Tôi có thói quen xem phim trước đọc sách sau. Thì giờ ít ỏi, tôi không muốn đầu tư thời gian vào một quyển sách mà tôi không biết là tôi có thích hay không. Người ta chỉ chọn quyển sách hay, để làm phim. Tôi nghĩ thế. Người xem chỉ mất chừng hai giờ đồng hồ để biết nội dung một quyển sách mà nếu đọc có thể mất cả tuần. Tôi dùng phim để loại những quyển sách có thể không hợp với tạng của mình. Tôi tưởng như thế là khôn, là sành điệu lắm rồi. Thật ra tôi sai nhiều lắm. Người ta thường nói đừng bao giờ xét đoán một quyển sách bằng cái bìa của nó. Nay tôi đề nghị thêm một điều đừng bao giờ xét đoán một quyển sách bằng cuốn phim dựa vào quyển sách.
Ngôn ngữ của phim khác với ngôn ngữ của sách. Phim là cách cảm nhận và biểu lộ quan điểm của người làm phim về quyển sách và có thể người đọc, không đồng ý với cách nhìn của người làm phim. Cũng vì thành kiến mà tôi đã vài lần suýt hụt mất không đọc được những tác phẩm hay. Tôi đã từng nghe đến quyển The Unbearable Lightness of Being của Milan Kundera.
Bản tính của tôi thường hay cưỡng lại ảnh hưởng của đám đông, vì thế khi báo chí ồ ạt khen ngợi về một tác phẩm hay một cuốn phim nào tôi thường ngại ngùng lảng tránh. Tôi nghe rất nhiều người khen ngợi phim Titanic, có nhiều cô cậu bảo rằng xem phim này bốn năm lần mà mãi đến bây giờ tôi vẫn ngại ngần chưa xem. Một phần tôi sợ bị thất vọng vì đặt kỳ vọng vào những lời khen ngợi của người khác. Có lần tôi vào thư viện thấy cuồn phim The Unbearable Lightness of Being ở trên kệ ngay trước mắt. Tôi thích cái tựa đề của quyển sách. Nó có cái gì đó rất xung đột giữa cái nhẹ và cái nặng nề đến độ không thể chịu đựng được, có vẻ rất Thiền. Thường thì người ta không chịu được sức nặng đè lên họ, không chịu được cái nhẹ thì nghĩa là gì? Tôi tò mò mượn đĩa phim về xem. Không đầy năm phút tôi không chịu được cái cảnh anh chị yêu đương rầm rộ, như một thứ phim khiêu dâm rẻ tiền. Nhân vật chính, tôi đọc trên hộp chứa đĩa phim, là bác sĩ. Trong phim trông anh giống một anh đĩ đực đẹp trai. Tôi chán quyển phim nên không đọc quyển sách. Tôi không nhớ vì một tình cờ nào đó tôi đọc được vài trang của quyển sách này trên mạng. Tôi bị quyển sách cuốn hút nên đọc hết quyển này. Đáng lẽ nên dè dặt hơn với cái thành kiến của chính mình tôi vẫn cái kiểu ngựa quen đường cũ.
Có người nhắc đến cuốn phim Người Tình dựa trên quyển sách của Marguerite Duras được chiếu ở VN và đoán rằng có lẽ phim bị cắt mất một số hình ảnh táo bạo. Tò mò, muốn biết cái táo bạo của phim tôi vào thư viện mượn phim này. Tôi có cảm tưởng mình đang xem phim porn mặc dù với hình ảnh có vẻ nghệ thuật hơn. Và lại thêm một lần nữa vì không thích cuốn phim tôi đã không đọc quyển sách.
Tôi thường vất vả đi tìm một cái mũ cho vừa cái đầu nhỏ bé của tôi và nảy ra ý định viết một bài về cái mũ. Chợt nhớ đến cái mũ đàn ông cô bé Marguerite đã đội trong phim Người Tình. Cái mũ đã tạo ấn tượng đặc biệt làm anh chàng công tử con nhà giàu người Hoa Bắc phải chú ý đến cô bé. Tôi tìm đọc quyển sách để xem tác giả nói gì về cái mũ. Ngạc nhiên, lại thêm một lần nữa tôi đã suýt bỏ qua một quyển sách hay vì thành kiến của mình. Tác giả viết quyển này khi bà đã bảy mươi. Nếu khi tôi bảy mươi tuổi mà tôi viết được một quyển truyện như thế tôi sẽ rất sung sướng mà chết.
Người ta thường hay nói rằng, nếu đọc truyện trước khi xem phim khán giả thường thích truyện hơn phim. Vì khi đọc truyện người đọc đã tự tạo ra trong tư tưởng mình một khúc phim riêng. Họ sẽ không thích nếu cuốn phim này khác với cuốn phim trong đầu của họ. Trong trường hợp của tôi, tôi xem The Unbearable Lightness of Being (Đời Nhẹ Khôn Kham) và The Lover (Người Tình) trước khi tôi đọc sách và vì không thích phim tôi đã suýt bỏ lỡ hai quyển sách hay. Dĩ nhiên là tôi đã có sẵn thành kiến, có thể nói là khá nặng nề, về phim sexy. Sau khi xem phim và trước khi đọc quyển Người Tình tôi đã có thành kiến (sai lầm) như sau: Một người phụ nữ Pháp viết về một quốc gia nhược tiểu. Mảnh đất này là nơi thích hợp làm bối cảnh cho một chuyện tình thơ mộng nhưng ngang trái giữa người bản xứ và người thuộc giai cấp đô hộ. Các cô gái bản xứ thường là những cô gái điếm vì nghich cảnh, những người thuộc giai cấp đô hộ là những người ra tay cứu vớt cánh hoa rơi trong vũng bùn, và những cuộc ăn chơi bất tận cùng với những màn làm tình nẩy lửa. Người đọc, đọc những quyển sách như thế này để chạy trốn cuộc sống bình thản đến nhàm chán của họ và để xem những người đồng bào thực dân của họ đã có cuộc sống hấp dẫn đầy phiêu lưu như thế nào. Vâng, tôi có quan niệm này sau khi tôi xem phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American) và vì thế mà tôi đã không đọc quyển sách vì tôi không chịu được cái ý nghĩ một anh Mỹ ví von Việt Nam như một cô gái vì nghèo mà bán thân. Nhận ra tôi đã hai lần sai lầm với quyển Đời Nhẹ Khôn Kham và Người Tình, rất có thể tôi lại sai lầm khi gạt quyển Người Mỹ Trầm Lặng ra ngoài danh sách những quyển sách nói về VN mà tôi nghĩ là tôi nên đọc.
John le Carré nói rằng: “Nhìn thấy quyển truyện của bạn biến thành cuốn phim chẳng khác gì nhìn thấy con bò bạn nuôi bị biến thành nước lèo rồi cô đọng lại thành những viên bột nêm.” Câu nói này cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi đã đọc nhiều quyển sách trước khi xem phim. Đôi khi tôi thích quyển sách hơn phim như trường hợp Anna Karenina, Nước Hoa: Chuyện của một kẻ sát nhân, à quên, Người Tình và Đời Nhẹ Khôn Kham nữa chứ! Đôi khi tôi thích phim hơn quyển sách như trường hợp E.T., The Sound of Music. Đôi khi tôi thích cả sách lẫn phim, vì mức độ sáng tạo rất khác biệt của hai thể loại thí dụ như Lord of the Rings hay Gone With The Wind. Ngẫm nghĩ lại cái kiểu dùng phim để chọn sách đọc không phải là sai lầm. Nhờ cách này mà tôi được đọc ba quyển sách tôi rất thích đó là The English Patient, The Reader và Perfume: Story of a Murderer. Và từ những quyển sách này tôi đã đọc thêm vài quyển sách về biên khảo về nước hoa, về nạn diệt chủng Do Thái, và rất nhiều chi tiết trong tự điển bách khoa Wikipedia.
Điều tôi muốn nói là tôi cần phải luôn luôn để ý đến cái thành kiến của tôi khi chọn xem phim hay đọc sách.
A cũng từng đã đã thã hồn thêu dệt theo lời văn, tạo ra trong tư tưởng mình một khúc phim riêng khi đọc cuốn những con chim ẩn mình chờ chết, nhưng khi xem phim thì cảm thấy hụt vì phim không giống như mình tưởng tượng
LikeLiked by 1 person
Đúng là như vậy. Tuy nhiên, mình thấy phim và truyện có cái hay khác nhau.
LikeLike