Denise Levertov

 
1
2

Denise Levertov (1923 –1997) là nhà thơ người Mỹ gốc Anh. Mẹ của bà là con của gia đình khai thác quặng mỏ. Bố của bà là giáo sư Đại học bị cầm tù tại gia trong thế chiến thứ nhất chỉ vì ông là người Do Thái. Về sau ông từ bỏ đạo Do Thái sang Anh làm mục sư của Anh giáo. Bà Levertov giảng dạy ở Đại học Brandeis, MIT, và Tufts. Những năm cuối 60 và đầu 70 bà tham gia chống chiến tranh Việt Nam bằng cách biểu tình và đọc thơ tại những buổi tranh đấu. Một số thơ phản chiến Việt Nam được bà xuất bản trong quyển To Stay Alive (Để Sống Còn) năm 1971. Quyển thơ này nhấn mạnh đến cái giá phải trả của chiến tranh và nỗi thống khổ của người Việt Nam. Quyển thơ đầu tiên thành công của bà The Poet In the World (Nhà thơ trong
thế giới) đã phiền trách những phi công Mỹ ném bom lên miền Bắc Việt Nam. Bà Levertov không biết rằng thật ra số bom thả ở miền Nam còn nhiều hơn số bom thả ở miền Bắc.

Vào thập niên 60, khi chính quyền Mỹ tăng cường mức độ chiến tranh Việt Nam, Levertov cùng với nhà thơ Muriel Rukeyser sáng lập hội Văn Nghệ sĩ phản đối chiến tranh Việt Nam (Writers and Artists Protest against the War in Vietnam). Bà tham gia biểu tình ở Berkeley, California và nhiều nơi khác do đó nhiều lần bị bắt giam. Về sau, bà chống vũ khí nguyên tử, chống viện trợ El Salvador, và chiến tranh vùng Vịnh. Số lượng tác phẩm của bà rất dồi dào. Bà làm thơ ca tụng thiên nhiên, tình yêu, và tôn giáo. Chiến tranh Việt Nam chỉ là một trong những chủ đề trong tác phẩm của bà. Các tác phẩm như The Sorrow Dance, Relearning the Alphabet, To Stay Alive, và cả Candles in Babylon nghiêng về những chủ đề xã hội và chính trị như: chiến tranh Việt Nam, cuộc nổi loạn ở Detroit, và giải tán vũ khí nguyên tử. Chủ đích của bà là kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến chiến tranh và những vấn đề có liên quan đến môi trường xã hội.

Levertov không được đào tạo chính thức trong giới khoa bảng. Mẹ của bà, bà Beatrice Adelaide Spooner-Jones, dạy bà học ở nhà cho đến năm mười ba tuổi. Sau đó thỉnh thoảng bà thụ huấn ở bố, Paul Philip Levertov. Mẹ bà dạy học bằng cách đọc những tác phẩm danh tiếng của thế kỷ 19, đặc biệt là thơ có nhạc điệu của Tennyson, cho bà và người chị cùng nghe. Bố của bà là nhà văn viết rất nhiều tác phẩm bằng Hebrew, Nga, Đức, và Anh ngữ. Ông thường mua sỉ rất nhiều sách khi cốt ý chỉ cần vài cuốn đặc biệt trong lô sách ấy. Bà Levertov lớn lên trong môi trường sách vở và luôn được tiếp xúc với nhiều loại ngoại ngữ. Nhiều người cho rằng chính vì không xuất thân từ giới khoa bảng, lời thơ của bà rõ ràng, chính xác, và gần gũi dễ thấm nhập. Khi bài thơ đầu tiên của bà xuất hiện năm 1940 trên Poetry Quaterly, Rexroth đã so sánh thơ của bà với thơ của Rilke và những bài hát của Brahms. Nói chung người ta khen ngợi thơ bà, nhưng cũng có rất nhiều người đả kích. Trong Contemporary Literature, Majorie G. Perloff viết: “Quyển thơ mới xuất bản của Levertov, To Stay Alive, chứa rất nhiều những câu thơ giống như những lời thú tội rất dở. Những bài thơ chống chiến tranh Việt Nam viết với hình thức nhật ký không trau chuốt, giống như một bài điểm sách có vần điệu trên tờ New York Review.”

Riêng với tôi, bà Levertov bày tỏ sự thương cảm với nỗi khổ của người Việt Nam trong chiến tranh vì thế tôi có cảm tình với bà. Lời thơ của bà là tiếng nói của tình người. Xin mời độc giả thưởng thức hai bài thơ của Levertov. Dịch thơ là một chuyện mạo muội, nên tôi đính kèm bản chính và xin độc giả tha thứ cho sự sai sót vụng về của tôi. Tôi chỉ muốn độc giả biết là trên thế giới có người hướng tấm lòng về người dân Việt Nam.

What Were They Like?

Did the people of Viet Nam
use lanterns of stone?
Did they hold ceremonies
to reverence the opening of buds?
Were they inclined to quiet laughter?
Did they use bone and ivory,
jade and silver, for ornament?
Had they an epic poem?
Did they distinguish between speech and singing?

Sir, their light hearts turned to stone.
It is not remembered whether in gardens
stone gardens illumined pleasant ways.
Perhaps they gathered once to delight in blossom,
but after their children were killed
there were no more buds.
Sir, laughter is bitter to the burned mouth.
A dream ago, perhaps. Ornament is for joy.
All the bones were charred.
it is not remembered. Remember,
most were peasants; their life
was in rice and bamboo.
When peaceful clouds were reflected in the paddies
and the water buffalo stepped surely along terraces,
maybe fathers told their sons old tales.
When bombs smashed those mirrors
there was time only to scream.
There is an echo yet
of their speech which was like a song.
It was reported their singing resembled
the flight of moths in moonlight.
Who can say? It is silent now.


Họ như thế nào?

Người Việt Nam có dùng
đèn lồng làm bằng đá?
Họ có tổ chức lễ
thưởng ngoạn hoa?
Họ thường cười khẽ?
Họ có dùng đồ trang hoàng
chạm bằng xương và ngà voi
ngọc thạch và bạc
Họ có những bài trường thi?
Có phân biệt giọng nói và tiếng hát?

Thưa ông, trái tim vui vẻ của họ đã trở nên nặng nề như đá
Không nhớ có phải là ở vườn hoa
Vườn hoa có đá được chiếu sáng rất đẹp
Có lẽ họ họp nhau ở đấy để ngắm hoa
Nhưng sau khi các trẻ em chết
Không còn nụ hoa nào
Thưa ông, tiếng cười đắng trong mồm cháy.
Một giấc mơ trước đây thôi, có lẽ. Đồ trang hoàng là để cho vui.
Tất cả xương đều cháy thành than.
Không ai nhớ. Hãy nhớ rằng,
Hầu hết họ là nông dân; cuộc đời của họ
ở trong ruộng lúa và lũy tre.
Khi những đám mây hiền hòa phản chiếu (mặt nước) trên đồng
và bầy trâu bước dọc theo bờ ruộng
có lẽ những người bố đang kể chuyện đời xưa với những đứa con trai
Khi bom dội nát những hình ảnh phản chiếu này
chỉ có đủ thì giờ để kêu thét
Vẫn còn âm vang
từ lời nói của họ nghe như tiếng hát
Người ta kể rằng tiếng hát của họ tương tự
đàn bướm đêm bay trong ánh trăng
Ai có thể làm chứng điều này? Chỉ còn thinh lặng.

Living

The fire in leaf and grass
so green it seems
each summer the last summer

The wind blowing,
the leaves  shivering in the sun,
each day the last day

A red salamander
so cold and so
easy to catch, dreamily

moves his delicate feet
and long tail. I hold
my hand open for him to go.
Each minute the last minute.

Sống

Ngọn lửa trong lá và trong cỏ
Xanh ngời đến độ dường như
mỗi mùa hè là mùa cuối cùng

Gió vi vu, lá
run rẩy dưới ánh mặt trời
mỗi ngày là ngày cuối cùng

Con rắn mối màu đỏ
rất lạnh và rất
dễ bắt, mơ màng

di chuyển những bàn chân mềm mại
và cái đuôi dài. Tôi mở
lòng bàn tay cho nó thoát đi

Mỗi phút là phút cuối cùng

Trích lược và tổng hợp từ Wikipedia và poetryfoundation.org