Đọc Quyển Thơ Tinh Âm của Nguyễn Lương Vỵ

Hôm trước trên blog, tôi có làm một cú bói thơ. Tôi mở quyển thơ Tinh Âm của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, gặp một bài thơ không mấy hợp “khẩu vị” tôi có nói đùa mấy câu. Lợi dụng cái vô danh của mình, tôi nói đùa vô trách nhiệm giống như nói lén người ta. Tự biết như thế là không tốt nên tôi hôm nay tôi xin sửa sai bằng bài viết này. Để cảm tạ nhà thơ đã tặng tôi hai quyển thơ Tinh Âm và Huyết Âm, tôi đã đọc quyển thơ Tinh Âm của ông một cách rất nghiêm túc. Bài viết này là cảm nhận của tôi khi đọc thơ. Vì không quen ông và để tránh ngộ nhận tôi xin có vài lời phân trần. Hy vọng tác giả và bạn đọc thứ tội cho.

Viết là vạch trần tư tưởng mình, cho dù mình nói về người khác thì đó cũng chỉ là soi bóng tư tưởng của mình. Chê hay khen văn thơ của người ta đều bộc lộ sự hiểu biết hay kém hiểu biết của chính mình. Tôi biết mình không có tâm hồn thơ. Tôi có đọc một ít thơ, có thể nói ít hơn những người yêu thơ thật sự, đến bây giờ sở thích về thơ của tôi vẫn chịu ảnh hưởng của thơ cũ của miền Nam trước năm 75, ca dao, lục bát, thơ tiền chiến. Kiến thức về thơ của tôi rất là nhỏ bé. Ngay cả chuyện đọc thơ của tôi cũng chỉ là hành động bắt chước bạn bè.Tôi chưa bao giờ nghiêm túc làm một bài thơ và nếu tôi có làm thơ có lẽ cũng chẳng báo nào đăng.

Ở trên blog và khi comment tôi có “làm” vài ba câu rất ngây ngô, cái kiểu thơ con cóc trong hang con cóc bò ra. Tuy ít hiểu biết về thơ tôi vẫn biết những người yêu thơ, luôn cố gắng làm mới thơ, làm mới tư tưởng của chính nhà thơ. Những cố gắng làm mới thơ này có khi không được người đọc niềm nở đón nhận. Điều này cũng dễ hiểu. Khó mà thuyết phục một người rời bỏ ngôi nhà họ sống mấy mươi năm để sang một ngôi nhà mới còn đang xây dang dở. Tôi cũng không đủ trình độ để phân tích cái mới nào là hay và tốt.

Nói dài dòng như thế để bạn đọc hiểu là tôi tự biết không có tư cách gì để bàn về thơ, lại càng không dám phê bình thơ. Tôi đọc thơ của Nguyễn Lương Vỵ với cái thật thà của người đọc, một cách tự học về thơ. Những bài thơ tôi thích thường là thơ cũ, hình ảnh đẹp, có vần, có nhạc điệu, và dễ hiểu.

Cách tôi đọc thơ cũng tương tự như cách tôi xem tranh. Những bức tranh tôi thấy đẹp thường là vì hợp mắt, và tôi hiểu được. Những bức tranh trừu tượng, lập thể, qua nhãn quan của người không chuyên, ít hiểu biết về hội họa, có thể bị chê là xấu xí. Lời chê này có thể biểu lộ cái taste, hay sự khiếm khuyết của người thưởng ngoạn.

Ở vị trí người đọc, đọc và suy nghĩ nghiêm túc là cách tôi bày tỏ sự trân trọng của tôi với tác giả và tác phẩm. Tôi không thể một sớm một chiều thay đổi quan niệm thẫm mỹ về văn học mà tôi đã được làm quen trong mấy chục năm. Nhưng tôi xin cố gắng nhìn những điểu mới mẻ một cách thành thật và cởi mở.

Quyển thơ có hai phần. Phần đầu là những bài thơ có chủ đề Tinh Âm. Phần thứ hai là phụ bản gồm những câu ngũ ngôn tứ tuyệt.  Tôi thích phần phụ bản hơn phần chính vì phần này hợp với quan niệm về thơ của tôi.  Đó là những câu thơ tôi có thể phần nào hiểu được, hình ảnh quen thuộc và đẹp. Sự gò bó của vần điệu, theo tôi, là cái hay của thơ.

Bài Cuối Thu với hơi hướm của thơ Đường.

Lay lắt gió mười phương
Vườn xưa đau dấu nguyệt
Những linh hồn trúc biếc
Đã bay về kêu sương… 

Bài Con Đường gói ghém tính chất của thời gian và cũng cho thấy nỗi ám ảnh của tác giả về cái chết. Cái ám ảnh này thể hiện rất rõ nét ở phần thứ nhất của tập Tinh Âm.

Ghiền sống và ghiền chết
Ghiền vu vơ suốt đời
Một con đường không hết
Làm sao còn chút hơi

Trong bài thơ tác giả viết tặng nhà thơ Phạm Phú Hải, (bài này ở phần chính của quyển thơ) hơi thơ khác hẳn những bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của phần phụ bản. Dường như ông thử dùng một cách biểu lộ khác để diễn tả tâm tình. Tôi thích bài thơ này, nó vẫn còn chất lãng mạn của thơ cũ nhưng cách dùng chữ mới hơn, lạ hơn, và khó hiểu hơn. Cái khó hiểu này gợi sự chú ý của tôi bắt tôi phải suy nghĩ nhiều hơn cảm nhận. Ông viết: “Đường trở về bi thiết chiếc khăn mây. Cây vũ trụ nhạc rụng đầy cúc áo.” Đường trở về bi thiết thì hiểu được, chiếc khăn mây thì tưởng tượng được, một hình ảnh đẹp mắt, êm ả. Đem ghép lại với nhau câu thơ bỗng trở nên khó hiểu. Cái khăn mây thì có dính dáng gì đến đường trở về bi thiết? Tôi nên ngắt câu ở đâu, đường trở về bi thiết, hay bi thiết chiếc khăn mây? Chiếc khăn mây là khăn lụa mềm như mây, dùng để lau nước mắt? Người đọc, tùy cách diễn dịch, muốn hiểu sao cũng được. Đem câu thơ chiếc khăn mây so với câu thơ của Trịnh Công Sơn lòng như khăn mới thêu thì mức độ khó hiểu hay gợi trí tưởng tượng của tôi, chẳng khác gì nhau. Hình ảnh cái khăn bao giờ cũng làm tôi liên tưởng đến sự chia tay, trao nhau khăn lụa nhớ ngày sầu đưa ấy mà. Cây vũ trụ là gì? Nhạc rụng từ cây vũ trụ? Cúc áo là hoa? Hay hoa nhỏ như cúc áo? Và cúc áo này có liên qua gì với mông vú nổi như mồ của câu thứ tư trong đoạn thơ thứ nhất? Ông nhắc đến một kỷ niệm cũ với người bạn? Câu thơ tuy khó hiểu nhưng tượng hình như một bức tranh khỏa thân. Tùy theo cách nhìn và chỗ đứng, trong một bức tranh thì núi đồi rất có thể chẳng khác gì nấm mồ. Trong đoạn thứ nhì tác giả đã cho thấy rõ hơn nỗi ám ảnh của ông về những chia lìa của cái chết. Thơ của ông dù cách xếp chữ trong câu thơ khá lạ nhưng vẫn mang hình ảnh cũ trong thơ, giọt mực, giọt trăng, lệ, ly bôi. Nguyễn Lương Vỵ dùng thơ để vẽ những bức tranh siêu thực: người đọc có thể ngầm hiểu có một nhân vật tôi không được tác giả nhắc đến trên câu thơ, hay muốn hiểu là sự nhân cách hóa trong những câu thơ của ông cũng được: con đường, được nhân cách hóa, trở về và nhớ mùi hương, nắng trườn theo tiếng gió núi, ngày đứng xòe tay, đêm qua ngõ, những giọt nhạc khát tình. Ông cũng có những câu thơ đầy màu sắc và âm thanh nhưng tôi (vì dốt quá nên) không hiểu nghĩa như câu Gõ âm vàng xanh tím lục hòa thanh, dù thế, tôi vẫn cảm được vẻ đẹp của âm thanh hòa trong màu sắc.

Một người đọc thơ trung bình như tôi có thể bị choáng ở phần đầu của quyển thơ Tinh Âm vì khó hiểu. Ông có những câu thơ đầy ám ảnh của cô liêu, cái chết, xương, máu, mộ phần.

Là cô liêu chói chang
Tinh âm buốt hết nàng
 (trang 35, bài Ngũ Ngôn Mồ Hư Không)

Là cô liêu chói rực
Tinh âm buốt đáy vực
 (trang 36, bài Ngũ Ngôn Mồ Hư Không)

Là cô liêu trắng xương
Tinh âm  rung cồi máu
 (trang 36, bài Ngũ Ngôn Mồ Hư Không)

Chữ âm trong thơ ông thường thì mang nghĩa âm thanh như:

Mà khắp nơi tinh âm sao sa
Mà tội nghiệp ta bà thế giới
 (trang 7)

Mà khắp nơi tinh âm đang reo
Mà réo rắt đời sau đang mọc 
(trang 8)
tôi tự hỏi tinh âm đây là âm thanh của tinh tú hay là tinh túy của âm thanh?

Nghẹn ngào âm vọng quốc âm
Nghe buốt vai tiếng cổ câm

(trang 38, Lục Huyền Âm: Vọng Quốc Âm, có phải chữ âm trước là tiếng vang trong khi chữ âm sau là ngôn ngữ?)

Có khi chữ âm làm tôi liên tưởng đến âm hộ, nhưng không biết chắc là tác giả có ý ấy hay không, như câu: mà khắp nơi tinh âm đang chảy (trang 7). Chữ âm đôi khi làm tôi liên tưởng đến cõi âm hồn.

Ta tử hình ta trong tuyết đỏ
Một nhúm tinh âm ấm mộ phần
 (trang 74)

Ghiền âm cựa khẽ trong đáy mộ
Ghiền ngó trời sâu hút lỗ đen

Tuy không hiểu hết nghĩa, nhưng tôi thấy được quá trình sáng tạo nghiêm túc, đẽo gọt chữ nghĩa của những câu thơ này.

Mối sầu cong như võng
Nỗi nhớ đọng như chiều
thổ mộ oằn lưng ngựa
Núi thất sắc cô liêu
 (trang 29, Ngũ Linh Âm: Hóa Thân)

Nhiều khi thơ của ông là những đùa bỡn nghịch ngợm bằng chữ

Em đã cho ta muôn tưởng tượng
Thơ mần ngưỡng vọng cọng ngò… gai!!! 

hay:

Giật thót bậu ơi! Thơ vắng xa
Thơ? Tờ lơ! Tớ lỡ lầm?! A!!!
À Á Ả ?! Ma Ma Phật Phật
Thời của lụi tàn Phật khóc Ma !!!

Và có khi thơ của ông cũng dở (xá xá, xin ông tha cho tội nói hỗn), giống như một bài vè vui tai.

Tụng với nắng điếc
Đất nứt giọng hò
Thôn ổ lùi tro
Trâu ho bò ợ

(Trang 26, bài thơ Thi Tụng III)

Ông làm tôi điên tiết vì ông có thói quen dùng dấu hỏi đi kèm với dấu chấm than, và khi ông muốn than thở điều gì ông chấm than luôn ba cái.

Thế, mạo muội mấy lời, đăng trên blog đọc cho vui chứ tôi không dám hỗn và xin ông đừng giận. Tôi đã bỏ suốt hai ba ngày đọc và ghi chú. Đọc thơ ông là một cách tôi tự học phân tích cái hay, lạ và đẹp của thơ thời hiện đại.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s