Có người hỏi tôi vì sao tôi không viết mà chỉ dịch lằng nhằng. Hôm nay tôi thử trả lời cho chính tôi vì sao tôi không viết. Viết ở đây có nghĩa là viết tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, hư cấu sáng tạo gì đó. Dịch bị xem như là thiếu sáng tạo, mượn mây vay gió, mượn đầu heo đi cúng lễ.
Có rất nhiều lý do để tôi không viết. Lý do từ ngoại cảnh và lý do từ nội tâm.
Sinh ra lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, tôi không thực sự tham gia chiến trận. Chiến tranh vòng vòng bên ngoài thành phố, bên ngoài quận tôi ở, trên ti vi, bên ngoài cuộc đời tôi. Có gián tiếp bị ảnh hưởng nhưng cái ảnh hưởng này nhỏ bé quá nên không còn đáng nói. Mà có gì đáng nói hơn là cuộc chiến tranh Việt Nam? Trong chiến tranh có thù hận, tha thứ, trung thành, phản bội, yêu thương, đau thương, sợ hãi, chết chóc, vinh dự, hy sinh, toàn là những chủ đề rộng lớn và sâu sắc. Thế nhưng cũng có nhiều người vì hiểu đời nên khuyên nhủ, cẩn thận đừng viết về chính trị và chiến tranh. Bởi vì chọn chủ đề này là phải chọn lập trường, chủ trương, quan điểm, theo bên này thì bên kia bắn, không theo bên nào thì đi giữa hai lằn đạn. Chủ đề càng lớn thì càng khó viết cho hay. Bao nhiêu người bỏ mạng sống cho chủ nghĩa này lý thuyết nọ, một phần thân thể mất mát trong chiến tranh, đối diện với cái chết, họ đã viết mà không được đọc một cách trân trọng, thì mình có gì để viết hay đến độ thu hút người đọc?
Không viết về chiến tranh thì viết về vượt biên cũng được vậy. Bao nhiêu người đã viết về cuộc vượt biển rồi. Mình viết thì cũng thêm một câu chuyện đau lòng mà viết là tự khơi lại chuyện buồn, chuyện kinh hãi cho mình. Những câu chuyện đáng nói thì đã nằm dưới lòng biển; chuyện của mình không thể nào so sánh với những câu chuyện không bao giờ được kể.
Không viết chuyện vượt biên thì viết chuyện tình vậy? Những câu chuyện bịa đặt của tôi thường bị nhập nhằng cho đó là sự thật và làm tôi khốn khổ nhiều lần. Có chồng có con là hết dám viết chuyện yêu đương nhảm nhí, không dám viết chuyện séc xiết tầm phào. Bịa một chuyện tình, yêu một anh nào đó thì sợ chồng ghen. Viết chưa được in, không bán được tiền mà đã mất hạnh phúc trong nhà thì viết làm gì? Cho một nhân vật yêu táo bạo điên cuồng thì sợ người ta cười con mình, mẹ chúng mày sống hoang đàng như thế thảo nào chúng mày chẳng hư. Đó là khi người ta tưởng mình nói về mình. Thử cấu tạo một nhân vật xấu mà bạn bè hay người thân trong gia đình tưởng là mình nói xấu họ thì người thân sẽ không nhìn, còn bạn bè thì họ chửi cho mà nghe. Ai ngoại tình, ai chửa hoang, ai ăn cắp, ai bị đuổi việc, viết là vạch áo người ta để xem lưng hay tự vạch để khoe lưng đầy sẹo của mình? Sự thật và những điều bịa đặt trồng tréo lên nhau. Có đáng sợ không khi những điều mình bịa đặt bị xem là sự thật, và sự thật mình cố ý gói ghém trong những chi tiết bịa đặt thì người ta không để ý. Thiếu gì người chỉ có viết mà bị tù đày, mất chức, mất mạng, mất vợ, không được sống cuộc sống phó thường dân thì viết để làm gì? Trong tủ kín của tôi có vài cái đầu lâu mà tôi chưa dám mang ra khoe. Hehe, nói dóc đó đừng có tin.
Nói cho đúng, không viết có khi chỉ vì sợ. Sợ mình viết không hay. Sợ viết không ai đọc. Sợ người đọc chê. Dịch là nói lại cái người ta nói mà nhiều người đã công nhận là hay (vì đã được in ra hay trích lại từ nhiều sách khác). Rất nhiều khi tôi tự biết tôi không thể viết hay hơn những bài tôi đã chọn để dịch. Viết để làm gì nếu không in được, hay in được mà bán chẳng ai mua?
Không viết vì tôi thấy mình không thật sự hiểu biết một đề tài nào cho tường tận. Cái gì tôi cũng thích, cũng muốn đâm sầm vào, nhưng không mê say cái gì lâu dài. Một bài viết tôi hăm hở bắt đầu, nửa chừng bỗng chán không muốn tiếp tục nữa.
Rồi còn câu hỏi viết cho ai, viết như thế nào.
Trên tất cả, trở lại câu hỏi ban đầu như con chó rượt cái đuôi của nó, viết cái gì?