Gù ở Nhà Thờ Đức Bà, Mỹ Nhân và Ác Quỷ, Frankenstein nhưng không thấy có nhân vật nào trong Tất Cả Sẽ Minh Bạch tương xứng với định nghĩa grotesque(ism).