Ghi chú đặc biệt: Vụ này lùm xùm đã lâu, tôi bực mình không muốn xem lại hay sửa chữa gì cả. Hôm nay (1/16/2017) lại thấy nó hiện ra trong phần xem, có nghĩa là có người nào đó đã nhấn vào cái link. Không thấy thì thôi, thấy và nhận ra cái sai thì phải sửa. Sửa thì nó sẽ update. Mà update thì nó lại hiện ra cái mà tôi không muốn nghĩ đến hay nhắc đến hay đăng lại. Cái tựa đề “Quiet As They Came” là một thành ngữ, có nghĩa là những người rất thầm lặng, thầm lặng nhất. Dẫu sao cũng phải nhận rằng, chúng ta đa số là những người khiếm khuyết ngoại ngữ. Anh mù cõng anh què. Càng khôi hài hơn là hình ảnh anh què dắt díu anh mù và anh mù chỉ đường anh què. Chúng ta phải cẩn thận hơn khi đi sửa sai người khác, bởi vì cái mình (tưởng là) hiểu biết và kinh nghiệm mấy chục năm có thể là một khái niệm sai, sai ngay từ thuở ban đầu.
@ @ @
Hôm qua đặt tựa đề là Những Người Thầm Lặng, bác XXX đề nghị là đổi lại thành Thầm Lặng Như Khi Họ Đến. Bác này là nhà văn XXXXX đó nhe các bạn. Ông dịch truyện từ khi tôi còn mũi chảy thò lò, nên cho dù tính lì tôi cũng “miễn cưỡng” nghe lời. Kính lão đắc thọ!

Tuy nhiên chỉ đổi cái tựa thôi. Còn thân bài để nguyên. Sau đây là tiếp theo và chấm dứt phần điểm sách. Ngày mai sẽ post một phần của truyện ngắn Những Người Thầm Lặng Nhất. Hơi dài nên để dành cho thứ Sáu để các bạn có thì giờ nhiều hơn.
Tôi đặc biệt chú ý đến truyện ngắn có cùng tên với quyển sách. Những Người Thầm Lặng nói về nhân vật Trần Việt, chồng của Hương, bố của Elle và Michelle. Trước năm 1975 Việt là giáo sư dạy Triết. Ông có bằng Tiến Sĩ và tốt nghiệp Luật. Vợ ông tên Hương nổi tiếng là đẹp thường hay được tờ nhật báo Tin Sáng nhắc nhở. Qua Mỹ không thể sử dụng kiến thức học vấn cũ ông đi học kế toán. Trong khi chờ đợi công việc thích hợp với kiến thức ông đi làm công nhân Sở Bưu Điện. Việt là người ít nói. Cái tính thầm lặng này đã giúp ông chinh phục Hương dễ dàng bởi vì theo cách suy nghĩ của người Việt Nam người nói ít là người khôn ngoan. Tuy nhiên, đến Mỹ ông càng thầm lặng hơn, tương tự như nhân vật Hi Joon của Cathy Min trong truyện ngắn Quyến Rũ Nhà Sư, ông ít nói một phần vì ông nói tiếng Anh không lưu loát. Người Mỹ đã nhận xét là khi làn sóng người tỵ nạn bắt đầu nhập vào tiểu bang California càng lúc càng nhiều, người ta nhìn thấy những người tị nạn nầy mà không nghe thấy tiếng nói của họ như thể họ xuất hiện qua đêm. Sau một thời gian sống trên đất Mỹ họ vẫn lặng lẽ như khi họ vừa đặt chân lên đất Mỹ.
Họ nói một cách chung chung về một số rất lớn những người Á châu đã đến San Francisco trong những năm gần đây. Họ chú ý đến vẻ thụ động và ít nói của những người Á châu này và Việt hơn hẳn tất cả những người này về mặt thầm lặng, đến độ dường như vô hình, trang 72.
Trông hiền lành ít nói đến thế nhưng ngày vượt biên bằng thuyền Việt đã giết chết một tên cướp biển khi tên cướp này toan xâm phạm tiết hạnh Hương, vợ ông. Tuy có học vị cao, ở Việt Nam ông có bằng Tiến sĩ Triết học kiêm nghề Luật sư, nhưng sang Mỹ để có thể kiếm cách sinh nhai ngay tức khắc ông đi làm mailman, nhân viên Bưu điện. Một người đồng nghiệp trẻ tuổi của Việt, Melvin, nói những lời bất nhã về Elle không để ý là Việt đứng gần đó nên nghe được. Cho rằng sĩ nhục con mình cũng là sĩ nhục mình, Việt toan tính tấn công Melvin bằng dao.
Trong một bài phỏng vấn, Lorraine M. López đã khen ngợi truyện ngắn Những Người Thầm Lặng “phong phú, gây kinh ngạc, và hoàn toàn thuyết phục.” Được hỏi vì sao cô viết truyện ngắn này Angie Châu đã nói rằng:
Đây là câu chuyện của rất nhiều gia đình người Việt mà tôi quen biết, có lẽ nó không hẳn là một bi kịch giết người ở ngoài biển giống như chuyện của ông Việt trong truyện ngắn này, tuy nhiên rất nhiều người bình thường đã bị đẩy vào những trường hợp phi thường. Cái thí dụ là bọn hải tặc thường rình rập thuyền nhân vì chúng biết những người này là mục tiêu dễ dàng bị khống chế trên biển Đông, một chỗ quen thuộc sau ngày mất Sài Gòn năm 1975. Cái phần mà tôi thật sự muốn khai triển trong truyện này là những người đã từng ở cương vị chỉ huy, được kính trọng ở quốc gia của họ và khi đến Mỹ bỗng nhiên họ trở nên vô hình trong nền văn hóa chính. Tôi muốn suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này – làm thế nào để thích nghi với sự thay đổi về bản sắc cá nhân, người ta định nghĩa như thế nào là giá trị của cá nhân, cái nam tính, hoặc là sự thành công trên vùng đất mới này và người ta sẽ cố gắng thích nghi hay là sẽ không tồn tại?”
Độc giả nếu đã từng có kinh nghiệm “chèo ghe” vượt biển có thể phê bình là tác giả đã miêu tả Việt, thuyền nhân, một mình chống hải tặc đầy vẻ Hollywood, như Clint Easwood hay Harrison Ford, hoàn toàn không thực tế. Hải tặc không bao giờ đi chỉ hai người, giết hải tặc rồi thì tàu của chúng bỏ đâu, làm gì? Những chiếc thuyền để vượt biên luôn chứa rất nhiều người không có chỗ để ngồi làm gì có chỗ cho Việt chơi trốn tìm với cô con gái trên thuyền. Tàu của hải tặc mạnh hơn tàu vượt biên nhiều lần. Chỉ cần nó ủi nhẹ vào là tàu vượt biên có thể vỡ thành nhiều mảnh. Mặc dù những chi tiết không hoàn toàn giống như sự thật, tôi thích lối tưởng tượng này. Truyện cho phép tác giả vượt ra khỏi ranh giới của sự thật để mang đến cho độc giả một chút niềm vui nhỏ nhoi (được làm chủ tình hình và chiến thắng) hay ít ra cũng tránh được nỗi buồn phiền với thảm kịch của người vượt biển.
Trong mười một truyện ngắn, người đọc sẽ không nhìn thấy cái hận thù của chiến tranh, nhờ sinh sau đẻ muộn nên cái chất độc của chiến tranh không thấm vào cô. Angie có cái nhìn ấm áp độ lượng, đôi khi ánh chút diễu cợt, về thế hệ của cha mẹ mình như trong truyện ngắn A Map Back To the World and into Your Heart, Việt bày tỏ lòng yêu vợ bằng cách mua tặng vợ cái máy hút bụi rất đắt tiền, trong khi cuộc sống họ đang rất thiếu hụt, làm cho vợ nổi giận. In Silver Girl, người kể chuyện nhân một cuộc đi chơi với hai bố con của người bạn học, đã so sánh mối quan hệ của bố mẹ và con của người Việt Nam và của người Mỹ. Qua cách so sánh này chúng ta nhìn thấy cái khác biệt của hai nền văn hóa. Elle thèm được sự âu yếm của cha mẹ khi trông thấy Stan, bố của Phoebe, đã âu yếm và cởi mở với con gái của ông ta. Tác giả cũng so sánh cách ăn uống, cách tiếp đãi bạn bè và vợ con của người Mỹ với sinh hoạt gia đình của người Việt Nam, quan niệm về học vấn và sự thành công trong xã hội của người Việt khác người Mỹ như thế nào.
Phoebe nói, “Nếu bố thương con, xin bố đừng làm như thế.”
Stan nói, “Tình yêu không phải như thế, con. Con phải nhớ điều này, ai cũng phải tự sống cuộc đời của chính họ.”
“Nhưng nếu mình yêu thương người nào thì mình phải bảo vệ họ và giữ cho họ đừng vấp phải những điều sai trái, đúng không?” Giọng của cô có vẻ lên cao hơn.
Stan nói, “Nhưng mọi người phải tự tìm hướng đi của mình.”
Tôi nói, “Đúng vậy, thế không phải tình yêu liên hệ đến vấn đề được tự do hay sao? Yêu thương không nên đòi hỏi điều kiện gì cả? Hãy yêu thương người thân ngay cả khi họ có lỗi lầm?”
Phoebe nói, “Hai người có điên không? Tìm kiếm hướng đi cho chính mình? Và tự do?” Giọng của nó bây giờ trở nên lanh lảnh, tôi nhìn qua hướng nó nhưng nó không nhìn chúng tôi. Vai của nó khòm lại và nó nhìn thẳng ra phía trước về phía ngôi nhà tù và ánh sáng của thành phố.
Không chỉ nói về những chuyện tốt đẹp thành công của người di dân Việt, tác giả cũng cho thấy những thất bại đau đớn trong khi cố gắng hội nhập vào đời sống Mỹ. Lâm, người bác của Elle đã bạc đãi vợ con. Không chịu được cảnh bố hành hạ vợ và đánh đập các con, Frank theo các băng đảng và ra lệnh cho đàn em giết bố. Sophia luôn luôn mơ ước được có tình yêu của bố nhưng bố cô sau khi ra khỏi tù ở Việt Nam trở nên điên rồ; vì không được thỏa nguyện cô bé tìm tình yêu trong bất cứ người đàn ông nào cô thấy phảng phất cái hình ảnh người bố trong trí tưởng tượng của cô. Kết quả dẫn đến tình trạng cô có thai khi mới mười sáu tuổi với một người Mỹ lớn tuổi hơn cô rất nhiều. Trang trở nên người nghiện đánh bạc. Việt và Hương ly dị. Mỗi người có một bất hạnh khác nhau.
Qua tuyển tập truyện ngắn, Angie Châu cho độc giả thấy cảm nghĩ của thế hệ di dân thứ hai về thế hệ di dân thứ nhất như thế nào. Ở đây người đọc sẽ không nhìn thấy quan niệm con cái phải có hiếu với cha mẹ như ở Việt Nam mà sẽ nhìn thấy tuổi trẻ đòi hỏi được cha mẹ hiểu biết và thông cảm. Họ muốn cha mẹ biểu lộ lòng yêu thương như thế nào. Tình yêu của người mẹ, biểu lộ bằng cách cạo gió, thoa dầu, có thể tạo nên một kết quả tai hại vô cùng. Vừa diễu cợt nhẹ nhàng vừa có chút xót xa, Angie Châu viết: “Bà nghe tiếng Elle khóc ở phòng bên kia. Bà ước gì bà có thể ôm con gái vào lòng. Bà ước gì bà có thể an ủi con. Bà yêu các con của mình vô cùng, nhưng bây giờ hiểu ra cái tai hại của cách bày tỏ lòng yêu thương như thế, bà không còn muốn bày tỏ lòng yêu thương nữa.”
So với truyện ngắn The Boat của Nam Lê, cái nhìn về thuyền nhân của Angie Châu ít tính bi kịch hơn. Nam Lê trong truyện ngắn có cái tên rất dài Tình yêu và Danh Dự và… ngoài việc đề cập dến một biến cố lớn trong lịch sử (Mỹ Lai) đã nói về cách nhân vật Nam gia nhập vào xã hội Mỹ, sự phản kháng chống lại sự nghiêm khắc của người bố, sự xung đột giữa thế hệ già trẻ và hai nền văn hóa Đông Tây. Angie Châu cũng đề cập đến những khía cạnh này tuy nhiên cái nhìn về bố mẹ ít hằn học hơn; sự phản kháng, tùy theo tính tình và thái độ của những nhân vật, có khi nhẹ nhàng với mức độ diễu cợt, có khi hung bạo đến độ có thể giết người. Những người cùng thế hệ với Angie Châu đọc tác phẩm của cô có lẽ cũng sẽ hài lòng vì cô đã nói lên được những đòi hỏi của gia đình đặt lên những người thuộc thế hệ di dân thứ hai đã bị xung đột với những khát vọng họ tìm kiếm trong xã hội. Tôi tin là những người trẻ tuổi khi đọc quyển truyện này cũng sẽ hiểu biết hơn về cách suy nghĩ của thế hệ của bố mẹ và ông bà của họ.