Chồng Việt, chồng Mỹ

Hôm trước có người hỏi tôi có đọc bài của ông Nguyễn Hưng Quốc trên báo VOA không, bài nói về đàn ông Việt. Hôm ấy ông Quốc nói đến bài của ông Trương Duy Nhất và tôi thấy ý kiến của ông Quốc không có gì quá khích, đọc cũng vui vui. Ông Quốc có nói là để cho các nhà văn nữ có ý kiến về đàn ông Việt. Có ý kiến thì ai cũng có thể có ý kiến, không cứ gì phải là nhà văn. Tôi thì chắc chắn không phải là nhà văn rồi. Tôi nói về đàn ông Việt hay đàn ông Mỹ thì chỉ nói cái kiểu người mù sờ chân voi. Đàn ông Việt ở Mỹ tôi quen biết thì toàn là người trong gia đình, chồng, anh chồng, em chồng, anh rể, em rể. Tất cả đều là gia đình bên chồng.

Tôi là con út, người thân tôi đều đã qua đời. Tất cả những người chung quanh tôi càng biết ít hơn. Gia đình chồng tuy đến Mỹ sau tôi đều quen biết người Việt nhiều hơn tôi. Tôi sống khép kín lắm, rất ngại tiếp xúc. Những gì tôi biết ở người chung quanh đểu là những mảnh vụn nhỏ nhặt, lờ mờ, phiến diện. Và vì thế xin giới hạn chỉ nói những gì tai nghe mắt thấy.

Anh rể và em rể (chồng của chị chồng và em chồng) là hai người đàn ông siêng năng rất thương vợ con. Anh rể là lính VNCH đi cải tạo mười mấy năm. Em rể là người ngoài Bắc vào Nam, đi bộ đội, mẹ của chú (em) là cán bộ tập kết, chú đi lao động bên Đức và theo gia đình vợ sang Mỹ. Hai người khác chiến tuyến nhưng trở nên người trong một nhà. Cả hai người đều quý (và sợ) vợ   , tại vì phải công nhận chị chồng tôi và em chồng tôi là hai người đàn bà rất đáng sợ (nói giỡn nghe) ở chỗ rất đảm đang, quán xuyến, khôn ngoan, hết lòng chăm lo cho gia đình. Hai ông này đều biết nấu ăn và nhất là chú em, nấu ăn ngon hết xẩy (vì đã có thời đi làm nhà hàng Tàu ở Đức). Làm công việc nhà răm rắp, nấu cơm rửa chén giặt quần áo đi chợ, đi làm về đưa tiền cho vợ giữ hết. Anh chồng tôi và em chồng tôi thì không siêng bằng. Ông nhà tôi (thường được mọi người tôn sùng cho đứng hàng ngoại lệ) nếu cần thì cũng làm được, nhưng ông nấu thì chỉ có ông ăn được cả nhà ai cũng chê, ngoại trừ món cải chua ông làm ngon lắm. Ông chăm hai đứa con tốt hơn là tôi chăm. Ngày hai cô còn bé ông là người cho con ăn, cho con bú bình, chở đi nhà trẻ. Còn bây giờ thì ông lo chuyện giấy tờ học hành.

Đàn ông ở VN thì tôi  không biết. Tôi về VN lần cuối là 2005 chỉ gặp người cháu rể một lần. Thấy cháu rể tôi nhàn nhã hơn. Chuyện nhà thì vợ quán xuyến và nhà có một người giúp việc đối đãi như người thân trong nhà. Còn ở ngoài đường thì thấy các ông ngồi quán cà phê sáng trưa chiều tối. Người ngoại quốc thường hay nói về đàn ông VN là những người được cưng chìu hầu hạ chẳng phải làm gì. Có lẽ đó là thành kiến nhưng tôi cũng lờ mờ có cảm tưởng như thế.

Nói như thế không có nghĩa là không có người hư hỏng. Tôi biết có hai vợ chồng Việt, vợ làm thợ may sửa quần áo, chồng làm thợ máy, người chồng đánh vợ đến độ lôi nhau ra tòa, báo đăng um sùm. Một cô bạn trẻ, cả hai vợ chồng đều là người Việt, làm chủ tiệm móng tay, giàu có nhưng chồng đánh bạc thua mỗi lần mấy chục ngàn. Có người Việt lấy vợ Mỹ, đánh vợ, con chung của hai người kêu cảnh sát bắt bố vào tù.

Có vài người đàn ông Mỹ tôi làm việc chung với họ hơn hai mươi năm nhưng không thể nói là “biết” họ. Như đã nói, tôi khá khép kín. Đời sống ở đây rất kín đáo, đèn nhà ai nấy sáng. Một vài người thân của tôi ngỏ ý muốn lập gia đình với người ngoại quốc và hỏi tôi đời sống bên này. Người Mỹ thế nào. Chuyện này thì mông lung thiên địa, người thế này người thế khác. Có một vài điểm quan trọng, các bà các cô muốn lập gia đình với người Mỹ nên cẩn thận tìm hiểu; tìm hiểu bằng cách nào thì tôi chịu thua, không biết. Tôi nghĩ, thực tế nhất và quan trọng nhất là chuyện tiền, dĩ nhiên là phải sau khi đã yêu.

Hai người làm việc chung với tôi có cho biết chuyện tiền bạc họ thu xếp trong gia đình họ. Một người là ông xếp cũ của tôi. Vợ ông làm y tá. Tiền của ai nấy giữ. Còn ông kia thì giữ hết tiền. Vợ ông là người nội trợ, ông đưa credit card cho vợ cho phép tiêu xài. Cuối tuần ông đi chợ, bà vợ ông ít khi đi đâu hay giao thiệp. Có khi ông than phiền là bà cho ông ăn hamburger hay hot dog (là những món ăn giản dị không cần phải chăm sóc bỏ công nấu) hay bỏ bát đĩa dơ qua đêm. Điều đó có nghĩa là bà nấu ăn và rửa chén.

Nếu phụ nữ người Việt có quan niệm mình là người giữ tiền thì có lẽ sẽ không vui bởi vì không phải người Mỹ nào cũng đồng ý việc này. Ông sếp của tôi hiện nay có lần bảo rằng ở trong gia đình ông, ông là người nấu nướng và làm bánh. Ông sếp này là Kỹ sư trưởng của một ban kỹ sư công chánh cầu đường, dưới tay ông ngót ngét trăm nhân viên, lương của ông có lẽ phải 150 ngàn mỹ kim. Một người bạn Mỹ của ông nhà tôi, là luật sư về bằng phát minh sáng kiến, sang VN cưới vợ. Cô vợ nhỏ nhắn có lẽ bằng phân nửa sức nặng của ông chồng. Cô biết nói tiếng Anh và thấy hai người rất hạnh phúc. Đến nhà tôi ăn tối thỉnh thoảng tôi thấy cô nắm tay chồng. Một cô bạn người Trung quốc của tôi lấy chồng Mỹ. Anh chồng mảnh khảnh hơn cả người Trung quốc chuyện tài chánh bạn tôi nắm hết, cô nấu ăn còn anh thì rửa bát. Hai người không có con với nhau nhưng cô bạn tôi có con riêng. Người yêu trước cũng là người Mỹ. Nhìn chung thì họ cũng vui vẻ hạnh phúc. Những bất đồng trong gia đình dĩ nhiên là phải có. Tiền bạc là một nguyên nhân. Cá tính khác biệt nhau cũng là một nguyên nhân rất quan trọng. Còn nếu bất đồng vì sự khác biệt về văn hóa và liên hệ với gia đình hai bên cũng không kém phần quan trọng có khi còn quan trọng hơn. Chuyện sứt mẻ hôn nhân vì chuyện in-law cũng thường xảy ra. Phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc cần nhất là phải biết tự bảo vệ mình về nhiều phương diện. Ông bà mình đã từng nói:

Mẹ thương con mẹ còn thơ.
Lấy chồng xứ lạ bơ vơ một mình.

Xứ lạ của ông bà mình là lấy chồng ở làng khác, tỉnh khác, vẫn còn nói chung một ngôn ngữ mà đã thấy khó khăn. Lấy chồng về một cái xứ nào mà mình không nói được tiếng xứ ấy, không độc lập về tài chánh, không có hậu thuẫn của gia đình, người thân, thì càng khó khăn hơn gấp bội lần.

Leave a comment