Hôm qua, trời không nóng lắm, nên giờ ăn trưa tôi thả bộ từ chỗ làm đến công viên Washington ở trước thư viện Newark, con đường quen thuộc mà mùa hè năm ngoái tôi vừa đi vừa mơ mộng mỗi ngày. Năm ngoái nóng nhưng ráng chịu được. Năm nay nóng nhiều hơn, nóng liên tiếp nhiều ngày và mưa cũng liên tiếp nên ít đi bộ. Sức khỏe ngày càng hao mòn.
Trên đường đi nhìn thấy nhà thờ St. John vẫn phát thức ăn trưa cho dân nghèo từ thứ Ba cho đến thứ Bảy. Công viên Washington vẫn tổ chức chợ lộ thiên bán nông phẩm mỗi thứ tư trong tuần.
Tôi nghĩ đến một câu bình phẩm của một bạn tình cờ lạc vào blog này về té ra Mỹ cũng có người nghèo, không phải lúc nào cũng là thiên đường như mọi người tưởng.
Có một ngày nào đó, vào một mùa hè nào đó, có thể là năm ngoái có thể là xa xưa hơn, cũng ở công viên Washington, cũng nhằm ngày thứ Tư tôi mua một cái hot dog. Khi tôi đứng sắp hàng thì có một bà cụ da đen rất già đứng xớ rớ gần đấy. Bà tránh đường cho tôi sắp hàng và bà hỏi tôi có thể mua cho bà một món gì đó để bà ăn không. Tôi thấy bà có vẻ đói. Thèm thì đúng hơn. Bà khá già, răng rụng hết nên miệng móm. Trông bà có vẻ hiền lành, sạch sẽ không hôi hám như những người sống trên hè phố. Tôi nói với người bán thức ăn bà này muốn ăn gì uống gì anh cứ bán cho bà tôi sẽ trả tiền. Bà mua một cái hamburger, nước uống và thêm một món gì đó. Và bà ôm hôn tôi, chúc phúc lành cho tôi.
Dọc theo công viên này đôi khi tôi thấy có người nằm ngủ dưới gốc cây. Thỉnh thoảng tôi thấy dấu vết của những người sống trên hè phố. Đó là những thí dụ nho nhỏ của những người nghèo. Còn vô số những cái nghèo khác mà không phải lúc nào mình cũng nhìn thấy.
Mùa hè năm 2007 ở San Francisco, gần bến tàu bến cảng, nườm nượp du khách, công viên toàn hoa hiếm lộng lẫy, rất tiếc tôi không còn ảnh để bạn xem, tôi gặp một người hành khất xòe tay xin tiền tôi. Đó là một người đàn ông lớn tuổi, ăn mặc sạch sẽ, bình thường. Trông ông tôi có thể lầm là một du khách cũng như tôi, không giàu có sang trọng cũng không đến nỗi quá xuề xòa. Điều làm tôi thấy áy náy: đó là người Việt Nam. Tôi cho ông tiền nhưng có người không đồng ý bào là không nên khuyến khích chuyện xin tiền như thế, làm hổ thẹn cộng đồng Việt Nam.
Có một buổi chiều nào đó tôi không nhớ vừa xuống ga xe lửa tôi gặp một người đàn bà Á châu. Lúc mới đến Mỹ tôi nhìn người Á châu nào hơi giống người Việt Nam tôi đều mỉm miệng cười chào và ngạc nhiên thấy họ lờ tôi đi, không thèm chào lại kể cả một cái mỉm cười cũng không. Tôi nghĩ có lẽ mình nhầm không phải người VN. Lâu ngày tôi quen cái lạnh lùng phớt lờ của những người sống khu vực Đông Bắc gần những thành phố lớn như Philadelphia, New York. Newark (New Jersey) tuy không mấy lớn nhưng mật dộ dân số cao nhất nước Mỹ, nó vẫn thường được/bị xem là sân sau của New York (nơi người ta đổ rác, hihi). Đời sống bận rộn quá nên người ta không chú ý đến những người chung quanh, không ai ở không đâu mà cười đáp lại mình. Trời vừa bắt đầu xuân còn lạnh. Người đàn bà Á châu ăn mặc khá mỏng manh dường như bà quen chịu lạnh nên không có vẻ rúm ró như tôi. Bà nhìn tôi cười chào và hỏi tôi bằng tiếng Anh rằng tôi có phải người Việt không? Tôi nói phải rồi chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Bà đã lớn tuổi, quá tuổi hưu. Hiện đang ở trong một khu dành cho người già. Chung quanh bà là những người bị bệnh tâm thần (loại hiền) và những người đang ở trong tình trạng bất hạnh về mặt kinh tế tài chính. Bà nói huyên thiên như lâu ngày bà chưa có dịp gặp ai để nói chuyện. Trong khi nói chuyện với tôi bà hay chêm tiếng Anh. Bà khoe ngày xưa bà đi làm sở Mỹ, v.v… Bà rất lanh lợi, tự tin, và nghĩ tốt về mình. Bà có con nhưng không nói về chồng và hình như bà ở riêng vì có chuyện không vui với con. Bà nói nhà nước cho đủ tiền để trả tiền ăn tiền phòng, đi khám bệnh thì có taxi đến chở đi nhà nước trả tiền. Đâu thì đủ vào đó và bà không có dư tiền. Bà tô son đánh phấn trang điểm nhiều hơn tôi. Bà bảo tôi đến thăm bà thì bà sẽ làm gỏi cuốn nấu cho tôi ăn. Bà chỉ có một cái lò nhỏ mà mỗi lần nấu ăn phải dấu diếm nếu không sẽ bị chủ nhà rầy. Tôi có sáu chục đồng trong ví dự định đi chợ nên đưa luôn cho bà sáu chục đồng. Bà từ chối nhưng một lúc sau bà đổi ý cầm lấy số tiền. Một đôi lần tôi gặp bà từ xa, bà vẫy tay và tôi đang ngồi trong xe không tiện ngừng. Đây cũng là một thí dụ về người Việt nghèo.
Tôi phải chuẩn bị đi làm nên lúc khác sẽ nói tiếp. Thế còn các bạn? Nếu có ai hỏi bạn Cái nghèo là gì hay xin bạn định nghĩa thế nào là nghèo thì bạn sẽ nói thế nào?