Chuyện Răng Cỏ

Cuối cùng rồi tôi cũng chịu thua.

Mấy tháng trước, đi nha sĩ. Ông này là nha sĩ mới. Tôi đổi nha sĩ vì tôi hết tin tưởng vào ông nha sĩ cũ (nói nhiều làm ít và hay dụ dỗ tôi làm đẹp răng như là một salesman). Ông nha sĩ mới này khám thật kỹ lập biểu đồ hàm răng của tôi. Ông bảo có ba cái răng của tôi ông muốn nhổ. Tôi phản đối, không được nhổ răng tôi. Chỉ khi nào tôi đồng ý nhổ cái nào mới nhổ cái đó.

Tôi vốn không tin bác sĩ ở bên này. Hồi ở VN, tôi tin bác sĩ trị bệnh vì muốn cứu người, vì lương tâm y học, vì bổn phận là chữa bệnh. Họ đều có học lời thề hippocratic oath trước nhất là không làm hại bệnh nhân. Sống ở Mỹ lâu năm, dù là người rất thành thật đến ngây thơ, tôi cũng hiểu được là không nên tin hoàn toàn vào bác sĩ, cũng như luật sư. Nhất là luật sư!

Bác sĩ ở thời đại này, cũng nôn nóng kiếm tiền không thua gì các nhà thương nghiệp. Họ phải trả tiền nợ đi học, tiền bảo hiểm, tiền xe Mercedes, tiền căn nhà sang trọng, họ phải chứng minh với các bác sĩ khác là họ tài giỏi hơn các vị đồng nghiệp, vì họ có tiền hơn. Tiền đồng nghĩa với địa vị, chức phận, kinh nghiệm, kiến thức. Vâng vâng, tôi nghe lời mắng mỏ của bạn rồi. Không dám quơ đũa cả nắm đâu. Dĩ nhiên có người ở trường hợp ngoại lệ. Những người này càng ngày càng trở nên hiếm hoi; ít oi quá nên không được biết đến. Bác sĩ họ cũng đoàn kết (đồng nghĩa với toa rập) với các nhà bào chế thuốc, họ cũng mua chứng khoán của các hãng bào chế và vì thế họ cổ vũ bệnh nhân dùng thứ thuốc này hay thứ thuốc kia của những người đồng phe với họ có khi bất kể những triệu chứng phụ tai hại. Thường, thì các thứ thuốc họ ra toa này cần thiết cho bệnh nhân, đôi khi chỉ có lợi cho họ. Họ cũng chỉ là người, cũng sai sót nhầm lẫn, đôi khi cũng nhầm hay bất cẩn đến chết người.

Tùy theo hãng bảo hiểm, có nơi chỉ trả tiền nha sĩ của người mua bảo hiểm mỗi năm không quá 1,600 Mỹ kim, đây chỉ là con số tượng trưng. Bệnh nhân không dùng hết món tiền này thì hãng bảo hiểm có lời. Đối với nha sĩ, nếu gặp bệnh nhân dùng hết số tiền này thì nha sĩ có lợi. Nha sĩ nào khôn thì mời mọc dụ dỗ bệnh nhân nhổ răng, những cái răng không cần dùng ở cuối hàm, nếu không đau thì không cần nhổ, hay làm những dịch vụ không cần thiết có thể chỉ làm đẹp để hái thêm tiền. Hãng bảo hiểm thường không trả những món tiền này bệnh nhân phải xuất tiền túi. Nếu lớ ngớ thật thà không am hiểu bệnh nhân ậm ừ làm rồi về sau trả tiền rất nhiều không cần thiết. Đôi khi nha sĩ cho nhổ luôn một lúc hai ba cái dù không đau. Bệnh nhân khi thiếu răng để nhai cần phải trồng răng giả. Nha sĩ lại mời bệnh nhân implant thì sẽ thu được nhiều tiền. Tôi không nói nha sĩ của tôi là người xấu như thế. Tôi chỉ cẩn thận và muốn giữ quyền quyết định về răng của tôi.

Cái răng này hành hạ tôi đã lâu. Mỗi lần đi cạo lớp vôi đóng trên răng về là ê ẩm. Thỉnh thoảng đau nhức không nhai được bên chỗ có cái răng này. Tôi ngỡ cái răng đau là cái đã bị trám hơn cả chục năm về trước, nhưng không phải, mà đó là cái răng bên trong cùng nằm bên cạnh cái răng trám. Cái răng bé xíu không bị hư hay thủng lỗ gì cả lại thấp hơn cái răng bị trám nên hầu như là không dùng đến nó. Nó đau là vì tuổi già nên răng bị mất xương, có lẽ do di truyền, (ba tôi đã phải dùng nguyên hàm răng giả khi ông mới năm mươi) dù tôi giữ răng rất kỹ.

Tôi bảo vệ hàm răng rất cẩn thận; ăn xong là đánh răng ngay lập tức, để tránh bị hư răng. Cẩn thận thế bởi vì tôi rất sợ đi nha sĩ. Tôi sợ bị kim chích đau, sợ nghe tiếng máy khoan, tiếng rít của nó làm tôi buốt cả óc. Mấy tuần nay, cái răng đau âm ỉ làm tôi nhức đầu, đau dọc phía sau cổ bên tay mặt, nhức cả mắt, không đọc được, không viết được, không suy nghĩ được. Ngày nào cũng uống thuốc giảm đau ban ngày tôi ngủ gật gù và ban đêm lại đau không ngủ được. Lúc ấy không xác định được cái răng nào đau chỉ biết đau cả hàm.

Cái răng hành hạ tôi đến độ tôi nhìn những cái hoa kim ngân sau nhà, lúc trước thấy chúng giống các nàng tiên be bé cánh cong, mấy hôm nay thấy chúng giống mấy cái răng đã bị nhổ. Cuối cùng tôi chịu thua cơn đau ngày càng tăng, đành chịu mất răng, mất sĩ diện trong việc cố chống chọi với tuổi già (mất răng dù là răng bên trong không ai thấy cũng làm mình móm đi), và mất cơn đau âm ỉ. Có nhiều cái mất làm mình nhẹ cả người. Phải chiêm nghiệm cố tìm cho ra những cái đau mình vẫn còn cưu mang để làm mất nó đi.

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s