Tuần tới, 31 tháng 10 sẽ là ngày Halloween. Theo thông lệ, tôi sẽ kể bạn nghe về Halloween trước một tuần, cứ giả bộ như bạn đang đọc bài đăng báo vậy.
Halloween bắt nguồn từ ngày lễ Samhain của người Irish (Ái Nhĩ Lan) có nghĩa là ngày chấm dứt mùa hè được tổ chức từ 31 tháng 10 cho đến 1 tháng 11. Vì trùng với ngày lễ Công giáo, 1 tháng 11 là ngày vinh danh tất cả các vị Thánh, người ta cho rằng Halloween cũng là ngày lễ tôn giáo nhưng lâu dần ngày này biến thành ngày lễ cho tất cả mọi người kể cả người ngoại đạo.
Cứ trước ngày Halloween chừng một hai tuần, người ta bắt đầu trang trí chung quanh nhà để mừng lễ Halloween. Nhà của Joey cách nhà tôi chừng vài trăm mét đã chưng bày một số đồ trang trí, giả làm cái nghĩa địa có hàng rào sắt, có mộ bia, và bàn tay dưới mộ thò lên trên mặt đất như muốn tìm cách thoát ra khỏi phần mộ để chộp lấy người trên dương thế.
Mùa thu theo truyền thống của nước Mỹ là mùa thu hoạch nên người ta thường vào các nông trại mua trái cây như táo (apple) với giá rẻ đem về làm bánh, mứt hay xay ép lấy nước. Có khi thay vì vào vườn trái cây, người ta viếng vườn bí đỏ (pumpkin) để xem những cuộc dự thi trái to, hoặc là khắc hình những quả bí thành những bộ mặt thân thiện vui cười hay bí hiểm độc ác. Những quả bí đỏ được móc rỗng và khắc thành hình được gắn đèn bên trong để trang trí ngoài sân hay cạnh cửa sổ gọi là jack-o’lantern. Ngoài cách trang trí bằng lồng đèn bí đỏ, có nhiều nhà chịu khó trang hoàng với chủ đề Halloween gồm có những hình ma, đầu lâu, sọ người, bãi tha ma, vân vân. Có nhiều nơi trang trí chuyên nghiệp biến những ngôi nhà bình thường thành nhà ma, hoặc thiết kế tinh vi hơn như những theme park vào cửa phải mua vé. Nơi đây khán giả sẽ được nghe kể chuyện ma, nhìn thấy bóng ma, nói chuyện với ma. Có lần vào một nhà ma, tôi thấy bộ xương cứ nghĩ đó chỉ là bộ xương thôi nhưng cho đến khi bộ xương chờn vờn chộp tôi thì tôi mới biết bên trong có người, sợ một mẻ kinh hồn. Hình bên trên là Jack O’ Lantern.

Không phải bóng ma nào cũng xấu xí dễ sợ. Người Mỹ có một phim cho trẻ em trong đó có một bóng ma rất dễ thương tên Casper làm bạn với một cô gái. Phim ấy là Casper the Friendly Ghost.
Đây là những con bù nhìn bán ở chợ vào dịp Halloween để người ta mua về trang trí chung quanh nhà.
Một con bù nhìn xinh xắn để trang trí cho mùa Thu và cho cả Halloween.
Vào ngày Halloween, người ta thích bắt chước cách ăn mặc điển xưa tích cổ như cô Bo Peep đi chăn cừu, Zorro hiệp sĩ bịt mặt, Phantom of the Opera (Bóng Ma Trong Kịch Viện), ngay cả Three Blind Mice (Ba Con Chuột Mù trong truyện dân gian) hoặc người ta có thể giả trang thành ma quỷ. Trẻ em thì giả trang tùy theo tuổi. Các em bé thường được bố mẹ biến thành những quả bí đỏ rất kháu khỉnh. Các bé trai thích làm Người Dơi, Người Nhện. Các bé gái thích làm Belle trong Beauty and the Beast, hay Ariel trong The Little Mermaid. Người lớn thì tùy theo lứa tuổi và óc tưởng tượng; các cô gái thích giả thành những cô y tá hay là những cô hầu gái kiểu người Pháp (French Maid), có khi họ giả thành bà phù thủy mặt màu xanh lá cây như trong The Wizard of Oz. Tôi vẫn còn giữ cái nón chóp nhọn mà cô nhớn nhà tôi đội từ cả năm năm về trước. Người Mỹ tin là bằng cách giả trang ra những hình thù ghê rợn họ có thể đối diện với những thứ vô hình đã làm họ sợ hãi và trấn áp nỗi sợ này.
Đêm Halloween người lớn giả trang rồi thì người lớn đi dạ tiệc, còn trẻ em đi trick-or-treat. Đây là một tục lệ đáng yêu. Trẻ em đi bấm chuông nhà trong xóm. Người ta mở cửa các em nói trick or treat và được cho kẹo bánh. Có em mang theo một cái lồng nhựa hình quả bí để chứa kẹo, có em chỉ dùng một cái bao plastic. Kẹo nhiều hay ít, và kẹo ngon hay dở tùy theo xóm nhà giàu có và rộng rãi hay không. Khi đi xin kẹo các em có cha mẹ đưa đi và trường học cũng như gia đình đều nhắc nhở các em cẩn thận không nên ăn bánh kẹo đã bị bóc bao bì vì sợ có thể kẻ gian làm hại tẩm chất độc vào thức ăn.
Halloween thường gợi tôi nhớ đến lễ Vu Lan có cúng các đảng cô hồn và giật vàng. Ngày còn nhỏ tôi vốn nhỏ con ít khi nào chụp được hay giành được kẹo. Có lần tôi trộm cả đĩa kẹo khi bà Hai ở cạnh nhà có cô con gái ba mươi tuổi bị tật câm đang cúng và quay vào nhà lấy cái gì đó. Cô câm tên là Sương tuy không nói được nhưng đã bực tức đến độ ú ớ suốt một buổi cho đến khi chị dâu tôi biết được mách với má tôi. Dĩ nhiên là bị bắt mang trả lại và bị bộp vào đầu mấy phát.
Vào dịp lễ Halloween thì Tivi hay có những chương trình truyền hình và rạp cũng chiếu rất nhiều phim kinh dị. Chuyện ma và chuyện kinh dị ở Mỹ nhiều lắm hay lắm kể không hết. Nhà văn Stephen King cũng là nhà triệu phú nhờ viết toàn chuyện kinh dị có một số đã được quay thành phim như Carrie do Sissy Spacek đóng, The Shining do Jack Nichoson, the Green Mile, The Shawshank Redemption, Children of the Corn, the Fire Starter. Đây là những phim tôi đã xem còn một số khác tôi có xem nhưng không còn nhớ. Một phim kinh dị tôi thích nhưng phim này không dựa vào truyện của Stephen King, mà là của một tác giả kiêm đạo diễn người ngoại quốc M. Night Shyamalan. Phim này rất hay, không những chỉ kinh dị mà còn dựa vào những biến chuyển lắt léo của tâm lý, tình yêu vợ chồng, tình mẫu tử, tình người, những mâu thuẩn của cuộc đời trong sự sống và cái chết, v.v…
Nói đến Halloween là nói đến chuyện ma. Chuyện ma ở New Jersey này thì không thiếu. Những căn nhà bị ma ám, những linh hồn không siêu thoát ở mãi nơi người ta bị chết bất ngờ được ghi chép lại trong nhiều sách vở. Trong quyển chuyện kỳ dị ở New Jersey có nói về một bóng ma ở công viên Branch Brook.
Tôi đã có lần nói về công viên Branch Brook, gần chỗ tôi làm việc, là một công viên rộng 360 acres, nổi tiếng đẹp nhờ có 4000 cây hoa đào Nhật. Mùa xuân du khách đến đông nhưng thường ngày vắng vẻ, điêu tàn, rác rưởi tứ tung vì công viên chạy ngang những xóm nghèo, tụ tập những thành phần không lương thiện. Một đôi khi người ta khám phá ra những vụ án mạng rùng rợn.
Thứ Sáu, các sếp của tôi không hiểu vì sao số một số hai đều vắng mặt. Ăn trưa xong tôi xách máy ảnh nhảy lên xe điện đến công viên Branch Brook hy vọng tìm được một vài tấm ảnh lá thu. Tôi đến gần con sông chay dọc theo công viên vừa đi vừa cảm thấy bất ổn. Vì đậu gần đó là xe của một cặp trai gái, ăn mặc dữ dằn, người xâm hình chằng chịt, dáng đi lảo đảo như say ngất ngưởng. Tôi đi qua bên kia bờ sông vì thấy một rừng lau mọc cao quá đầu người trông đẹp mắt. Đến nơi tôi nghe bước chân chạy rùng rục và tiếng xì xào trong các bụi lá rất dày. Có lẽ là đám học sinh trốn học lêu lỏng ngoài đường. Đi thêm vài bước tôi gặp xe cảnh sát đi tuần. An tâm hơn tôi tiếp tục dọc theo bờ sông. Đi hết đường, vừa đi vừa chụp ảnh, xong tôi quay trở lại. Ngạc nhiên vì thấy xe cảnh sát đậu ở đầu cầu, vẻ như trông chừng xem tôi có làm gì không tốt hoặc là bảo vệ tôi. Đây không phải là nơi cho một người phụ nữ Á châu có vẻ như du khách đi tham quan. Tuy biết đây là nơi không mấy an toàn tuy nhiên có lẽ nó bất an toàn hơn tôi tưởng tượng và tôi thầm cảm ơn người cảnh sát này đã làm nhiệm vụ của ông chu đáo. Tôi hơi ỷ y vì thấy có nhiều người chạy thể dục dọc theo bờ sông ở hướng bên kia. Dẫu sao nơi đây cũng là chố trú ẩn ban đêm là ma, ban ngày là quỷ sống.
Người ta kể là có một cặp vợ chồng, bị tai nạn xe cộ chết ngay trong ngày cưới ở Branh Brook Park. Xe cưới của họ tông vào một gốc cây. Sau đó rất nhiều người đã nhìn thấy một phụ nữ áo trắng từ gốc cây bước ra đường chặn xe cộ. Có nhiều khi người ta thấy một lùm trắng đục chắn ngang đầu xe nhưng khi chạy xuyên qua thì không thấy gì. Đây là một khúc đường cong nguy hiểm vì thế có lẽ bóng mà tìm cách cảnh giác những người lái xe để không tông vào gốc cây như xe của nàng. Ảnh bên trên là một góc của công viên Branch Brook vào buổi trưa thứ Sáu 22 tháng 10 năm 2010 nơi người ta đồn có bóng ma áo trắng, nhưng có lẽ không phải ở ngay chỗ này.
You must be logged in to post a comment.