Bài diễn văn nhiệm màu: Thơ của Tomas Tranströmer – Teju Cole

Hai sự thật tiến đến gần nhau.
Một đến từ bên trong, cái kia từ bên ngoài,
và nơi chúng gặp nhau chúng ta có cơ hội nhìn thấy bóng dáng của chúng ta.
(Từ “Pleludes” Phần Mở Đầu).

T
omas, người được trao giải Nobel Văn chương năm nay, đã nhiều năm là một trong những nơi trú ẩn của tôi. Các quyển thơ của ông đặt trên kệ không bao giờ bị bỏ quên lâu ngày. Tôi hướng về ông mỗi khi tôi muốn được tiến đến, càng gần càng tốt, những điều không thể nói. Thập niên vừa qua đầy những năm đen tối, và tôi vẫn tiếp tục tìm về với các nhà thơ. Họ chăm nom tôi và, dùng một câu của Tranströmer, tôi sống nhờ vào sữa đánh cắp từ vũ trụ của họ. Tôi đọc Walcott, Bishop, Ondaatje, Szymborska, Bonta, và cả chục thi sĩ xuất sắc khác, nhưng trên tất cả tôi đọc Heaney và Tranströmer, hai người, bằng hai cách khác nhau, đã kết hợp những vấn đề trọng đại nhất với kinh nghiệm cá nhân.

Đọc Tranströmer – thời điểm thích hợp nhất là vào ban đêm, trong im lặng, và một mình – là buông thả theo những điều nằm bên ngoài lẽ tự nhiên. Đó là trèo ra khỏi giường và lắng nghe ngôi nhà nói chuyện gì và ngọn gió trả lời như thế nào. Mỗi độc giả đọc ông xem đó là một bí mật cá nhân. Vì lý do này, không khỏi lạ lùng khi nhìn thấy một ông tổ sư của sự cô độc lại được chào mừng ồn ào trên đường phố hay là chủ đề thời thượng trên Twitter và có sách bán chạy nhất trên Amazon. Ông thường trú ngụ trong những lãnh vực yên tĩnh hơn.

Thơ của Tranströmer chịu ảnh hưởng truyền thống Nhật Bản và khởi đầu sự nghiệp ông đã làm thơ haiku. Đọc ông, độc giả cũng liên tưởng đến các nhà thơ Hoa Kỳ như Charles Simic (khuynh hướng siêu thực) và Jim Harrison, Gary Snyder, và W. S. Merwin (vì cách nói đơn giản và sự thông tuệ như công án Thiền). Nhưng Tranströmer có cách mê hoặc riêng, những thí dụ mãnh liệt nhất đến trong tư tưởng tôi là âm nhạc của Arvo Pärt và những tấm ảnh chụp của Saul Leiter. 

Tôi bơi ra ngoài trong cơn mê muội
trên nước đen lấp lánh
Tiếng kèn tu ba đều đặn trôi vào
Đó là giọng người bạn: “Nhận huyệt mộ của bạn và bước đi.”
(Từ “Two Cities”
Hai Thành Phố)

Thơ của ông chứa đựng sự đơn giản rất minh bạch; nó bành trướng cho đến khi nó đẩy cái bản ngã của bạn ra khỏi tổ ấm, và chỉ còn bạn, một mình với Sự Thật. Trong thơ của Tranströmer, bạn chiếm chỗ không gian một cách khác biệt; thân thể trở nên vật thể, tư tưởng trôi nổi, đồ vật có đời riêng và kể cả những thứ không phải là vật thể, ngay cả quan niệm, đều có sự sống. Hồi ký của ông, “Ký Ức Ngắm Nhìn Tôi,” tạo cảm hứng cho tôi đặt tên cột báo hằng tuần tôi phụ trách cho tờ báo Nigeria NEXT (trong những năm có cột báo của tôi) “Chữ Nghĩa Theo Tôi.” Có rất nhiều thứ đi theo trong thơ của Tranströmer, ngắm nhìn nhiều, từ xa và ở gần, cây cối, quá khứ, nhà cửa, khoảng cách, cơn yên lặng, và ruộng đồng, tất cả đều đảm nhiệm vai trò người quan sát. Có rất nhiều giấc mơ.

Tôi mơ tôi đã phác họa những phím đàn dương cầm
trên bàn trong bếp. Tôi nhấn phím đàn, không âm thanh.
Láng giềng đến xem. (Từ “Grief Gondola #2” Gondola Đau Buồn số 2) 

Thơ của Tranströmer được phiên dịch sang Anh ngữ rất nhiều (ngay cả khi không được phiên dịch, cho đến tuần này, là sách bán chạy nhất), có nhiều bản dịch khác nhau do nhiều dịch giả như May Swenson, Robin Fulton, Robin Robertson và nhiều người khác. Quyển thơ tôi thích nhất là “The Half-Finished Heaven (Thiên Đàng Dang Dở),” một tuyển tập do Robert Bly phiên dịch. Ngôn ngữ của Bly trong sáng và trực tiếp đến độ dường như đốt giai đoạn phiên dịch. Đây là tuyển tập tôi thường đọc nhất trong những năm kinh hoàng dưới thời Bush và Cheney, mặc dù là vào khoảng thời gian ấy, lòng tin vào Thượng Đế của tôi cũng phai mờ, tôi cảm thấy tôi cần, giữ vững niềm tin trong một đám nhân chứng. Tôi đã lạc lối rời xa giáo điều tôn giáo, nhưng cơn đói thèm một bài diễn văn nhiệm màu chưa nguôi ngoai. Những bài thơ huyền bí của Tranströmer, bay vần vũ ở bên cạnh bờ vực của những điều không thể nói thành lời, gặp tôi ngay ở điểm chính của nhu cầu. 

Tôi mở cánh cửa đầu tiên.
Phòng rộng đầy ánh sáng mặt trời.
Xe nặng nề chạy bên ngoài làm đĩa bát run rẩy.

Tôi mở cánh cửa thứ hai. Bạn bè!
Bạn uống chút bóng tối và trở nên hữu hình.

Cánh cửa thứ ba.
Căn phòng khách sạn nhỏ hẹp.
Nhìn ra ngõ hẽm.
Ngọn đèn chiếu sáng mặt
nhựa đường. Kinh nghiệm, chất phế thải của nó đẹp.
(Từ “Elegy”
Điếu Ca).
 

Và, tác phẩm “The Scattered Congregation, Giáo Đoàn Tản Mác” gồm có năm phần ngắn, có những dòng thơ này: 

Chúng tôi chuẩn bị khoe ngôi nhà.
Người khách nghĩ: bạn sống sung sướng.
Xóm tồi tàn phải nằm trong lòng bạn.

Nicodemus,
kẻ mộng du đang trên đường đi đến Địa chỉ.
Ai giữ Địa chỉ ấy? Không biết. Nhưng
đó là nơi chúng ta sẽ đến.

Trong nhiều bài thơ có một sự bất lực, cảm giác bị cái gì đó lôi cuốn đi mà không thể kháng cự và cũng không nhìn thấy. Thơ ông có những nhận định về xã hội rất chua chát, cảm giác công lý bị thương tích (“khu tồi tàn phải nằm trong lòng bạn” – nhiều năm Tranströmer là chuyên gia tâm lý ở một cơ quan dành cho trẻ vị thành niên phạm pháp). Trong thơ ông cũng có vẻ bất động không thể phân biệt được với một tốc độ tuyệt nhanh, tương tự âm nhạc của Arvo Pärt có thể cùng một lúc vừa nhanh vừa chậm. Cũng may là tôi không biết hỗ thẹn về chuyện bị ảnh hưởng, bởi vì tôi nhận ra có rất nhiều quan niệm của Tranströmer tôi đã “gói” trong các tác phẩm của tôi. Khi tôi được hỏi điều gì tôi yêu thích nhất về New York, tôi thường trả lời bằng một câu ngắn lấy từ trong “Schubertiana”: 

Bên ngoài thành phố New York,
ở một chỗ trên cao nơi cái nhìn thoáng qua

bạn thu vào những ngôi nhà nơi tám triệu người đang sống. 

Những hình ảnh mà Tranströmer dùng để làm phong phú thơ của ông làm tôi nghĩ đến khái niệm “acheiropoieta,” “nghệ thuật sáng tạo không dùng tay; trong nghệ thuật Byzantine, những hình ảnh được tạo ra mà không dùng tay là những hình ảnh người ta cho là chúng tự biến thành vật thể mà không do họa sĩ vẽ nên. Tấm mạng Turin và tấm mạng Veronica là những thí dụ nổi tiếng nhất. Những hình ảnh này được ghi nhận bởi cách tiếp xúc trực tiếp, và chúng thường là hình ảnh Gương Mặt của Chúa. (Albrecht Dürer, trong thái độ thiếu khiêm tốn của ông, đã gián tiếp dùng những phương pháp này khi ông ta vẽ điên cuồng chính diện thân thể trần truồng của ông vào năm 1500.) Tôi có cảm giác cách dùng hình ảnh của Tranströmer cũng giống như thế, và giống như cách in từ phim chụp ảnh mặt phụ (negative) hay mặt chính (positive). Không có chứng cớ cụ thể; mà thay vào đó là cái cảm giác của sự đến bất thình lình của vật đã hiện diện sẵn, như trường hợp con cá voi trồi lên để thở: khổng lồ, hân hoan, và mau kết thúc.

Sự thỏa mãn, thú vui, cảm giác dễ chịu người ta nhận được từ những bài thơ này ở chỗ chúng nó dường như đã hiện diện trước chúng ta. Hoặc có lẽ, nói một cách khác, sự nhiệm mầu nằm trong khả năng chúng có thể trình bày các khía cạnh của cuộc đời của chúng ta đã lâu năm bị chôn vùi dưới phong cách cá nhân, văn hóa, và ngôn ngữ. Những bài thơ nhớ đến chúng ta và, nếu chúng ta tuyệt đối giữ yên tĩnh, sẽ cho chúng ta cơ hội nhìn thấy bóng dáng của chúng ta. 

Teju Cole: Nhà văn, sử gia nghệ thuật, nhiếp ảnh viên trên phố. Sinh ra ở Hoa Kỳ năm 1975, cha mẹ là  người Nigeria, sống ở Brooklyn, tác giả của hai tiểu thuyết, tiểu thuyết ngắn Every Day is for the Thief (Mỗi Ngày Là Một Kẻ Cắp), và một tiểu thuyết dài là Open City (Thành phố Mở). Cộng tác viên của Qarrtsiluni, Chimurenga, the New Yorker, Transition, Tin House, etc. Hiện đang viết một quyển ký về Lagos và Small Faté (Định Mệnh Nhỏ Bé). Giáo Sư ở Bard College (Khóa mùa Xuân 2012). 

http://www.newyorker.com/online/blogs/books/2011/10/miracle-speech-tomas-transtromer-nobel-prize.html#ixzz1a2XAMAzS

Leave a Reply

Please log in using one of these methods to post your comment:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s