Một vài mẹo vặt

trong việc học Anh ngữ.

Không biết ý bạn thế nào chứ tôi thấy đôi khi tôi gặp những lời khuyên nghe thì thật là hữu ích nhưng thực hành thì khó thấy ông trời. Thí dụ như với người bị bệnh mất ngủ kinh niên mà bảo người ta cố gắng nằm yên ngủ đi thật khó thực hiện. Người hay tức giận mà bảo họ thôi bỏ qua đi đừng giận nữa cũng vô ích bởi vì họ vẫn tức giận như thường. Còn nói về học Anh ngữ thì thế nào bạn cũng nghe một người thầy ngoại quốc bảo bạn phải đặt mình vào tình huống bắt buộc phải dùng tiếng Anh, phải nghe phải nói phải đọc phải viết bằng tiếng Anh, phải suy nghĩ bằng tiếng Anh, phải nằm mơ thấy nói tiếng Anh, tiếng Anh 24 trên 24 bảy ngày một tuần. Ai mà chẳng biết thế nhưng mình đang ở Việt Nam đào đâu ra những điều kiện nghe thì dễ mà làm không phải dễ này?

Nếu bạn phải học để thi TOEFL và SAT thì bạn biết là những cuốn sách dạy luyện thi này có một danh sách ngữ vựng toàn là những chữ khó ít dùng. Thật ra chúng không khó lắm và cũng thường xuất hiện trên báo chí cũng như đài tin tức. Tuy nhiên học ngữ vựng thì thật là chán. Bạn học thuộc lòng mười chữ thì hôm sau chắc quên cũng bảy tám chữ. Tôi thấy khi đọc báo gặp những chữ này để ý tìm nghĩa của nó rồi tự đặt câu với chữ mới học thì sẽ nhớ lâu hơn. Nói nghe thì dễ nhưng mình còn phải học nhiều môn đâu có thì giờ mà làm. Biết thế nhưng no pain, no gain.

Hồi còn đi học thầy giáo bắt chúng tôi mỗi ngày đọc báo New York Times. Nếu đọc báo thấy khô khan bạn có thể đọc bất cứ những gì bạn thích như truyện trinh thám hay truyện bằng tranh. Nếu bạn yêu thích thời trang, du lịch, thể thao thì nên đọc về những bộ môn này bởi vì khi thích thì sẽ thấy hứng thú chú ý dễ dàng hơn. Khi có được một số ngữ vựng rồi bạn có thể đọc lướt, không dùng tự điển tìm nghĩa từng chữ mà hãy đoán nghĩa của chữ trong câu. Cẩn thận vì nếu đoán sai có thể hiểu sai nghĩa của bài văn. Chỉ nên đoán nếu đọc những gì giải trí chứ không nên đoán nhiều chữ quá nếu là bài học. Còn một cách để học từ tiếng Anh là dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt và từ tiếng Việt ra tiếng Anh. Theo tôi đây là cách học thú vị nhất. Tất cả những tờ báo danh tiếng như The New York Times hay Wall Street Journal đều có xuất bản hằng ngày trên mạng và tôi hy vọng các tờ báo này không bị tường lửa để bạn có thể vào đọc dễ dàng. Nếu bạn thích thơ truyện ngắn tiểu luận thì có tờ báo The New Yorker. Trang báo VOA có mục Anh ngữ rất hay ngày nào tôi cũng đọc. Những tờ báo thích hợp cho những người đang học tiếng Anh là tờ Reader’s Digest và National Geographic Magazine. Tôi yêu tờ Reader’s Digest lắm vì cách viết đơn giản trong sáng dễ hiểu và mỗi kỳ đều có một danh sách ngữ vựng chừng 15 chữ khó có giải nghĩa cũng như cách áp dụng.

Bạn cũng nên tập nghe tin tức bằng tiếng Anh, nếu thấy tin tức khô khan thì nghe nhạc, xem phim, xem truyền hình bằng tiếng Anh. Với tôi nghe tiếng Anh qua một bài hát rất khó vì thế nếu tôi nghe một bài hát nhạc hay tôi thường tìm trên mạng lyrics của nó để hiểu. Tôi rất chán nghe tin tức nên lúc mới học tiếng Anh tôi thường thích xem những màn hài kịch giải trí trên Tivi. Một trong những chương trình rất thịnh hành với những người học Anh ngữ thời chúng tôi là chương trình Three’s Company. The New Yorker hay có những bài phỏng vấn các tác giả nổi tiếng rất thú vị bạn có thể nghe cho vui. Mới hôm qua hôm kia tôi nghe bài phỏng vấn Ray Rubin người chuyên dịch truyện của Murakami. Ông Rubin bảo là chúng ta không nên đọc truyện dịch bởi vì truyện dịch đã bị lọc qua bộ óc của dịch giả rồi. Học một thứ ngôn ngữ đã khó muốn chết nếu mà nói như ông thì hễ muốn đọc văn học Nhật Bản là phải học tiếng Nhật muốn đọc văn học Tây Ban Nha phải học tiếng Tây Ban Nha, và rồi Pháp và Ý và Đức…. Học nhiều quá chắc điên mất. Tuy nhiên, tôi hy vọng một ngày nào đó người Việt không cần dịch giả dịch tiếng Anh qua tiếng Việt nữa vì ai cũng có thể đọc tiếng Anh thông thạo như tiếng Việt. Vì tiếng Anh thông dụng hầu như khắp nơi trên thế giới nếu bạn có thể đọc thông thạo tiếng Anh là bạn có thể đọc nhiều tài liệu hữu ích vì nếu đó là tài liệu có giá trị chắc chắn nó sẽ được dịch sang tiếng Anh.

Nói tiếng Anh để trở thành một phản xạ ai hỏi mình đáp ứng liền là điều ai cũng mong muốn nhưng không phải là chuyện dễ thực hiện. Điều đầu tiên là mình phải có người để mình tập nói, tập trao đổi ý kiến. Ông thầy dạy ESL của tôi là một người gốc Ý. Ông rất trẻ và thường cột cái bandana trên đầu trông ông giống như một  hippie. Ông thường ra đề tài cho chúng tôi bắt phải chuẩn bị trước những điều mình muốn hỏi và học sinh tập hỏi đáp với nhau. Ông cho mỗi người chúng tôi được năm phút nói chuyện tay đôi với ông về những đề tài mà chúng tôi đã học trong bài như thời tiết, đi chơi vùng quê, v.v… Bạn có thể tìm một người đang học Anh ngữ giống như bạn một tuần gặp nhau một đôi lần chừng nửa giờ chỉ nói bằng tiếng Anh. Ông Tolstoi trong truyện Anna Karenina có cho nhân vật của ông phải nói tiếng Pháp một ngày trong tuần. Ở VN về nhà mà nói tiếng Anh kiểu đó có thể bị mắng là chảnh vì thế nên tập nói ở chỗ nào mà không bị ai chi phối. Bạn cũng có thể mở cái blog viết tiếng Anh. Mỗi ngày viết nửa trang thôi. Cố gắng viết cho đúng văn phạm rồi từ từ sẽ quen và viết hay hơn. Hay bạn có thể tìm một người pen pal chỉ viết tiếng Anh với nhau thôi.

Tôi vẫn còn là người đang học nên hy vọng bạn không nghĩ là tôi dạy đời. Chỉ là những suy nghĩ nếu bạn thấy có lý và có thể áp dụng được thì làm còn nếu bạn có cách nào thích hợp thì nên làm theo ý của mình. Học là một cuộc hành trình lâu dài, mỗi ngày mình bước vài bước nho nhỏ thì vẫn tốt hơn là dậm chân một chỗ.

6 thoughts on “Một vài mẹo vặt”

Leave a comment