Bánh Mì

Thức ăn Việt Nam nổi tiếng trên thế giới đã lâu đời. Từ người Pháp, người Mỹ, và cả nhiều quốc gia trên thế giới nếu thử qua đều bị phở, chả giò, gỏi cuốn chinh phục. Hồi còn đi học, chị bạn tôi có lần ca tụng chả giò của tiệm Tàu; cái thứ chả giò úng dầu ngán ngậy, bên trong có lèo tèo mấy con tôm bóc vỏ làm sẵn của siêu thị và bắp cải thái nhuyễn. Bạn tôi có tổ chức một bữa tiệc, tôi muốn khoe thức ăn Việt Nam nên cuốn chả giò, chiên tại nhà bạn, đem ra ba đĩa to đầy vun; thế mà nhoáng một cái là sạch béng. Ban đầu họ cầm cuốn chả giò lên, ngại ngùng. Cắn một miếng, nóng quá, xuýt xoa, tợp miếng nữa, rồi tiếp tục. Một cuốn chả giò lớn của người VN mình, cắn làm ba miếng là hết. Cuốn nhỏ, cắn làm hai.  Cuốn chả giò của người Tàu to còn hơn cổ tay tôi, nhìn đã bắt ớn. Một cậu bé chừng bảy tám tuồi ăn một hơi hai ba cuốn chả giò rồi nhìn người mẹ và hỏi, tại sao mẹ không làm món ăn như thế này.

Rich, một người bạn học, dẫn vợ đi lang thang trong phố Tàu New York, thấy nhà hàng VN, vì biết tôi là người VN nên dẫn vợ vào ăn thử. Thích gỏi cuốn, nhưng với món bánh cuốn anh bảo rằng nước mắm ăn ngon nhưng cái mùi của nó “funny.” Tuy funny có nghĩa là tức cười, nhưng trong trường hợp này anh bảo nó kỳ kỳ.

Ông boss cũ của tôi có lần tôi đãi tiệc cho ông ăn phở và lần khác cho ông ăn bún riêu, ông thích phở nhưng không mặn mà cho lắm với món bún riêu. Khi ăn, dù tôi đã cẩn thận mang thìa và nĩa cho ông, ông vẫn đòi dùng đũa. Và khi ăn hết bánh phở ông nhất định bưng tô nước lèo lên húp chứ không dùng thìa. Không biết ông lấy từ đâu cái ý nghĩ là ăn phở hay bún có nước đúng kiểu Việt Nam là phải bưng tô lên để húp chứ không dùng thìa. Đúng là vớ vẩn. Nhưng cái ông boss này cứ nghĩ ông là người đầy văn hóa, hiểu biết, ông ương ngạnh và có tunnel vision, cái gì ông cũng nghĩ là ông giỏi hơn, hiểu biết hơn, nên ông chẳng bao giờ biết ngoài cái giới hạn thiển cận sai lầm của ông, nên tôi cứ để ông bưng tô mà uống. À còn quên nói là ông này đặc biệt rất thích nước mắm pha ngọt, ông cứ bưng chén nước mắm lên sì sụp húp.

Con tôi, vẫn thường nổi dóa khi mấy đứa bạn của tụi nó hỏi “mày Việt Nam hả, mày có biết phở không?” Mỗi lần rủ nhau đi ăn cơm hàng cháo chợ chúng lôi con tôi theo để được “tám” về phở. Con tôi thỉnh thoảng dẫn bạn về cho ăn phở mẹ tao nấu. Tôi nấu phở cũng thanh đạm giản dị như phở nhà nghèo, thường là bò tái, thỉnh thoảng có sách, hay bò viên. Vớt bớt nước béo, gia vị thường chỉ có gừng nướng, hành nướng và hồi. Hành ngò rau quế ngò tây tương đen ớt đỏ. Nhưng trẻ con ở Mỹ mà, làm sau đủ tinh tế để khám phá sự vắng mặt của những gia vị làm món ăn trở nên đặc biệt, những gia vị mà chúng không hề biết có mặt ở trên đời. Tôi cũng không thiết tha lắm với những gia vị “exotic” này, tôi chỉ tha thiết với cái mùi vị ám ảnh trong trí nhớ của tôi.

Những ngày ấy, người ta chưa khám phá ra món bánh mì. Bây giờ thì các báo Mỹ, những báo danh tiếng như New York Times hay Wall Street Journal cứ nhắc mãi đến món bánh mì. Họ còn sáng chế ra đủ kiểu bánh mì, đôi khi tương tự như bánh mì của Mỹ. Bánh mì thịt heo băm có sốt sữa chua ở đây.

Với tôi món bánh mì ngon nhất là bánh mì trong trí nhớ. Ổ bánh mì chợ Cũ da
vàng, mỏng, dòn rụm, ruột thơm nở mềm. Tôi đi tìm cái vị bánh mì chợ Cũ ở Mỹ mấy chục năm chưa hề gặp. Bánh mì Ý, bánh mì Tây, bánh mì Tây Bán Nhà, Bố Đào Nhà, quảng cáo mấy mua về ăn thử vẫn không bằng bánh mì chợ Cũ. Bánh mì ở đây vỏ dày, cứng, ruột cũng cứng, không thơm, không ấm, không làm tôi chảy nước miếng khi nghĩ đến. Tôi đến cả những tiệm bánh mì, mua bánh mới ra lò vẫn không tìm được cái vị bánh mì năm cũ. Tôi đi tìm bánh mì như tìm lá Diêu bông. Một sự hoàn hảo chỉ có trong trí nhớ đã kết hợp với kỷ niệm cộng vào chút thần thánh hóa. Ở những nhà hàng Bồ Đào Nha, khu vực Ironbound của New Jersey, món khai vị thường là ổ bánh mì tròn như quả bưởi cắt thành lát mỏng, hay những cái bánh mì nhỏ như nắm tay của trẻ con, nóng ấm ủ dưới khăn để giữ độ nóng và độ ẩm, để cho khách nhấm nháp với bơ trong khi chờ món chính. Loại bánh mì này là loại hảo hạng của nhà hàng, và cũng may, họ không mang bánh mì chợ Cũ nếu không có lẽ tôi chỉ ăn bánh mì rồi ra về.

Tôi không bao giờ nghĩ là tôi khó tính nhất là về mặt ăn uống. Ngay cả so sánh về bánh mì Việt và bánh mì Mỹ tôi cũng chưa hề bộc lộ công khai với người ngoài gia đình. Tôi chỉ có nói riêng với các con tôi là bánh mì ở Việt Nam rất ngon, ngon hơn bánh mì của tất cả các nước Pháp, Ý, Tân Ban Nha, Bồ Đào Nha) được sản xuất ở Mỹ. Hình như người Mỹ hễ họ nhúng tay vào cái gì đó là đều làm mất bản chất, cái hay cái đẹp thuần túy của của cái đó. Ngay cả Panera là hiệu bánh mì nổi tiếng ở Mỹ có chi nhánh ở nhiều tiểu bang bán đủ loại bánh mì, có bán thức ăn như súp, xà lách, cà phê bánh ngọt, có internet; tôi và các con thỉnh thoảng đến ăn, tôi vẫn nghĩ bánh mì hiệu này dở họ nên gửi thợ đến Việt Nam học cách làm bánh mì. Có lẽ có những nghệ thuật bí quyết không thể bắt chước được vì đòi hỏi nhiều công quá, thực hiện được thì bán không có lời nữa? thí dụ như muốn làm bánh mì ngon phải tùy thuộc vào cách xây lò nướng, gạch đá xây lò, độ nóng, độ ẩm tùy thuộc vào không khí? Tùy thuộc vào bàn tay nhồi bột? Chắc có mồ hôi đổ vào bột chăng? Hy vọng là không ai ghét khách hàng đển độ phun nước miếng

!

Mấy chục năm ở Mỹ, tôi vẫn thèm ổ bánh mì thịt có đồ chua ở đầu hẻm. Bánh mì có ủ than nóng dòn. Vị thịt mỡ ba rọi beo béo. Dưa leo, miếng ớt, cọng ngò. Bánh mì gà tôi cũng thấy ngon nhưng vẫn thích bánh mì thịt. Chồng tôi về Việt Nam bao giờ cũng ăn bánh mì ở đầu ngõ, sáng sớm gần Tết bánh mì vẫn còn ủ bằng than, nóng giòn. Ông cũng mê món bánh mì ăn với phó mát ngày xưa thời còn đi học không có tiền ăn như thế gọi là sang trọng với ông. Mấy chục năm sau ở Mỹ thỉnh thoảng ông vẫn ăn bánh mì kẹp phó mát để nhớ hương vị cũ. Nhớ thôi. Cái trí nhớ đã được tôn thờ lên ngôi thần tượng thì có sự thật trần trụi nào sánh bằng.

Người Mỹ họ cũng thích biến chế món ăn. Gỏi cuốn, vào trong các nhà hàng sang trọng họ biến chế thay vì cuốn với tôm thịt họ cuốn với quả bơ, dưa leo và càng cua giả. Còn bánh mì Việt Nam thì bây giờ họ mới có một món bánh mì tương tự như bánh mì xíu mại nhưng thịt không được vò viên. Trái lại họ xào và cho chút mayonaise theo bài báo tôi mới đọc trên tuần trước trong The New York Times. Không hiểu sao đọc bài này không thấy cái ngon của bánh mì nữa mà thấy ớn đến cổ.

Làm sao tôi có thể nói cho họ hiểu là bánh mì ngon không cần có thịt béo và
mayonaise thì nó vẫn ngon. Tôi thèm ruột bánh mì chấm sữa đặc. Sữa đặc có thể mua được, nhưng mấy chục năm nay tôi vẫn còn đi tìm bánh mì ngon tôi đã in sâu vào trong trí tưởng (tượng).

Thấy trên mạng có ảnh bánh mì nên dẫn về đây.Bánh mì Việt. Còn đây là Bánh Mì Mỹ

One thought on “Bánh Mì”

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s