Những bước chân trong đêm

Thêm một bài thơ trên tờ lịch cũ của tôi

From “The Walker”

I hear footsteps over my head all night.
They come and they go. Again they come and they go all night.
They come one eternity in four paces and they go one eternity in four paces,
and between the coming and the going there is Silence and the Night and the
Infinite.
For Infinite are the nine feet of a prison cell, and endless is the march of
him who walks between the yellow brick wall and the red iron gate, thinking
things that cannot be chained and cannot be locked, but that wander far away in
the sunlit world, each in a wild pilgrimage after a destined goal.

Arturo Giovannitti

Những bước chân trong đêm 

Tôi nghe tiếng bước chân phía trên đầu tôi suốt đêm. 
Chúng đến rồi đi. Rồi lại đến và đi suốt đêm.
Chúng đến từ thiên thu bằng bốn bước và chúng đi về thiên thu vẫn trong bốn bước,
và giữa những đi về là Thinh Lặng và Đêm Thẳm và Vô Tận.
Vì Vô Tận là ba thước trong phòng giam, và không chấm dứt là những bước chân của
hắn đi từ vách tường màu vàng cho đến cái cổng sắt sơn đỏ, suy nghĩ miên man về
những thứ không thể bị xiềng xich và không thể bị khóa nhốt; chúng lang thang
những miền xa xôi trong thế giới chan hòa ánh mặt trời, mỗi cá thể thực hiện một
cuộc hành hương phóng túng để đến một nơi đã định sẵn.

Arturo Giovannitti (1884 – 1959) là người Mỹ gốc Ý, chủ tịch công đoàn lao động,
nhà hoạt động chủ nghĩa xã hội kiêm thi sĩ. Ông là một trong những người tổ chức
cuộc đình công hãng dệt Lawrence năm 1912, bị bắt, rồi trở nên bị cáo lừng danh
trong phiên tòa thời ấy. Đầu năm 1912 hãng dệt này giảm số giờ làm việc của
công nhân từ 56 giờ một tuần (tiêu chuẩn thời ấy) xuống còn 54 giờ nhưng không
có bồi thường cho công nhân. Giovannitti là một trong những người tổ chức đình
công đòi bồi thường. Giới chức trách xô xát với những người biểu tình và một nữ
công nhân bị bắn chết. Ông bị vu oan là người đã nổ súng bắn người nữ công nhân
và bị bắt vào tù dù khi ấy ông ở cách nơi nổ súng khoảng ba dặm. Trong tù
ông làm nhiều bài thơ đăng trên các tạp chí danh tiếng thời ấy. Người ta so
sánh ông với Oscar Wilde và Walt Whitman. Ông nổi tiếng với bài diễn văn mà ông
đã mượn ý từ lời giảng của Jesus. “Những người phản kháng là những người tài
năng bởi vì họ là những người sẽ chinh phục được cả thế giới.”

Trong bài diễn văn đọc trước tòa ông đã tự bào chữa vì ông là thi sĩ rất yêu sự
sống và vì thế ông không phải là người đi cướp sự sống của người khác. Lời của
ông làm nhiều người cảm động đến rơi nước mắt: “Tôi mới hai mươi chín tuổi, tôi
có người yêu và tôi rất yêu nàng. Tôi có cha mẹ đang chờ tôi ở nhà. Tôi có một
lý tưởng tôi dễ tôn thờ hơn là biểu lộ cho người khác hiểu. Cuộc đời có những
thứ thật là quyến rũ, thật đẹp, thật tươi sáng, thật quá tuyệt vời đến độ tràn
ngập trong tim tôi một đam mê về sự sống.” Tuy nhiên, ông thêm vào khi cần thiết,
ông và các bạn sẽ lại tổ chức đình công biểu tình  “bất kể sợ hãi và những lời đe dọa. Chúng tôi
sẽ lại bắt đầu những cố gắng nhỏ nhoi khiêm tốn, không được người đời biết đến
hay hiểu thấu – sẽ là những người chiến đấu của giới lao động, thoát ra khỏi
bóng tối của quá khứ và cố gắng mang lại tự do cho nhân loại, mang tình yêu và
tình anh em tình bạn hữu và công lý cho tất cả mọi người trên mặt đất này.” Ông
và các bạn được trắng án.
Sau khi bị mười tháng tù, ông ít tham gia biểu tình mà chú trọng làm thơ, chống
thế chiến thứ nhất đã giết chết hai người anh của ông. Năm 1950 ông bị bệnh trở
nên tê liệt hai chân và qua đời vào cuối năm 1959. Tư liệu về tác phẩm của ông
được lưu trữ ở thư viện của Đại học Minnesota.