Hôm trước được tặng tập thơ trong đó có mấy câu rất giản dị.
Nhớ nhà không cần châm điếu thuốc
Mà cắn vào cánh lá quế thơm
Vị ngây ngây đầu lưỡi – quê hương. (Trần Hoài Thư)
Câu đầu tiên gợi nhớ thơ Hồ Dzếnh. Hai câu sau nói về vị của rau thơm. Ông bà mình đã nói từ ngày xưa, hương gây mùi nhớ. Mùi hương đánh thức ký ức và hương thường đi đôi với vị. Nếu có lúc nào mũi không còn cảm nhận được mùi hương thì vị giác sẽ không còn tinh nhạy, người ăn sẽ không nhận biết được cái ngon của thức ăn.
Nói đến rau quế người Nam nhớ ngay đến canh chua thơm nấu với cá lóc và dĩ nhiên cũng nghĩ đến phở. Thay thế hoặc ăn kèm với quế là lá ngò tây. Rau thơm dùng làm gia vị xuất hiện khá thường xuyên trong văn học dân gian của Việt Nam. Khi nhà thơ Đoàn Phú Tứ (không biết có nhớ đúng hay không) cầu kỳ gán cho thời gian màu xanh xanh, thì một nhà thơ nào đó cho biết, tình yêu có vị cay và mặn.
Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau
Có người thì cho là tình yêu có vị đắng của trái khổ qua. Hôm trước tôi đã viết về bài hát có câu đường vào tình yêu có nhiều trái đắng mang tên khổ qua. Nhưng khi mới vào yêu, người ta cho là tình yêu có vị ngọt ngon như là trái táo chín và tình thì được cho không biếu không.
Rau quế làm cho nhà thơ Trần Hoài Thư nhớ quê xưa. Còn nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong quyển Chuyện Kể Năm 2000 đã kể lại những năm tháng trong tù, buổi chiều sau khi đi lao động về ông lén hái rau thơm gói vào cái khăn lau mặt mang vào trại. Ông bị khám, quản trại bắt được, nhưng không trừng phạt chỉ thắc mắc các người tù không có gì để ăn với rau thơm tại sao lại hái mang về. Nhà văn giải thích qua nhân vật Nguyễn văn Tuấn, rau thơm gợi ông nhớ cuộc sống tự do ở bên ngoài và không khí gia đình. Với ông, rau thơm là hình ảnh của tự do.
Rau thơm dùng làm gia vị trong ca dao nói rõ ràng rau gì ăn với món gì.
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi mẹ hỡi mua tôi đồng riềng
Củ riềng không thể nào thiếu trong mắm thái và trong món rựa mận, tuy nhiên nói thật tôi chưa hề ăn thịt chó bao giờ, kể cả món giả cầy nêm bằng củ riềng. Lá chanh không những chỉ ăn với thịt gà luộc; nếu đem nấu nước gội đầu, mùi thơm làm mái tóc càng đáng yêu quyến rũ hơn. Hôm trước tôi thấy lá chanh bán trong siêu thị, giá 160 đô la một kí lô. Chỉ vài cái lá chanh, người ta đòi người mua phải trả với giá năm đô la để được thưởng thức hương vị quê nhà. Rau răm không những chỉ dùng trong gỏi vịt hay trứng vịt trứng gà lộn mà còn được dùng để ví von với thân phận của người góa phụ.
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Đang viết dang dở nửa chừng bị bế tắc ý tưởng thì cô nhớn nhà tôi đi đâu về mang theo ba loại rau thơm người Mỹ hay dùng: parsley: mùi tây, sage: cây xô thơm, thyme: cây húng tây. Chỉ thiếu một thứ rosemary: lá hương thảo. Bốn thứ rau thơm này đã được nhắc đến trong bài hát dân ca nổi tiếng Scarborough Fair. Phạm Duy viết lời khác đặt tên Giàn Thiên Lý đã xa. Thiên Lý một loại hoa màu xanh lá cây nhạt ngã sang màu vàng, có mùi thơm, cũng được dùng để nấu canh hay xào. Lời hát của Phạm Duy dìu dặt lãng mạn Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa. Đấy cũng mùi hương thiên lý hay vị hoa thiên lý gợi người ta nhớ quê nhà. Nhà văn quá cố Duyên Anh trong truyện ngắn Hoa Thiên Lý đã nói, rất cảm động, về bà mẹ ở miền quê ngoài Bắc dáng gầy dưới dàn hoa thiên lý tìm hái hoa để nấu canh cho con ăn. Lời hát của Phạm Duy đã đi xa bản gốc của bài hát Scarborough Fair chỉ còn duy nhất một câu này này nàng hỡi nhớ may áo cho người là còn phảng phất giống một câu trong bài hát chính. Xin độc giả tha lỗi, tôi không có ý phê bình bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy. Ông chỉ dùng nhạc còn lời hát ông viết đã thành một bài hát khác. Bởi vì dịch lời hát mà vẫn còn giữ nhạc điệu là một chuyện vô cùng khó khăn, nếu cố cho mằng được có thể làm mất đi nhạc tính và thi tính.
Bài hát Scarborough Fair là bài hát đã dùng cả bốn loại rau thơm.
Are you going to Scarborough Fair?
Parsley, sage, rosemary and thyme,
Remember me to one who lives there,
She once was a true love of mine.
Bài hát theo tôi hiểu như thế này Có phải bạn đang trên đường đi chợ phiên nhóm ở Scarborough. Ở đấy chắc chắn là sẽ có những loại rau thơm như mùi tây, xô thơm, hương thảo, và húng tây. Nơi ấy có một người tôi đã từng yêu. Yêu thật.
Scarbourough Fair là một phiên chợ ở Anh thời Trung cổ (1253 dưới thời vua Henry đệ tam), kéo dài 45 ngày. Phiên chợ này nằm ở một vị trí giao thông tiện lợi cho các quốc gia trong vùng như Anh quốc, Đan Mạch, Na uy và các quốc gia lân cận. Phiên chợ này ngày nay không còn nhưng bài hát Scarborough Fair là một trong những di tích nổi tiếng còn lại. Qua nhiều năm, bài hát được thay đổi, biến thành nhiều phiên bản.
Bốn loại rau thơm được lập lại trong mỗi phiên khúc đầy vẻ bí ẩn. Hai người yêu nhau vì kiêu hãnh và thành kiến nên xa nhau.
Nhân vật trong bài hát, một thanh niên, nói với người nghe, nhắn với người tình của anh ta, bảo cô gái thực hiện một số công việc rất khó khăn không thể nào thực hiện được, để được tình yêu của anh. Cô phải may một cái áo không có đường may không có mũi kim, giặt ở một cái giếng khô (không nước). Nếu cô làm được việc này thì anh sẽ yêu cô, hay nói đúng hơn, anh sẽ nhận cô trở lại với tình yêu của anh. Thường thì bài hát này được song ca. Người nữ ca sĩ cũng nêu ra nhiều công việc rất khó khăn và hứa với người tình sẽ dâng cho anh cái áo mà anh đòi hỏi nếu anh thực hiện được những công việc mà nàng đòi hỏi ở anh.
Tương truyền rằng bài hát này nói về một trận dịch khủng khiếp ngày xưa, và bốn loại rau thơm này được người dân thời bấy giờ tin là có thể dùng để đẩy lui bệnh dịch. Ngay cả cái áo Cambric cũng có vẻ là một cái áo tang dùng để tẩn liệm người chết vì thế không có đường may.
Bốn loại rau thơm này, có người cho rằng, có thể là một loại bùa yêu. Ngày xưa có một hiệp sĩ trẻ được một vị phu nhân tên là Scarlett tặng cho một chai bùa yêu trong đó có bốn loại rau thơm. Parsley (mùi tây) tượng trưng cho tình dục, sage (cây xô thơm) tượng trưng cho sự khôn ngoan, rosemary (hương thảo) tượng trưng cho tưởng nhớ và thyme (rau húng tây) tượng trưng cho sự hấp dẫn không thể tự kềm chế được. Trong phiên bản này, đôi tình nhân hẹn gặp nhau ở chợ phiên Scarborough nhưng gặp nhiều trắc trở cuối cùng với tình yêu chân thành họ vượt qua nhiều trở ngại để đến với nhau. Tôi rất yêu giọng hát đôi của Simon và Garfunkel nên mời các bạn nghe.