Huyền thoại về Mistletoe

Vào lễ Giáng sinh, người ta thường thăm viếng nhau. Khi gặp nhau, người Mỹ có phong tục là hễ một người đàn ông và một người đàn bà (hay con gái) tình cờ (hay cố ý) đứng bên dưới một chùm mistletoe thì người đàn ông phải hôn người đàn bà. Và dĩ nhiên người đàn bà phải để cho người đàn ông hôn.

Mistletoe là một loại chùm gửi, thường mọc trên cây sồi, cây ash hay cây elm.  Mistletoe được dùng để trang hoàng lúc Giáng Sinh. Người ta treo mistletoe trên cửa ra vào, hay trên đà ngang của khung cửa của các phòng đặc biệt là phòng khách và nhà bếp. Khách thân thường ra vào bếp và cứ hai người gặp nhau ở ngưỡng cửa là dừng lại tặng nhau một cái hôn.

Tục lệ trang trí bằng mistletoe bắt đầu vào khoảng thế kỷ mười tám. Có một số người cho rằng trái của nó có thể chữa được chất độc tuy nhiên trái của nó thường có chất độc có thể gây đau bụng, dữ dội, ói mửa, và đi tiêu chảy.  Loại dây leo này có nguồn gốc Anglo Saxon từ thế kỷ thứ hai. Trong tiếng Anh cổ misteldung (tiếng Anh hiện nay) nghĩa tiếng Việt là phân. Chữ tan (tiếng Anh cổ) có nghĩa là twig (cành). Misteltan (chữ Anh cổ) là mistletoe tiếng Anh hiện đang dùng. Misteltan có nghĩa là một loại cây mọc lên từ phân của con chim đậu trên cây phóng uế xuống đất. Tuy có vẻ ô uế phàm tục nhưng người ta tin rằng đó là dấu hiệu phép mầu của Chúa nhờ đó mà một đời sống mới đã mọc lên từ những chất uế thải vô dụng. Ngay cả trước khi Thiên Chúa giáng sinh, người Hy Lạp và Celts đã tin rằng loại dây leo này đáng được tín ngưỡng vì chỉ có bàn tay của Chúa mới có thể mang đến một loại cây xanh tốt giữa mùa đông khi cây cối đều chết cóng. Vì lý do này nhiều tôn giáo đã xem mistletoe như một loại cây leo tượng trưng cho cuộc sống, niềm hy vọng và sự an bình.

Mistletoe có chất độc có thể giết người nếu ăn phải, và đủ độc để người ta dùng để trị các bệnh như động kinh và lao phổi. Gần đây người ta cũng dùng để trị bệnh ung thư và có kết quả tốt trên loài chuột, nhưng chưa được dùng trị liệu cho loài người. Theo huyền thoại của Scandinavia (Na Uy), vị thần Baldr đã bị giết bằng chất độc trong mistletoe.

Tương truyền Baldr là một vị thần rất trẻ và xinh đẹp; tóc, lông, kể cả chân mày đều màu trắng, người chàng tỏa ra ánh sáng.  (Tôi cứ tưởng tượng đến tài tử Orlando Bloom trong vai Legolas trong phim Lord of the Rings). Chàng thông minh, duyên dáng, và ăn nói bặt thiệp đứng vào hạng nhất trong thời ấy; tuy nhiên người ta không biết nhiều về Baldr ngoại trừ cái chết của chàng đã đưa đến sự diệt vong của các vị thần khác ở Ragnarok rồi sau đó chàng tái sinh vào một thế giới mới.  Baldr nằm mơ thấy cái chết của chàng và mẹ chàng cũng có một giấc mơ tương tự.  Thấy Baldr lo sợ, bà Frigg, mẹ của Baldr, bắt tất cả vạn vật phải hứa với bà là sẽ không làm hại Baldr.  Tất cả vạn vật đều hứa, chỉ còn lại mistletoe, vì bà Frigg đã cho rằng loài chùm gửi này quá trẻ thơ, nhỏ bé, không quan trọng, chẳng có khả năng hãm hại ai nên bà không buồn hỏi xin nó.

Loki, vị thần chuyên môn gây rối loạn, nghe thế ông ta bèn dùng loại cây này chuốt thành một mũi lao (có truyền thuyết khác bảo là cây gươm).  Loki đưa cây lao cho Hoor, em của Baldr, và vị thần này vô tình giết chết anh mình. 

Vào cuối thế kỷ 12, một sử gia người Đan mạch tên là Saxo Grammaticus viết lại truyền thuyết này làm sử liệu.  Balderus (trước gọi là Baldr) và Hotherus cùng theo đuổi tranh giành Nanna con gái của Gewar, vua của Na Uy.  Balderus có nửa giòng máu của thần, và thân hình cứng rắn sắt thép đâm không thủng.  Hai người chiến đấu dữ dội nhưng Balderus bị thua nên bỏ chạy.  Nana thuộc về Hotherus.  Chưa chịu bỏ cuộc hẳn Balderus lại tấn công Hotherus  nhưng lần này càng thua nặng hơn.  Hotherus giết chàng bằng một thanh gươm thần có tên là Mistletoe. 

Một truyền thuyết của La Mã đã tin rằng mistletoe là nguồn gốc của sự may mắn vì nó có vị thuốc đã được dùng để chữa bệnh cho dân ở vùng thôn dã. Các giáo dân Công giáo cũng có một truyền thuyết là mistletoe trước đây là loại cây thân mộc cứng được dùng làm cây thánh giá, sau khi Chúa bị đóng đinh lên cây thánh giá, loại cây này đã bị héo và ngắn lại rồi biến thành loại tầm gửi.

Phong tục nam nữ hôn nhau dưới mistletoe bắt nguồn từ một phong tục của cổ xưa Scandinavia.  Mãi từ thời cổ xưa mistletoe tượng trưng cho hòa bình.  Nếu đối phương của hai bên tình cờ gặp nhau trong rừng dưới bụi mistletoe, họ hạ bỏ vũ khí và giữ hiệp ước hòa bình cho đến hôm sau.  Làm thế nào mà phong tục giữ hòa bình tạm thời giữa hai người chiến sĩ (ngầm hiều cùng là phái nam) trở thành nụ hôn của hai người khác phái thì tôi chịu không thể giải thích.