Bản chất của tôi là một người có khuynh hướng nổi loạn. Bề mặt tôi là một người sống rất nề nếp, vâng lời cấp trên, rất sợ chồng nể con, ai bảo gì tôi nghe nấy. Dưới cái bề mặt vâng lời, tôi là một con bé sẵn sàng nổi loạn. Có lẽ vì thế nên tôi thường thích những nhân vật không theo nề nếp. Có những nhân vật đứng bên bờ chênh vênh, tôi nghĩ, chỉ cần một rung động là họ có thể bị rơi khỏi bờ. Thí dụ như nhân vật Park So-nyo trong quyến Hãy Chăm Sóc Mẹ. Cái khoảnh khắc người ta phải chọn lựa cuộc sống mẫu mực hay bước ra khỏi vòng kềm tỏa của phong tục tập quán phản lại sự kiểm soát của lý trí của nhân vật luôn luôn thu hút tôi. Trong bài blog này tôi sẽ nói về một chi tiết nhỏ trong cuộc đời của bà Park So-nyo mà tác giả Shin Kyung-sook đã kể qua lời tự thuật của bà cụ sau khi bà bị mất tích.
Những năm còn trẻ, trong khi chồng đi giang hồ, So-nyo một mình nuôi ba đứa con. Cày cấy ruộng vườn trồng lúa trồng khoai cuốc đất giẫy cỏ đều một tay bà cáng đáng. Sáng sớm bà gói thức ăn ra rẫy ra nương, gói thêm phần quà để chia sớt cho người làm giúp. Gia đình bên chồng hỏi, một mình làm sao làm cho xuể. Bà bảo có người đi ngang thấy thương hại bà nên làm giúp. Bà tả hình dáng, thân nhân bên chồng bảo rằng đó là ông chủ ruộng ngày xưa bị cảm nắng chết ngay trên ruộng nay hiện hồn làm cỏ giúp bà. Bà bảo công việc nhiều quá nên dù đó là ma thì bà vẫn sẵn lòng nhận sự giúp đỡ.
Không ai nghi ngờ lời bà vì dường như tin là ma giúp thì dễ hơn tin là người giúp. Thế nhưng khi bà cụ So-nyo mất tích rồi có con chim ngồi trên nhánh cây ngoài cửa sổ kể lại chuyện cũ; Người, chứ không phải ma, giúp bà là Lee Eun-gyu, nhỏ hơn bà năm tuổi, ở làng bên cạnh. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh khá hi hữu.
Bà đội thau bột mì nặng trĩu trên đường từ nhà máy xay bột về, trời sắp tối. Eun-gyu đạp xe đi ngang thuyết phục bà để ông chở giúp chậu bột mì. Ông nằn nì mãi và vẻ lương thiện của ông làm bà tin. Ông bảo nhà ở bên kia cầu nhưng khi bà đến bên kia cầu thì không thấy ông cũng chẳng thấy chậu bột. Không thể nào về tay không bỏ con mình đói bà đi tìm kẻ cắp; cuối cùng bà lần đến nhà ông thì thấy có bà mẹ mù, một đứa con nhỏ, bà vợ mang thai đang lăn lộn trên giường sắp sinh nhưng không đủ sức để rặn vì đói. Ông chồng loay hoay lăng xăng mà không biết phải làm gì. Bà So-nyo xắn tay áo lên bảo ông chồng nấu nước nóng. Bà nấu cháo bột cho bà vợ, đứa con và bà mẹ, giúp người vợ sinh đứa con. San sẻ một ít bột cho gia đình của Eun-gyu bà đội bột về nhà. Tuần sau bà đến thăm vì tội nghiệp gia đình này và phát hiện ra người vợ đã qua đời, đứa nhỏ thì anh chồng ẵm đi xin người trong làng cho đứa bé bú thép. Từ đó bà đến nhà cho đứa bé bú, khi thì sáng sớm, khi thì nửa đêm. Anh Eun-gyu mang nợ bà từ khi ấy.
Sau đây là vài trang tôi dịch để bạn đọc cho vui. Quyển này đã được dịch ra tiếng Việt từ tiếng Hàn. Bản tôi đọc là tiếng Anh.
Cho đến khi con của ông được ba tuần, tôi đến nhà ông hằng ngày để cho đứa bé bú. Đôi khi tôi đến lúc sáng sớm, đôi khi giữa khuya. Không biết điều này có làm ông bận tâm ngại ngùng? Tôi chỉ giúp ông chừng ấy thôi, nhưng suốt ba mươi năm sau, tôi luôn đến tìm ông mỗi khi tôi gặp khó khăn. Tôi bắt đầu tìm đến ông sau chuyện Kyun. Lúc ấy tôi chỉ muốn chết, bởi vì tôi nghĩ chết sẽ nhẹ nhàng hơn. Tất cả mọi người chung quanh chỉ làm tôi khổ sở thêm; chỉ có ông là không hỏi gì đến chuyện ấy. Ông bảo tôi, bất cứ vết thương nào cũng sẽ lành theo thời gian. Và tôi không nên nghĩ ngợi nhiều, chỉ lặng lẽ làm những gì cần phải làm. Nếu không có ông, tôi không biết tôi sẽ ra làm sao; tôi hầu như điên loạn vì đau đớn. Ông là người đã chôn đứa con thứ tư, chết trước khi sinh ra, ở trên đồi. Giờ đây nghĩ lại chuyện xưa, có phải ông dọn về Komso bởi vì ông không chịu nổi tính tình tôi? Ông không phải người có thể sống thích hợp ở vùng biển hay làm nghề đánh cá. Ông là người chuyên cày ruộng và gieo hạt. Ông không có đất nên đi cày thuê cho người khác. Đáng lẽ tôi phải nhận ra điều này, ông dọn đi Komso, ông bỏ đi vì ông không thể chịu được tính khí của tôi. Tôi đối xử với ông thật là không phải.
Phải nói, lần gặp đầu tiên rất là quan trọng. Tôi chắc chắn như thế, từ trong thâm tâm, tôi luôn luôn nghĩ là ông mắc nợ tôi, và tôi để lộ điều này bằng cách làm bất cứ điều gì tôi thích. Cũng giống như tôi tìm thấy ông sau khi ông đánh cắp chậu bột của tôi, ông bảo ông chở giúp cho đỡ nặng, tôi đã tìm ra ông khi ông dấu tôi dọn đến Komso. Ông không thích hợp với Komso. Ông đầy vẻ lạc lõng và xa lạ khi đứng bên cạnh biển. Tôi vẫn còn nhớ vẻ mặt của ông ở ruộng muối bên cạnh bờ đại dương. Tôi không bao giờ quên được nét mặt ấy, nhưng giờ đây, khi tôi nghĩ đến, có lẽ vẻ mặt của ông ngầm thể hiện. Sao mà bà ấy lại có thể tìm ra mình chứ?
Komso trở thành một nơi tôi không thể nào quên, bởi vì nơi ấy có ông. Tôi luôn đến nơi này để tìm ông mỗi khi tôi gặp chuyện không thể tự giải quyết, nhưng khi tôi bình tâm lại tôi quên ông ngay. Tôi cứ ngỡ là tôi hoàn toàn quên ông rồi. Khi ông nhìn thấy tôi ở Komso, câu đầu tiên ông nói với tôi là “Có chuyện gì?” Bây giờ tôi mới nói điều này; lần ấy đến gặp ông, là lần đầu tiên tôi đến tìm ông chỉ vì ông, không phải vì có chuyện rắc rối xảy đến cho tôi.
Ngoại trừ cái lần ông lẻn trốn đến Komso, ông luôn ở một chỗ cho đến khi tôi không còn cần đến ông nữa. Cám ơn ông đã ở một chỗ. Rất có thể nhờ thế mà tôi có thể sống cho đến hết cuộc đời. Tôi xin lỗi đã đến tìm ông mỗi lần tôi cảm thấy chông chênh, nhưng ngay cả chuyện ông cầm tay tôi, tôi cũng không cho phép. Dẫu là tôi đến tìm ông, nhưng mỗi khi ông có vẻ như muốn tiến lên thì tôi lại ngược đãi ông. Tôi thật là không tử tế với ông. Tôi xin lỗi ông nhé, xin lỗi và xin lỗi. Thọat tiên bởi vì tôi ngượng ngùng, rồi tôi thấy không nên làm thế, về sau thì tôi đã trở nên quá già. Ông là tội lỗi của tôi mà cũng là hạnh phúc của tôi. Tôi chỉ muốn làm người có phẩm giá trong mắt ông.
Đôi khi tôi kể ông nghe những truyện tôi bảo là tôi đọc, thật ra không phải thế. Tôi bảo con gái tôi đọc cho tôi nghe và tôi kể lại với ông. Có lần tôi kể ông nghe về một chỗ gọi là Santiago trong một quốc gia tên là Tây Ban Nha. Ông cứ hỏi tôi mãi, “Chỗ bà nói ấy là chỗ nào?” ông thấy khó nhớ cái tên này. Tôi bảo đó là con đường hành hương người ta cần phải đi bộ ba mươi ngày mới đến. Chi-hon muốn đến đấy – vì thế nó bảo cho tôi biết địa danh này – nhưng khi tôi kể lại với ông tôi đã kể như thể chính tôi muốn đi đến nơi ấy. Và ông nói, “nếu bà quá tha thiết muốn thăm viếng chỗ ấy thì một ngày nào đó chúng ta cùng đi với nhau.” Trái tim tôi chùng xuống khi tôi nghe ông nói thế. Có lẽ ngay sau đó tôi ngưng đến tìm ông. Thật sự tôi không biết chỗ ấy là chỗ nào, và tôi cũng không muốn đến nơi ấy.
Ông có biết những gì xảy đến với những chuyện chúng ta đã cùng làm trong quá khứ? Khi tôi hỏi con gái của tôi điều này, mặc dù thật ra là tôi muốn hỏi ông, con tôi trả lời, “Nghe mẹ hỏi những câu như thế này sao thấy lạ quá, Mẹ,” và hỏi lại, “Thế không phải nó đã thẩm thấu vào và kết hợp với hiện tại chứ không bị biến mất đi?” Thật là những chữ thật khó hiểu. Ông có hiểu những chữ này không? Con tôi nói tất cả những chuyện đã xảy ra trước đây thật sự cũng xuất hiện trong hiện tại, chuyện cũ trộn lẫn với chuyện đương thời, và chuyện đương thời xen kẻ với chuyện tương lai, và chuyện tương lai kết hợp với chuyện quá khứ; chúng ta chỉ không cảm nhận được điều này. Nhưng bây giờ tôi không thể tiếp tục nữa.
Ông có nghĩ chuyện đang xảy ra có liên hệ với những chuyện đã xảy ra và những chuyện sẽ xảy ra, chỉ tại mình không nhận thấy mà thôi? Tôi không biết, có đúng thế không? Đôi khi tôi nhìn các cháu của tôi, tôi nghĩ chúng được thả xuống đâu đó từ cõi nào và chúng chẳng có liên hệ gì với tôi. Chẳng liên hệ với tôi tí tẹo nào.
Thế thì nó len lỏi vào đâu, cái xe đạp mà tôi nhìn thấy ông cưỡi lần đầu gặp nhau, ông đã trộm nó trước khi ông nhìn thấy tôi đi trên đường với cái chậu bột đội trên đầu, ông định đem bán nó để đổi lấy một sợi rong biển? Rồi chuyện ông không bán được cái xe đạp nên trả nó lại chỗ cũ, bị người chủ xe đạp bắt được rồi bị lôi thôi? Những chuyện ấy có len lỏi thấm vào trang giấy của quá khứ rồi mang chúng ta đến tận chốn này?
Tôi biết, khi tôi mất tích, ông đã đi tìm tôi. Tôi biết, ông chưa bao giờ đến Seoul, thế mà đã đến trạm xe lửa Seoul đi lòng vòng nhiều nơi bằng xe điện ngầm, chận hỏi những người có dáng dấp giống tôi. Ông cũng đến nhà tôi nhiều lần với hy vọng được nghe tin về tôi. Ông muốn gặp các con tôi để được nghe con tôi kể chuyện đã xảy ra như thế nào. Có phải vì thế mà ông trở nên bệnh nặng?
Tên của ông là Lee Eun-gyu. Khi mà bác sĩ hỏi tên ông, đừng có nói là “Park So-nyo” nhé; phải nói là “Lee Eun-gyu.” Thôi tôi thả ông ra đấy. Ông là bí mật của tôi. Ông có mặt trong đời tôi, một hiện diện không người nào quen biết tôi có thể đoán ra. Cho dù không ai biết có ông trong đời tôi, ông là người mang cho tôi cái bè phao ở những dòng nước xiết và giúp tôi vượt qua dòng nước an toàn. Tôi rất vui mừng có ông trong đời. Tôi đến để nói cho ông biết tôi đã có khả năng đi cho hết chặng đường đời cũng vì tôi có thể đến tìm ông mỗi khi tôi lo lắng bất an, chứ không phải mỗi khi tôi hạnh phúc.
Chào ông tôi đi.
Đứng bên bờ chông chênh giữa tình bạn và tình yêu tôi cứ lo bà sẽ rơi xuống vực thẳm hay rơi vào đại dương. Tuy nhiên có được một chỗ nương tựa cho tâm hồn những lúc bất an trong đời quả là một điều rất may mắn, phải không bạn?