Đọc Tác Phẩm Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu của Nguyễn Xuân Hoàng

Đọc “Tác Phẩm Bất Cứ Lúc Nào, Bất Cứ Ở Đâu” của Nguyễn Xuân Hoàng.

Quyển “Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu” đã xuất bản ở Sài Gòn năm 1970, tái bản năm 1979 và 1998. Ở đây tôi thấy có một điểm khác biệt. Theo quyển sách tôi đang có thì quyển này ra đời năm 1970 nhưng theo vi.wikipedia thì quyển sách này xuất bản lần đầu năm 1974. Trong phạm vi bài blog này, tôi không phê bình hay điểm sách, mà chỉ tìm hiểu quan điểm về cuộc đời và tình yêu của một nhà văn trẻ tuổi (khi ông viết tập truyện ngắn này ông chỉ ba mươi), trong lúc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đang diễn ra càng lúc càng khốc liệt. Tất cả những truyện ngắn trong tập truyện này đều được viết vào tháng 9 năm 68 cho đến Hè 71, tức là khoảng sau Tết Mậu Thân (1968) và trước khi Mùa Hè Đỏ Lửa (1972).

Nhiều trang mạng đã viết về tiểu sử nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng trong đó có vi.wikipedia. Ở đây tôi chỉ xin vài hàng tóm tắt.

Nguyễn Xuân Hoàng sinh ngày 7 tháng 7 năm 1940. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Lạt môn Triết và dạy Triết từ năm 1961 đến 1975 ở các trường Trung học như Ngô Quyền, Petrus Ký. Ông tham dự văn trường ở nhiều cương vị, nhà văn, thư ký tòa soạn, tổng thư ký, chủ biên, chủ nhiệm kiêm chủ bút của rất nhiều tờ báo như Văn (miền Nam trước năm 1975), Người Việt Daily News, Thế Kỷ 21, Văn Học, Văn (sau năm 1975 ở hải ngoại). Ông cũng từng là giảng viên môn Văn học Việt Nam ở đại học California-Berkely. Hiện nay ông phụ trách mục Nguyễn Xuân Hoàng và bạn hữu trên báo Voice Of America. Ông có nhiều tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, tạp ghi đã xuất bản từ thập niên 60 cho đến nay.

“Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu” bao gồm tám truyện ngắn và một bài thơ. Bài thơ “Nhưng, Ta Không Thấy Gì Hết” được viết theo thể văn xuôi. Năm trong số tám truyện ngắn “Bất Cứ Lúc Nào Bất Cứ Ở Đâu,” “Giả Đò,” “Không Một Ngọn Nến Nào Cho Ngày Sinh Nhật,” “Những Trái Cao Su ở Sài Gòn,” và “Giáng Sinh” được viết như những lời đối thoại với nhân vật Vy, người yêu cũng là độc giả. Năm truyện ngắn nói trên nếu kết hợp linh động có thể xem như truyện vừa (novella). Hai truyện ngắn “Dưới Tàn Cây Trứng Cá” (14 trang) và “Vòng Tròn” (8 trang) ông viết về sự liên hệ với nhân vật nữ tên Hà có lẽ là truyện ngắn hơi dài nên được tách làm đôi.

Tập truyện có nhiều nhân vật nữ như Kim, Trâm, Thủy, Lan, Hà, và Vy nhưng chỉ có một nhân vật nam xưng tôi. Nhân vật “Tôi” của Nguyễn Xuân Hoàng đang ở cái tuổi đi tìm tình yêu và chọn lựa đối tượng. Anh không bị cầm súng nên ở hậu phương anh có cơ hội suy ngẫm về cái cái may mắn đầy bất hạnh này. Trong khi bạn bè anh chết hay bị thương ở chiến trường thì anh nghĩ về tình yêu. Tình yêu trong thời chiến là một thứ xa xí phẩm, anh tự trách.

“Bao nhiêu người ở tuổi tôi đang đối mặt với cái chết, tại sao tôi vẫn ngồi đây yên ổn. Và tại sao tình yêu của chúng ta? Có phải tôi là một người may mắn bất hạnh. May mắn mà sống sót, nhưng bất hạnh thay chưa sống đủ kiếp người.”

Nhân vật “Tôi” thuộc về giai cấp không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh; hay nếu có, gián tiếp và mờ nhạt. Họ (những nhân vật khác, không phải là nhân vật “Tôi”) là chủ khách sạn, chủ bất động sản, và giáo sư đại học, người ngoại quốc, v.v… .  Chiến tranh đang ở rất xa, vòng ngoài.  Người ta thấy chiến tranh qua tin tức, bạn bè ngã gục trên chiến trường, bà mẹ già đi thăm con ở quân trường, tình bạn của những bà mẹ trở nên thân thiết hơn vì con của họ cùng gục ngã ở chiến trường.  Ảnh hưởng Freud xuất hiện vài nơi với hình thức Tình Yêu (Eros) và Cái Chết (Thanatos). Trích dẫn sau đây là một thí dụ:

“Có phải là một điều nhảm nhí không khi ta nói đến tình yêu trong một thời đại mà người ta chỉ đề cập đến sự chết. Tôi vẫn nghĩ rằng con người càng đến gần với tình yêu chính là tiến gần đến cái chết. Yêu là chết. Và trước cái chết, người ta bao giờ cũng ham muốn sự sống. Và sự sống là gì nếu không là tình yêu? Ngụy biện quá, phải không?”

Tôi không nghĩ đây là ngụy biện. Tình yêu là phương tiện duy trì sự sống, một cách đương đầu với sự hủy diệt của cái chết, mà chiến tranh là nguyên nhân. Rất nhiều tác giả trong tuyển tập truyện ngắn miền Nam (Thư Ấn Quán, 2010), những người lính trực tiếp tham gia chiến tranh và đối diện với cái chết, như Đặng Kim Côn, Trần Hoài Thư, Y Uyên, … đều viết về tình yêu khi đối diện với cái chết.

Nhân vật “Tôi” của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vừa đáng thương vừa đáng ghét. Anh có vẻ tự cao vì luôn luôn được các nhân vật nữ săn đón chìu chuộng mà anh vẫn lơ đãng hững hờ và vì thế nên đáng ghét. Anh cũng đáng ghét ở chỗ anh có điều kiện để suy nghĩ về chuyện tan vỡ của tình yêu. Ở những tác giả miền Nam trực tiếp chiến đấu, lăn lóc trên chiến trường, cái chết đến bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu, nhân vật của họ thường có thái độ vồ vập với phụ nữ, họ sẵn sàng chia sẻ hạnh phúc ngắn ngủi ngay cả với những cô gái điếm hay gái bán ba. Nhân vật “Tôi” của Nguyễn Xuân Hoàng đáng ghét ở chỗ anh được sống trong tháp ngà, anh ngồi tỉ mẩn kể với người yêu về những người đàn bà trong tầm tay nhưng anh không muốn với, suy nghĩ về chuyện vì sao người ta không thể sống chung mà cũng không thể chia tay. Anh đáng thương vì anh không thể vô tư tận hưởng cái may mắn của anh mà lúc nào cũng suy nghĩ, phân tích, và mặc cảm có lỗi với những người thực sự tham gia chiến tranh. Đối diện với cái chết là lúc người ta thật sự cảm nhận được sự sống mãnh liệt nhất. Đó là lúc người ta thề nếu tôi thoát chết lần này tôi sẽ sống cho thật trọn vẹn. Chiến tranh luôn ám ảnh anh, ngăn cản anh không thể hoàn toàn hưởng thụ trọn vẹn hạnh phúc. Nỗi ám ảnh này xuất hiện với hình thức mặc cảm tội lỗi, hay niềm mơ ước Hòa Bình trong đêm Giáng sinh.

“Khi chiến tranh còn đó ta ghê tởm lo sợ về nó, về tất cả những gì có liên hệ đến nó, nhưng khi ta biết chắc là chiến tranh đã tàn lụn, thì bất cứ một dấu vết nào, hình ảnh nào, cách gọi tên nào dù có mang hươi hướm hay dính dáng đến chiến tranh đề chỉ có thể được xem như là những kỷ niệm buồn bã và vô hại. Chính trên đống tro tàn của chết chóc người ta nhìn thấy mầm mống của sự sống. Chính trên những đổ nát tuyệt vọng và ngu xuẩn của chiến tranh người ta phát lộ được niềm tin, sự xây dựng và trí thông minh.”  Đây là sự ngây thơ của một người trẻ tuổi nghĩ về cuộc chiến tranh anh không trực tiếp cầm súng. Tôi không tin hậu quả của chiến tranh chỉ là những kỷ niệm vô hại. Sự thật đã được chứng minh sau khi cuộc chiến kết thúc hơn ba mươi năm nay. Anh chàng trẻ tuổi này đã mong chờ hòa bình với hiệp định Paris và dĩ nhiên đó là một mong chờ trong tuyệt vọng. Chiến tranh cũng chấm dứt nhưng không bằng phương pháp hòa bình.

Chiến tranh và cái chết được tác giả nhìn thấy ở những hạt cao su: “Dưới chân dọc theo đường những trái cao su khô rơi dầy, bật tiếng kêu khan nẻ ra dài theo các khía. Tôi cúi xuống nhặt những hột tròn màu nâu có vân. Đẹp lắm. Những mảnh vỏ cao su rời khỏi các khía giống như chiếc đầu lâu, chỉ cần bôi thêm các hủng mắt, mũi, và miệng là ta có được những kỷ vật dễ thương đầy chết chóc.”

Nhân vật nữ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng hầu hết đều là các cô gái nhà giàu, những người đàn bà có quyền lực, chịu ảnh hưởng nền văn hóa Tây phương, họ có phần nào nổi loạn, nhưng không nổi loạn đến mức như phụ nữ Âu Mỹ trong những năm cuối thập niên 60. Đôi khi họ khổ sở vì thay đổi nếp sống nhưng không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Không có nhân vật nữ nào chịu cảnh “ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình.” Hai nhân vật nữ của ông gây ấn tượng mạnh với tôi. Một là chị Vân, cô gái Hà Nội di cư, đẹp thơ mộng, lãng mạn, biến chú bé ngây thơ mười bốn tuổi thành một thanh niên biết yêu lần đầu. Còn nhân vật nữ kia là cô Hà, phóng viên chiến trường, có nam tính, mẫu người có thể vào sinh ra tử, theo nhân vật “Tôi”, chỉ có thể là bạn chứ không là người yêu. Tuy ông cấu tạo mẫu người phụ nữ có cá tính nhưng cách biểu lộ vẫn chưa thoát khỏi cái thành kiến về phụ nữ có cá tính mạnh.  Họ thường được miêu tả giống như đàn ông, thái độ và cách đối thoại quá thẳng thắn đến trở nên kém tế nhị.

Trong bài Hồi Ký Viết Sớm đăng trên Tiền Vệ, nhà văn đã nhún mình “Tôi chỉ là một người kể chuyện. Nhưng không phải là một người kể chuyện  giỏi.” Nếu người đọc thích loại truyện sôi động, tình tiết éo le khúc mắc thì tập truyện này sẽ không thích hợp. Truyện của Nguyễn Xuân Hoàng có không khí rất chậm. Truyện hay ở chỗ có diễn tiến hợp lý, nhân vật của ông suy nghĩ sâu sắc, cách viết đối thoại thông minh, ý nhị. Hai truyện ngắn đầu tiên của tập truyện này có những đoạn văn viết rất đẹp, tuy nhiên, khi văn tài của ông chín muồi với thời gian ông từ giã cách viết này. Càng về sau cách viết của ông càng đơn giản nhưng cô đọng súc tích hơn. Ít tĩnh từ và câu ngắn gọn, văn phong của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng rất gần với văn phong của Hemingway. Ông thành công trong việc miêu tả xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh dữ dội và những suy tư của một người trẻ tuổi sống trong một giai cấp không bị dùi vập bởi chiến tranh.

Tuy nhiên, có một điểm nhỏ tôi muốn than phiền trong cách ông miêu tả tâm lý phụ nữ. Nhân vật “Tôi” viết thư, đối thoại, phân vân về cuộc đời với người yêu, nhất là trong hai truyện ngắn Bất Cứ Lúc Nào và Giả Đò, nhưng luôn miệng nhắc đến những người phụ nữ đã từng đi qua đời ông trong quá khứ, có lúc “Tôi” còn ngầm bảo là anh không còn muốn trao đổi thư từ chữ nghĩa cũng sẽ chỉ là điều vô ích một khi người ta không còn muốn đọc nhau nữa. Một cô gái giàu, đẹp, có học, ảnh hưởng văn hóa Tây phương khó có thể yêu nhân vật “Tôi” đến độ chấp nhận thái độ gần như ngược đãi như thế.

Phải không?

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s