Có người báo tin cho tôi biết hai họa sĩ Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần tổ chức triễn lãm tranh từ thứ Năm 28 tháng 10 đến thứ Bảy 6 tháng 11 năm 2010 ở Annam Heritage ở bên Tây. Dù không hiểu biết về hội họa tôi cũng thích xem tranh, xem sắc màu, bố cục, và thỉnh thoảng tìm hiểu tư tưởng của họa sĩ nếu có người giải thích. Nhưng mà trời ơi, làm sao có thể qua Paris để ngắm tranh của hai ông?
Đinh Cường nổi tiếng đã lâu đời. Viết về ông lại sợ người ta cho là mình dựa hơi người có danh tiếng nếu không chẳng ai đọc mấy bài tạp ghi ấm ớ này. Ông là bạn thân của Trịnh Công Sơn, mỗi người làm chủ một giang sơn. Ngu khờ nhưng tôi thấy trong nhạc của Trịnh Công Sơn có tranh của Đinh Cường và tranh của Đinh Cường
phảng phất những hình ảnh rất thơ.
Theo bài viết của Phan Anh Dũng đăng trên đặc san Cỏ Thơm, Đinh Cường sinh năm 1939 ở Thủ Dầu Một. Ông sống ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế là những nơi ông dùng làm bối cảnh cho tranh vẽ của ông. Hiện ông đang sống ở Virginia, Hoa Kỳ. Ông tổ chức triễn lãm rất thường xuyên hầu như hằng năm hay đôi ba năm một lần ở các thành phố lớn ở Việt Nam và nhiều nơi ở Mỹ và Pháp.
Tranh của Đinh Cường là kết hợp của trường phái lập thể, lãng mạn, và trừu tượng thể hiện trong Heaven and Earth, Standing on the Other Side of Life, Golden City. Màu sắc và quang cảnh trong tranh của ông thường tĩnh mịch, lắng đọng. Phụ nữ trong tranh là những cô gái mảnh mai. Dáng dấp họ càng mềm mại hơn kín đáo hơn với những khăn quàng cổ vì trời lạnh và các cô yếu đuối không chịu được lạnh. Đôi khi cái khăn quàng cổ được thay thế bằng cái khăn che tóc (Nỗi Nhớ, Sen Mùa Hạ, Thiếu Nữ Trên Đồi Domaine de Mrie, Thiếu Nữ Trong Thành Nội, Huế – Dòng Sông Bay Trong Trí Nhớ). Họ phải che kín thân thể của họ nếu không che ở chỗ này thì phải che ở chỗ khác. Đôi khi ông vẽ một cô gái khỏa thân, như bức Rêu Phong, màu xám xịt như chìm dưới dòng sông tối. Tranh của ông đòi hỏi người xem một sự suy ngẫm về cuộc đời, sự sống và cái chết, thiên đàng và dương thế (Hành Hương). Như bức Khung Cửa Hẹp làm tôi tự hỏi người ta ép mình qua khung cửa hẹp đó để tìm thấy gì.
Trịnh Công Sơn đã nói về người bạn thân quí của mình như thế này: “Có một kẻ lì lợm đam mê kỷ niệm. Nơi tâm hồn hắn, tôi sững sờ bắt gặp đứa bạn trẻ trung ngày xưa. Trên mảnh đất riêng tư, âm vang hơn mười năm kia vẫn còn tươi tắn. Nếu biết khóc, hãy yếu lòng vào những phút này, nơi mà lòng ngưỡng vọng còn nguyên vẹn về một đóa qùy, một loài chim lạ, một con đường hiu hắt sương mù… Ðinh Cường chính là kẻ không chịu lãng quên đó. Cường vừa ra đi vừa ở lại. Uống chén rượu hôm nay mà nhớ chén rượu ngày xưa: Nhớ không Sơn rượu chiều Ðơn Dương bạn cùng ta uống cạn… Biết trở về cũng là cách tri ân những hội ngộ trong đời.”

Khung Cửa Hẹp – DC
Họa sĩ Đặng Phú Phong cho biết “Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1948 tốt nghiệp Viện Mỹ Thuật Huế năm 1973 và triển lãm tranh cũng trong năm này tại Hội Việt Mỹ Đà Nẵng.” Ông bắt đầu băng khuynh hướng siêu thực (surrealism) chuyển sang khuynh hướng trừu tượng.
Tranh của ông Thuần là những mảng mầu rực rỡ nhưng rất hài hòa trên nền xanh xám. Như những đóa hoa nở giữa trời ảm đạm, trong sương mù sáng sớm hay chiều hôm, hay những con cá màu bơi trong biển tối. Bức âm dương dùng mầu nâu nhạt và hoàng kim làm nền, người xem có thể nhìn thấy những thiên thần nho nhỏ lẫn lộn trong dòng người, và những đốm màu sậm có thể làm người xem liên tưởng đến những gì tối ám, như một cái đầu lâu chẳng hạn. Dòng Sông Ký Ức là bức tranh tả cô gái đẹp, tóc thề bay trong gió như câu ca dao, tóc dài sao vội cắt ngang, thả bay trong gió hai hàng lụy sa. Bức Nhật Nguyệt là bức tranh lõa thể của cô gái thật đẹp với những cắt nối của các mảng mầu tạo nên vẽ nửa kín nửa hở rất đẹp mắt mà không tục tằn. Khán giả cần nấn ná lâu hơn để tự hỏi cái gì làm người ta lãng quên khi vào Vườn Quên Lãng, và có phải trong Hoài Niệm Xanh có rất nhiều nắng vàng?

Dòng Sông Ký Ức – NDT
Tôi có thể kể cho các bạn nghe về tranh của hai họa sĩ này nhiều hơn nhưng tôi phải mua vé số để nếu may thì có tiền qua Paris xem cuộc triển lãm này. Bạn nào ở bên Tây mà gần Paris thì có thể xem tranh được đấy. Xem rồi nhớ kể cho tôi nghe với nhé.
One thought on “Triển lãm tranh của Đinh Cường và Nguyễn Đình Thuần”
Comments are closed.